Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Tin lá cải: Cả nước làm không đủ để DNNN trả nợ

Chuyên gia phán những câu như thế này giống như bệnh nhân tâm thần lên cơn vậy. Đọc cái tiêu đề đã thấy phán láo, hết sức bậy bạ. Ông phán này lại vừa viết 1 bài lăng nhăng "GDP chạy đi đâu?" được nhiều trang đăng lại vì tưởng hay. Nợ DNNN đến nay ở ngưỡng báo động, nhưng còn xa mới bằng GDP (xem số trong bài); cái đáng báo động là vay nợ nhưng hiệu quả sử dụng vốn quá thấp nên hiệu quả sử dụng kém, nợ sẽ càng tăng và có thể dẫn tới vỡ nợ. Một số nước nợ cao gấp 2-3 lần GDP nhưng nền kinh tế vẫn hoạt động có hiệu quả, xã hội có niềm tin, nên chẳng sao cả. Nhật Bản là ví dụ điển hình, nợ chính phủ gấp 2 lần GDP từ lâu rồi. Bản thân Mỹ nợ chính phủ cũng đã vượt GDP.
Cả nước làm cả năm không đủ để doanh nghiệp Nhà nước trả nợ
Ông Bùi Trinh nhận xét “Tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước từ năm 2006 đến nay cao hơn GDP.
Cả nước làm cả năm không đủ để doanh nghiệp Nhà nước trả nợ

Cả nước làm trong cả năm…
Theo Tổng cục thống kê, GDP 2012 tính theo giá hiện hành là 2.950,7 nghìn tỷ. Quy mô tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 2.420,9 nghìn tỷ đồng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư/ GDP có xu hướng ngày càng giảm dần, từ 40% năm 2007 giảm xuống còn 30% trong năm 2012.



Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, để đạt được mục tiêu GDP tăng cao hơn trong năm 2014 thì lượng đầu tư cũng cần tăng lên và việc đi vay là không tránh khỏi. Song thực tế, khi nền kinh tế Việt Nam hầu như chỉ là sản xuất mang nặng tính gia công thì việc tăng cường nhân tố đầu tư ở phía cầu có thể chỉ dẫn đến tăng giá và thâm hụt thương mại.
Giai đoạn trước tăng một đồng đầu tư có thể tạo ra 0,53 đồng giá trị gia tăng nhưng đến giai đoạn hiện nay khi tăng 1 đồng đầu tư chỉ làm tăng 0,48 đồng giá trị gia tăng. Về xuất khẩu cũng như vậy khi tăng một đồng xuất khẩu lan tỏa đến giá trị gia tăng sụt giảm so với giai đoạn trước 18%.

Điều này cho thấy việc đầu tư ngày càng kém hiệu quả và nếu phía cung yếu kém thì bất kỳ một sự gia tăng nào ở phía cầu chỉ làm tăng giá, thâm hụt thương mại và căng thẳng về tỷ giá mà thôi.

… không đủ cho DNNN trả nợ

Theo TS Phạm Thế Anh, mặc dù số lượng chỉ có 105 doanh nghiệp nhưng các Tập đoàn (TĐ) và Tổng công ty (TCT) nhà nước có tổng nợ phải trả là 1.349 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 80% tổng nợ của DNNN. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của nhóm này là 1,46 lần.

Quan trọng hơn, có tới 48 Tập đoàn và Tổng công ty có hệ số này lên tới hơn 3 lần. Nhiều DN có hệ số nợ/vốn CSH rất cao như TCT Lắp máy Việt Nam Lilama là 53,19 lần, TCT Xây dựng Bạch Đằng 20,97 lần, TCT Xây dựng Công trình Giao thông 8 là 20,02 lần, TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1 là 18,41 lần…

Tính đến 31/12/2012, nợ của các DNNN là 1.681,845 nghìn tỷ đồng (Báo cáo số 490/BC-CP của Chính phủ trình Quốc hội ngày 25/11/2013)

“Đây là nhóm DN mà nợ của chúng rất có thể nhà nước phải đứng ra gánh chịu thay do chúng quá lớn để có thể cho phá sản” – TS Phạm Thế Anh nhận định.

Theo ông Bùi Trinh, khối doanh nghiệp là khối quan trọng nhất quyết định sự thành bại của đất nước. Tuy nhiên tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu như trên đang ở tình trạng đáng báo động. Không chỉ thế, tốc độ tăng về nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn không ngừng tăng lên. Năm 2011 so với 2006 là 2,2 lần. Mức tăng bình quân hàng năm vào khoảng 16%. Ông Bùi Trinh nhận xét “Tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước từ năm 2006 đến nay cao hơn GDP. Điều này có nghĩa cả nước làm trong cả năm không đủ để doanh nghiệp Nhà nước trả nợ trong suốt từ năm 2006 đến nay.”

Chưa hết, ông Bùi Trinh cho biết, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp Nhà nước so với nguồn vốn chủ sở hữu có thể còn cao hơn khá nhiếu nếu đánh giá lại tài sản của khu vực này. Nền kinh tế mà tỷ lệ vay mượn của cả khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước đều cao như vậy là nền kinh tế bất ổn và do bất ổn nên tỷ lệ này không thể giảm trong cả một thời gian dài.

Với việc nợ nần như vậy khi lạm phát quay lại sẽ là mối nguy cho nền kinh tế.

Vậy phải làm gì?

Đây hoàn toàn không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, mặc dù giải pháp đã được nêu ra nhưng quá trình thực hiện chưa thực sự đem lại hiệu quả nhìn thấy được.

Một lần nữa, các chuyên gia khẳng định, việc cần làm trong những năm tiếp theo là cải cách thể chế tạo niềm tin cho người dân để khu vực kinh tế dân doanh được bình đẳng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã từng phát biểu: “Chúng ta vẫn dựa vào vốn và tài nguyên để tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta sẽ cải cách thể chế”.

Thiết nghĩ đó thực sự là điểm cốt lõi trong tái cơ cấu kinh tế.

Theo Trí Thức Trẻ
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/ca-nuoc-lam-ca-nam-khong-du-de-doanh-nghiep-nha-nuoc-tra-no-2014012722490237015ca33.chn

1 nhận xét:

  1. Bác Mai chỉ giáo cho tôi định nghĩa lại GDP là thế nào vậy ? Nó bao gồm các thành phần gì tạo nên (giá thành, lợi nhuận, thuế,..).
    Tại sao các nước TB GDP đạt thấp mà lại được vay khủng khiếp vậy ? Theo tôi hiểu nôm na, tôi cho anh vay là tôi phải biết anh có khả năng trả nợ được chớ ? Thế họ căn cứ vào đâu để an tâm rằng con nợ vẫn có khả năng trả nợ vậy ?
    Theo hiểu biết của tôi, VN muốn vay được của World Bank, điều kiện bắt buộc là GDP phải tăng trưởng, như vậy có phải không Bác ?
    Mong Bác chỉ giáo, tôi là dân kỹ thuật nên cũng chả biết lắm nhưng vẫn muốn biết để xem đất nước này đi đến đâu ? Cảm ơn Bác

    Trả lờiXóa