Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Tị nạn du học có phải là giải pháp?

Tị nạn du học có phải là giải pháp?
Thu Hiền: Chị đã gần bốn mươi tuổi, cái tuổi mong muốn ổn định, cống hiến và thăng hoa trong cuộc sống và sự nghiệp. Tuy nhiên, vì con chị quyết định đi học tiến sĩ bên châu Âu. Nghe thật lạ, nhưng đó là một xu hướng gần đây trong giới trung lưu Việt Nam. Nhiều người cha, người mẹ quyết định đi học tiến sĩ vì đơn giản họ mong con họ có một cuộc sống tốt hơn, và đặc biệt là một nền giáo dục tốt hơn.
Ảnh: học sinh thành phố Hà Nội xem triển lãm "văn hóa của mình"
Họ lo sợ cho con khi chúng phải học trong những ngôi trường mà ở đó tệ nạn xã hội như chạy trường, tham nhũng và mua điểm đã len lỏi vào đầu con trẻ ngay từ bé. Họ cũng không muốn con mình phải học những khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu tư duy phản biện không có lợi cho tương lai con trong thời toàn cầu hóa. Vì con, họ phải đi học. 

Anh đang chơi với con, thả diều bên hồ. Một đứa trẻ khác chạy đến, cướp diều trước con mắt ngỡ ngàng của hai cha con. Anh đi về phía người cha và nói “thằng cu nhà anh nó lấy diều của con tôi, anh nhắc cháu”. Thay vì nhận được sự can thiệp, anh chỉ nhận được một cái nhìn lạnh lùng và một lời tưng tửng “trong thời buổi này, không đầu gấu như vậy thì sống kiểu gì?” Vội vàng, anh quyết định cho con đi học nước ngoài với suy nghĩ định cư luôn bên đó. Anh sợ môi trường xã hội làm hỏng con vì đơn giản anh không muốn con trở thành đầu gấu, để sinh tồn phải bắt nạt và làm hại người khác. Vì con, anh phải gửi nó đi xa.

“Cháu tôi giỏi lắm, mới bốn tuổi nó đã đếm đến 100 và học thuộc hết bảng chữ cái rồi. Chưa biết chữ nhưng đã mê đọc sách. Tôi đọc truyện tranh cho cháu mà giờ nó tự giở từng trang, nhìn hình rồi kể lại vanh vách như đang đọc vậy.” Nhưng ông cũng lo không biết sau này nó đến lớp học sẽ thế nào. Nghe nhiều về tệ nạn giáo dục nên ông lo sự đam mê học hỏi cũng như trí sáng tạo của cháu sẽ bị đánh mất. Tuy nhiên, bố mẹ nó làm ở Việt Nam nên không thể cho nó theo học ở nước ngoài. Dường như các trường học quốc tế ở Việt Nam là giải pháp thỏa hiệp tốt nhất. Vì tương lai của cháu, ông cho nó vào trường quốc tế.

Nền giáo dục Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nó được trao cho những con người thông minh, nhanh nhẹn, có thể lực và trí tuệ tốt khi vào lớp một. Tuy nhiên, đi qua tiểu học, trung học và đại học thì họ trở thành những sản phẩm khó sử dụng. Thay vì làm sắc nét tài năng thì hệ thống giáo dục lại đang bào mòn sự đa dạng trong năng lực của trẻ. Thay vì được tự do sáng tạo và biểu đạt, họ trở thành người thụ động và chờ đợi sự chỉ bảo từ trên. Thay vì được học những giá trị nhân văn, bình đẳng và ái quốc, họ lại nhiễm thói đút lót, quay cóp, và ích kỷ. Chưa bao giờ người Việt Nam phải đối mặt với khủng hoảng về xã hội, đặc biệt là giáo dục như bây giờ.

Bao nhiêu giấy bút đã được sử dụng để viết về các giải pháp cho ngành giáo dục. Từ việc thay đổi chương trình và phương pháp giảng dậy cho đến cấm học thêm, tăng lương giáo viên hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhiều người cũng nói về phi chính trị hóa giáo dục, tạo môi trường tự do và đầu tư vào sự tự chủ và suy nghĩ mang tính phản biện của trẻ. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này đều chưa được thực hiện, hoặc đang thực hiện nửa vời, tạm thời hoặc đối phó. Hơn nữa, sai lầm lớn nhất đó là những “trách nhiệm” to lớn này đang được đặt lên vai của ngành giáo dục, và tất nhiên mình họ không thể làm nổi. Phụ huynh học sinh đang đứng bên ngoài phàn nàn, kêu rên và tìm những giải pháp đối phó với những méo mó của nền giáo dục Việt Nam, bằng cách cho con đi tị nạn du học.

Nhìn vào mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, ta thấy một bất cân bằng rất lớn. Các phụ huynh nghĩ mình trao “hoàng tử, công chúa” cho nhà trường nên luôn lo lắng và tìm mọi cách để lấy lòng thầy cô. Họ chăm sóc thầy cô bằng phong bì và quà cáp để đảm bảo con mình được ưu ái, hoặc ít nhất không bị “bỏ rơi” trong lớp học. Họp phụ huynh, thay vì chất vấn thầy cô về chất lượng giảng dậy hay góp ý về cách đối xử với trò, họ răm rắp tuân theo gợi ý đóng các loai phí từ đồng phục cho đến du lịch ngoại khóa. Chính họ tạo ra một môi trường mà ở đó những bất công tồn tại và quyền lực không được kiểm soát. Đây chính là môi trường độc hại vì nó nhiễm vào thói quen, suy nghĩ và đạo đức của trẻ.

Đã đến lúc các bậc phụ huynh phải tự lãnh trách nhiệm cải tổ và quản lý chất lượng học tập của con mình, và đóng vai trò lớn hơn trong việc cải cách giáo dục. Hội phụ huynh học sinh phải được trao quyền phản biện chương trình, chất lượng và kết quả học tập của con, và đó là cơ sở để đánh giá thành tích của giáo viên và nhà trường. Bên cạnh đó, họ phải có sứ mệnh giám sát đạo đức của nhà trường và không làm vấy đục nó bởi phong bao, phong bì và quà cáp. Khi đó, sản phẩm giáo dục mới toàn diện và tạo ra những con người có ích cho xã hội. Và khi đó các cải cách khác mới phát huy tác dụng để không chỉ những người may mắn có điều kiện đi tị nạn du học ở nước ngoài, mà tất cả người Việt Nam đều được hưởng nền giáo dục tốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét