Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

'Hối lộ' Phật và cảnh quét tiền ở chùa Bái Đính

Chen nhau mang tiền đi 'hối lộ' Phật
Cứ hết mùa lễ hội là mọi người lại truyền tai nhau câu chuyện nhà chùa không có đủ người để kiểm số tiền lẻ lên tới 1200 bao tải, mà du khách thập phương để lại.

Cảnh quét tiền ở chùa Bái Đính
Đền chùa đã bị con người biến thành nơi cầu xin, hối lộ, mua bán nhằm đạt được những mục đích cá nhân của mình. Đầu năm thì đi xin “lộc” với mâm cao cỗ đầy rồi tiền lễ rải khắp nơi. Cuối năm nếu thấy công việc của mình thuận lợi thì lại đi đáp lễ lại, thế chẳng hóa ra là một cuộc buôn thần bán thánh?


Đền Bà Chúa Kho năm nào cũng tấp nập người đến xin lộc buôn bán, làm ăn.

Mùa xuân là mùa lễ hội. Đi lễ là phương thức thỏa mãn tâm linh thường trực nơi mỗi con người để cầu an, cầu sự che chở và bảo trợ của thần thánh, phật pháp. Con người dù hiện đại và tiến bộ tới đâu thì cũng vẫn phải bấu víu vào những niềm tin như vậy. Tuy nhiên, việc đi lễ để mong sự cầu an đó giờ cũng không còn đúng với ý nghĩa ban đầu.

Ở chốn non thiêng Yên Tử, người ta dùng tiền để “đánh bóng” cả chùa Đồng. Mỗi người dân cầm trên tay một tờ tiền rồi thi nhau chạm vào chùa Đồng. Phong trào “lấy may” này mới manh nha xuất hiện từ vài năm qua, kể từ khi chùa Đồng được khánh thành vào năm 2007. Dù không có sự tích nào được lưu truyền về việc phát tài, phát lộc theo cách “xoa tiền” này, khách hành hương tới chùa Đồng vẫn rất hào hứng thực hiện.

Ở chùa Bái Đính, ngôi chùa to, đẹp thuộc loại nhất Việt Nam, năm nào người ta cũng bắt gặp hình ảnh du khách thập phương nhét tiền vào tay tượng Phật. Như thế có thể coi là hối lộ chưa vậy? Phải tu hành cả đời để có thể thoát tục, đến được với đất Phật thì giờ con người lại dúi vào tay tượng Phật cả đống tiền lẻ, không biết các vị có bằng lòng với hành động này không. Có lẽ cần phải trả lời được câu hỏi Phật dùng tiền vào việc gì trước khi chúng ta làm những hành động thật sai trái như vậy.

Còn ở chùa Hương, cứ hết mùa lễ hội là mọi người lại truyền tai nhau câu chuyện nhà chùa không có đủ người để kiểm số tiền lẻ lên tới 1200 bao tải mà du khách thập phương để lại. Đáng nhẽ, câu chuyện đó phải là của ngành ngân hàng chứ không nên diễn ra ở một nơi trang nghiêm như đền chùa.

Đó chỉ là ba ngôi chùa trong số hàng nghìn, hàng vạn ngôi chùa ở nước ta. Chắc chắn chả có đền chùa nào khuyến khích du khách phải mang theo tiền lẻ để rải. Có nhiều nơi còn có quy định rõ ràng, nghiêm cấm mọi hành động như vậy nhưng không hiểu vì sao càng ngày, những hành động đó lại càng trở nên phổ biến.



Chắc chắn không ít người biết việc rải tiền nơi tôn nghiêm như đền chùa là rất lãng phí và phản cảm, nhưng bây giờ nhiều người làm như vậy quá khiến cho ai vào đền chùa mà không mang tiền lẻ để rải thì lại thấy lạc lõng. Tâm lý đám đông đã khiến những việc làm phản cảm lại dần trở nên phổ biến, đương nhiên.

Đạo Phật coi trọng nhất là lòng thành, không nặng về lễ bái và nghi thức để làm khó chúng sinh. Việc mang tiền lẻ đến đền chùa đầu năm thật ra đã có truyền thống từ lâu đời chứ không phải chỉ mới xuất hiện. Tục lệ này vốn được các cụ gọi giản dị là tiền 'giọt dầu', với ý nghĩa góp chút lòng thành nhỏ bé vào hoạt động của đền, chùa. Nhưng mang cả xấp tiền đi lễ bây giờ thì sao gọi là giọt dầu được, phải gọi là mang cả can dầu đi mới đúng.

Đất nước ta còn nghèo, có thể số tiền của người dân đi lễ chùa không đáng là bao nhưng nếu tính tổng cộng vào chắc chắn sẽ không hề nhỏ. Nếu mọi người muốn công đức cho nhà chùa thì có thể làm bằng nhiều cách chứ không nên dùng tiền để dúi vào tay tượng Phật. Số tiền đó chúng ta hoàn toàn có thể dùng vào những việc có ích hơn, như vậy mới thật đúng với triết lý Phật giáo.

http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/chen-nhau-mang-tien-di-hoi-lo-phat-2949395.html

1 nhận xét:

  1. ngày xưa phong thái đi chùa thanh thản bao nhiêu nay còn đâu?ngày nay cảm giác thiên hạ như đi cướp chùa ép phật mới đúng nghĩa..nản

    Trả lờiXóa