Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Vui buồn tàu lửa Việt Nam

Thú vị khi đọc đoạn này: Trên tàu bạn có thể vừa nhẩn nha ngắm cảnh biển trời bao la, bạn có thể vừa vệ sinh xuống ngay dưới chân đường tàu mà không cần biết cái “xú uế” đó sẽ đi về đâu. Tàu chạy và nó sẽ tự biến vào không khí. Chính với cái kiểu vệ sinh hôi rình mất thẩm mỹ đó nên đã có khối hành khách bị u đầu sứt trán vì bị dân cư hai bên đường tàu phẫn nộ cho ăn đá. Vậy nên nhà tàu cho lắp thêm lưới sắt để chống “pháo kích”; chuyện bể đầu không còn xảy ra nữa nhưng bù lại hành khách như bị nhốt trong một nhà tù lưu động trên đường dài Nam-Bắc".
Mỗi lần đi tàu hỏa, nghe nói tới tàu hỏa VN, mình đều nghĩ đến câu thơ: "Con tàu Việt Nam đi mất thời gian, qua đèo Hải Vân leo lên tụt xuống...". Chẳng là hồi bao cấp, bà con ta mỗi lần vào Nam ra Bắc đều tranh thủ mang rất nhiều gạo và hàng hóa về Bắc nên tàu chở nặng, không leo dốc được, dù tại chân đèo ngành đường sắt đã bố trí thêm 1 đầu máy để đẩy hỗ trợ. Thế là bắt buộc phải rà soát tàu, bắt dân vứt bớt đồ ngoài tiêu chuẩn quy định (20kg mỗi người).


Vui buồn tàu lửa Việt Nam
Tàu lửa còn có một tên gọi khác là “tàu hỏa” nói theo kiểu “Tàu Khựa” là “hỏa xa” viết theo kiểu mấy nhà lý luận cách mạng hoành tráng là “đường sắt Việt Nam là đoàn tàu mùa Xuân.”
Hành khách đi tàu lửa ở ga Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ)
Con đường sắt này dài 2,531 km bao gồm 612 km đường nhánh và các ga chính, ga lẻ được trải dài theo từng tỉnh ly dọc theo quốc lộ 1.

Sơ khai được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1881 chạy chuyến đầu tiên ngày 20 tháng 7, 1885 từ cột cờ Thủ Thiêm đến bến xe Chợ lớn - rồi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, sau có thêm một đường sắt đặc biệt răng cưa dùng để leo núi từ Tháp Chàm-Phan Rang lên Ðà Lạt.

Ðoàn tàu Việt Nam vẫn đúng là chạy trên “đường sắt” và nó chắc chắn vẫn là “tàu lửa” vì mỗi lần nó hú còi hụ hụ lên đường phía trước, thì sau lưng vẫn là những cụm khói đen kịt và mỗi khi tàu rống lên vào ga với tiếng thắng ken két bật ra lửa sáng lòe trên từng thanh “tà vẹt” hoen rỉ, thì không sai đích thị nó là “tàu hỏa” được chạy trên... đường sắt.

Ðối với Dân Việt Nam thì tàu lửa vẫn phương tiện vận chuyển an toàn nhất so với những phương tiện xe khách khác - dù nó chạy như rùa. Sau năm 1975 vận tốc của nó là 3 ngày mới tới Hà Nội, 20 năm sau rút ngắn là 2 ngày và đầu thế kỷ 21 còn được một ngày rưỡi. Nghĩa là nhìn vào sức chạy của “Con tàu Thống Nhất” cũng có thể hình dung ra được sự phát triển của một nền kinh tế “năng động” nhất của đất nước XHCN hiện thời.

Khi mà thế giới đang chuyển lên tàu điện, tàu đệm, tàu trên không với cao tốc, siêu tốc độ thì đường sắt Việt Nam vẫn là một con tàu “mơ mộng.” Bạn có thể vừa chạy vẫn nhẩn nha ngắm cảnh biển trời bao la, bạn có thể vừa vệ sinh xuống ngay dưới chân đường tàu mà không cần biết cái “xú uế” đó sẽ đi về đâu. Tàu chạy và nó sẽ tự biến vào không khí.

Chính với cái kiểu vệ sinh hôi rình mất thẩm mỹ đó nên đã có khối hành khách bị u đầu sứt trán vì bị dân cư hai bên đường tàu phẫn nộ cho ăn đá. Vậy nên nhà tàu cho lắp thêm lưới sắt để chống “pháo kích” chuyện bể đầu không còn xảy ra nữa nhưng bù lại hành khách như bị nhốt trong một nhà tù lưu động trên đường dài Nam-Bắc.

Dù giá cả thuộc hàng cao nhất chỉ sau máy bay, 90 đô la một chiều đi thượng hạng cho khoang VIP, 30 đô la cho ghế mềm có máy lạnh, thấp hơn nữa cho ghế “cứng” - cao gấp ba lần giá của các hãng xe khách chất lượng cao, tàu hỏa vẫn là lựa chọn khôn ngoan nhất của hành khách sau hàng không đi từ Nam ra Bắc và ngược lại.

Dù dịch vụ xe khách hiện nay của đường Nam-Bắc là không thể chê, bạn có thể nằm dài trong máy lạnh và ngủ một giấc là sáng hôm sau đã đến Ðà Nẵng khi xuất bến từ Sài Gòn. Sáng hôm sau nữa là đã đến Giáp Bát-Hà Nội.

Trong phòng đợi tàu ở ga Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)

Nhưng vào những giờ cao điểm - vào những dịp trước và sau Tết thì đường sắt không đáp ứng xuể với lượng hành khách tăng vọt “khứ hồi” về quê ăn tết thì bất cứ phương tiện gì để có thể về kịp Tết và quay trở lại phía Nam để kịp làm việc vẫn là điều tối cần.

Với những người nghèo làm công ăn lương thì việc mạo hiểm phó mặc cho bác tài để có thêm vài trăm mua quà cho gia đình thì đi xe đò vẫn là cách tính kinh tế nhất và cũng vì vậy nên năm nào cũng có những nỗi buồn không thể tả được - vì có những cuộc trở về đã ra đi vĩnh viễn không bao giờ tới nhà khi những tai ương thảm khốc giáng xuống...

Viết thêm một chút để biết đi tàu hỏa vẫn là an toàn nhất, cho dù đôi khi vẫn có chuyện chết người này khác, nhưng thường những kẻ tử nạn chính là những kẻ thích đùa với nó như ngủ trên đường ray cho mát, say xỉn leo lên đường tàu vừa đi vừa hát, hay lái xe băng ngang qua đường cấm. Những cái chết lãng nhách chỉ biết được khi đoàn tàu đã chạy tới thật gần.

Hệ thống đường sắt Việt Nam cực kỳ đặc biệt vì nó nằm ngay giữa những khu dân cư, dọc theo hai bên đường tàu là nhà cửa làng xóm phố thị, cho nên việc cải thiện vận tốc cũng là một vấn đề nan giải khi luôn có những con đường tự phát băng ngang. Trâu bò người đi bộ xe hơi xe gắn máy - cứ thấy đường trống vắng là mặc nhiên lững thững đi qua đến khi hai bên phát hiện ra nhau thì đã hết đời.

Ðôi khi cũng có chuyện lật tàu nhưng hình như rất ít khi xảy ra vì với tốc độ như vậy thì cũng không có gì nghiêm trọng trừ khi nó lộn nhào xuống vực sâu hay biển cả. Nhiều lúc tàu băng ngang qua đèo núi hay chênh vênh bên biển trời xanh ngắt - tôi cũng tưởng tượng hoảng sợ chút xíu nhưng không có gì - vì nó qua rất nhanh bởi khung cảnh quá đẹp hiện lên chập chùng ngoài khung cửa.

Ði tàu lửa có cái thích là vậy, bạn có thể no nê ngắm cảnh đồng quê mây nước... mỗi lần tàu chầm chậm ghé những ga “xép” - khoảng từ 5 đến 10 phút là cảm thấy vui vui một cách lạ lùng không diễn tả được. Nhiều khi cũng bực vì nó chạy chậm như rùa nhưng thú thiệt cũng thấy hạnh phúc. Vì sự “ì ạch” đó cho ta một cảm giác xa xăm nhàn tản - bởi có một thế giới khác như phim đang chầm chậm lướt qua.

Vậy nên đường sắt Việt Nam vẫn là con đường tàu vừa chạy vừa ngủ và mơ mộng, dù vẫn phải rào kín để khỏi bị u đầu sứt trán,vẫn phải ăn uống xả rác ngay trên tàu với những tiếng rao í ới “cơm phở cháo hột vịt lộn mì gói yaout nước ngọt bia...” của ngay chính nhà tàu kinh doanh.

Với những người đi tàu lâu năm thì chuyện phải chấp nhận một vài bất tiện khi buộc phải dịch chuyển bằng phương tiện đường sắt là điều không có gì quan trọng, miễn là được đi đến nơi về đến chốn an toàn và đúng giờ cho dù nó quá chậm khi có việc cần.

Nhưng nếu không có việc gì cấp thiết phải đi nhanh thì tàu lửa vẫn là phương án lựa chọn tối ưu cho những ai thích lãng du, vì bạn sẽ không phải thót tim trên những chuyến xe bão táp chạy như bay trên những cung đường chật hẹp. Nơi có mật độ lưu thông dày đặc và cực kỳ nguy hiểm nhất nhì thế giới của cái đất nước đang “nhảy vọt lên hiện đại hóa” này.

Nguyễn Tấn Cứ
(Người Việt)

1 nhận xét:

  1. Sau khi nhà tàu chăng lứoi thép chống ném đá thì dân gian đã đổi sang phương tiện khác là ném cứt ( bò , trâu , người...) chăc tác giả chưa" được" trải qua như tôi.

    Trả lờiXóa