Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng?

Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng?
Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng.
Dân Luận: VietnamNet minh họa tấm hình này có nghĩa gì nhỉ? 
Đây là rào cản hay đây là động lực để VN trở thành quốc gia thượng đẳng?
Tháng 11 năm ngoái (2013) người thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời. Khoảng 10 năm nữa dân số Việt Nam sẽ gần 100 triệu. Trên thế giới hiếm có một đất nước có số dân đông như vậy lại có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ, và nằm giữa một vùng phát triển năng động. Với tiềm năng như vậy, chúng ta có thể hy vọng đất nước mình vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh không? Chắc chắn tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có mong ước đó. Nhưng để giấc mơ đó trở thành hiện thực cần những điều kiện gì, bây giờ phải chuẩn bị những tiền đề gì?

Về vấn đề này, lẽ ra trong nước phải dấy lên một phong trào bàn luận sôi nổi về vị trí của Việt Nam hiện nay và triển vọng về một tương lai dài hạn. Lãnh đạo lẽ ra phải kêu gọi trí thức trong và ngoài nước nghiên cứu, bàn luận để đưa ra được tầm nhìn có căn cứ khoa học về tương lai, từ đó tạo sự tin tưởng cho dân chúng, khuyến khích người dân nỗ lực hướng vào mục tiêu được xã hội đồng thuận.

Kinh nghiệm thế giới: Quốc gia thượng đẳng bắt đầu như thế nào?

Nhìn quanh thế giới, xưa cũng như nay, nước nào có lãnh đạo và trí thức quan tâm về tương lai đất nước và đưa ra được mục tiêu có căn cứ khoa học và hợp với giấc mơ của tuyệt đại dân chúng thì sau đó phát triển nhanh, chuyển hoán hẳn vị trí của đất nước trên bản đồ thế giới. Sĩ phu và trí thức Nhật Bản thời Minh Trị thấy mình là một tiểu quốc trước sức mạnh của các nước Âu Mỹ, họ đã quyết tâm học tập Tây phương và cải cách thể chế để đưa Nhật trở thành một quốc gia thượng đẳng (chữ của những nhà nghiên cứu khi nói về hoài bão của lãnh đạo thời Minh Trị), tránh nguy cơ lệ thuộc nước ngoài. Và họ đã thành công. Lãnh đạo Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960, với tinh thần dân tộc cao độ, đã đưa ra quyết tâm thoát khỏi vị trí thấp kém của đất nước, đặt ra phương châm học tập Nhật, Mỹ, trọng dụng nhân tài, tổ chức bộ máy hiệu suất để vạch ra chiến lược và thực hiện chiến lược phát triển. Và họ đã thành công.

Ở mỗi một khúc ngoặt của lịch sử, vai trò của lãnh đạo và trí thức đặc biệt quan trọng. Trong năm qua ta cũng thấy điều đó. Tại Nhật, thủ tướng Abe Shinzo hạ quyết tâm hồi phục kinh tế, quyết đưa nước Nhật trở lại vị trí đã có 20 năm trước. Trí thức, học giả tích cực tham gia bàn bạc để chính sách của Abe đưa lại hiệu quả tốt nhất. Nhiều viện nghiên cứu triển khai các đề tài liên quan. Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố kết quả dự báo về kinh tế thế giới vào năm 2050, và đưa ra các kịch bản cho Nhật Bản, trong đó có kịch bản duy trì được vị trí thượng đẳng nếu thực hiện các cải cách về dân số, về thị trường lao động, về chiến lược liên quan đến cách tân công nghệ và giáo dục.

Lãnh đạo Indonesia gần đây nói về "nền kinh tế 1.000 tỉ đôla", một nền kinh tế đủ lớn để có một ảnh hưởng nhất định trên thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia hiện nay (năm 2012) là 878 tỉ USD nên chỉ cần vài năm nữa là đạt được mục tiêu đó. Nhưng lãnh đạo Indonessia muốn nhấn mạnh cái mốc đó để khơi dậy sự phấn chấn trong dân chúng, từ đó tạo khí thế đưa đất nước tiến xa hơn. Trước đây, vào năm 2009, sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2, tổng thống Yudhoyono xúc tiến lập Chiến lược phát triển kinh tế 15 năm (2011-2025) với phương châm kế hoạch phải phát huy được hết tiềm năng của Indonesia và khi công bố phải "biểu thị được ý chí phát triển không có gì đáng hổ thẹn với thế giới". Lời nói đó có sức hiệu triệu cao.

Cách biểu thị lòng tự hào dân tộc và ý chí của Hàn Quốc gần đây cũng đáng chú ý. Cuối năm 2011, nhân dịp đăng cai tổ chức Hội nghị 20 nước (G20) có vị trí quan trọng trên thế giới, Hàn Quốc đã vận động dân chúng ý thức hơn nữa khả năng của dân tộc mình, quyết vươn lên ngang hàng các nước tiên tiến. Họ đưa ra các mục tiêu như "đồng hành cùng thế giới và trở thành quốc gia được thế giới kính trọng", "tiến vào trung tâm của thế giới" (để trở thành quốc gia có ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế), v.v... Năm 2013 nhân sự kiện dân số vừa tăng lên 50 triệu và thu nhập bình quân đầu người đã đạt 20.000 USD họ chợt nhận thấy rằng một nước có một quy mô dân số nhất định (trên 50 triệu) và được hưởng một mức sống cao (trên 20.000 USD) sẽ có ảnh hưởng trên thế giới và được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Hàn Quốc tự hào đã đạt được cả hai điều kiện đó và đưa ra tiêu chuẩn quốc gia "5020" để động viên dân chúng. Theo tiêu chuẩn này trên thế giới chỉ có bảy nước mà Hàn Quốc là một. Tại Á châu chỉ có họ và Nhật Bản.

Để đưa ra được mục tiêu phát triển quốc gia rõ ràng, khả thi, dễ hiểu và đáp ứng được giấc mơ của dân chúng, lãnh đạo phải có tinh thần yêu nước, có ý thức trách nhiệm, có tầm nhìn cao và xa, với khí khái tạo ra các bước ngoặt lịch sử cho dân tộc và kết hợp được trí tuệ của giới trí thức. Từ đó dấy lên một không khí phấn chấn, tin tưởng trong xã hội.

Việt Nam bây giờ và tương lai

Trở lại vấn đề của Việt Nam. Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Về dân số Việt Nam xếp thứ 13. Về trình độ phát triển, phải xét nhiều tiêu chí. Tiêu chí tổng hợp nhất là thu nhập đầu người. Tiêu chí này cũng còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung cũng phản ánh được trình độ phát triển của một nước. Vào năm 2012, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.750 USD, xếp thứ 140 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2012 là 157 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉở hạng 58. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar.

Đó là nhìn mặt tổng quát và định lượng được. Nhìn từ nhiều mặt khác, ta cũng thấy rất bức xúc về hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Chẳng hạn, hiện nay, tại Hàn Quốc có độ 9 vạn người Việt Nam, trong đó độ 3 vạn là phụ nữ sang lập gia đình ở xứ này (không ít trường hợp vì lý do kinh tế), khoảng 6 vạn là lao động (theo dạng xuất khẩu) và vài ngàn sinh viên. Còn tại Việt Nam người Hàn Quốc cũng có độ 9 vạn nhưng họ đến chủ yếu làm quản lý, làm chủ doanh nghiệp hoặc dạy học. Nói chung là sự giao lưu về lao động giữa hai nước đang có sự bất tương xứng không mấy danh dự đối với người Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam phải bức xúc với hiện tượng này và phải trả lời cho dân chúng câu hỏi: bao giờ Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc để xóa đi sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động hiện nay?

Nhìn lại thời gian từ khi đất nước thống nhất đến nay ta thấy đã gần 40 năm. Nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay đã cải thiện vượt bậc. Nhưng để có được sự cải thiện đó Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian, và như ta đã thấy vị trí hiện nay trên vũ đài thế giới còn rất thấp. Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1953) là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của các nước giàu. Vị thế của họ sau đó cũng tăng nhanh như ta đã thấy.

Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã làm được những kỳ tích trong phát triển, biến đất nước thành quốc gia thượng đẳng, đưa lại vinh dự, tự hào cho dân tộc. Chẳng lẽ Việt Nam cam chịu là một đất nước đông dân nhưng chỉ phát triển với tốc độ trung bình như hiện nay? Gần đây những dự báo về kinh tế ASEAN của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ phát triển ở tốc độ cao hơn nhiều nước trong khối (chỉ vì là nước đi sau nên dễ phát triển với tốc độ cao hơn). Nhưng vì trình độ phát triển hiện nay quá thấp nên vị trí của Việt Nam trong tương lai không thay đổi bao nhiêu. Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Dự báo này dựa trên tiền đề không có những cải cách lớn về thể chế. Nói cách khác, nếu lãnh đạo Việt Nam quyết tâm đưa đất nước tiến xa, cải thiện hẳn địa vị của Việt Nam trên vũ đài thế giới thì phải mạnh dạn cải cách thể chế, khẩn trương thực hiện chương trình tái cấu trúc kinh tế đã đề ra, để sau đó chuẩn bị chiến lược đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới.

Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng.

Trần Văn Thọ
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

1 nhận xét:

  1. Điều chắc chắn là 7 nước OECD không có nước XHCN nào nên cũng chỉ mơ hão khi ta vẫn đi kiểu cua " ktế thị trường + XHCN " để rồi hao mỡ của dân thôi.

    Trả lờiXóa