Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Việc hay xướng lại: Lập "Hội chống rượu bia"

Việc hay xướng lại
Bình Vương (TBKTSG) - Gần 85 năm về trước, cụ Phan Khôi (1887-1959), nhà báo và học giả nổi tiếng, có viết một bài báo tán đồng và khích lệ thành lập “hội cự rượu”, một việc mà theo chúng tôi, cho đến nay vẫn phảng phất nhiều ý nghĩa thời sự khá thú vị. Bài này đăng trên chuyên mục “Ý kiến Trung Lập” của báo Trung Lập ấn hành tại Sài Gòn, số ra ngày 7-5-1930. Có lẽ nên đọc lại nguyên văn bài báo, cũng là để thưởng thức cái giọng văn xưa của một cây bút lão luyện trong làng.
Minh họa: Khều.
LẬP HỘI CỰ RƯỢU LÀ MỘT VIỆC HAY
Ở trong vùng không khí thành phố Sài Gòn, mới chừng tháng nay, có thoáng qua cái tiếng nghe rất mới, là “hội cự rượu”. Hội cự rượu, cái tiếng nầy ở mình đây cho là mới, chớ ở các nước, nước nào lại chẳng có, mà nhiều nhứt là bên Huê Kỳ.

Bên Pháp, chánh phủ tuy có phái viên đi các thuộc địa để cổ động cho người ta uống rượu nho của nước mình, nhưng trong dân gian cũng vẫn có lập hội cự rượu.

Cái chủ nghĩa của hội cự rượu chẳng có gì là kịch liệt hay bạo động. Họ chỉ căn cứ theo phép vệ sanh và phép ưu sanh (eugénique) mà đi tuyên truyền cho người ta chừa cái hại uống rượu đi. Về đằng vệ sanh, cái hại của rượu là kém sức khỏe; về đằng ưu sanh, cái hại nó là đẻ con ra yếu ốm khờ dại, có lẽ làm cho nhân loại càng ngày càng sa sút.

Như vậy, lập hội cự rượu là một việc có ích cho loài người; nước nầy đã có thì nước kia cũng nên có.

Tại Sài Gòn, nghe nói có năm ba người hữu tâm toan vận động việc đó, tốt lắm, chúng tôi xin tán thành.

Thế mà nghe chừng như có người lại nói vầy nói kia để làm trở ngại sự tấn hành. Người thì lo rằng hồi nầy đương rộn mà lập hội lập hè thì sợ chánh phủ sanh nghi. Người thì tin rằng An Nam mình còn dở lắm, chưa có thể chung cùng với nhau làm việc chi được, đừng có bày ra vô ích.

Cái thuyết thứ nhứt rõ ra là lo không nhằm chuyện. Hội cự rượu là hội cự rượu, có chương trình minh bạch, có phải hội kín đâu mà hòng sợ nhà nước nghi? Thuyết thứ hai cũng hơi ngang. Cái việc mình chưa làm thì làm sao biết là làm không được?

Chúng tôi không có dự vào trong cuộc phát khởi nầy. Duy có một điều, chúng tôi thấy bất kỳ việc chi, người bàn vô thì ít, người bàn ra thì nhiều, cho nên có trăm việc đáng làm mà không có một việc nào được làm ra; lấy làm buồn lắm mà chúng tôi nói tới.

Lại còn có kẻ dám làm ông thánh tiên tri, đoán rằng những người bày ra lập hội cự rượu đây chẳng qua để dọa hãng Fontaine (*) rồi lấy mấy chục ngàn đút túi!

Chánh phủ nghi ở đâu chưa thấy, mà chỉ thấy người mình nghi nhau trước rồi. Cứ cái thói ấy hoài, đố làm gì cho đặng!

Xin các nhà xướng lập hội cự rượu, nếu có lòng quyết thì nên bác hết thảy đi mà cứ việc tấn hành.

Chuyện dùng rượu đối với người Việt Nam là một phong tục tập quán lâu đời, ít nhất cũng “bằng tuổi” các làng nghề nấu rượu truyền thống nổi tiếng khắp ba miền. Xưa cũng như nay, với tài tử văn nhân hay anh hùng mã thượng, với vương tôn quyền quý hay mạt hạng cùng đinh, uống rượu trước hết là một thú tiêu khiển. Hơn thế nữa, khí chất có thể cường dũng dẻo dai hơn nhờ “bán dạ tam bôi tửu”, tinh thần có thể khoát hoạt sâu sắc hơn khi “trà dư tửu hậu”. Tuy nhiên, rượu cũng giống như mọi thú tiêu khiển hay mọi thứ khác nạp vào người ta, một khi đã quá mức quá chén đến sa đà, sẽ sinh ra vô vàn hệ lụy. Hay dở của rượu là điều quá phổ cập, hầu như nhà nhà ai ai cũng trải cũng rành.

Mở trang tin xã hội, đầy các vụ cướp, giết, bạo hành, tai nạn do say rượu. Đọc trang sức khỏe, bàn tới bệnh gì cũng dễ gặp lời khuyên liên quan rượu bia. Coi phim truyền hình nhiều tập, thế nào cũng thấy cảnh các nhân vật ăn nhậu trong khách sạn, nhà hàng hay quán cóc..., lu bù đến nỗi có thể nhận xét: diễn viên mình đóng thật nhất, diễn xuất có hồn nhất chính là khi vào vai uống rượu say rượu! Và chúng tôi đồ rằng, một tấm “bản đồ nhậu” của nước ta nếu được cập nhật, sẽ cho thấy sự khá đồng đều giữa các vùng miền và các giới hôm nay.

Đọc tin thời sự về nâng mức thuế để hạn chế người dùng rượu bia, lại nhớ mấy nhà hữu tâm Sài Gòn năm 1930 tính lập hội cự rượu nhưng việc không thành. Trong xã hội ta bây giờ, hỏi ai có lòng mến nghĩa (chữ của cụ Đồ Chiểu), muốn theo chân mà xướng lại hay không? “Một việc có ích cho loài người; nước nầy đã có thì nước kia cũng nên có”. “Hội cự rượu có phải hội kín đâu mà hòng sợ nhà nước nghi?”... Những lý lẽ cụ Phan Khôi từng nêu ra, theo chúng tôi, chí ít cũng thu được phiếu của chín mươi bảy phẩy mấy chục phần trăm các bà vợ thời nay thuận tình. n

(*) Hãng Fontaine được nhắc đến trên đây là hãng rượu do người Pháp xây ở Bắc kỳ từ năm 1898 (cũng là tiền thân của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội, thuộc Habeco - Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ngày nay).

http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/110636/Viec-hay-xuong-lai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét