Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Siem Reap ký sự... qua ảnh

Siem Reap ký sự 
VINH-LAN: Trong chuyến về quê-hương vừa qua chúng tôi cũng nhân-tiện đi thăm Siem Reap, mục-đích là chỉ đi viếng Đế-Thiên Đế-Thích, một kiến-trúc huyền-diệu mà từ tuổi thơ chúng tôi đã được nghe người lớn nhắc đến với cả sự ngưỡng-mộ. Không ngờ, tôi lại thâu nhận thêm bên lề cuộc viếng thăm nầy vài đặc-điểm khác của thành-phố và điều đó đã làm tôi hiếu-kỳ hơn lên một chút nữa.
Với thói quen của họa-sĩ, dù đã bỏ nghề từ 40 năm nay, tôi không thể bỏ được cái hứng-thú đi tìm cái đẹp trong mọi trường-hợp và dưới mọi thể-dạng, lộ-liễu hay ẩn-kín, cụ-thể hay bàng-bạc trừu-tượng. Vì thế, đền-đài cung-điện Angkor, mà số lượng sách vở nghiên-cứu biên-khảo trên thế-giới cho tôi biết rằng mình có chụp bao nhiêu cũng không đủ và có nói đến cũng bằng thừa, sẽ không là mục-tiêu duy-nhất cho máy ảnh của tôi, trái lại, những khía-cạnh mỹ-thuật khác, những bắt gặp dọc đường và những ghi nhận bất-chợt đã làm tôi xao-xuyến hay cảm-động cũng là những nguyên-nhân đáng kể của động-tác bấm máy. Và bài phóng-sự bằng hình nầy cũng sẽ được viết ra theo chiều-hướng đó.

Như trong ký-sự „Về miền sông Hậu“, hình-ảnh là lời kể quan-trọng còn bài viết chỉ có tính-cách phụ-họa và giải-thích thôi.

Quãng đường từ phi-trường Siem Reap tới khách-sạn vừa hơn 10 cây-số. Đoạn đường không dài nhưng cũng đủ cho tôi thấy sự đồng-dạng của hai nước láng-giềng Việt-Miên trong lãnh-vực buôn-bán từ lặt-vặt ở ven đường cho đến quán-xá ở đường phố của tỉnh-lỵ.
Hình-ảnh trong bài của Đỗ Thanh Vân và Phan Tấn Tài















Trong những xóm nghèo thì quả thật rất khó phân-biệt là chúng tôi đang ở Siem Reap hay đang ở một khu xóm nào đó ở Việt-Nam.









Phong-cảnh hai bên đường cũng phảng-phất những nét của quê ta.





Trẻ con tắm sông








Tuy-nhiên, một đặc-thù đã cho tôi một ấn-tượng thật sâu-sắc ngay khi vừa mới đến phi-trường Siem Reap là tinh-thần quốc-gia, hay nói đúng hơn là tinh-thần bảo-vệ dấu-vết cổ-truyền của quốc-gia dân-tộc, trong bình-diện kiến-trúc. Trên đường đi qua vài con phố, đâu-đâu tôi cũng gặp nhiều tòa nhà mới cất, những khách-sạn sang-trọng cũng như tư-gia thuộc thành-phần khá-giả, dĩ-nhiên là tất cả đều theo lối xây-cất hiện-đại, nhưng dù tân-tiến tới thế mấy, ngôi nhà đó vẫn giữ lại ít nhứt là một đường nét căn-bản của kiến-trúc Khmer mà ta không thể nào lẫn-lộn với kiến-trúc xứ khác.



Phi-trường Siem Reap


Phi-trường Siem Reap














Chợ Siem Reap



Chợ Siem Reap


Khách - Sạn

Tấm hình cuối cùng là nơi chúng tôi tạm nghỉ ba đêm có ông chủ là người Hòa-Lan, tức là hàng xóm sát vách của Đức-quốc, nên lề-lối tổ-chức và cách phục-vụ du-khách của khách-sạn đúng mực Âu-châu. Tuy-nhiên, khi thoạt nhìn khách-sạn, ta nhận-diện ra ngay cái chóp hình tam-giác trên mặt tiền ngôi nhà, cũng như hình-dạng hai cây kiểng, là cái đỉnh tháp được kiểu-thức-hóa (styliser), tức là đơn-giản-hóa sự vật để chỉ còn những đường nét tiêu-biểu, ứng-dụng cho nghệ-thuật trang-trí và kiểu-mẫu kiến-trúc. Cái chóp nầy đã có mặt trong những ảnh đã kể bên trên, nó chính là dấu-hiệu biểu-tượng cho đặc-tính Khmer trong phạm-vi xây-cất, mà sau bao nhiêu thăng-trầm đổi thay người dân bản-xứ vẫn chung-thủy với nét đặc-trưng của quê-hương họ. Vì thế mà khi người xứ khác tới đây làm ăn khai-thác, họ cũng phải tôn-trọng tinh-thần bảo-vệ truyền-thống đó.

(Xin lạc-đề: Ở Sàigòn tôi có dịp trò chuyện với một họa-viên kỹ-thuật chuyên-nghiệp trẻ tuổi, đang làm việc chung với một số họa-sĩ cao-niên có tiếng của thành-phố. Tôi được cho coi vài dự-án về thiết-kế nội-thất (hồi trước chúng tôi gọi là trang-trí nội-ốc = décoration intérieure), và tôi có đặt câu hỏi là, tại sao ở đây dùng toàn là đường thẳng của Tây-phương mà không phối-hợp với đường cong của Đông-phương, để ngoài sự hòa-điệu Đông-Tây còn giảm đi tính-chất cứng ngắt của góc cạnh, và tại sao không có cái nào được nhấn mạnh bằng đường nét Việt-Nam? Câu trả lời là „Làm gì có đường nét Việt-Nam!“ và „Cái gì là đường nét Việt-Nam?“

Dĩ-nhiên là lời phát-biểu nầy không thể đại-diện cho quan-niệm nghệ-thuật Việt-Nam hiện-đại nhưng rất tiếc, nó đã tiết-lộ một thực-tế: tinh-thần Việt-Nam trong nghệ-thuật Việt-Nam không được phát-huy và phổ-biến!)

Đã đến Angkor thì phải chụp hình thật nhiều, chắc-chắn vậy. Thú-thật, chúng tôi chịu không nổi sức nóng của mấy hôm trời nắng như đổ lửa đó. Mặc dù đã trang-bị vừa nón vừa dù, chúng tôi phải giảm dự-định hai ngày tham-quan thành một, rồi sau năm tiếng đồng-hồ, chúng tôi chịu thua đành chấm dứt tại chỗ.

Dù vậy, tôi vẫn lựa chọn cho bài phóng-sự về cuộc viếng thăm ngắn-ngủi ở Angkor Wat rồi sau đó ở Angkor Thom một ít hình-ảnh tượng-trưng, tuy biết rằng quý bạn có thể tìm thấy trong các nguồn tài-liệu rất nhiều hình-ảnh đẹp và phong-phú hơn.


Xe tuk-tuk



Angkor Wat









Lịch-sử Ấn-Độ trên tường












Chúng tôi rời Angkor Wat để đi Angkor Thom.


Cổng vào Angkor Thom


Angkor Thom







Trên đường về chúng tôi ghé vào một quán ăn, mà điểm đáng chú-ý là cái nóc quán. Hình thể cái nóc thì cũng là cái chóp tháp như nhiều nơi khác, nhưng lý-thú là vật-liệu lợp mái. Đó là những lá xoài phơi khô được đính lại bằng cây tăm xỉa răng.



Lá xoài được đính lại bằng tăm xỉa răng 

Khi mở đầu bài phóng-sự tôi có nói tới cái hứng-thú đi tìm cái đẹp. Và thật-sự tôi đã gặp rất nhiều „cái đẹp“: cái đẹp huyền-bí của kỳ-quan Angkor, cái đẹp của tấm lòng quý-trọng kiến-trúc truyền-thống, cái đẹp của ý-thức bảo-vệ tài-sản quốc-gia (bạn tôi vừa lượm một cục đá nhỏ ở Đế-Thích thì lập-tức cả người lái xe lôi lẫn cô hướng-dẫn đều lên tiếng: „Không được phép!“), cái đẹp của tánh-nết hiền-hòa, của sự vui tươi cởi-mở nhưng điềm-đạm của các cô gái ….. 

Bạn chúng tôi không có bà xã đi theo nên „tự-do ăn nói“, lúc nào cũng đùa-cợt tán-tỉnh các cô, từ trong nhà hàng, quán ăn ven đường cho tới cả người đi ngang qua ngoài phố. Vợ chồng tôi chỉ cười theo vì vui. Vui vì bạn diễu có duyên, vui vì tôi được dịp quan-sát phản-ứng của phái nữ thời-đại trước sự trêu chọc của người đàn ông lạ và rất vui vì các cô gái Khmer luôn-luôn tươi-cười, từ-tốn đối-đáp một cách thật khôn ngoan.

Và cũng vì thế mà phần kết-luận tôi để dành cho những „người đẹp“ thật-sự bằng xương bằng thịt. Ở Angkor chúng tôi gặp vài đám cưới mà các cô dâu đẹp quá. Cả ba chúng tôi trầm-trồ tinh-thần tôn-trọng cổ-tục của người bản-xứ, nhứt là những đám cưới nầy rất sang-trọng, chứng-tỏ họ phải thuộc vào giai-cấp thượng-lưu, là giai-cấp có khuynh-hướng theo „Tây“ nhiều hơn là giữ lề-lối xưa đi làm lễ tại đền. Riêng tôi, vừa nhìn họ tôi liên-tưởng ngay đến những cặp dâu rể Việt dắt nhau tới những nơi dàn-dựng cảnh giả để „đóng tuồng“, nào là cảnh sông nước ghe xuồng thôn-dã giữa Sàigòn với cô dâu rất đầm và chàng rể rất tây, nào là cảnh chàng chải-chuốt hiên-ngang như James Bond 007 bên cạnh người vợ lả-lướt ... Cách đây không lâu còn có cảnh đám cưới tập-thể chụp ở văn-miếu, nhưng nếu ta chỉ nhìn y-phục mà không đọc lời chú-thích dưới cái hình thì không thể biết đó là những dâu rể Việt-Nam.

Cho nên tôi thán-phục quá. Nhưng rồi lại thấy đám thứ hai, và trong hành-lang trước của dãy đền chánh hình như còn có đám thứ ba, thứ tư. Thành-thật mà nói, tôi bắt đầu đâm ra nghi-ngờ rằng lễ cưới nầy chỉ là một hình-thức „trang-trí“ cho quang-cảnh đền-đài thêm hấp-dẫn và nhứt là để thu-hút sự chú-ý cũng như làm vui mắt du-khách.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì đây cũng là hình-ảnh đẹp với những người đẹp mặc quốc-phục rất đẹp, đang đem quốc-hồn quốc-túy ra khoe với khách phương xa. Đó cũng là một ý-hướng đẹp vậy!




Cô dâu chánh đám cưới1 


Cô dâu phụ đám cưới II 

Các cô dâu chánh và phụ trang-điểm rất khéo và người nào cũng trắng-trẻo, chớ không phải có màu da sậm của giống dân họ khiến tôi có cảm-tưởng các cô phải là những minh-tinh màn bạc hoặc là tài-tử sân-khấu, cũng có thể là hoa-hậu duyên-dáng, hoa-hậu xà-rông hay gì gì đó. Thế nên tôi lại đi tìm một người đẹp khác, một người đẹp bình-thường có cả màu da lẫn nét mặt rất tiêu-biểu cho thiếu-nữ Khmer.

Đó là cô hướng-dẫn-viên của chúng tôi.

Cô bé hai mươi tuổi mới vừa xong trung-học, đi làm thêm với công-việc tiếp khách trong khách-sạn vài lần mỗi tuần để kiếm tiền đi lên đại-học.


Chúng tôi từ-giã Siem Reap và mang theo một cảm-tình sâu-đậm trong lòng. Về Sàigòn tôi lại nghe người ta nói tới nước láng-giềng của ta bằng một giọng đầy thành-kiến và định-kiến, rằng họ kém văn-minh hơn ta nhiều. Cũng có thể là đúng trên phương-diện nào đó, nhưng mỗi khi nhớ đến cái chóp tháp trên các ngôi nhà, nhớ đến thái-độ cương-quyết gìn-giữ của-cải quốc-gia, nhớ đến hình-thức giới-thiệu truyền-thống bằng lễ cưới (giả?) ở Angkor và thành phố văn-hóa Siem Reap với người dân vui-vẻ, hiền-lành, có kỷ-luật, tôi lẩn-thẩn cứ mãi suy-nghĩ quanh cái quan-niệm thông-thường của người đời về hai chữ „văn-minh“!!!
Vinh-Lan
2010
http://ucchau.ndclnh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=611:siem-reap&catid=17:bien-kho&Itemid=36

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét