Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Đừng quên “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”

Tôi rất thích bài hát này, đã lưu trong Blog. Nghe ở đây. Trong những ngày tháng 2.1979 chúng tôi là sinh viên, phải thường trực ở trường để khi cần quân đội sẽ mở kho vũ khí, phát vũ khí cho toàn dân, trước hết là thanh niên, để toàn dân thành chiến sĩ chống quân TQ tiến vào Thủ đô. Tháng 3 và tháng 4.1979 chúng tôi lên Bắc Ninh xây dựng phòng tuyến sông Cầu, phá đá, đào hầm ngầm và xây dựng các công trình quân sự trên các quả núi... Trong những ngày này, trong đầu ai cũng có câu "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới..." Một bài hát nữa cũng khá hay là bài "Chiều dài biên giới". Năm 1988 trở lại thăm phòng tuyến sông Cầu, thấy các chiến hào, công trình xưa đều bị hủy hoại, thấy tiếc, nhưng cuộc sống là vậy; giờ ta với Tầu có 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt rồi thì cần gì chúng nữa.

Đừng quên “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo biên cương.” Khúc ca hùng tráng này đã thịnh hành trong suốt thập niên 80 và được đưa vào chương trình sinh hoạt quân đội Việt Nam.

Đêm rạng sáng ngày 16-2-1979, khi quân xâm lược Trung Quốc đổ một lực lượng quân đội hùng hậu vào đánh chiếm sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, thì ngày 17-2 -1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời bài hát này. Bài hát như một bài hịch hiệu triệu toàn dân vào cuộc chiến đấu mới và được lưu truyền rộng rãi trong nước để khích lệ sĩ khí quân dân ta đứng trước hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc.


Khi bình thường hóa quan hệ Việt-Trung xong, bài hát này đã bị khai tử, và người ta không còn nghe hát trên các đài phát thanh hay trên các kênh thông tin đại chúng nữa. Dầu vậy nhưng âm vọng của nó vẫn trỗi dậy trong lòng mọi người mỗi khi kỷ niệm cuộc chiến oanh liệt chống quân Trung Quốc ngày 17-2 hằng năm.

LỬA ĐÃ CHÁY VÀ MÁU ĐÃ ĐỔ


Làm sao có thể quên khi không biết bao nhiêu máu xương của quân và dân ta đã đổ xuống để bảo vệ cho toàn vẹn lãnh thổ ngày ấy. Trung Quốc đã dùng hàng trăm đại pháo, xe tăng, hỏa lực bắn giết hàng vạn dân và quân ta, gây ra cái chết trên 60.000 người. Bầu trời biên giới miền Bắc đã nhuốm màu máu lửa tang thương.

Ba mươi lăm trôi qua, vết thương chiến tranh tuy đã lành nhưng ấn chứng, di tích hãy còn đó với những tấm bia tưởng niệm hãy còn đó khắc ghi tội ác của quân thù xâm lược Trung Quốc mà bây giờ nhà nước ta hôm nay phải gọi là “Bạn”, là đồng chí với tinh thần “4 Tốt + 16 Chữ vàng”.

Cũng vì tình hữu nghị đồng chí anh em giữa hai Đảng CS VN và Đảng CS TQ mà hôm nay báo chí chính thống trong nước đều phải tháo gỡ những bài viết đã đăng về sự kiện lịch sử này. Và cũng vì tình hữu nghị mà trang sách sử giáo khoa Việt Nam vẫn chưa được phép đưa vào để giáo dục cho thế hệ con em mai sau về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm.

Hằng năm, chúng ta có quá nhiều ngày quốc lễ để kỷ niệm, nhưng ngày 17-2 – ngày biến cố lịch sử quan trọng cần phải được tổ chức sinh hoạt rộng rãi trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân thành quốc lễ như kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, v.v… – nhưng đảng và nhà nước Việt Nam lại cố tình bỏ quên; trong khi có rất nhiều cựu tướng lĩnh, sĩ quan hưu trí, người trí thức yêu nước muốn được long trọng kỷ niệm.

Nhân dân ta vốn yêu chuộng hòa bình, vì thế ai cũng muốn gác lại quá khứ thù hận để chung sống hòa thuận, hợp tác phát triển quốc dân. Nhưng lịch sử là chứa đựng quá khứ có bi thương, có hùng tráng của mỗi dân tộc. Chúng ta nên sòng phẳng khách quan với lịch sử vì “lịch sử là sự thật mà không ai có quyền lãng quên “ hay bóp méo nó đi. Nhận thức như vậy, chúng ta mới cần có những hành động thiết thực như tu sửa lại những bia tưởng niệm, trùng tu lại những di tích cảnh về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979. Hằng năm, phải tổ chức kỷ niệm để vinh danh, tri ân những người liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Có như thế thì máu xương của họ đổ ra mới không oan uổng.

Chín năm sau trôi qua, tiếng súng đã ngừng vang trên bầu trời biên giới nhưng tiếng súng lại vang lên nơi biên đảo Trường Sa năm 1988, giết đi 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam để chiếm đảo Gac-Ma. Cho đến nay, tàu hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục nổ súng bắn vào ngư dân Việt Nam vô tội nơi biển khơi Hoàng Sa của nước ta.

Đối với, Trung Quốc, chúng ta phải đủ sáng suốt để nhận rõ ra: Bạn hay Thù? Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam hay là Tam Sa của Trung Quốc? Chúng ta không chống nhân dân Trung Hoa vì họ cũng lâm vào hoàn cảnh bị trị như chúng ta nhưng chúng ta cần có thái độ rõ ràng, mạnh mẽ với nhà cầm quyền Cộng sản Trung quốc. Bởi lẽ, mỗi ngày ông bạn tốt láng giềng luôn đưa ra những đòi hỏi ngang ngược về chủ quyền Biển Đông và ngăn cấm không cho ngư dân Việt Nam ra khơi tìm nguồn sống, bất chấp sự phản đối của chúng ta. Vì vậy, khi nào nhà nước Việt Nam đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì mới có thể có chính sách đúng đắn và phù hợp lòng dân. Ngược lại, mỗi người Việt chúng ta phải tiếp tục lên tiếng bảo vệ công lý cho dân tộc, và chủ quyền đất nước trên vùng đất, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam.

Viết để cùng tưởng niệm ngày 17-2-1979.

Gia Lai ngày 14-2-2014

MỤC SƯ HỒNG TRUNG GỬI TTXVA.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét