Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

(2) Chiến tranh trong mắt ai

Chiến tranh trong mắt ai
Chiến tranh, bên cạnh những hào hùng, bất khuất là những mất mát, đau thương. Mất mát ngay trong cái dáng ngồi dựa cửa của người thiếu phụ chờ chồng. Đau thương với ngay cả với những nạn nhân vô tội. Dường như hậu chiến vẫn là một cuộc chiến chưa hề chấm dứt.
Bài 1: Gió lạnh buồng đào
Có một bó hoa cúc vàng rực rỡ được đặt lên kệ thờ trong nhà bà giáo về hưu Lê Thị Luyến ở Tiến Thịnh, Tam Nông, Phú Thọ vào ngày 14.2.2014. Đó không phải là những đóa hoa Valentine. Chỉ là từ 35 năm nay, vào mỗi tháng 2, bà lại đặt lên ban thờ chồng một lọ hoa cúc vàng.

Duyên hảo cầu sao bỗng dở dang
Lúc đó là 11h30 phút trưa 17.2.1979, sau một buổi sáng lên lớp với “sự bồn chồn như là linh tính”, cô giáo Luyến, trở về căn lán nhỏ trong khu tập thể giáo viên ở Tân Lập, Phú Thọ. Phòng tranh, vách nứa vọc vạch. Và bản tin chiến sự trên Đài tiếng nói Việt Nam từ bên phòng hiệu trưởng vọng sang. Bắt đầu bằng cái tin “như thanh gươm đâm suốt qua tim”: Trung úy Phạm Văn Vụ, đồn phó đồn 131, Công an vũ trang Mường Khương đã anh dũng hy sinh.


Cô giáo Luyến, năm đó mới 23, chỉ nhìn thấy lờ mờ trước mắt khuôn mặt âu lo hốt hoảng của những người đồng nghiệp vừa ùa sang. Ai cũng nói có thể có sự nhầm lẫn. Nhưng đó là linh cảm. Nhưng cô biết đó là sự thật. Cô ngất lịm trong tay bạn bè đồng nghiệp.
Nỗi đau của người vợ trẻ không có câu chữ nào có thể mô tả nổi.
35 năm sau, ký ức buổi trưa và bản tin sét đánh hôm ấy vẫn tràn trụa trong những hàng nước mắt người già. Những hàng nước mắt mờ đục bởi thời gian và đau thương mà có lẽ 35 hay bao nhiêu năm cũng không thể gắn hàn.

Họ yêu nhau 4 năm sau một lần anh về phép. Hòm thư của anh ấy đến giờ cô vẫn nhớ: Hòm thư 8268 Hoàng Liên Sơn. Năm đó, anh mới 27, còn cô vừa 23.
Bữa cưới nhau ngồi chờ bên bến đò Hưng Hóa, ai cũng nói họ đẹp đôi nhất vùng.
Bữa cưới nhau, lễ cưới của một cô giáo hậu phương với anh bộ đội nơi tuyến đầu biên giới, ai chúc cũng nói đến “trăm năm hạnh phúc”.

Bữa cưới nhau, họ như hai đứa trẻ, thẹn thùng trong tấm chăn hoa cà bông đỏ.
Chưa tới 10 hôm thì anh nhận điện trở về đơn vị. Cô còn nhớ như in rằng: Người cha, khi ấy còn động viên con lên đơn vị càng nhanh càng tốt. Và hàng chục năm sau vẫn băn khoăn về lời động viên ấy, dù với ông, đã là lính thì không thể có sự lựa chọn nào khác. Đã là người tính thì không thể để tình riêng xen lẫn vào việc công.

Hôm chia tay, anh chở cô trên chiếc xe đạp, 60km, đưa cô lên trường ở Tân Lập, nắm tay cô bảo rằng: Khi nào anh về phép sẽ từ đơn vị về thẳng trường đón em. Anh còn nói mình có con, trai sẽ tên là Việt, gái sẽ gọi là Phương.
Thế rồi, anh ra đi và không bao giờ trở về nữa.

Anh bắn đến viên đạn cuối cùng. Và khi anh dũng hy sinh, trên tay vẫn còn một quả lựu đạn chưa kịp mở chốt. Cô không quên. Đó là Tả Ngải Chồ. Là Mường Khương. Là Lào Cai. Và là một đâu đó trên mảnh đất Việt.
Cuộc chiến nào thì đau thương nhất vẫn chỉ là những người phụ nữ. Những bà mẹ mất con. Những người vợ mất chồng. Cô giáo Luyến có chưa tới 10 ngày hạnh phúc để đau khổ suốt 10 năm sau đó.

“Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt.
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương”.

Phải chăng là Ngọc Hân công chúa đã một lần nói hộ nỗi lòng những người phụ nữ mất chồng đêm đêm xoạt xoạt trở mình tự hỏi “Miền Cực Lạc xe mây vùn vụt, duyên hảo cầu sao bỗng dở dang ?”.

“Có lẽ cô quá yêu chú. Cô quá nặng tình”-Cô giáo, giờ phải gọi là bà, giấu khuôn mặt trong tay áo.
10 năm sau đó, không đêm nào cô không nhớ tới người chồng.

Cô lao vào công việc, đi giáo viên màng lưới khắp những vùng xa khó nhất. 10 năm không còn một người đàn ông nào khác trong mắt người vợ mất chồng. 10 năm, cô nhận nuôi thằng út của chị gái, thằng Nghĩa Tồ, để anh rể, một người lính khác, yên tâm cầm súng ở Yên Minh, Hà Giang.

Nỗi cô đơn 35 năm

10 năm yên phận thờ chồng, mãi đến năm 1989, khi thằng Nghĩa Tồ đủ lớn khôn để quyết trở về với mẹ, cô giáo Luyến, một lần nữa khóc hết nước mắt trước nỗi cô đơn, “tứ phía chỉ toàn tường là tường, chăn đắp thế nào cũng thấy lạnh lưng”.

“Giống như y là định mệnh”- cô giáo Luyến thoáng như là thở dài. Trước hôm cưới, trên mu bàn tay người yêu có một vết thương nhỏ. Cô lấy nước muối rửa cho anh hỏi rằng bị sao. Anh mỉm cười hỏi lại “Nếu anh bị thương cụt chân cụt tay thì em còn yêu thương anh nữa không”. Cô bây giờ không trả lời, đưa tay lên bịt miệng anh.

Run rủi thế nào đó, sau 10 năm thờ chồng, cô mới lại tìm thấy sự thông cảm. Và nói thế nào nhỉ. Người chồng mới Trần Xuân Lập, khi ấy là một thương binh hạng ¼ (hạng nặng nhất) với đôi chân bị liệt hoàn toàn, cũng trên biên giới phía Bắc, cũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Bữa chúng tôi ghé thăm, chú Lập không có nhà. Vết thương chiến tranh từ năm 1981 và cuộc sống gần như bất động trên xe lăn đã sinh ra biết bao nhiêu căn bệnh, khiến người anh hùng ngày đó giờ sống gần như cả năm trên Khu điều dưỡng thương binh cách xa nhà không chỉ là khoảng cách vài chục cây số. 2 người có với nhau một con gái, đặt tên Phương (!!!) và đương đi học xa nhà.

Cô quạnh quá. Cô giáo Luyến ngồi tách những hạt ngô đỏ bầm như máu, mắt nhìn ra xa xăm trong căn nhà trống huơ trống hoách. Giờ có những nỗi lo khác. Lo con gái sẽ lấy chồng xa quê. “Nó đã có bạn trai ở tận trong Thanh Hóa”. Lo không xin được việc cho con gần nhà. Nỗi lo của một người phụ nữ đã cả đời cô đơn.

Liệu có ở nơi đâu trên trái đất này có những người phụ nữ mòn mỏi trong chờ đợi. Đợi tin người một cha chiến sĩ; Một người chồng liệt sĩ hy sinh trong ngày 17.2.1979; Một người chồng là thương binh mặt trận Hà Tuyên; Người em, có giấy báo đỗ đại học Tổng hợp văn, xin gác bút lên đường ra biên giới. Và một đứa em nữa trở về từ mặt trận Vị Xuyên năm 1988 sau khi đã gửi lại mảnh đất địa đầu một quả thận và một con mắt.

Chiến tranh. Phải. Chiến tranh là gì, ở đâu đó. Chính chiến tranh, chứ không phải số phận, đã khiến vô số những người phụ nữ Việt Nam sống cả cuộc đời trong mất mát, trong nỗi khắc khoải của sự cô đơn.

Bài 2: Chiến tranh dường như chưa hề dừng lại

Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 5.3.1979, chiến tranh vẫn liên miên ở Hà Giang, kéo dài suốt đến những năm 1988. Nhưng tới giờ, “cuộc chiến” vẫn chưa dừng lại với những người lính còn có thể trở về. Và chiến tranh, như con rắn độc, vẫn lẩn quất đâu đó đối với ngay cả những người sinh ra sau cuộc chiến. Chiến tranh dường như chưa hề dừng lại.

Trở về từ Thung lũng Gọi hồn

Chúng tôi đi vòng vèo khắp Tam Nông đi tìm anh Lê Quang Thống, em cô Luyến, để rồi, đứng sững ngay trước mặt là một người đàn ông bé nhỏ, đen đúa và cáu bẩn trong bộ quần áo công nhân nhem nhuốc. Trên đầu anh, và ngay trên con mắt trái, phủ một lớp mùn cưa khi anh như chui ra từ đống bạch đàn.

“Chú chưa hết giờ làm, nhưng hẵng cứ vào đây làm hớp nước”- người đàn ông mới 48 tuổi nhưng “đã toan về già” vì lam lũ nói như càu nhàu, kéo ghế rót nước mời chúng tôi.
Anh Thống “năm 87” là lính sư 314. “Đóng ở đâu hả? Nằm chứ đóng gì. Pháo nó dập cho suốt ngày. Bảo nằm mà lại dám đứng! Nằm chốt Vị Xuyên, Thung lũng Gọi hồn. Tại sao là Thung lũng Gọi hồn á? Thì chết nhiều quá thì gọi là Thung lũng Gọi hồn chứ sao”. Anh Thống trả lời như “gẩy liên thanh AK”. Ra đó là một người đàn ông vui tính.
Năm đó, anh Thống, như biết bao thế hệ thanh niên ở đất nước này hăng hái lên đường tòng quân.

Sau mấy tháng “đủ để (bắn từ) tắc đọp sang tành tành”, những người lính trẻ được đưa tới địa danh nổi tiếng của đất Vị Xuyên, Hà Giang là Hang Dơi, để rồi sau đó, lên chốt.
3h sáng một ngày năm 1988, tổ tam tam của anh Thống đang “nằm chốt” khu vực “tuyến hào Mùa xuân”, dưới chân “đài Z” thì pháo, cối Trung Quốc nã sang suốt 30 phút. Ngớt tiếng pháo, bộ binh Trung Quốc theo kèn tiến lên chiếm chốt để lấy đường đánh lên hang 70. Tổ tam tam của Thống sau khi “cứ thong thả” nã hết cơ số đạn thì buộc phải rút. Và ngay khi đó, anh dính mảnh đạn cối.

2 người đồng đội đã khiêng anh “rúc vào một khe đá”. Anh nằm đó tới 7h tối mới được vận tải cứu ra.
Một mảnh đạn cối đã cướp của anh một con mắt. Và người lính ấy cũng để lại mảnh đất biên cương một quả thận. Chỉ may là “súng ống vẫn còn”.
Cuộc chiến tranh biên giới hoàn toàn không hề ngừng lại sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 5.3.1979.

Ở Vị Xuyên, Hà Tuyên, cuộc chiến kéo dài đến năm 1988 với sự ác liệt lên cao điểm vào giai đoạn 1984-1985. Theo một bức điện của hãng thông tấn RFA điện từ Bắc Kinh, năm 1985, trong số 1 triệu phát đạn pháo bắn trên toàn tuyến thì riêng Vị Xuyên đã hứng 800.000 phát. Có những dải đồi bị pháo Trung Quốc nã đến mức như nhuộm vôi, lở loét đến nỗi không một cành cây ngọn cỏ nào có thể sống.

Cuộc sống của những người lính 314 năm đó là nằm giữ chốt, hứng pháo, đánh nhau với “bọn sơn cước giày 3 đanh” và với cả “em Ngọc Ánh”.
Ngày nào pháo Trung Quốc cũng bắn sang. Dăng ô khắp nơi. Pháo đến mức nhàm tai. Kệ pháo, cứ nằm khểnh nhổ râu. Chỉ đánh nhau khi có tiếng pháo “dọn đường” bởi sau đó bộ binh Trung Quốc sẽ tràn lên chiếm chốt. Chỉ đến đêm, công việc của người lính mới bắt đầu với một cái xẻng, để đào hầm, và khẩu AK, chống lại lính sơn cước giày 3 đanh.
“Em Ngọc Ánh là ai?”- Tôi hỏi anh.

À đó là “Hòm thư Ngọc Ánh”, là chương trình phát thanh tâm lý của Trung Quốc. Cứ 7h tối, loa bằng cái giường từ trên đỉnh phát xuống. Nào là về với vợ con đi. Nào là “Xuân này con không về”. Lải nhải suốt đêm. Nào là “Chị đã nhìn thấy hầm em đào. Đừng có ở đó, chị bắn đấy. Xen giữa màn tra tấn tâm lý, là pháo cối và lính “giày 3 đanh” âm thầm đột nhập, chứ đâu có thể thư giãn với âm nhạc.

Một bóng đen thoáng qua vầng trán người lính. Nó bắn trúng hầm thật. Vừa nói nhìn thấy mình đào hầm tối trước, tới 7h sáng2 quả pháo giáng đúng hầm nóc hầm của C2.
Giọng nói người lính chốt năm xưa trở nên xa xăm. Đại đội anh hơn 60 đã hy sinh 14 người sau chỉ 2 trận đánh. Sự ác liệt của cuộc chiến cũng như màn tra tấn tâm lý khiến cả xã có “9 thằng” lên chốt thì 3 thằng “đứt xích”.
Còn anh, trở về như một người anh hùng khi một con mắt và một trái thận đã gửi lại nơi biên viễn

Những bàn tay chai nối những… bàn chân
Công việc của những người lính Vị Xuyên năm ấy là đào hầm tránh pháo, những căn hầm xuyên vào đá núi. Bàn tay “có thể dùng làm thớt”, chai sạn đến nỗi không thể bật máu được nữa.
Nhưng bàn tay người anh hùng trở về năm ấy vẫn chưa thôi chai sạn.

Lê Quang Thống trở về với “thước ngắm đít trâu”. 3 đứa con đi học với đồng tiền thương binh 2/4 chính xác là 2 triệu lẻ 70 ngàn khiến cuộc sống vô vàn trật vật.
Cuộc sống của anh là chuỗi dài mưu sinh. Sáng: Ra ruộng. Chiều, làm tất cả những gì có ai đó thuê mướn. Và “bảo vệ nhà trẻ” để mỗi tháng có thêm 1 triệu đồng.

Bữa tôi gặp, anh đang đi bóc vỏ cây thuê. 120 ngàn một ngày. “Có việc như thế này, vất vả tí chút, nhưng có việc là may lắm rồi, bù cho những ngày ngồi nhà nhổ râu vặt”.
Không. Những ký ức năm xưa đã ngủ quên trong lam lũ. Sư 314 sau chiến tranh đã giải thể. Những người đồng đội năm xưa cũng đang lam lũ ở đâu đó. Không gặp gỡ. Không kỷ niệm. 3 năm trước, cũng ban ngành đoàn thể kéo đến với máy quay phim và ảnh chụp xoẹt xoẹt, nói đến chuyện xây nhà đồng đội. Rồi nói thì cũng nói vậy thôi…

Cái mừng, con mắt còn lại của người lính năm xưa rực sáng, là cả 3 đứa con đều học đại học.

Tháng 2 năm nay, trên những địa danh đẫm máu năm xưa Làng Lò, Hang Dơi, Thung lũng Gọi hồn, đồi Cô Ích, Cốc Nghè, 4 hầm, điểm cao 1509…hoa đào đượm sắc trong giá lạnh.

Cách thung lũng Gọi hồn, Vị Xuyên không xa có một ngôi nhà gỗ nhỏ của Hầu Xào Chung.

Chàng trai người Mông sinh năm 1981 ở bản Hoàng Lỳ Pả chưa từng biết, chẳng từng nghe chút gì về cuộc chiến tranh từng ác liệt ngay trên dãy núi sau nhà. Cho đến cách đây 4 năm.

Hôm đó, Hầu Xào Chung đi nương trên Sì Khà Láng, dưới chân cao điểm 1030 thủa nào. “Mình đi bình thường thôi”- Lời Chung- Đang đi thì mìn phát nổ. Một quả mìn còn lại từ những năm 79-88 đã khiến bàn chân Chung nát bấy. Anh chỉ nhớ là anh đã phải bò lê trên đất, nước mắt giàn dụa trong đau đớn và lấy hết hơi tàn để thi thoảng lào khào vài tiếng kêu cứu. Chân Chung sau đó phải cắt ngang ống đồng. Giờ đây, anh quấn nó trong giẻ, nhét vào một chiếc ống bương để lọc cọc lê lết đi lại trên đá…

Chỉ riêng một thôn Hoàng Lỳ Pả đã có 6 người cụt chân do dẫm mìn. “Mìn ở đây còn nhiều lắm, dân đi chẳng dám rẽ ngang rẽ tắt- một cán bộ địa phương phàn nàn, thì đấy, hồi sư 316 lên dò mìn, ngay ở trong một cái khe đã phát hiện tới 40 quả mìn dưới tán một cái cây”.
3 hôm sau, Chung nhờ người anh lên Sì Khà Láng tìm lại bàn chân chết và nong nó lên gác bếp, để sau này, khi về với ông bà tổ tiên có thể mang bàn chân hoàn nhập cùng thân xác.

Giờ đây, hàng ngày, Chung cùng với những người anh em của mình vẫn đi rừng. Anh không nói, nhưng chúng tôi biết rằng nghề chính của anh là làm thớt nghiến. Chẳng phải sau lưng anh, ngay dưới dãy núi răng cưa, với những cao điểm lừng danh 1030, một con đường mòn như sợi chỉ vắt sang bên kia biên giới con đường thớt nghiến sang Trung Quốc.

Nhớ hôm ngồi với một “ông Hội đồng” vừa đi tiếp xúc cử tri về tay nới…cà vạt miệng oang oang: Tiếp xúc cử tri ở bản, người dân chỉ “mong muốn kiến nghị” xã cho một cái nồi 3 chảy (nồi nấu 3 bò gạo), một cái chảo gang và 2 bộ ly. Chảo thì để nấu…thịt trâu rồi. Nhưng ly để làm gì. Vị hội đồng cười: Ly để…nào, làm một ly đi anh.

Cái tâm thế người Mông vùng cao Hà Giang chỉ đơn giản là phải mạo hiểm vì miếng cơm, ly rượu. Chung không phải là người hiện sinh chủ nghĩa như Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”, cho nên đừng ai hỏi anh về chiến tranh. Chỉ đơn giản, chiến tranh là mìn Tàu. Với Chung, với không ít những người dân ở Hoàng Lỳ Pả, ở Mã Hoàng Phìn, chiến tranh là hiện hữu nguy cơ biến người ta thành “chấm phẩy”, không còn được nguyên vẹn để về với tổ tiên.


Bài 3: Không ai lừa được sự thật lịch sử

Chiến tranh có thể là sự ác liệt nhưng hào hùng với đạn rơi máu đổ của những chiến binh chốn sa trường. Chiến tranh, cô đơn và mất mát ngay trong cái dáng ngồi dựa cửa của người thiếu phụ chờ chồng. Chiến tranh, cũng có thể là sự ngơ ngác của một người dân thời bình bỗng một ngày trở thành phế nhân. Và chiến tranh, chẳng có gì quá lời khi nói đó là cảm giác hào hùng và tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã có sẵn trong dòng máu Lạc Việt từ cả ngàn năm nay.

Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa

Có một nhạc sĩ, đã 35 năm qua, vẫn nhớ như in cái cảm giác hào hùng năm ấy. Ông là Phạm Tuyên, tác giả của “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”.
Năm 1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Không khí biên giới hồi đó đã rất căng thẳng- ông nhớ lại- Đụng độ từ trước đó mấy năm. Trước đó, ông đã đi thực tế để viết bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh”, nói về tấm gương hy sinh của người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống trên biên giới phía Bắc.

Tối 17.2.1979, người nhạc sĩ đã ngồi lặng đi khi nghe tin quân xâm lược Trung Quốc đã tràn qua biên giới. Bản tin nói rất rõ lời lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình bảo phải dạy cho Việt Nam một bài học. Đó là sự căm phẫn. Và đó cũng là cảm giác hào hùng. Mấy ngàn năm nay, đất Việt đâu cũng có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa.

“Tôi viết rất nhanh. Ngay trong đêm 17. Trong ngày 18, bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Ngày 20.9.1979, tức là 4 ngày kể từ khi quân xâm lược thêm một lần nữa giày xéo mảnh đất này, bài hát được phát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại cái “cảm giác phát khóc” khi những người dân, những anh cán bộ, những người lính ở Tây Nguyên, ở Khu 5 nhắn với ông rằng họ ước sao có đôi cánh để bay ngay ra biên giới phía Bắc chống quân xâm lược.

Đất nước này ngàn năm trước Sát Thát và ngàn năm sau cũng vẫn là như vậy thôi. Cảm tử cho tổ quốc là tinh thần đã chảy sẵn trong huyết quản người Việt rồi.

Bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” ban đầu được viết dưới dạng hành khúc, hào hùng tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất với những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa có trong ca từ. Nhưng đến đoạn điệp khúc, đáng ra phải là một giai điệu mang âm hưởng hào hùng, nhưng Phạm Tuyên nói ông không thể viết được thế. “Đến đoạn điệp khúc, tôi nhớ đến đất nước Việt Nam bao đau thương vừa trải qua cuộc chiến tranh dài với hy sinh, mất mát. Bao nhiêu xương máu của cha ông, của lớp lớp các thế hệ người Việt đã đổ xuống để bảo vệ mảnh đất này. Chẳng phải là lịch sử đã trao cho Người sứ mệnh bảo vệ tổ quốc đó sao.

Còn câu kết của bài hát: Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập- Tự do. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói ông dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chăng, độc lập, tự do cũng là khát vọng ngàn đời của người dân Việt.

Phạm Tuyên sau đó đi Quảng Ninh viết “Có một đóa Hồng Chiêm” để ca ngợi người nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã hy sinh oanh liệt trên đỉnh Pò Hèn. Bản nhạc được đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 13.7.1979, với câu mở đầu “Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ/ nhưng sắc hương thắm mãi chẳng hề phai…Đồi Pò Hèn nở đẹp một đóa hoa”.

Vào ngày 5.3, khi Chủ tịch nước ra lệnh Tổng động viên, nhạc sĩ viết bài hát nổi tiếng “Tiễn thầy giáo đi bộ đội”, từ một câu chuyện có thật khi những người thầy tạm rời bục giảng, những sinh viên gác bút nghiên nắm chắc cây súng trước hiểm họa xâm lăng.
35 năm qua, những bài hát có thể không còn được phát công khai trên những phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng trong tâm tưởng của những thế hệ người Việt, “những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa” vẫn luôn vang vọng tiếng những bản hùng ca.
Lịch sử muôn đời duyệt lại

Có một câu chuyện nhỏ liên quan đến Bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”. Ấy là 2 năm trước, khi làm tuyển tập “Những khúc quân hành vượt thời gian” người ta đã đề nghị ông sửa lại vài câu trong bài hát vì “nhạy cảm quá”.

Đó là câu “Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương”. “Tại sao lại nhạy cảm trước một sự thật lịch sử thì tôi không biết- người nhạc sĩ tài hoa nhưng cương trực nói- Và tôi đã trả lời là tôi không sửa. Thời kỳ đó sự thật lịch sử là thế”.
Và bài hát hào hùng của ngày nào bị buộc phải đưa ra khỏi tuyển tập.

“Thái độ của tôi rất rõ ràng thôi- ông nhẹ nhàng nói. Vì đó không chỉ là cảm xúc thật của riêng rôi, mà đó là cảm xúc của cả nhân dân đồng bào và dù gì cũng không thể không thật với cảm xúc của chính mình vì bất cứ lý do gì”.
Những vấn đề của lịch sử không bao giờ được quên lãng. Những gì thuộc về lịch sử phải trả lại cho nó. Không thể quên sự hy sinh của hàng vạn liệt sĩ, không thể không nhớ tới mất mát đau thương của hàng vạn đồng bào.

Ông bảo đối với người nhạc sĩ, có 2 vị giám khảo công mình nhất: Công chúng và thời gian. Cái quý nhất là bài hát có chỗ đứng trong ký ức của nhân dân chứ không phải là được in dù trong một tuyển tập dù vĩ đại, hoành tráng đến đâu.

Trong căn nhà nhỏ vào một chiều tháng 2 năm nay, người nhạc sĩ già đã ngồi đàn Piano chơi lại bản nhạc “Chiến đấu vì độc lập tự do”. Những âm hưởng, sau 35 năm, vẫn vang lên hào hùng. Và sau 35 năm cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, đối với người nhạc sĩ, vẫn là sự hào hùng của một thủa cả nước đứng lên không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Tôi nhìn thấy trên giữa bức tường chính trong căn hộ tập thể nhỏ, có một bức tranh gỗ về những chú voi Bản Đôn. Kế bên, mới là tấm bằng giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. “Có người hỏi tôi sao bức tranh gỗ chú voi Bản Đôn lại treo trang trọng hơn giải thưởng gọi là cao quý- Lời nhạc sĩ Phạm Tuyên- Tôi nói vì đó là phần thưởng của người dân. Đối với một nhạc sĩ như tôi, phần thưởng lớn nhất là tác phẩm còn có trong tâm tưởng của công chúng, lớn nhất là sự ghi nhận của nhân dân”.

Còn cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ư? Đơn giản là không ai được phép quên lãng lịch sử khi đó là máu xương của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào. Trước khi chia tay, ông đọc tặng cho tôi hai câu thơ Lê Đạt, người bạn thân thủa nào mà ông vô cùng tâm đắc: Lịch sử muôn đời duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời.

Phải rồi! Không có công minh lịch sử thì làm sao có công bằng xã hội!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét