Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Lý giải câu chúc “Mã đáo thành công”

Lý giải câu chúc “Mã đáo thành công”
Theo dân gian, với năm Ngựa, câu chúc "Mã đáo thành công" sẽ là câu chúc Tết hay nhất. Câu chúc “Mã đáo thành công” phù hợp với cả người làm kinh doanh, lẫn người chinh phục con đường quan lộ. Như vậy, Tết năm nay, bên cạnh lời chúc sức khỏe, bạn có thể gửi đến bạn bè, người thân, gia đình, câu chúc "Mã đáo thành công" cho một năm mới 2014 đầy hứa hẹn. Dưới đây là những câu chuyện thú vị xung quanh câu chúc "Mã đáo thành công".
1. Lý giải câu chúc “Mã đáo thành công”
“Mã đáo thành công” dịch nôm có nghĩa là “ngựa về ắt sẽ thành công” hay “có ngựa ắt sẽ thành công”. Ý nghĩa của câu chúc trên gắn liền với những lý giải như sau:

Xưa kia, ngựa là phương tiện đi lại thuận lợi nhất vì ngựa chạy nhanh, sức bền, thông minh, trung thành. Cuộc sống con người khi xưa rất gần gũi với loài ngựa. Ngựa cùng con người đồng cam cộng khổ trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động, đi lại buôn bán và cả khi ra trận.

Mỗi lần đi làm ăn xa, ngựa cùng con người có khi đi cả năm cả tháng. Khi ra chiến trận, thường “đi mười về một”. Vì vậy, “mã đáo” - “có ngựa quay về” - chính là một hình ảnh ẩn dụ cho sự thành công bởi còn người là còn tất cả.


Ngoài ra còn có một cách lý giải khác: Thời xưa, người Trung Quốc ở phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên, đồng cỏ thường gia tăng số lượng gia súc trong đàn bằng cách thuần dưỡng ngựa hoang.

Đến mùa xuân, người ta thường thả ngựa nuôi trong nhà vào các cánh rừng để những con ngựa này dụ ngựa hoang trở về trang trại khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến.

Một khi thả ngựa nuôi trong nhà ra thì có hai khả năng xảy đến: hoặc là ngựa của mình vĩnh viễn đi mất (có thể do bị thú dữ ăn thịt, có thể bị người ta bắt mất cũng có thể do nhập đàn với ngựa hoang và bỏ đi luôn...) hoặc là ngựa sẽ quay trở về và còn dẫn theo những con ngựa hoang khác.


Vì vậy, hình ảnh ngựa quay về được coi là tượng trưng cho thắng lợi. Ít nhất, nếu ngựa về một mình, vậy là người chủ đã không mất nó, lúc này là “hòa vốn”. Nếu ngựa nhà còn dắt thêm ngựa hoang về cùng là đã bắt đầu “có lãi”.

Câu chúc “Mã đáo thành công” phù hợp với cả người làm kinh doanh, lẫn người chinh phục con đường quan lộ. Câu chúc này thường được dùng vào dịp năm mới, trong năm ngựa, lời chúc “mã đáo thành công” càng trở nên phù hợp và ý nghĩa.

2. Lý giải tranh phong thủy “Mã đáo thành công”


Các bức tranh về ngựa vốn được xếp vào hàng những món đồ phong thủy. Nhiều người thường chọn hình tượng ngựa để trang trí trong nhà hay tại nơi làm việc bởi theo quan niệm truyền thống, ngựa là con vật trung thành, kiên nhẫn, bền bỉ, nhanh nhẹn và thường mang lại may mắn, tài lộc.

Một trong những món đồ phong thủy thường thấy về loài ngựa là bức tranh ngựa phi nước đại tượng trưng cho sự phát đạt về tiền tài hay thăng tiến về danh vọng. Ngựa phi nước đại còn hàm ý về sự đi xa, rất thích hợp với những người hay đi công tác, thường xuyên bôn ba đây đó.


Nổi tiếng trong dòng tranh ngựa là bức “Mã đáo thành công” thường có tám con ngựa bởi tám - “bát” (八) - khá gần âm với từ “phát”, tức là phát đạt. Tranh phong thủy “Mã đáo thành công” được sử dụng rộng rãi trong đời sống bởi nó phù hợp với nhiều đối tượng, từ người làm ăn buôn bán, theo đuổi tiền tài cho tới người đang trên đường quan lộ, tìm kiếm danh vọng.

Ở tranh “Mã đáo thành công”, ngựa biểu trưng cho tốc độ. Thời cổ, khi chưa có động cơ tân tiến thì ngựa là loài vật chuyên chở có tốc độ cao hàng đầu. Câu nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp) đã cho thấy tốc độ ưu việt của ngựa hoặc xe ngựa chỉ thua tốc độ lan truyền của lời nói.


Tranh vẽ tám ngựa còn được cho là bắt nguồn từ điển tích “Bát tuấn đồ” kể về tám con ngựa của Mục Vương bên Trung Quốc, là vị vua thứ năm của nhà Chu.

“Bát tuấn” (tám con ngựa) có tên Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Mã, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lư và Duyên Nhĩ. Tương truyền, cỗ xe tám ngựa của Mục Vương đã chở nhà vua rong ruổi khắp đất nước để xem xét dân tình thế thái.

Chu Mục Vương được hậu thế tôn vinh là minh quân bởi ông đã có công giúp cho nhà Chu hưng thịnh trở lại. Hình ảnh tám ngựa có lẽ trở nên nổi tiếng cũng một phần nhờ điển tích lịch sử ấy.

3. Dòng tranh về ngựa thường có hai loại:


Ngựa phi ra biển: Ngựa tượng trưng cho hành hỏa trong ngũ hành, biển là nước nước tượng trưng cho hành thủy
. Hỏa - thủy tương khắc. Ý nghĩa của bức tranh này là mong có một ý chí vươn lên phi thường.


Ngựa phi trên đồng cỏ: Đây là bức tranh hợp với phong thủy. Ngựa mệnh hỏa, đồng cỏ gồm cả hai yếu tố mộc (cây cỏ) và thổ (đất đai). Bức tranh ngựa phi trên đồng cỏ là một vòng tròn tương sinh Mộc - Hỏa - Thổ. Treo bức tranh này, gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét