Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Mỹ lãi to nếu Trung Quốc đánh bại Nhật Bản?

Tại sao Mỹ lãi to nếu Trung Quốc đánh bại Nhật Bản?
Nghe có vẻ kỳ lạ khi Nhật là đồng minh quan trọng của Mỹ, nhưng thực sự theo các nhà phân tích nếu TQ đánh bại Nhật, Washington sẽ thu được lợi ích khổng lồ.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm đền chiến tranh Yasukuni 
bất chấp dư luận, khiến 2 đồng minh trong tam giác sắt phẫn nộ.
Trục châu Á của Mỹ dựa trên tam giác sắt của Mỹ - Nhật - Hàn, có 3 liên minh trong tam giác nói trên gồm: Liên minh Mỹ- Nhật Bản, Mỹ- Hàn Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc. Nhưng giữa liên minh Nhật Bản và Hàn Quốc lại có một hàng rào ngăn cản họ xích lại gần nhau, củng cố liên minh. Đó là do mối thâm thù từ lâu bởi sự tàn bạo của Đế quốc Nhật đối với người dân Hàn Quốc trong suốt thời gian họ chiếm đóng, cai trị trên Bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, mối thâm thù đó lại thường được nhắc nhớ, đào xới bởi các chuyến thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi của giới chức ở Tokyo.

Đền chiến tranh Yasukuni được cho là nơi thờ tự vong hồn của hàng triệu binh sĩ quân đội phát xít, trong đó bao gồm những kẻ phạm phải tội ác chiến tranh tàn bạo, và là cái gái trong mắt người Hàn Quốc và Trung Quốc. Những chuyến thăm đền này của giới chức Nhật, trong đó, mới nhất là chuyến thăm đền của đương kim Thủ tướng Shinzo Abe cuối năm ngoái đến nay vẫn dấy lên sự lên án, chỉ trích gay gắt từ Hàn Quốc lẫn Trung Quốc.

Mỹ - đồng minh của cả Nhật và Hàn, trung tâm của tam giác sắt - đau đầu khi bị kẹt giữa mối hiềm khích, thâm thù của hai đồng minh ruột ở Đông Bắc Á. Liên quan đến chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc hội đàm Trung-Nhật đã mất nhiều giờ để thuyết phục ông Shinzo Abe không nên lặp lại động thái tương tự như vậy. Dễ hiểu, Washington quan ngại, những chuyến thăm đền gây tranh cãi của giới lãnh đạo ở Tokyo sẽ phá vỡ liên minh Nhật-Hàn, một liên kết quan trọng trong tam giác sắt chiến lược quan trọng xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Đặc biệt, chuyến thăm đền Yasukuni bất chấp dư luận của Thủ tướng Abe còn khiến Washington nhận ra rằng, Nhật Bản vốn dĩ không phải là một đồng minh ngoan ngoãn vâng lời. Động thái này nhắc nhở người Mỹ rằng, họ không thể đặt niềm tin hoàn toàn vào một đồng minh từng bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng (trong chiến tranh thế giới thứ 2) khiến hàng nghìn binh sĩ nước này thiệt mạng đồng thời đánh chìm, phá hủy gần hết chiến hạm, máy bay Hạm đội 7.

Về mục đích chống lại liên minh Nga - Trung khi nỗ lực xây dựng tam giác sắt, Mỹ muốn cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều mạnh mẽ về mặt quân sự. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự và quay lưng lại với Mỹ, bất hợp tác với Washington trong các vấn đề Nga, Trung, mục đích quan trọng của tam giác sắt sẽ bị phá vỡ. Do đó, Mỹ luôn phải giữ vững vị thế là người cầm dây cương và Nhật Bản phải là một đồng minh biết vâng lời trong tam giác sắt.

Trong trường hợp Nhật Bản thất bại trong cuộc xung đột với Trung Quốc, Tokyo sẽ lại phải dựa vào liên minh quân sự với Mỹ và lẽ đương nhiên, buộc phải ngoan ngoãn "vâng lời" Washington.

Trung-Nhật đánh nhau, Mỹ sẽ là "ngư ông đắc lợi".

Ngoài ra, xét về những lợi ích quan trọng trong quan hệ Mỹ-Nhật và Mỹ-Trung cũng đặt ra cho Washington suy tính.

Trên thực tế, kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiến hành nhiều cải cách và có vẻ chịu nhượng bộ Mỹ trong các cuộc đàm phán về kinh tế song phương. Giới quan sát cho rằng, nỗ lực cải cách của chính quyền Tập Cận Bình đang mang lại nhiều triển vọng tươi sáng cho Mỹ tại thị trường tiêu thụ khổng lồ Trung Quốc. Mỹ với các công nghệ tiên tiến, phát triển có thể thúc đẩy nghành công nghiệp sản xuất ở trong nước, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người để đáp ứng nhu cầu khổng lồ tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, về mặt này, Nhật Bản lại là một đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Mỹ. Rõ ràng, Nhật Bản không hề thua kém Mỹ về công nghệ cao và trình độ lao động. Do đó, Nhật hoàn toàn có khả năng sản xuất ra các loạt sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tương đương với Mỹ. Tuy nhiên, do sự gần gũi về mặt địa lý, chi phí vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc của Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với Mỹ. Chưa hết, với sự gần gũi về văn hóa, Nhật Bản cũng dễ dàng nắm bắt các xu hướng tại thị trường Trung Quốc sớm hơn Mỹ rất nhiều.

Kể từ sau khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, Tokyo rất khôn ngoan khi nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, trái ngược với sự thù địch, căng thẳng triền miên trong quan hệ Trung-Mỹ. Do đó, hiện tại, căng thẳng Trung-Nhật đang mang lại cho Mỹ cơ hội hiếm có để vượt mặt, đánh bại Nhật độc chiếm thị trường Trung Quốc khổng lồ.
Căng thẳng, thậm chí một cuộc xung đột Trung-Nhật sẽ hủy hoại quan hệ giữa 2 nước này, khắc sâu mối thù địch lịch sử giữa 2 cường quốc châu Á. Các thương hiệu của Nhật Bản sẽ bị người Trung Quốc tẩy chay. Đây là cơ hội để hàng hóa của Mỹ loại bỏ, thế chân các sản phẩm của Nhật trên thị trường Trung Quốc.

Tóm lại, sau tất cả, nếu Mỹ không can dự vào cuộc xung đột Trung-Nhật, họ sẽ lãi to, giành được nhiều lợi ích nhất từ chính cuộc xung đột này. Mặt khác, nếu Mỹ nỗ lực giúp Nhật Bản đánh bại Trung Quốc, bản thân họ sẽ tự hủy diệt thị trường lớn nhất của mình.

Bạch Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét