Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Kịch bản tấn công phong tỏa Trung Quốc

Đánh "Rồng" từ… dưới biển
Kịch bản tấn công phong tỏa Trung Quốc
Nếu muốn ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc, không cho nước này thể hiện sức mạnh cơ bắp quân sự và thay đổi hiện trạng trong khu vực, Mỹ cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược tấn công từ dưới biển một cách hiệu quả.
Tên lửa được phóng từ tàu ngầm.
1. “Tử huyệt” của Trung Quốc
Có thể hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ không xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai. Nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự như hiện nay, một ngày nào đó, 2 cường quốc này cũng sẽ va chạm với nhau ít nhất trong vài cấp độ. Xu hướng này còn được gọi là "Trap Thucydides", có nghĩa là: "Khi một cường quốc trỗi dậy nhanh chóng cạnh tranh với một cường quốc thực sự, rắc rối sẽ xuất hiện. 11 trong số 15 trường hợp như vậy đã xảy ra trong vòng 500 năm qua, kết quả là nổ ra một cuộc chiến tranh".

Mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ là phải duy trì ưu thế vượt trội mà không dẫn đến xung đột. Mỹ cần phải tìm cách răn đe hành động quân sự của các đối thủ tiềm tàng, bởi vì những cường quốc có ưu thế lớn thường giành chiến thắng trong các cuộc xung đột. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là chiến lược quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự để thay đổi hiện trạng địa chính trị là gì?

Trả lời cho câu hỏi này không thể dựa trên những đánh giá mang tính chiến thuật trong học thuyết đã được vạch ra và lực lượng quân đội Mỹ hiện nay để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là một cuộc tranh luận mà hầu hết các cuộc thảo luận thường không đi đến kết quả. Phát triển một chiến lược quân sự quốc gia hiệu quả nhằm ngăn chặn những xung đột phải bắt đầu với những đánh giá trung thực và thẳng thắng về lịch sử cũng như những mục tiêu, khả năng chiến lược của cả ta và địch cũng như những điểm yếu không chỉ về hệ thống vũ khí, chiến thuật tác chiến và học thuyết quân sự.

Ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là ổn định chính trị trong nước và nâng cao mức sống của người dân. Để đạt được những mục tiêu này, chiến lược lớn của Trung Quốc là phải kiểm soát được phía đông nước này để bảo vệ Đại lục trước các đợt tấn công từ trên biển và đảm bảo sự an toàn cho tuyến đường hàng hải, nơi có vị trí quan trọng đối với việc khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo đó, Trung Quốc đã ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang của mình để cho phép nâng cao khả năng kiểm soát trên biển, tăng cường áp lực nhằm vào Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa. Nó là một hệ quả trực tiếp và hợp lý về chiến lược lớn của Trung Quốc trong dài hạn.

Trong khi đó, những thế mạnh chủ yếu của Trung Quốc là rất gần với chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, có hệ thống tên lửa và khả năng không kích từ trên không chính xác, lực lượng đổ bộ thì ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có những điểm yếu cốt tử đó là khả năng chống ngầm và khả năng phá mìn rất hạn chế, cùng với đó là các cảng và các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc rất dễ tiếp cận và đánh phá. Những điểm yếu này là rất quan trọng đối Mỹ trong việc đánh chặn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.

Không chỉ mỗi Hải quân Trung Quốc là chưa được chuẩn bị nhiều cho cuộc chiến chống ngầm và phá mìn, mà hầu như tất cả hải quân các nước trên thế giới- trừ Mỹ - cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này rất khó thực hiện vì một cuộc chiến như vậy đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để thành thạo trên biển và có rất ít lực lượng hải quân đầu tư hoặc muốn huấn luyện những chiến thuật nhàm chán, không được ưa chuộng này. Trên cơ sở biên chế lực lượng hải quân hiện nay và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện một chiến dịch chống ngầm thành công, bởi vì hiện tại Bắc Kinh đang tập trung đầu tư vào tàu sân bay và các tàu nổi đối không, chứ không phải là các phương tiện chống ngầm hay phá mìn.

