Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

“Riêng một góc trời” xứ tuyết

“Riêng một góc trời” xứ tuyết
Kiều Bích Phương - Đầu những năm 70, Paul Theroux ngồi tàu khách Sài Gòn-Biên Hòa thốt trong cuốn Phương Đông lướt ngoài cửa sổ rằng “Ấn tượng đã in suốt thời gian tôi ở đây, là khả năng xoay xở của người Việt Nam”.
Tự hào biển hiệu ẩm thực Việt trên một khu phố cổ Praha
Chứng kiến cảnh này, bạn gái tôi, vợ mới của bố Vỹ chảy nước mắt. Cô vừa nhập cộng đồng người Việt ở Hà Lan, buộc phải xoay xở với nhiều điều mới mẻ, cả chuyện thích nghi với con chồng- những đứa trẻ da vàng sinh ở xứ tuyết, ăn bún mắm xì xụp, nhưng hễ có bạn đến nhà là giả vờ chun mũi “phòng ám mùi gì khiếp quá”.

Cuộc sống xa xứ giống như một cái cây chiết ra từ cành chứ không phải gieo trồng và lớn lên từ gốc rễ, rất nhanh ra hoa kết quả, nhưng chóng cỗi. Chính tôi đây từ khi định cư xứ tuyết, thấy mình già đi nhanh không phải theo tuyến tính thời gian mà là bắt đầu sống cùng nhiều hoài niệm hơn. Cái việc vừa phải xoay xở thích nghi mà Paul Theroux bảo là người Việt rất giỏi ấy, nhưng lại vẫn lặng thầm hoài niệm, thật giống một tiếng thở dài trong không gian ngập tuyết trắng.

Từ chuyện một tay chơi


Tôi đang ăn ngan nướng ở chợ Sapa gần Praha (CH Séc) thì Phong bước vào cùng một cô gái tóc vàng. Những người gốc Việt cạnh tôi xì xào “Lại có bồ Tây mới rồi, chịu chơi thật”. Anh họ tôi sống ở Séc gần hai chục năm phục Phong ở chỗ “Mình nói tiếng Séc bồi giỏi nhưng viết lại dốt. Còn Phong tốt nghiệp đại học, vững luật và biết đàm phán làm ăn xuyên biên giới”.

Tiền kiếm được Phong không đóng gạch gửi về quê mà tậu mô tô Ducati nhập hội đam mê tốc độ, sắm xe hơi mui trần chở bạn gái ra biển phơi nắng mùa hè và là ông chủ một con ngựa, thỉnh thoảng về vùng quê hưởng không khí trong lành...

Khi đã hoà nhập xã hội bên này, nói và viết tiếng Hà Lan còn giỏi hơn cả người bản xứ, họ lại tự hào nhận mình gốc Việt”. Phong nói

Phong ghé bàn tôi chào hỏi, nở nụ cười rộng khoe hai chiếc răng cửa khá thưa. Răng thưa thừa của, tôi nghĩ thế. Anh tôi hất hàm về phía cô gái tóc vàng ý dò hỏi, Phong lắc đầu “Em giới thiệu cô này vào làm ở chợ Sapa ấy mà”. Tôi hỏi “Phong định về Việt Nam tìm vợ hay lấy Tây?” “Em lấy Tây thôi. Về Việt Nam vừa tốn kém chi phí đi lại, phức tạp thủ tục bảo lãnh, lại mất thời gian huấn luyện vợ hoà nhập cộng đồng”.

Tôi giữ nỗi băn khoăn về Phong cho đến khi gặp anh Quang, bố của Vỹ, bác sĩ gốc Việt thành đạt trong xã hội Hà Lan, mới hỏi “Có khi nào thế hệ... quả chuối này lờ đi hoặc phủ nhận mình gốc Việt?” “Đừng lo. Anh từng dự nhiều hội thảo, tiệc chiêu đãi của người thành đạt trong xã hội Hà Lan, thấy một số bạn trẻ trông khá giống người Việt, anh hỏi Có biết nói tiếng Việt không, họ gật đầu và chuyển ngữ ngay.

Khi đã hoà nhập xã hội bên này, nói và viết tiếng Hà Lan còn giỏi hơn cả người bản xứ, họ lại tự hào nhận mình gốc Việt”. Cái cành bứng đi nơi khác đã nhanh trổ rễ, hoa vẫn đẹp và trái vẫn ngọt ngào. Còn tôi, khi uốn lưỡi mãi không thuần thục ngôn ngữ Hà Lan, quay ra tự trào với người bản xứ “Tiếng Hà Lan khen mà nghe như chửi, còn tiếng Việt chửi mà như hát hay!”.

Đến những thói quen cô đặc

Như mọi cuộc chuyện trò của người Việt, lan man chủ đề rồi lại quay về tò mò cốt tử: Anh làm nghề gì? Thu nhập bao nhiêu? Một bữa tiệc chiêu đãi hiếm hoi của cộng đồng Việt vừa diễn ra trong gia đình người Việt sở hữu mini resort 14 ngàn mét vuông tuyệt đẹp giữa lòng nước Bỉ. Chưa kịp trồng thảm cỏ xanh mướt nhưng khu vườn kính đã được cải tạo thành phòng tiệc lung linh đèn chùm trên đầu, dưới chân là sàn gương bóng loáng cá vàng cùng nước luồn bên sỏi đá. Bên ngoài, mặt hồ vẫn chưa đóng băng, khiến cho cây cầu gỗ nổi trên nước duyên dáng trong nắng chiều.

“Ông chủ cũ là triệu phú châu Âu, rao bán cơ ngơi này hơn 1 triệu Euro, mãi không ai dám mua. May đúng thời khủng hoảng, vợ chồng nó kiên trì mặc cả, cuối cùng tậu được giá chỉ hơn 600.000 Euro”, cô họ của gia chủ thì thào. Điều kỳ lạ đã xảy ra trong bữa tiệc buffet chiêu đãi phần lớn người gốc Việt ấy. Những nhân viên phục vụ da trắng xuất hiện ngay sau từng khay inox bóng loáng đang bốc khói và kiên quyết không rời đi, tận tay múc khẩu phần ăn cho khách. Đồ uống cũng vậy, phải hỏi mới có người phát tận tay chứ không để tuỳ nghi. Một bữa buffet mất phẩm chất tiệc tự chọn. “Phải chặt chẽ như thế mới không chen chúc lấy quá nhiều rồi bỏ mứa”, bà chủ giải thích riêng với tôi.

Tôi đang già đi như thế!Vào dịp Tết nọ, sang Hà Lan tôi được vợ chồng người bạn đãi hạt dưa, mứt dừa và xem Thuý Nga- Paris by night. Bỗng thấy mình trẻ lại, chỉ còn là đứa trẻ lên tám, ngồi trên giường nhẩm đếm từng hộp mứt, gói kẹo lạc ông nội cung kính xếp lên bàn thờ. Tôi không xem lịch đỏ ngày Tết mà đếm bánh và mứt. Bao giờ hết bánh chưng, hết mứt mới hết Tết. Còn người Việt xa xứ, bao giờ hết hoài niệm mới chính thức tan chảy? Làm gì có chuyện đó. Bởi đời sống Việt ấy, không gian văn hóa Việt ấy đã ngưng đọng chính tại thời điểm người ta xa xứ! Quá trình chưng cất “hồn cốt Việt” bắt đầu ngay từ đó mà bản thân nào hay.

Dọc đường từ Tây Âu sang Đông Âu thăm người Việt, theo thời gian và theo hoài niệm chợt sống dậy, tôi càng nghe rõ “tiếng tóc mình chuyển bạc” (thơ Phùng Cung).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét