Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Đàn chó 'vái lạy' xin tôi cứu mạng

Đàn chó 'vái lạy' xin tôi cứu mạng
Bao Anh Thai: Lang thang trên mạng chợt gặp một bài của Huyền Chip nói về ăn thịt chó. Có ý kiến khen, có ý kiến chê chuyện cô ấy nói. Mà những điều cô ấy nói có thể rút gọn trong câu này: "Những nền văn hoá khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả".
 
Chó bị nhốt trong những điều kiện chật chội kinh khủng. 
Hồi 2000, tôi mất một chú cho Bec-giê. Vì nuôi lâu nên chú chó như người trong nhà. Tôi cùng cậu bạn thân lặn lội khắp các lò trộm chó của Hà Nội - từ ngã Tư Sở tới làng Hoàng Mai, sục sạo cả vào lò trộm chó ở Nhổn.

Sau một tháng đi tìm thì tôi cũng tìm được một tay "trùm" trộm và hắn tìm hiểu về số phận chú chó của tôi theo thời gian mất, khu vực mất và đặc điểm chó. Với các thông tin đó, tôi đoán hắn tìm được tên trộm bắt chó của mình. Sau khi nhận tiền, hắn báo cho tôi biết là vì chó của tôi là chó Béc-giê lớn nên lũ trộm khi bắt đã dùng gậy có thòng lọng siết cổ, rồi dùng xe máy kéo đến khi nó không thở được nữa. Khi mang về lò trộm thì chó của tôi đã chết. Do đó, lũ trộm chó đã bán lên Nhật Tân.

Thời gian đi tìm chó, tôi đã vào rất nhiều lò trộm chó - nơi nhốt hàng trăm con bị bắt từ nhiều chỗ khác nhau, có một điều làm tôi sửng sốt. Điều kiện nhốt chó chật chội kinh khủng. Có những lồng chó rất bé bị nhồi nhét hàng chục con. Chúng nằm đè lên nhau, vì đáy chuồng bằng các thanh sắt rất thưa nên nhiều chú chó bị đè dưới cùng bị tụt cả bốn chân xuống các khe đó.

Các thanh sắt thường rỉ sét nên các chú chó một khi đã bị thụt chân xuống khe sắt thì da ở bốn cẳng chân bị bong hết, chảy máu và nhiều khi bị cọ vào thanh sắt sàn rách thịt vào đến tận xương. Những con chó đó cuối cùng sẽ chết vì nhiễm trùng hoặc đau đớn nếu như chúng chưa bị thịt trước đó.

Điều kinh khủng hơn là những con chó bị nhốt đó nhận biết được ai là người yêu chó và ai là bọn trộm. Khi tôi đi vào khu chuồng, bọn chó nhìn nem nép tay trộm chó đi trước. Thế nhưng khi tôi ngó vào chuồng thì một con đưa hai chân trước lên như vái tôi và khóc (ai nuôi chó thì sẽ biết chó cũng khóc).

Thế rồi hàng chục con khác bắt chiếc theo khóc thút thít hoặc khóc không thành tiếng, đưa chân "vái lạy" tôi. Kể cả những con mà hai chân đã bị kẹt cứng giữa các thanh sắt cũng cố lết đến bên cửa sổ mà thò mũi ra khụt khịt.


Tất cả các chú chó đó biết tôi là một người chủ đang đi tìm chó của mình. Chúng nó biết rằng tôi không phải là chủ của chúng nó, nhưng một kẻ không ăn thịt chó ở trong hoàn cảnh đó đều có thể là cứu tinh đối với chúng nó. Mỗi con chó ở đó, tôi đoán đều có một gia đình, đều có ai ở đâu đó đang mong chờ nó.

Tôi không ăn thịt chó, tôi cũng không lên án những người ăn thịt chó. Tôi không nhân cách hoá một con chó để nói rằng chó là bạn người, thì sẽ là man rợ nếu ăn bạn mình.

Điều tôi muốn nói là, mỗi khi chúng ta ăn một miếng thịt chó, chúng ta đừng nghĩ tới chú chó bị thịt, mà hãy nghĩ về những con người - đồng loại với chúng ta - đang buồn đau vì chú chó bị mất.

Hỏi rằng sự đau buồn của những người mất chó lớn không? Câu trả lời là rất lớn - lớn đến mức mà một đám đông những người đau khổ đó có thể đánh chết 1-2 kẻ ăn trộm chó - hệt như những kẻ đó đánh chết chó của họ vậy. Chỉ cần tra chữ "đánh chết trộm chó" thì các bạn sẽ có đầy các thông tin về chuyện đó.

Điều tôi nói là miếng thịt chó cũng ngon, và bạn có quyền ăn nó nếu bạn cho rằng những tình cảm của những người khác (già có, trung tuổi có, nhưng đặc biệt là trẻ em, những người thực sự yêu chó như yêu một người bạn) đối với miếng thịt trên đũa của bạn không quan trọng thì hãy cứ tiếp tục ăn.

Huyền Chip nói "Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt cho đến tận khi loài người kết thúc." Nếu chỉ thấy đó là miếng thịt mà thôi, thì đúng là cho tới tận khi loài người biến mất, chúng ta không tiến hoá - vì chúng ta vẫn chỉ là loài ăn thịt.

Điều khiến chúng ta khác với muông thú là đâu đó trong lịch sử loài người trong thời kỳ đồ đá, chúng ta phát hiện ra rằng một cá thể con người, ngoài giá trị là thịt để ăn ra, còn có tâm hồn nữa. Đó là lý do người cổ đại đã từ bỏ ăn thịt đồng loại (dù 1,5 triệu năm nữa, thịt người theo nghĩa đen cũng vẫn là thịt một loại động vật mà thôi).

Vào những năm 1960 thế giới văn minh phát hiện ra một bộ tộc ăn thịt người ở Papua New Guinea. Những người của bộ tộc này không bị xử tội hình sự vì thế giới văn minh hiểu là đối với họ, con người cũng chỉ là một con vật có thể bị thịt. Đó là lý do không có bất kỳ một hành động lên án hay cưỡng chế của thế giới văn minh nào đối với những người thuộc bộ tộc đó.

Do đó, những người không ăn thịt chó cũng không có quyền lên án những người ăn. Những người ăn thịt chó cũng có quyền cho rằng họ chỉ đang ăn một loại thịt như các loại thịt khác.

Nhưng điều khác nhau là, khi ăn thịt chó ở Việt Nam, các bạn nên biết rằng khả năng rất lớn là bạn đang ăn thú cưng của một gia đình nào đó và có một đứa trẻ đâu đó đang khóc vì miếng thịt trên đũa của bạn.

Sau khi đã nghĩ về điều đó mà bạn vẫn thấy miếng thịt thật ngon lành thì cũng không sao - cứ ăn và yên tâm là chẳng ai có quyền lên án bạn. Nếu bộ tộc ăn thịt người ở New Guinea không bị truy tố vì cách sống truyền thống của họ thì với truyền thống vài nghìn năm ăn thịt chó của Việt Nam, bạn yên tâm là không ai có quyền lên án bạn chỉ bởi vì tình cảm của một người xa lạ không đủ để thuyết phục bạn bằng mùi thơm của miếng thịt nướng trên tay.

>> Xem thêm: Huyền Chip về việc ăn thịt chó của người Việt
Bao Anh Thai
http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/dan-cho-vai-lay-xin-toi-cuu-mang-2979602.html

Mình đồng ý với quan điểm của Huyền Chip về việc ăn thịt chó của người Việt

Là người Việt Nam, khi đi chơi với bạn bè nước ngoài, tôi rất hay được hỏi câu: “Có phải người Việt Nam ăn chó thật không?”

Khi tôi khẳng định thông tin đó là chính xác, phản ứng của mọi người rất khác nhau: từ việc lẳng lặng ôm chó chạy thật xa ra khỏi tôi đến việc năn nỉ xin tôi bắt trộm chó người yêu cũ làm một bữa thịt cầy ăn thử. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là ba loại phản ứng sau:

Phản ứng 1 (sợ hãi): “Eo ôi sao người Việt Nam thật là man rợ.”

Phản ứng 2 (tò mò): “Có phải người Việt Nam nghèo quá không có gì ăn mới phải ăn chó không?”

Phản ứng 3 (thích thú): “Hay thế. Hôm nào mình phải sang Việt Nam ăn thử mới được.”

Những người tôi thích nhất thường là những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 3.

Đó là những người nhận ra rằng văn hoá là khác biệt và họ luôn sẵn lòng thử những cái mới.

Những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 2 có thể không phải là những người cập nhật nhất về tình hình thế giới (họ cùng là những người đi du lịch sang châu Phi với ba lô đầy đồ ăn vì sợ ở châu Phi sẽ bị chết đói), nhưng ít nhất họ cũng cố gắng tìm hiểu lý do và cảm thông trước khi đánh giá.

Thái độ của tôi với những người thuộc nhóm đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mình lúc đó. Nếu tôi đang rất vui, nhiều khả năng tôi sẽ giả vờ như không nghe không thấy họ. Nhưng nếu tôi đang chán vì không có việc gì để làm, tôi sẽ cao hứng lên cãi nhau với họ.

Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó vì không thích vị của nó hay sợ béo, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Cuộc tranh luận với những người này thường diễn ra như sau:

- Tại sao bạn ăn thịt gà mà lại không ăn thịt chó?

- Bởi vì gà không chịu đau nhiều khi ta giết nó.

- Hừ? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu có đơn vị cân đo đong đếm cho đau đớn vậy? Vậy gà chịu đau bao nhiêu khi bị giết và chó chịu đau bao nhiêu khi bị giết? Nói như vậy, việc giết gà hay giết chó là bình thường nếu như ta cho chúng một liều thuốc tê trước khi giết để chúng không chịu đau đớn gì?

- Nhưng gà không thông minh như chó. Nó không biết nhiều như chó nên sẽ không cảm nhận được nhiều như vậy.

- Có nghĩa là nếu chúng ta giết một người trí óc không được phát triển thì tội chúng ta sẽ nhẹ hơn khi giết một người đầu óc bình thường?

- Nhưng chúng ta giữ chó ở nhà. Chó là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể ăn bạn của chúng ta.

- Được rồi, em trai tôi có nuôi một con gà cưng. Nó yêu con gà đó lắm, nhưng nó không lên án ai về việc ăn gà cả. Ai yêu chó thì đó là việc của họ. Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được.

Những nền văn hoá khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả.

Chúng ta tin rằng mọi động vật đều có quyền bình đẳng trước bàn nhậu. Chẹp, giờ mình nói như thể một tay đồ tể giết động vật không ghê tay ý nhỉ. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn chó hay không.

Đồng ý với bạn rằng sẽ thật khó để hình dung ra cảnh những chú chó đáng yêu như thế bị mang ra dội nước sôi làm thịt. Tôi không thích việc những con chó bị giết. Tôi cũng không thích việc những con gà, con lợn hay thậm chí con tôm, con cá bị giết.

Khi tôi nhìn thấy cách người ta giết gà ở Ấn Độ, tôi đã quyết định rằng mình sẽ ăn chay.

Tôi bỏ cuộc sau đó một người. Con người là một loài động vật ăn tạp.

Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt cho đến tận khi loài người kết thúc.

Chân thành xin lỗi các chú chó, chú mèo, chú lợn, chú vịt, chú cá, chú tôm, chú tép, …

Huyền Chíp 

2 nhận xét:

  1. Con chó là loài vật thông minh chỉ sau con nguời và trung thành với chủ, không biết tham ô, nịnh bợ. Con của chủ nhà iả ra một đống phân,bảo con cho ăn nó cũng ăn. ..Không thể nhìn con chó gống như con gà, con cá ..đuợc. Tàn bạo như Hitler khi giết dân do thái cũng cho họ chết không đau đớn, không như nền văn hoá giết chó việt nam.

    Trả lờiXóa
  2. Hãy nhìn và quan sát cho kỹ, lòng trung thành của chó vượt xa con người. Chó không bỏ chủ nghèo để chạy sang chủ giàu. Đem một con chó về nuôi khác xa với nuôi một người. Chó không phản bao giờ nhưng con người "không phản không phải là người". Đem hắn về, hắn lấy tất cả rồi hắn đi. Đó là bản chất của con người mà người ta cho là "trí thông minh". Kết luận, có những con người mà giá trị không bằng con chó. Tôi không khỏi đau lòng khi so sánh như vậy, nhưng suy nghĩ cho cùng, giá trị nào dành cho con người khi họ sẵn sàng sát hại tôi ?

    Trả lờiXóa