Sẽ là chiến lược thiếu suy nghĩ, thậm chí có lẽ là một sơ xuất về mặt quân sự, nếu chỉ tập trung vào việc làm thế nào để Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan hoặc chống lại các hành động quân sự của Trung Quốc với Chiến lược Tác chiến Không – Biển (một chiến lược do Lầu Năm Góc khởi xướng để vô hiệu hóa Chiến lược "chống tiếp cận, phong tỏa khu vực" của Trung Quốc và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, Thái Bình Dương và trên toàn cầu) hay một khái niệm tác chiến khác. Với câu châm ngôn: “Những kẻ nghiệp dư nghiên cứu chiến thuật, còn những người chuyên nghiệp sẽ nghiên cứu về hậu cần” có lẽ là đúng, nhưng các quốc gia cũng nên thực hiện việc bố trí lực lượng và học thuyết mà có thể tăng cường khả năng răn đe.

Trước tiên, mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ nên tập trung vào việc ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc thông qua một chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy và khó có thể bị đánh bại mà ở đó nó có thể tạo ra những hậu quả tiêu cực và nghiêm trọng đối với lãnh đạo của Trung Quốc. Răn đe xuất hiện khi thế trận về chiến lược và quân sự khiến lãnh đạo của đối phương phải nhận thấy rằng họ khó có thể dành thắng lợi mà không có mất mát, hy sinh. Hiện nay, chiến lược và thế trận quân sự của Mỹ dường như chưa thể hiện được điều này. Với tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang ngày càng coi thường thế trận của Mỹ, điều có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên.

2. Kịch bản tấn công phong tỏa Trung Quốc

Nếu xung đột đột giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, chiến lược mới của Washington về mặt cơ học sẽ phải bảo đảm việc chặn tất cả các tuyến đường giao thông, kể cả dân sự và quân sự của Bắc Kinh, mà trước tiên là sử dụng các tàu ngầm cùng với hệ thống không người lái phóng ngư lôi phong tỏa bờ biển của Trung Quốc. Điều này được kết hợp với việc mở rộng các công cụ pháp lý và tài chính để ngăn chặn sự lưu thông thương mại bằng đường không và đường biển. Mục đích của các hoạt động này là tạo ra sự biến động về kinh tế và thúc đẩy sự bất ổn về chính trị bên trong đại lục.

Trong khi một số nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ đồng tình với chiến thuật “Kiểm soát ngoài khơi” của Đại tá Thủy quân Lục chiến về hưu T.X. Hammes thì một số khác lại ủng hộ Chiến lược Tác chiến Không –Biển (ví dụ như như Elbridge Colby, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ). Chiến lược mới được đề xuất ở đây chính là sự kết hợp của 2 khái niệm trên: Chiến lược tấn công phong tỏa hay còn gọi là chiến lược răn đe từ dưới biển, kết hợp với việc ngăn chặn và đóng cửa các tuyến đường thương mại của Trung Quốc. Chiến lược này một phần giống như chiến lược Kiểm soát ngoài khơi, nhưng phạm vi hoạt động của nó là ở trong và gần những cảng biển của Trung Quốc, nơi thuận lợi cho việc tấn công bằng ngư lôi. Nó được thực hiện chủ yếu bởi các loại vũ khí tấn công dưới mặt nước kết hợp với vũ khí “kinh tế” nhằm tránh sự đổ máu của cả hai bên, điều có thể làm bùng lên chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc.


Lợi thế của chiến lược này là làm tăng sự răn đe thông thường, xác suất thành công khá cao và rất đáng tin cậy, bởi vì với phương pháp gián tiếp này sẽ ít tốn kém hơn về chi phí quân sự trong khi bản chất của tác chiến tàu ngầm và ngư lôi là phong tỏa đối phương. Ngoài ra, hậu quả về mặt chính trị sẽ thấp hơn so với việc sử dụng chiến thuật ném bom vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Trung Quốc hay bắn hạ hàng trăm phi công của Bắc Kinh, sẽ khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy…

Một lợi thế khác của chiến lược tấn công phong tỏa dưới biển là nó ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống tác chiến điện tử của Trung Quốc hơn là một cuộc tấn công từ trên bộ hoặc trên không. Biển sẽ như một “chiếc áo giáp” bảo vệ và hạn chế tối đa khả năng tấn công của các tên lửa đạn đạo chống hạm như DF-21D vốn được coi là “sát thủ tàu sân bay”. Nói chung, trong điều kiện chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương, nơi an toàn nhất sẽ là dưới lòng biển – không phải ở trên mặt nước hay ở trên không. Minh chứng cụ thể cho lợi thế này thể hiện rõ nhất trong cuộc xung đột ở Falklands năm 1982 giữa Vương quốc Anh và Argentina. Người Anh đã đúc kết ra rằng cuộc đối đầu giữa hai lực lượng hải quân hiện đại trên mặt nước thường tổn thất nhân mạng nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Và sau hơn 30 năm, các loại vũ khí đã được hiện đại hóa với khả năng sát thương cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Theo chiến thuật mới này, ngay khi bắt đầu xảy ra cuộc chiến, Mỹ sẽ tuyên bố vùng đặc quyền hàng hải mở rộng ít nhất 200 dặm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và xung quanh vùng lãnh thổ Đài Loan. Bất kỳ tàu thuyền nào đi vào khu vực này sẽ bị giam giữ, thậm chí bị đánh chìm, nếu có hành động chống đối hoặc đơn giản là vi phạm vùng đặc quyền. Điều này cũng tương tự như những gì người Anh đã làm trong chiến dịch Falklands và đã phát huy hiệu quả.

Thứ hai, Mỹ sẽ sử dụng các tàu ngầm, máy bay ném bom tàng hình tầm xa hoặc máy bay không người lái tấn công bằng cách phóng/thả mìn, ngư lôi để phong tỏa các vùng biển gần của Trung Quốc, đặc biệt là các cảng biển, các tuyến đường thương mại huyết mạch. Tất cả các tàu thương nhân sẽ được khuyến cáo không nên rời khỏi bất kỳ cảng nào của Trung Quốc cho đến khi một tuyến đường an toàn vừa đủ hẹp được thiết lập để các tàu này thoát ra ngoài.

Trung Quốc thậm chí sẽ không biết được mức độ của các hoạt động phong tỏa vì nó được thực hiện ngầm dưới biển. Một lợi thế của chiến tranh dưới biển là tạo ra mối đe dọa lớn nhưng rất khó khăn để các lực lượng phòng vệ phát hiện vì không thể quan sát được các hoạt động này. Đơn giản là, chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ đi qua các khu vực có bãi mìn, ngư lôi, nó có thể bị đánh chìm ngay lập tức. Kết quả là các tàu chiến hay bất cứ lực lượng phòng vệ nào khác khi hoạt động trên biển cũng sẽ phải hết sức dè chừng, di chuyển chậm chạp. Giảm tốc độ cơ động của đối phương cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến tranh.

Thứ ba, chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố rằng tổ chức tài chính và các tòa án Mỹ có thể không thi hành hoặc chi trả bất kỳ yêu cầu bảo hiểm, tín dụng, hoặc công cụ tài chính tương tự cho các tàu thương mại đã được đánh giá theo quyết định riêng của Washington, như là hoạt động trong vùng đặc quyền hoặc với mục đích kinh doanh, trao đổi khác với Bắc Kinh. Giới phân tích quân sự hầu như luôn đánh giá thấp sức mạnh của các công cụ tài chính hoặc pháp lý của Mỹ trong việc thay đổi, hoặc thậm chí ngăn chặn các hoạt động thông thương hàng hải. Nó sẽ là một vũ khí rất có hiệu quả khi áp dụng với Trung Quốc. Mỹ cần phải sử dụng sứ mạnh “bá chủ” về tài chính trên toàn cầu của mình để tăng cường chiến lược răn đe quân sự.

Sự đánh giá một cách tương đối về điểm mạnh và điểm yếu của cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế và chính trị cho thấy: chiến lược răn đe thông thường nên tập trung vào việc khiến cho các lãnh đạo của Trung Quốc cảm giác rằng một cuộc chiến tranh là rất nguy hiểm. Gót chân Achilles chính trị của Bắc Kinh là nỗi sợ hãi về cuộc nổi loạn lan rộng với bạo lực leo thang trong khi nền kinh tế bị sụp đổ. Gót chân Achilles quân sự của Bắc Kinh chính là khả năng tác chiến mìn, ngư lôi và khả năng chống ngầm hạn chế. Điểm yếu về kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, và quyền bá chủ về pháp lý cũng như tài chính Mỹ. Những điểm yếu nghiêm trọng này là điều có thể giúp Washington triển khai và phát huy chiến lược răn đe từ dưới biển.

Công Thuận (Theo USNI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét