Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Xã hội dân sự đang mở rộng hay thu hẹp ở Việt Nam?

Xã hội dân sự đang mở rộng hay thu hẹp ở Việt Nam?
Nếu nhìn về xu thế phát triển, dù có lúc lên lúc xuống, nhưng trong 10 năm qua không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân bày tỏ ý kiến của mình. Xã hội dân sự ở đây được hiểu đơn giản bao gồm các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước (NGO), các tổ chức cộng đồng hoặc cá nhân hoạt động tự do, và các diễn đàn trên internet.

Ảnh: lễ trao giải báo chí "đồng hành cùng phát triển" cho các nhà báo viết hay nhất về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (nguồn: iSEE)

Minh chứng cụ thể cho sự phát triển này là ngày càng có nhiều các tổ chức xã hội dân sự được khởi xướng và hoạt động độc lập như “Cơm có thịt”, “Mạng lưới ung thư vú BCN” hoặc các nhóm thanh niên làm về môi trường, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, etc. Họ thực sự tạo ra một không gian mới để người dân tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội không cần sự cho phép của nhà nước. Các tổ chức phi chính phủ trong những năm vừa qua cũng bắt đầu có những thay đổi về chất trong hoạt động của mình. Hoạt động nghiên cứu, vận động quyền con người, phản hồi chính sách của nhà nước ngày càng rõ nét hơn. Điển hình cho quá trình này là việc các tổ chức NGO góp ý cho Hiến pháp Việt Nam, Luật đất đai sửa đổi, lần đầu tiên viết báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam trong tiến trình Kiểm định định kỳ nhân quyền (UPR), vận động quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) đã tạo ra những thay đổi trong xã hội và luật pháp Việt Nam.

Nhưng có lẽ, sự mở rộng không gian dân sự lớn nhất, mạnh nhất là các diễn đàn trực tuyến do sự phát triển bùng nổ của internet mang lại, đặc biệt nhờ các mạng xã hội như facebook hay các blog cá nhân. Nhiều trang mạng như Quê Choa, Diễn đàn xã hội dân sự, hay Triết học đường phố có số lượng độc giả truy cập thường xuyên rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều bloger có những trang mạng cá nhân hay nhóm cá nhân với số lượng người theo dõi lên đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người như Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, Tôi đồng ý, hay Robbey. Các trang Google hay Youtube đã tạo điều kiện cho các nhóm công dân như BB&BG, Jvevermind hay đơn giản là cá nhân tạo ra những sản phẩm truyền thông có hàng triệu lượt truy cập. Dù loại thông tin và độc giả khác nhau, nhưng các trang mạng cá nhân, diễn đàn hay sản phẩm truyền thông trên mạng đã tạo ra một không gian thông tin tự do chưa từng có ở Việt Nam. Nó tạo điều kiện cho người dân nêu quan điểm độc lập của mình, gây sức ép lên báo chí chính thống do nhà nước quản lý.

Có nhiều yếu tố khác nhau tạo ra sự phát triển nhanh chóng của xã hội dân sự Việt Nam trong thời gian qua nhưng phải kể đến ba yếu tố chính sau. Thứ nhất, đó là sự phát triển của kinh tế và xã hội đã tạo điều kiện để nhiều người sống và hoạt động độc lập. Họ có nhu cầu trao đổi, giao lưu và chia sẻ thông tin dẫn đến sự tạo lập các không gian dân sự ngoài nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình và cộng đồng. Thứ hai đó là công nghệ, đặc biệt sự phát triển của internet và các mạng xã hội như facebook, blog và điện thoại thông minh đã cho phép người dân kết nối dễ dàng hơn. Công nghệ đã giúp cho việc tìm những người cùng chí hướng, cùng mối quan tâm được thực hiện dễ dàng hơn và nhanh hơn. Thứ ba, đó là ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị của Việt nam. Nhiều người hiểu và muốn hành động vì công lý, quyền của mình, có trách nhiệm tham gia vào quản trị đất nước, giải quyết các vấn đề chung, và bảo vệ quyền của người thiểu số, thiệt thòi.

Không phủ nhận vai trò của nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế, nhưng vai trò của họ chỉ là thứ yếu hoặc gián tiếp trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự. Về nhà nước, có hai việc họ làm được. Một là tạo khung pháp lý, dù chưa hoàn thiện cho các tổ chức phi chính phủ đăng ký và hoạt động. Thứ hai, đó là tăng dần sự lắng nghe những phản biện chính sách, và “chịu đựng” những tiếng nói trái chiều của người dân, đặc biệt trên internet chứ không “đóng cửa” và “cấm đoán” thô bạo. Đây chính là những điều kiện giúp cho xã hội dân sự phát triển hơn. Còn đối với các nhà tài trợ quốc tế và các nước đối tác, họ đã hỗ trợ cho sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong nước, tạo kênh để các tổ chức phi chính phủ tham gia đối thoại chính sách, hội thảo, và tọa đàm chính thức với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, họ cũng vận động và hỗ trợ chính phủ Việt Nam tôn trọng và thực thi các công ước quốc tế, tạo chuẩn mực quốc tế cho sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

Có lẽ, một trong những cản trở lớn cho sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam đó là sự thiếu vắng Luật về hội. Dù có người cho rằng “không có luật về hội còn tốt hơn có một luật về hội tồi” nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải có một Luật về hội. Thứ nhất, đó là quyền của người dân được quy đinh trong Hiến pháp. Thứ hai, nó tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động minh bạch và được công chúng thừa nhận. Thứ ba, nó giúp xã hội dân sự hoạt động có tổ chức hơn, có chất lượng hơn, và ở vị trí bình đẳng với nhà nước và thị trường. Chất lượng Luật tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào quá trình vận động của các chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, và thậm chí của các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, bản thân quá trình trình thảo luận xã hội về quyền lập hội cũng là cơ hội nâng cao ý thức của người dân về quyền của mình, nâng cao nhận thức của nhà nước về nhu cầu của Việt Nam có xã hội dân sự mạnh, và điều này cần thiết cho sự phát triển của xã hội dân sự.

Như vậy, quá trình phát triển của xã hội dân sự Việt Nam trong những năm qua là ấn tượng. Nó được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu nội tại của xã hội Việt Nam, và bởi những con người và tổ chức dân sự cụ thể, ngày đêm tìm kiếm nguồn lực, mở rộng hợp tác và thực thi các hoạt động có ích cho người dân. Nó là một quá trình không thể đảo ngược, nhưng nhanh hay chậm, hữu ích nhiều hay hữu ích ít, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khung luật pháp mà Việt Nam sẽ phải xây dựng để bảo vệ tự do của người dân, đặc biệt quyền tự do hội họp (luật về hội) và quyền tự do tiếp cận thông tin (luật tiếp cận thông tin) sau khi hiến pháp đã được thông qua.

Bình Lê (Diễn Ngôn)

 
Posting as Tran Mai Lai (Not you?)
  • Binh Le ·  ·  Top Commenter · Princeton University · 382 subscribers
    Nhiều người cho rằng xã hội dân sự ở Việt Nam đang bị bóp nghẹt, bị kiếm soát và không phát triển, điều này có đúng vậy? Tôi lại cho rằng xã hội dân sự Việt Nam đang ngày càng phát triển và mở rộng. Câu hỏi thú vị đặt ra là cái gì đã tạo ra sự phát triển của XHDS Việt Nam? Nhà nước? các nhà tài trợ nước ngoài, hay ai khác? Những câu hỏi cần thiết phải trả lời!

    • Hoàng Đức Minh ·  ·  Top Commenter · Program Director at Raising Awareness on Environment and Climate change Program · 1,415 subscribers
      Theo em là vì chúng ta đang mở rộng, rộng đến mức chạm vào giới hạn của luật pháp và chính sách nên mới có cảm giác mình đang bị bót nghẹt ạ
    • Linh Ho · Works at VUSTA
      Theo em thì XHDS vẫn mở rộng và phát triển nhưng việc quản lý thì đang thắt chặt lại. XHDS phát triển do nhu cầu tự thân nhưng nhanh hay chậm lại do Nhà nước hay nhà tài trợ nước ngoài kìm kẹp hay thúc đẩy.
  • Son Pham ·  ·  Top Commenter · Ho Chi Minh City University of Social Sciences and Humanities
    Cảm ơn anh Bình đã có một bài tổng kết rất hay về XHDS ở Việt Nam. Sơn muốn đóng góp 2 ý kiến của mình sau đây:

    1. Xét về khía cạnh phát triển của XHDS thì thật sự có một sự "mở cửa" lớn cho người dân tham gia, đặc biệt khoảng từ năm 2005 đến nay và điều đó rất đáng ghi nhận. Hồi trước, tại TP.HCM, thay vì các tổ chức phải hoạt động "lén lút", "không dám ra mặt" (mặc dù hoạt động của họ rất tốt, được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện nhưng vẫn rất e dè khi lộ mặt ra, vì tâm lý e sợ đã bị bao trùm mấy chục năm nay), nay các tổ chức này đã hoạt động rầm rộ... điều này đúng khi luật có thay đổi và việc Nhà nước nhìn nhận sự tham gia tích cực của bộ phận người dân trong tiến trình phát triển của XHDS là thấy rõ ràng.

    Tuy nhiên, quy trình này chưa phát triển đầy đủ tại TP.HCM nơi chính quyền vẫn e dè trong việc cấp giấy phép, nơi vẫn "hành chính hóa" và "chối bỏ trách nhiệm" trong việc xét hồ sơ thành lập tổ chức theo luật định. Mặc dù, luật này theo anh Bình nói thì vẫn chưa hoàn thiện. Điều này, cản trở những trở ngại gây quỹ, phát triển và chuyên nghiệp hóa của rất nhiều tổ chức ở TP.HCM (Sơn chưa dám nói đến miền Nam, vì các Tỉnh thì "cánh cửa" dân sự còn đóng im ỉm).

    Điều này đặt ra một vấn đề cho TP.HCM là "Chúng ta cần một luật về Hội hay không?" và để XHDS phát triển hơn các tổ chức NGO TP.HCM cần làm trước tiên là hoàn thiện cơ cấu tổ chức - hoạt động của mình mà không cần một giấy phép nào cả (vì con đường xin giấy phép cứ giống như đâm đầu vào tường vậy). Họ có thể tìm những giấy phép "con" thông qua chi Hội, dưới cái ô nào đó để "giải quyết" các vấn đề về tài trợ, thủ tục... nhưng hoạt động thì chẳng cần giấy phép. Ở đây, chúng ta cần một cái đầu lãnh đạo nóng hổi dám đương đầu khi Chính quyền (hay nói trắng ra là Công an) đặt vấn đề "Giấy phép đâu anh hoạt động?" hay cơ quan chính quyền đặt câu hỏi: "tổ chức của anh là ai mà làm giấy tờ tùy thân cho người này?". Và vấn đề đặt ra là: luật pháp đã đủ cho chúng ta hoạt động, vấn đề là người lãnh đạo NGO đó có dám "đối thoại" với chính quyền về việc này và thông hiểu cho họ biết mình làm gì... và thật sự thực tế chứng minh việc đó cũng dể dàng thôi.

    2. Đón nhận một luật về Hội thật sự là tốt cho tình hình Việt Nam hiện nay trong sự phát triển của XHDS và như anh Bình đã nói nó sẽ làm cân bằng quyền lực với các khối khác nhằm đem lại dân chủ và công bằng cho người dân làm tiền đề cho việc phát triển toàn diện của Việt Nam. Để chuẩn bị cho Luật này ra đời trong tương lai (gần, hy vọng thế)... việc bây giờ các tổ chức cần làm là "Làm thế nào để người dân có thiện cảm với hoạt động NGO, xem đó chính là hoạt động của họ?" và từ đó đẩy mạnh mẽ sự tham gia và thành lập các ý tưởng lớn... đây là tiền đề cho việc phát triển của XHDS hiện nay.
    • Hoang Huong ·  ·  Top Commenter · Works at Tuanvietnam.net · 1,034 subscribers
      Em nghĩ ngoài những điều như anh nói, em thấy mạng lưới dân sự có một ưu thế nữa đã và sẽ phát triển là trở thành 'đầu ra' cho những người từng được đi học nước ngoài, hoặc có những tư duy mới; đầy những tâm huyết - hoài bão và kiến thức mới về việc xây dựng đóng góp vào việc phát triển xã hội. Nhưng những tâm huyết đó khó có đất trong một hệ thống lớn, cần thời gian rất lâu để thay đổi, thì không gian dân sự là lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhất, cho họ và cho những đối tượng được họ nhắm đến.
      • Tuan Tran ·  ·  Top Commenter · International Institute for Geo-Information and Earth Observation (ITC)
        Theo cách hiểu của tôi thì tại nước ta hiện nay, XHDS có thể đóng vai trò quan trọng góp phần đưa tiếng nói của người dân/cộng đồng đến được tai người cần nghe. Điểu này đỏi hỏi các tổ chức thực thị sứ mệnh này cần đảm bảo tính "chính danh" (legitimacy) của mình vì nếu không các hoạt động chỉ tạo ra tiếng ồn và không ai nghe cả. Một khi chúng ta chưa có Luật về "Tiếp cận thông tin" hay Luật về "hội" thì rất khó để chúng ta có được tính chính danh trong các hoạt động của mình
        • Huong Tran
          Đồng ý với @Bình Lê - Xã hội dân sự đang mở rộng ở Việt Nam. Lấy ví dụ là việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (hơi xa một chút) khi chỉ có một người gửi kiến nghị (đi ngược chủ trương) tới Ban soạn thảo là Giáo sư Phan Đình Diệu thì đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã có hàng ngàn người ký kiến nghị tương tự này. Ví dụ gần hơn là 5 năm trước đây, bản thân mình không nghĩ là mình có thể thảo luận về xã hội dân sự ở Việt Nam qua một diễn đàn như thế này, hay mình cũng không tưởng tượng là vấn đề LGBT được thảo luận rộng rãi như hai năm vừa qua. Theo mình, xã hội dân sự không phải do Nhà nước đẻ ra và nuôi nấng. Mình cũng không nghĩ bố mẹ đẻ của XHDS ở Vệt Nam là các nhà tài trợ nước ngoài hay cá nhân nào. Nếu thực sự cần phải có khai sinh cho XHDS Việt Nam (mà hoàn toàn không cần) thì mình nghĩ là có rất nhiều bố mẹ đỡ đầu: có cả Nhà nước, các nhà tài trợ, các cá nhân và bản thân các mầm mống của XHDS, v.v. và có cả công nghệ thông tin nữa chứ. XHDS mở rộng hay thu hẹp chủ yếu do quá trình tự thân nó phát triển ở mỗi quốc gia. Một khung pháp lý có thể thúc đẩy và cản trở phát triển XHDS nói chung, nhưng dù khung pháp lý đó cản trở sự phát triển của XHDS cũng không có nghĩa là XHDS đó đang không vận động, mở rộng và phát triển. Ngược lại cũng vậy. Xin góp vài xu!

        Không có nhận xét nào:

        Đăng nhận xét