Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Sau hai thập kỷ Mỹ bỏ cấm vận

Tôi không thích bài này, nhưng lưu lại vì nó gợi nhớ tới 2 kỷ niệm. Một là tình cờ đọc được bài báo mô tả nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc đang lang thang ngắm Nhà Trắng đột nhiên nghe được tin Mỹ bỏ cấm vận chống Việt Nam, nhà thơ đã nhảy cẫng lên, hân hoan ôm choàng lấy những người xa lạ và kêu lên là Việt Nam sắp thành nước giầu sang rồi, sướng quá. Hai là về nước, gặp một quan chức cấp Vụ, anh ta dự báo Mỹ sẽ rất nhanh thay thế Liên Xô viện trợ ồ ạt cho Việt Nam, chúng ta sau này tất cả sẽ được đưa sang Mỹ đào tạo như Liên Xô đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ cho Việt Nam. Cả hai chuyện đều quá buồn cười về ảo tưởng của nhà thơ cũng như quan chức chính phủ. Trong bài "Lan man từ chuyện "Phụ nữ Việt nên lấy chồng Tây", tôi đã viết: "Hồi năm 1991, khi báo cáo trước cơ quan về kết quả chuyến sang Pháp học, mình đã nói và cả hội trường cười vì tưởng mình nói đùa: Các nước giàu buộc phải giúp các nước nghèo tuy nhiên khi đã phải viện trợ cho nước nghèo thì nước giầu có ngay mục tiêu là tiêu hết số tiền viện trợ sao cho hiệu quả càng thấp càng tốt". Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ tốt hơn cách đây 20 năm; phe XHCN đối trọng đã sụp đổ, trong khi người nước giầu đã văn minh hơn, họ cũng muốn nhiều nước nghèo phát triển để giảm gánh nặng viện trợ, hạn chế nhập cư sang họ, hạn chế tình trạng hủy diệt môi trường tại nước nghèo (vì sẽ ảnh hưởng sang nước họ) và tham gia cùng họ chống khủng bố, chống các quốc gia họ không ưa thích...
Sau hai thập kỷ Mỹ bỏ cấm vận
Thật kỳ lạ, người Mỹ nghĩ ra embargo cho Việt Nam và áp đặt lên quốc gia này sau chiến tranh. Nhưng từ khi bỏ đi, quan hệ hai nước trở nên kỳ diệu. Và chính người Mỹ không thích dùng từ embargo trong lễ kỷ niệm 20 năm.
Đs Nguyễn Quốc Cường chào mừng khách. Ảnh: HM
Ngày 3-2-1994, không hiểu vô tình hay cố ý, Tổng thống Bill Clinton chọn đúng vào ngày sinh nhật của ĐCS Việt Nam để tuyên bố xóa lệnh cấm vận (embargo) của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước.



Hôm đó, tôi đang công tác ở Sài Gòn trong văn phòng chi nhánh của UNHCR (Liên hiệp quốc về người tỵ nạn), ông sếp người Mỹ, Christopher Carpenter, đi công tác cùng, vui vẻ bắt tay các đồng nghiệp Việt rất chặt và chúc mừng.


Ông Carpenter nói, đó là một tín hiệu tốt lành mà người Mỹ như ông đã chờ đợi khá lâu. Rồi anh xem, Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh, một ngày nào đó anh sẽ sang Mỹ du lịch, có khi kiếm được việc bên đó chưa chừng.

Tôi chỉ nghĩ ông nói đùa và động viên cho vui. Là anh IT chuyên sửa máy tính cho văn phòng, tôi chẳng quan tâm lắm đến embargo, nhưng sẽ vui, nếu ngày nào đó được đặt chân đến nước Mỹ xa xôi.

Đối với đa số dân chúng lúc đó, chẳng hiểu embargo là gì, có Mỹ hay không, Việt Nam vẫn tiến lên CNXH, dù phải thắt lưng buộc bụng, dù có mất cả Đông Âu và Liên Xô.

Một năm sau đó, tôi đọc báo Vietnam News bằng tiếng Anh, thấy World Bank (WB) tuyển nhân viên IT. UNHCR sắp đóng cửa vì người hồi hương đã về gần hết, biên chế nhà nước đã mất, đây là cơ hội vàng cho thay đổi.

Khi đọc về WB tôi lờ mờ hiểu đây là tổ chức phát triển quốc tế rất có uy tín ở Washington DC. Đặt văn phòng ở đâu tương đương với việc WB muốn giúp nước đó phát triển. Tôi không hề biết, WB chỉ được vào Việt Nam sau khi embargo được gỡ bỏ.

Thi vớ vẩn, trả lời tiếng Anh lúng búng, ngọng líu lô, anh Bradley Babson, sếp văn phòng WB tại Hà Nội lúc đó cũng là người Mỹ, sau khi quay nửa tiếng cùng với anh Nguyễn Văn Minh, kinh tế gia, vừa học ở Mỹ về, bảo tôi “You are the best – Anh là số 1”.

Về báo cho Carpenter, ông xem thư chấp nhận của bên WB, bỏ kính xuống và nói, chúc mừng anh, tôi đoán anh sẽ đi xa đấy, WB sẽ giúp Việt Nam cất cánh (take off) trong thời gian chục năm nữa.

Làm cho WB vài tháng, tôi đã có visa sang Mỹ đi học về cách quản lý IT của WB. Khi lên máy bay của hãng Cathay Pacific từ Hongkong, ngồi ghế business vượt Thái Bình Dương, hạ cánh ở phi trường Los Angeles để đi học hệ telephone Norstar Key, tôi nghĩ mình đang mơ.

Về thủ đô DC thanh bình, người dân thân thiện, kiến trúc hiện đại, cây cỏ xanh tươi, kể từ hôm ông Carpenter báo tin embargo bãi bỏ, tôi biết nước Mỹ rõ hơn trong 20 năm qua.

Như một sự trùng lặp kỳ lạ, tối qua, 10-2-2014, trong phòng điều trần SD 106 tầng 1 của tòa nhà Dirksen dành cho các Thượng nghị sỹ làm việc, ngay cạnh đồi Capitol, sứ quán Việt Nam cũng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ thương mại Việt-Mỹ.

Dirksen Building. Ảnh: HM

Ở DC đã 10 năm, tôi chưa bao giờ thấy phía ta tổ chức tại “sào huyệt của chủ nghĩa tư bản” thế này. Những lần trước toàn thấy ở nhà trên phố R (nhà của Đại sứ) hay trong khách sạn, người dự rất đông, chủ yếu là ăn uống, nói chuyện riêng, ầm ầm như cái chợ, mất hết cả tư thế chủ khách.

Nhưng lần này đã khác, buổi lễ diễn ra trang trọng, thể hiện sự chuyên nghiệp trong ngoại giao. Dự cảm của tôi về những đại sứ trẻ không sai. Tôi sợ vô cùng những vị đi nhiệm kỳ trước khi về hưu, bởi chẳng còn gì để phấn đấu.

Chẳng hiểu sao, tôi có giấy mời qua email, thế mà anh Mạnh trên sứ quán gọi điện, nhắc đi nhắc lại, anh nhớ đến nhé, đến nhé. Dường như tòa đại sứ đã thay đổi cung cách làm việc, giao tiếp thân thiện hơn. Là cầu nối cho người Việt bốn phương mà không biết bắc cầu thì còn ai qua.

Thấy giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học George Mason, người có những bài viết chân thành về quan hệ Việt Mỹ, Mỹ Trung và Trung Việt. Giáo sư có nói từng đọc Hiệu Minh Blog. Có một số anh chị gạo cội của IMF, WB, IFC cũng tới dự.

Tôi không biết mặt tất cả khách Mỹ, nhưng thấy mấy ông vai vế trong Thượng viện như Patrick Leahy, John McCain, John Kerry. Hai ông John này từng là lính chiến tại Việt Nam, ứng viên Tổng thống. không mệt mỏi hàn gắn vết thương chiến tranh cùng với nhiều vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Sự có mặt của hai ông trong buổi lễ chứng tỏ phía Mỹ đã dành cho Việt Nam một chỗ đứng.

John McCain phát biểu rất vui, hóm hỉnh, kể vài kỷ niệm về những chuyến đi Việt Nam cùng với John Kerry, gặp bao nhiêu đời TBT, thủ tướng của Việt Nam, nhất là trong 10 năm từ 1984 đến 1994, vận động hành lang để Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận.

Nhắc đến quá khứ, ông dùng từ enemy (kẻ thù), nhưng nói về hiện tại, ông dùng từ friend (bạn) Việt Nam. McCain còn nhắc đến con số 16 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ là hết sức ấn tượng trong quan hệ hai nước.

John Kerry cũng dùng từ friend để nói về Viêt Nam. Ông kể khi đi thăm đồng bằng sông Cửu Long, lên một chiếc trực thăng của Nga, động cơ nổ bằng bằng như súng liên thanh thời chiến tranh, nhưng khi hạ cánh xuống một khu vực trong làng, hàng ngàn trẻ em ùa ra đón ông như một người bạn, chứ không phải hằn thù một lính Mỹ bước xuống từ trực thăng Hoa Kỳ năm xưa.

Trong video clip Hillary Clinton gửi tới buổi lễ kỷ niệm với những tâm sự xúc động. Bà kể lần đầu thăm Hà Nội và Sài Gòn trong vai đệ nhất phu nhân, có hàng ngàn người cười vui, đón bà và Clinton. Đến Việt Nam lần sau trong vai Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary cũng được đón tiếp nồng hậu không kém, và bà cho đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.

Xem Video Clip của Hillary Clinton. Ảnh: HM

Cả ba người và mấy quan khách Mỹ đều nói rằng, 20 năm qua, hai nước Việt Mỹ đã làm được rất nhiều, kể từ khi kim ngạch thương mại gần như bằng zero, nay đã đạt tới 30 tỷ đô la. Đất nước đã đổi khác. Tất cả đều mong quan hệ hai nước sẽ phát triển vượt bậc trong 20 năm tới.

Đương nhiên, người Mỹ không quên nhắc nhở về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do internet và quyền được lên tiếng, như một yếu tố quan trọng trong quan hệ quốc tế, giúp hòa nhập và phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho đại đa số dân chúng. Một quốc gia văn minh không thể hiểu khác những khái niệm phổ quát của nhân loại.

Trong phòng họp SD106 hôm đó, không ai có thể tin cách đây hơn 40 năm, những người tới dự của hai phía từng có cuộc chiến với mấy triệu người nằm xuống. Không khí thực sự cởi mở và chan hòa, chẳng còn cảm giác kẻ thù đang nghi kỵ lẫn nhau.

Có một chi tiết mà bên Sứ quán giải thích tôi mới hiểu. Phía Mỹ đề nghị gọi ngày kỷ niệm này là 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Họ không muốn nhắc lại từ embargo – cấm vận.

Trong lời phát biểu chào mừng khách, đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã nói : “Trong 20 năm qua, nhân dân hai nước đã hưởng lợi rất nhiều, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Bản thân tôi đã chứng kiến hai nước đi từ chiến tranh đến hòa giải và tiến tới quan hệ đối tác toàn diện mà mới được tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố vào tháng 7 năm trước, tôi cho rằng quan hệ song phương Việt Mỹ đã phát triển một cách kỳ diệu”

Tôi tin các vị John McCain, John Kerry, đại sứ Cường và các quan chức Mỹ khi nói về sự kỳ diệu này. Vào một shopping mall bất kỳ bên Mỹ, bạn có thể tìm ra một mặt hàng Made in Vietnam. 16 ngàn sinh viên đang du học. Hàng triệu người đi lại giữa hai quốc gia hàng năm. Hai đứa con Hiệu và Minh của tôi cũng được hưởng lợi từ mối hòa giải đó. Mấy chục năm trước đó là điều không tưởng.

20 năm trước, ông sếp UNHCR đã dự cảm rất chính xác. Việt Nam đã bước một bước dài trên đường phát triển kể từ ngày 3-2-1994 sau khi Mỹ bỏ embargo. World Bank đã vào Việt Nam đúng 20 năm, và tôi thì kiếm được việc bên Mỹ thật.

Còn hôm nay số đông người Việt có thể nghĩ, để tiến lên CNXH, có khi ta phải cần Mỹ

Hiệu Minh. 11-2-2014. Kỷ niệm 20 năm Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam.

Vài hình ảnh do Hiệu Minh chụp.


Chào cờ VN. Ảnh: HM

Chào cờ Mỹ. Ảnh: HM

Đs. Nguyễn Quốc Cường đưa John McCain thăm tranh triển lãm. Ảnh: HM

John Kerry phát biểu. Ảnh: HM

Khách Mỹ tới dự. Ảnh: HM

Bàn chuyện tương lai Việt Mỹ. Ảnh: HM

Sherman Katz và anh Lưu Ngọc Khang đang bàn Flappy Bird. Ảnh: HM

John McCain phát biểu. Ảnh: HM

Người hâm mộ John McCain. Ảnh: HM
Khách dự. Ảnh: HM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét