Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Sập cầu treo Chu Va, nhớ lại cầu treo sông Đuống

Chuyện cầu treo Chu Va sập gây ra cái chết cho 8 người và hàng chục người khác bị thương làm mình nhớ lại những lần đi qua cầu treo sông Đuống trong những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Hồi đó sống chết là chuyện thường tình nên chẳng mấy ai sợ bom Mỹ, nhưng tình người thì dào dạt nên bố mẹ rất sợ nếu xảy ra với con cái. Nhớ nhất là cảm giác đung đưa, dao động mạnh mỗi khi qua cầu. Ô tô, xe đạp, người đi bộ đều đi chung trên cầu và không có phân làn; mỗi khi có đoàn ô tô qua, nhất là ô tô quân sự chở nặng và đi nhanh, cầu đung đưa rất mạnh, người đi thấy rõ mình cũng đung đưa theo cầu, nhiều người chóng mặt phải bám vào người khác để đi. Mẹ mình rất lo con cái bị rơi xuống sông, nhiều khi phải gào lên kêu con cái bám thật chặt vào lan can, lần lần từng bước để đi. Tuy nhiên lúc đó chẳng ai nghĩ đến chuyện cầu sập (trừ khi bị bom ném trúng). Cầu làm bằng vật liệu do Liên Xô sản xuất (độ bền và chất lượng đồ Liên Xô thường cao gấp 1,5 lần so với hàng phương Tây nên được dân ta gọi là đồ chày đồng cối đá, dùng không bao giờ hỏng), hoàn toàn không có chuyện tham nhũng, lại được những chuyên gia giỏi (vì lúc đó ai cũng chịu khó học thật, học giỏi chứ không học giả như bây giờ) thi công... nên chất lượng đảm bảo. Mình nhớ sau chiến tranh vẫn tiếp tục sử dụng cầu treo một thời gian rồi mới dỡ. Cầu treo sông Đuống rất dài, rất rộng, ô tô qua lại hai chiều chứ không nhỏ tý hin như cái cầu treo Chu Va này. Cầu mong cho các nạn nhân đã chết của vụ sập cầu Chu Va nhẹ nhàng siêu thoát, nạn nhân bị thương sớm bình phục. Còn chuyện tại sao vận rủi rơi vào họ thì chắc phải nhớ lại câu của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến: "Cái nước Việt Nam mình (bây giờ) nó thế". 

Chuyên gia nghi ngờ chất lượng cầu treo sập
TPO - Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân ốc neo tăng đơ cầu treo Chu Va ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị vỡ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, có thể do thiết kế, thi công hoặc vật liệu không đảm bảo.

Tải trọng chỉ một phần?
Khối lượng vượt không nhiều, trong khi thông thường trọng tải dự phòng của cầu treo rất lớn, để đảm bảo an toàn. Khối lượng vượt như vậy không đáng kể, nên không thể nói hoàn toàn do quá tải”, chuyên gia này nhận định.

Theo vị chuyên gia trên, cầu sập do vỡ ốc neo tăng-đơ nên lỗi có thể xảy ra trong quá trình thiết kế, chất lượng chốt néo không đảm bảo, quy cách thi công không đúng. Nên khi tải trọng tăng lên chút ít đã xảy ra sự cố. Thậm chí, trọng tải dự trữ không đảm bảo. “Cầu mới đưa vào sử dụng hơn một năm, lại vừa hết bảo hành, nên không thể do rỉ sắt”, ông khẳng định.

Về trách nhiệm, theo chuyên gia, trước tiên thuộc chủ đầu tư (quản lý xuyên suốt quá trình thi công, nghiệm thu, khai thác). Ngoài ra, hiện thiếu hướng dẫn cho người dân sử dụng cầu treo sao cho đảm bảo. Theo quản lý, ngành giao thông phải có trách nhiệm ban hành để các địa phương thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định đã đầy đủ, nhưng việc hướng dẫn sao cho người dân hiểu và thực hiện chưa có, đặc biệt với bà con dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tuyên truyền hiệu quả hơn, bằng những dẫn dụ cụ thể cho người dân hiểu”, ông Hiệp khẳng định. Tuy vậy, theo ông, câu chuyện tuyên truyền này đã nói nhiều, nhưng chuyển biến ở các địa phương không bao nhiêu.

Về trách nhiệm, theo ông Hiệp, trước nhất là của Ban quản lý dự án huyện Tam Đường – chủ đầu tư cầu. Bộ GTVT đã lập đơn vị kiểm tra độc lập, sẽ có kết luận về nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.

Chỉ mình huyện có lỗi?


Chiều 25/2, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân sự cố vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. “Về trách nhiệm của nhân, tổ chức liên quan phải khi nào có kết luận kiểm tra mới nói được. Tuy nhiên, trách nhiệm theo phân cấp là do huyện quản lý”, ông Chương nói.

Theo ông Chương, cầu treo trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên được kiểm tra, sự cố vừa qua chỉ là hy hữu. “Nhưng đây là bài học không chỉ với địa phương mà cả Bộ GTVT trong hướng dẫn quản lý công trình giao thông. Cần rà soát lại toàn bộ những vấn đề này”, ông Chương nói thêm.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, cầu treo Chu Va vừa hết bảo hành [1 năm] hồi tháng 12/2013. Khi hết bảo hành, huyện đã nghiệm thu và đảm bảo chất lượng, nên giao cho Phòng Công thương huyện phối hợp với xã quản lý, kiểm tra. “Ốc neo tăng-đơ bị vỡ không phải do rỉ sắt, không phải do quá trình bảo dưỡng”, ông Trung khẳng định.

Về trách nhiệm, ông Trung cũng nói, phải chờ kết quả kiểm tra, lỗi do khâu nào. “Nhìn bằng mắt thường, sự cố do cường lực đột ngột. Thế nên trách nhiệm của huyện (chủ đầu tư – PV) chưa nói hết được”, ông Trung nói, vì còn liên quan tới thiết kế, vật liệu và một phần ý thức người dân khi không chấp hành về giới hạn tải trọng. Tuy vậy, ông vẫn thừa nhận: “Một phần trách nhiệm thuộc chủ đầu tư quản lý điều hành”.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tam Đường, hiện chưa có tuyên truyền riêng về việc vận hành cầu treo, cũng không có văn bản nào về những hướng dẫn đó. Tuy vậu, sau sự việc này, phải thay đổi cách tuyên truyền. “Trước giới hạn tải trọng ghi là 1,5t (1,5 tấn) bà con không hiểu, không ước lượng được. Nhưng tới sẽ giới hạn cụ thể bao nhiêu người, bao nhiêu xe”, ông Trung khẳng định.

Tới cuối giờ chiều 25/2, trong số 38 người bị thương, có 28 trường hợp bị nặng điều trị tại bệnh viện tỉnh Lai Châu, 10 trường hợp điều trị tại bênh viện huyện Tam Đường (2 trường hợp đã xuất viện).

Chiều cùng ngày, đoàn bác sĩ từ bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đã lên tới nơi và bắt tay ngay vào công việc.

Trong 28 người bị thương nặng, có 11 người (bị dập gan, phổi…) đã được bệnh viện tỉnh Lai Châu mổ thành công, sức khỏe đang tiến triển tốt. 16 người còn lại bị gãy xương, cột sống… các bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đang tiến hành mổ.

Riêng 1 trường hợp bị đa chấn thương, ảnh hưởng não các bác sĩ đang theo dõi, có thể chuyển về bênh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng cũng không loại trừ khả năng trả về gia đình.

Được biết, trong ngày mai (26/2) sẽ xong đường tạm cho người dân đi qua suối. Sau khi cơ quan chức năng thu thập xong số liệu, chứng cứ vụ việc sẽ khắc phục lại cầu cũ để người dân đi lại. Kinh phí trước mặt do huyện Tam Đường chi trả. 


(Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét