Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

THÔNG TIN TRONG CÁC KẾ HOẠCH HÀNG NĂM

Bài giảng cũ của tôi. Đây là nội dung tiếp theo của bài: KẾ HOẠCH HOÁ NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
THÔNG TIN TRONG CÁC KẾ HOẠCH HÀNG NĂM
CHƯƠNG 3
THÔNG TIN VÀ CÁC CHỈ TIÊU PHỤC VỤ XÂY DỰNG,
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNG NĂM
I. NHU CẦU THÔNG TIN PHỤC VỤ XÂY DỰNG KHUNG KẾ HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH HÀNG NĂM
Trong phần trên, chúng ta đã xem xét quy trình xây dựng kế hoạch năm. Tuy nhiên, đề thực hiện được quy trình này, một trong những yêu cầu đầu tiên là phải có một hệ thống thông tin cần thiết. Thực tiễn công tác xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy để có được hệ thống thông tin tốt, cần triển khai những việc quan trọng sau:
- Lựa chọn và điều tra thu thập được hệ thống các chỉ tiêu và thông tin cần thiết, không lãng phí nhưng phải đủ để phục vụ công tác xây dựng và điều hành kế hoạch năm;
- Quan hệ trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong ngành kế hoạch và với các cơ quan tổng hợp khác phải nhịp nhàng, đồng bộ và theo những tiêu chí dự kiến trước;

- Có một hệ thống máy tính mạnh, được nối mạng và có các chương trình tổ chức, truyền thông tin qua máy tính đủ năng lực để đảm bảo cung cấp, truyền tải thông tin và bảo đảm bí mật, an toàn thông tin.
Hiện nay, công tác tổ chức thông tin theo các yêu cầu trên vẫn chưa được đảm bảo. Đến nay, mới thực hiện được một số nội dung sau:
1) Thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch hàng năm
a) Đặc điểm thông tin:
(1) Thông tin quá khứ: Thông tin phục vụ xây dựng báo cáo hàng năm là loại thông tin phản ánh tình hình kinh tế- xã hội theo từng năm của từng ngành, lĩnh vực. Hệ thống thông tin liên kết nhiều năm sẽ hình thành các dãy số liệu theo năm.
Hiện nay, hệ thống thông tin quá khứ hàng năm được chia thành 3 loại: (i) Loại thông tin ước tính; (ii) Loại thông tin sơ bộ; (iii) Loại thông tin chính thức.
Ví dụ: Trong quy trình tính toán và công bố số liệu về tổng sản phẩm trong nước (viết tắt là GDP) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (tốc độ tăng trưởng GDP) của Tổng cục Thống kê, GDP và tốc độ tăng trưởng GDP thường được tính toán nhiều lần, trong đó:
- Lần đầu (vào khoảng tháng 9-10 trong năm kế hoạch): Tổng cục Thống kê ước tính khả năng thực hiện GDP cả năm trên cơ sở thông tin ước tính GDP 9 tháng đầu năm và dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm; đây là số liệu "ước tính". Số liệu GDP này được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau tại kỳ họp Quốc hội cuối năm (báo cáo năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị).
- Lần thứ hai (vào khoảng tháng 3-4 năm sau): Tổng cục Thống kê căn cứ vào thông tin sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả năm trước sẽ tính lại GDP, công bố trong Niên giám thống kê năm tương ứng, trong đó số liệu GDP và tốc độ tăng trưởng GDP được ghi rõ là "sơ bộ". Số liệu này sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm của Quốc hội trong báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch năm trước và triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm kế hoạch (năm hiện tại).
- Lần thứ ba (vào khoảng cuối năm sau): Tổng cục Thống kê căn cứ vào thông tin chính thức về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả năm trước sẽ tính lại GDP năm trước, công bố trong Niên giám thống kê năm tiếp sau, trong đó số liệu GDP và tốc độ tăng trưởng GDP đã là số chính thức nên không còn được chú thích là "sơ bộ". Sau khi số liệu chính thức được ban hành thì các số liệu ước hay sơ bộ của cùng chỉ tiêu sẽ không còn giá trị hiệu lực.
(2) Thông tin dự báo: Ngoài nguồn thông tin trên do Tổng cục Thống kê tính toán, công bố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng để xây dựng kế hoạch năm, còn có nguồn thông tin quan trọng khác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và đưa vào kế hoạch; đó là các thông tin dự báo, bao gồm 2 loại:
- Thông tin ước khả năng thực hiện kế hoạch; đây là là thông tin tính toán căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý để dự báo cho cả năm. Tùy thuộc nhu cầu của việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp, hàng năm có thể phải ước nhiều lần. Ví dụ báo cáo 9 tháng và dự báo cho cả năm; báo cáo 10 tháng và dự báo cho cả năm; báo cáo 11 tháng và dự báo cả năm và cuối cùng là báo cáo ước tính cả năm thường vào tháng 12 hàng năm.
- Thông tin dự báo khả năng phát triển kinh tế - xã hội năm tới, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tất cả các chỉ tiêu khi xây dựng khung kế hoạch năm, đồng thời chủ trì dự báo tất cả các chỉ tiêu tổng hợp của kế hoạch năm; các Bộ, ngành liên quan dự báo các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động của ngành mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối, tổng hợp và xây dựng báo cáo chung.
(3) Thông tin kế hoạch, thông tin dự toán: Thông tin về tương lai trong các kế hoạch năm được gọi là thông tin dự báo, được trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Nếu được thông qua, các thông tin đó sẽ trở thành thông tin chính thức, thông tin kế hoạch, để triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội thông thường là thông tin kế hoạch; nếu là thông tin ngân sách nhà nước thì được gọi là số dự toán. Theo quan niệm hiện nay, tính pháp lệnh của số kế hoạch không cao, đa phần là số hướng dẫn; song tính pháp lệnh của số dự toán rất cao, coi như luật do Quốc hội thông qua và phải được thực hiện nghiêm ngặt.
Vì mục tiêu thu thập thông tin là để xây dựng kế hoạch năm nên số lượng các chỉ tiêu dự báo hoặc ước tính thường không nhiều, chỉ tập trung vào phản ánh các mục tiêu chủ yếu và các cân đối lớn về kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương.
b) Quy trình nghiệp vụ thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch hàng năm
Để giúp cho việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch hàng năm thuận lợi, cũng như giúp cho các doanh nghiệp xác định các mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của mình trong năm tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ và các cơ quan chức năng khác phải nghiên cứu, đưa ra một số thông tin phân tích tình hình, thông tin dự báo ngắn và trung hạn, từ đó xây dựng kế hoạch năm và công bố làm định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, địa phương. Các thông tin này được trao đổi định kỳ giữa các cơ quan nhà nước; nhiều thông tin được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiện nay, Quy trình tổ chức nghiên cứu xây dựng, tổng hợp và theo dõi thực hiện kế hoạch trong nội bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được nghiên cứu bổ sung sửa đổi và ban hành theo Quyết định số 62/QĐ-BKH ngày 24/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quí, hàng năm gồm hai phần: Phần phân tích đánh giá kết quả thực hiện, phương hướng và biện pháp cho kỳ tới (thường gọi là phần lời) và phần biểu số liệu. Theo quy định, các báo cáo này thường kỳ được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, do chưa hoàn thiện hệ thống nối mạng giữa các Bộ, ngành nên các báo cáo này thường được gửi qua đường văn thư. Trong trường hợp phải cung cấp thông tin gấp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời tổng hợp thành báo cáo trình các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương có thể gửi các báo cáo qua đường FAX hoặc qua email. Ngoài ra, từ năm 2003 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức định kỳ hàng tháng Hội nghị giao ban sản xuất, đầu tư tại Bộ nên cán bộ các Bộ, ngành, địa phương tham gia Hội nghị có thể đưa trực tiếp các báo cáo cho Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân của Bộ để xử lý.
Báo cáo hàng tháng, báo cáo quí, báo cáo năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được hình thành theo các bước sau đây:
- Dữ liệu thông tin đầu vào ở các Vụ chuyên ngành và bán tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thu nhận từ các Bộ chuyên ngành ở Trung ương, các Tổng công ty 91 (thường từ Ban Kế hoạch), các Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chi cục Thống kê ở địa phương.
- Dữ liệu đó sau khi được các Vụ chuyên ngành và bán tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý và tổng hợp thành các báo cáo từng lĩnh vực thuộc chức năng theo dõi quản lý của các Vụ chuyên ngành hoặc bán tổng hợp đó.
- Các báo cáo từng lĩnh vực của các Vụ chuyên ngành và bán tổng hợp chuyển về Vụ Tổng hợp KTQD.
Căn cứ vào các báo cáo này và báo cáo thống kê hàng tháng, hàng quý và cả năm do Tổng cục Thống kê cung cấp, Vụ Tổng hợp KTQD sẽ xử lý qua hệ thống thông tin nhiều chiều, chắt lọc thành những số liệu cần thiết để hình thành các bản báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Trong quá trình xử lý, Vụ Tổng hợp KTQD phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều với các Vụ chuyên ngành và bán tổng hợp để chính xác lại các thông tin hoặc đề nghị bổ sung các thông tin cần thiết khác. 
2) Danh mục các loại thông tin phục vụ xây dựng báo cáo năm
a) Các thông tin đầu vào để xây dựng kế hoạch năm
Thông tin phục vụ cho việc xây dựng báo cáo kế hoạch năm là các thông tin cơ bản nhất phản ánh trong nội dung báo cáo kế hoạch. Ngoài ra, còn phải bổ sung thông tin về tình hình và khả năng phát triển của một số địa phương có tỷ trọng cao trong nền kinh tế.
Một số thông tin cơ bản cần chú ý đưa vào báo cáo năm là:
(1) Thông tin về tình hình kinh tế thế giới và ảnh hưởng của nó tới kinh tế, xã hội nước ta:
- Dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực trong kỳ kế hoạch;
- Dự báo diễn biến tỷ giá giữa các đồng tiền của các nước bạn hàng chính của nước ta và phân tích ảnh hưởng của những thay đổi đó tới tăng trưởng và ổn định kinh tế nước ta.
- Dự báo quan hệ thương mại với các nước bạn hàng chính và quan hệ với các tổ chức thương mại trên thế giới. Dự báo chính sách thương mại của các nước và tổ chức này.
- Dự báo khái quát tiến triển của tình hình kinh tế vĩ mô nước ta dưới ảnh hưởng của những tiến triển kinh tế thế giới và khu vực.
(2) Thông tin về các khả năng phát triển kinh tế vĩ mô
- Dự đoán khả năng tăng trưởng GDP, tăng trưởng các ngành và thay đổi cơ cấu kinh tế ngành. Dự đoán tỷ lệ lạm phát;
- Ước thực hiện năm hiện tại và dự báo cho năm tới tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn ODA và FDI,
- Ước thực hiện năm hiện tại và dự báo cho năm tới khả năng thu chi ngân sách, thâm hụt ngân sách;
- Ước thực hiện năm hiện tại và dự báo cho năm tới xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế;
- Ước thực hiện năm hiện tại và dự báo cho năm tới tình hình lao động, việc làm và tỷ lệ thất nghiệp...
(3) Thông tin về tình hình sản xuất các sản phẩm chủ yếu:
- Hiện trạng và tương lai của các sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế (thông tin về cung và cầu sản phẩm, về khả năng giá cả sản phẩm);
- Các thông tin về hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm: Năng suất lao động, tỷ suất lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn đầu tư, tình trạng công nghệ, khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả...
- Thông tin về cung cầu trên thị trường thế giới (giá cả, nơi mua và bán chính...).
- Một số sản phẩm cần nghiên cứu kỹ là điện thương phẩm, sắt thép, phân bón, xi măng, xăng dầu, dầu thô, sản phẩm dệt may, lúa, chè, cà phê, cao su, gỗ, thuỷ hải sản...
(4) Thông tin về tình hình các địa phương
Phân tích thực trạng và dự báo tình hình kinh tế, xã hội tại một số địa bàn quan trọng, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các chỉ tiêu cần được cung cấp và dự báo để đưa vào báo cáo kế hoạch là:
- Tăng trưởng và cơ cấu kinh tế;
- Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp;
- Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu;
- Các dự án lớn, nhu cầu về vốn và dự kiến các nguồn vốn;
- Khả năng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn;
- Thu và chi ngân sách trên địa bàn;
- Dân số, nguồn lao động và nhu cầu và khả năng giải quyết việc làm;
- Một số chỉ tiêu xã hội tiêu biểu cho từng địa phương.
b) Danh mục các chỉ tiêu:
Trong các bản báo cáo kế hoạch năm, cần phải đưa vào danh mục các chỉ tiêu phản ánh được hệ thống các mục tiêu kinh tế vĩ mô gồm tăng trưởng, việc làm, giá cả, cán cân xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế... Bên cạnh đó, theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ, cần bổ sung thêm các chỉ tiêu kế hoạch phản ánh các mục tiêu khác như đổi mới công nghệ và cạnh tranh, phát triển xã hội, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường... Cũng tuỳ theo tình hình cụ thể của từng kế hoạch 5 năm và hàng năm, có thể xác định thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu này.
Hệ thống các chỉ tiêu phải cho phép đánh giá được tình hình phát triển trong giai đoạn trước và khả năng phát triển trong giai đoạn mới.
Theo kinh nghiệm kế hoạch hoá phát triển kinh tế xã hội nước ta trong thời gian qua, cần xây dựng bố thông tin đầu vào và thông tin đầu ra theo ba nhóm vấn đề : (i) Kinh tế; (ii) Xã hội; (iii) Môi trường. Ngoài ra, cuối các báo cáo, cần có các bảng biểu kèm theo để tiện tra cứu, so sánh qua các năm.
Đi kèm mỗi chỉ tiêu, cũng cần phải làm rõ: (i) Nguồn thông tin; (ii) Phương pháp thu thập thông tin; (iii) Các tiêu chí đi kèm mỗi chỉ tiêu (định nghĩa, tần xuất, thời điểm có số ước, có số sơ bộ, có số chính thức...)
Cụ thể, có thể xác định hệ thống mục tiêu đi kèm với danh mục các chỉ tiêu như sau cho cấp tỉnh và toàn nền kinh tế (số quá khứ và số tương lai hay số kế hoạch):
(1) Nhóm các chỉ tiêu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP, chia ra các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
- GDP và cơ cấu GDP theo giá hiện hành...
- Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp,
- Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp,
- Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ,
- Các chỉ tiêu trong cân đối GDP: tích luỹ, tiêu dùng và hoạt động xuất - nhập khẩu,
- GDP bình quân đầu người theo VNĐ và USD,
- Tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế và so sánh với GDP,
- Hiệu quả vốn đầu tư, ví dụ chỉ tiêu ICOR...
- Sản lượng một vài sản phẩm quan trọng nhất.
(2) Nhóm các chỉ tiêu phục vụ cho mục tiêu ổn định kinh tế:
- Tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách và các thành phần chính,
- Tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP (%),
- Tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP (%),
- Tốc độ tăng trưởng tiền tệ, tín dụng và huy động tiền gửi,
- Tốc độ tăng giá, tốc độ tăng giá một số nhóm hàng chủ yếu,
- Biến động của tỷ giá,
- Tình hình vay và trả nợ nước ngoài:  tổng số nợ nước ngoài đến cuối năm kế hoạch, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP, dịch vụ nợ trên xuất khẩu...
- Nợ trong nước của chính phủ trung ương và chính quyền các tỉnh.
(3) Nhóm các chỉ tiêu phục vụ cho mục tiêu giữ các cân xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế trong tầm kiểm soát:
- Tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu,
- Tốc độ tăng trưởng và kim ngạch nhập khẩu,
- Tổng vốn FDI và ODA cam kết và giải ngân,
- Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế trên GDP...
(4) Các chỉ tiêu phục vụ mục tiêu tạo công ăn việc làm:
- Giải quyết việc làm cho lực lượng lao động (toàn nền kinh tế và các ngành),
- Cơ cấu lao động làm trong ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ
- Tỷ lệ thật nghiệp ở thành thị, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn,
- Số ngày công lao động trong năm của 1 lao động ở nông thôn...
(5) Nhóm các chỉ tiêu về đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực cạnh tranh    
- Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển
- Đổi mới công nghệ trong một số ngành sản xuất chính
  - Tăng thị phần trong nước của một số sản phẩm chính
- Tăng tỷ trọng xuất khẩu của một số sản phẩm chính.
(6) Nhóm các chỉ tiêu phục vụ cho mục tiêu phát triển xã hội
- Tỷ lệ phát triển dân số, quy mô dân số,
- Tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi,
- Số tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở,
- Tốc độ tăng hàng năm về quy mô giáo dục các cấp phổ thông, đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
- Tỷ lệ lưu ban, bỏ học.
- Số trường dạy nghề, năng lực các trường dạy nghề,
- Tỷ lệ đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị tử vong,
- Mức chênh lệch thu nhập bình quân của nhóm 20% thu nhập thấp nhất so với nhóm 20% có thu nhập cao nhất,
- Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng,
- Số gường bệnh / 10 vạn dân,
- Tỷ lệ xã có bác sĩ,
- Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học không đến trường.
(7) Nhóm các chỉ tiêu phục vụ cho mục tiêu bảo vệ, phát triển tài nguyên và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
- Tỷ lệ che phủ rừng.
- Tỷ lệ áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải: tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên, tỷ lệ đô thị loại 4 và tỷ lệ các cơ sở sản xuất mới, xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải,
- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ chất thải rắn thông thường, tỷ lệ chất thải nguy hại và tỷ lệ chất thải y tế... được xử lý
- Tỷ lệ dân cư thành thị và tỷ lệ dân cư ở nông thôn sử dụng nước sạch.
.....
Tuỳ theo yêu cầu đặt ra cho bản báo cáo và quy mô cấp trung ương hay cấp tỉnh, có thể chọn những chỉ tiêu phù hợp nhất trong số những chỉ tiêu nêu trên để đưa vào báo cáo. Trong phần báo cáo khung kế hoạch năm và báo cáo kế hoạch năm dưới đây, sẽ trình bày cụ thể hơn về các chỉ tiêu này.
c) Yêu cầu thông tin đi kèm các chỉ tiêu cần thu thập:
Số liệu, chỉ tiêu trong hệ thống thông tin phục vụ công tác kế hoạch hoá và xây dựng báo cáo năm không những phải được tổ chức khoa học để thuận lợi khi tra cứu mà phải chứa đựng những thông tin về chính các số liệu và chỉ tiêu đó (rất thường xảy ra là chúng ta không chú ý đến ghi lại những thông tin này). Những yêu cầu thông tin cơ bản phải đi kèm với các số liệu, chỉ tiêu này là:
(1) Phần nguồn gốc của dữ liệu:
- Nguồn gốc số liệu: Lấy từ sách nào, tài liệu, báo cáo nào;
- Tên cơ quan ban hành sách, tài liệu đó;
- Tên chính xác của số liệu này trong tài liệu chính thức;
- Khoảng thời gian có số liệu (ví dụ từ năm 1980 đến nay);
- Số liệu thu thập được theo quý, tháng hay năm ?
- Đơn vị đo lường: tấn, m3, triệu đồng...;
- Số liệu được tính theo giá hiện hành hay so sánh, năm gốc là năm nào;
(2) Phần nội dung của dữ liệu:
- Định nghĩa nội dung của dữ liệu. Ví dụ nói sản xuất 10 triệu tấn xi măng, vậy gồm các loại xi măng gì, quy đổi giữa chúng ra sao để cộng lại thành 10 triệu tấn. Tương tự đối với các loại đường, gạo,...
- Khoảng thời gian thống kê dữ liệu, ví dụ tỷ giá hoặc giá trung bình của tháng hay vào ngày giữa tháng, cuối tháng ?
(3) Phần cơ sở ban đầu cung cấp số liệu:
- Đơn vị đầu tiên tạo ra số liệu, dữ kiện và cung cấp cho các cơ quan ban hành chính thức ? Ví dụ Tổng công ty Thép cung cấp cho Bộ Công nghiệp, rồi Bộ Công nghiệp cấp cho Tổng cục Thống kê để Tổng cục Thống kê tổng hợp, công bố thành thông tin dùng chung. Như vậy, số liệu gốc là từ Tổng công ty Thép.
- Phương pháp báo cáo là gì ? Theo điều tra định kỳ và gửi lên Tổng cục Thống kê hay thỉnh thoảng mới tổ chức điều tra khi có yêu cầu.
- Thời gian có thể có số liệu: Ví dụ ngày 10 hàng tháng thì có số ước tính của tháng trước, ngày 20 thì có số chính thức.
3) Các bảng biểu trong khung kế hoạch năm, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cung cấp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở xây dựng kế hoạch năm.
Để giúp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch theo một phương pháp luận chung đồng thời cũng để tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kế hoạch tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với phổ biến khung kế hoạch cho các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và phổ biến Danh mục các bảng, biểu giao các đơn vị kế hoạch điền cùng để cung cấp thông tin phục vụ xây dựng báo cáo năm. Nội dung các bảng, biểu gồm:
a) Các biểu hướng dẫn các Bộ, ngành xây dựng báo cáo năm (đánh giá thực hiện năm trước, dự kiến kế hoạch năm tới), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với các Bộ, ngành, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điền vào 18 bảng sau:
(1) Các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản;
(2) Các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp;
(3) Các chỉ tiêu về dịch vụ;
(4) Các chỉ tiêu về xuất khẩu, nhập khẩu;
(5) Các chỉ tiêu về dịch vụ tài chính, ngân hàng;
(6) Các chỉ tiêu về thu - chi ngân sách nhà nước;
(7) Các chỉ tiêu về văn hoá, phát thanh, truyền hình, du lịch, thể thao;
(8) Các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo;
(9) Các chỉ tiêu về dân số, lao động, y tế, xã hội,;
(10) Các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án lớn;
(11) Các chỉ tiêu về môi trường;
(12) Các chỉ tiêu về huy động vốn đầu tư phát triển;
(13) Danh mục các dự án đầu tư (nguồn vốn ngân sách nhà nước);
(14) Danh mục các dự án đầu tư (nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước);
(15) Danh mục các dự án đầu tư (thuộc các nguồn vốn khác);
(16) Danh mục các dự án quy hoạch, chuẩn bị đầu tư;
(17) Năng lực tăng thêm trong các ngành kinh tế;
(18) Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
b) Các biểu hướng dẫn các địa phương xây dựng báo cáo năm (đánh giá thực hiện năm trước, dự kiến kế hoạch năm tới), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điền vào 11 bảng, gồm:
(1) Các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường;
(2) Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu;
(3) Các chỉ tiêu về xã hội và xoá đói giảm nghèo;
(4) Các chỉ tiêu về huy động vốn đầu tư phát triển;
(5) Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý;
(6) Danh mục các dự án đầu tư do địa phương quản lý (nguồn vốn ngân sách nhà nước);
(7) Danh mục các dự án đầu tư hạ tầng tỉnh, huyện mới chia tách và trụ sở xã;
(8) Các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án lớn;
(9) Danh mục các dự án đầu tư do địa phương quản lý (nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước);
(10) Danh mục các dự án đầu tư khác (thuộc các nguồn vốn khác);
(11) Tổng hợp tình hình nợ xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý;
(12) Kinh phí hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

(13) Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét