Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Cải cách đòi hỏi bản lĩnh nhà lãnh đạo

Cải cách đòi hỏi bản lĩnh nhà lãnh đạo
Tất cả phải cùng trên đường ray hay nói cách khác phải có sự đồng thuận và quyết tâm lớn thì mới có thể đổi mới thể chế ở Việt Nam. Tuy vậy, nhiều ý kiến trên báo chí còn đặt vấn đề bản lĩnh của nhà lãnh đạo là điều kiện để cải cách thành công.

Người dân Hà Nội xếp hàng mua hàng giảm giá. Ảnh chụp hôm 23/12/2013. AFP photo
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định là, về nguyên tắc cơ chế tập thể quyết định vẫn duy trì. Nhưng trong trường hợp đổi mới lần trước, ông Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những quyết định mạnh mẽ về thay đổi tư duy kinh tế xuất phát từ sự thật, dẫn đến công cuộc đổi mới cùng việc thực hiện nó. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:


“Dần dần sau này vai trò của người đứng đầu bị mờ nhạt dần và sức thuyết phục cũng như sự quyết đoán ngày càng hạn chế hơn. Tôi nghĩ rằng, đó là điều rất đáng tiếc vì hơn bao giờ hết người ta cần có những quyết định mạnh mẽ và có hiệu quả để cải cách nền kinh tế và để thực hiện các quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp của Việt Nam đã có ghi, để có thể biến những lời lẽ trong Hiến đó thành hiện thực và  thực tế trong cuộc sống.”

GSTS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, cần có sự đồng thuận cao trong Đảng và Nhà nước nhưng Việt Nam vẫn cần có những dấu ấn của người lãnh đạo.

"Dấu ấn của người ra quyết định và người ra quyết định cũng là người kiểm tra việc thực hiện quyết định đó phải có bản lĩnh kiên quyết và điều đầu tiên phải nhất quán từ lúc ra quyết định cho đến việc thực hiện quyết định đó. Như vậy sẽ chắc chắn thành công, còn nếu ra quyết định không đúng thực tiễn cũng không thực hiện được thì nó cũng chỉ là một quyết định không có hiệu lực thực hành.”

Dần dần sau này vai trò của người đứng đầu bị mờ nhạt dần và sức thuyết phục cũng như sự quyết đoán ngày càng hạn chế hơn.
- TS Lê Đăng Doanh 
Ngày 3/02/2014 trên báo điện tử Chính phủ Việt Nam, GSTS Hoàng Chí Bảo thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương có bài viết nhìn nhận những nguy cơ có thật, đang đe dọa sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh đảng Cộng sản Việt Nam. Theo lời lý thuyết gia của Đảng thì: “Giặc nội xâm, giặc ở trong lòng dân. Tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả cấp cao về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống là những thí dụ điển hình, nghiêm trọng.”

Nhận định về điều liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đạt được đồng thuận để cùng nhau đổi mới thể chế kinh tế chính trị hay không. GSTS Vũ Văn Hóa phát biểu:

“Lãnh đạo của chúng tôi là đảng Cộng sản đứng đầu là ông Tổng Bí thư, bên dưới của nó là các cấp chính quyền, trước hết là Thủ tướng Chính phủ rồi các Bộ Ban Ngành phải thực hiện theo Nghị quyết hay đường lối đã vạch ra. Còn nếu như không có sự đồng thuận thì rõ ràng không thể thực hiện được. Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay vẫn theo chế độ một đảng lãnh đạo, thế thì đảng Cộng sản có vai trò rất quan trọng mà quan trọng bậc nhất là ông Tổng Bí thư và toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương, trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị thì đã có ông Thủ tướng ở đấy. Nếu có sự đồng thuận thì chắc chắn mọi việc đều có thể làm được. Tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc nhất định về các chủ trương hoặc biện pháp tiến hành thì tôi cho rằng trong một thời gian  ngắn sẽ có sự đồng thuận và cách giải quyết của Việt Nam sẽ thực hiện được.”

Thông điệp hoàn hảo, nhưng...

000_Hkg9376013-250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc cầm chân dung người lính hải quân VNCH Ngụy Văn Thà, đã hy sinh trong trận hải chiến với TQ tại quần đảo Hoàng Sa 40 năm trước. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo
Câu chuyện đổi mới thể chế kinh tế và chính trị được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vạch ra trong thông điệp đầu năm 2014 được hoan nghênh, nhưng có không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của nó ở nhiều nội dung. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:

“Việc hô hào dân chủ, dương ngọn cờ dân tộc  ở Việt Nam trong quá trình đấu tranh mấy chục năm qua có nhiều người hô hào lắm. Nhưng rõ ràng là những hô hào đó có thật và có làm được không. Việc hô hào phải cần đổi mới chính trị tôi đặt vấn đề đó có phải là cơ quan điều hành hành chính hay không, hay là của ai khác. Ở Việt Nam thì những tiếng nói như thế nên dành cho ông Chủ tịch nước hoặc ông Tổng Bí thư. 

Có người cho rằng đây là cái mới và cũng hơi lạ. Trong bài diễn văn đó nói về dân chủ, nói về ba vấn đề lớn. Nhưng mà rõ ràng người ta đang theo dõi nhiều chuyện, lớn nhất là chuyện đấu tranh chống tham nhũng thì trong bài đó rất lu mờ không nhìn thấy. Ông Thủ tướng chủ trì cơ quan hành pháp làm gì trong cuộc đấu tranh ấy. Chuyện khởi xướng hô hào lên thì có nhiều cách, nhưng mà có người nói là như vậy có phải đó là  vị trí của ông ấy dương ngọn cờ này lên được hay không. Ở Việt Nam cơ chế, thể chế cũng đặt vấn đề đó.” 

Theo dõi tình hình Việt Nam các nhà quan sát ngạc nhiên vì thông điệp đổi mới đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quá hoàn hảo và không khác gì mấy với nội dung những kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức, hay các tổ chức xã hội dân sự mới tự hình thành. Điều gây thắc mắc không kém đó là bản thông điệp đổi mới được đưa ra không lâu, sau khi Việt Nam ban hành Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi mà không đáp ứng nguyện vọng cải cách của người dân.

... đường còn dài


GSTS Vũ Văn Hóa nhận định rằng con đường cải cách của Việt Nam sẽ cần rất nhiều thời gian. Ông nói:

“Không thể một lúc đảo lộn tất cả cơ sở hạ tầng hiện có, cho nên đã đắn đo, suy nghĩ và sau đó bàn định thì không phải một lúc mà làm được tất cả, phải dần dần từng bước. Ngay từng câu từng chữ trong Hiến pháp mới về đất đai cũng không thể sửa ngay được. Ví dụ người ta bàn mãi về việc thu hồi đất để làm gì, thế thì cũng không thể nói chỉ cho lợi ích về quân sự quốc phòng mà còn nói về kinh tế nữa. 

Nhưng thu hồi vì lý do kinh tế thì phải cụ thể, làm gì dân phải thông thì lúc ấy mới có thể thực hiện được. Từ chỗ luật còn chung chung thì bây giờ đã cụ thể hóa hơn và sự cụ thể hóa này phù hợp với sự tiến triển của trình độ nhận thức của dân cư, chứ không thể một lúc mà chúng tôi có thể thay đổi toàn bộ, thay đổi 180 độ được, nó phải từng bước. Chúng tôi cho rằng cũng đã có thay đổi, tuy nhiên nó còn chậm so với sự tiến bộ chung của một vài nước ở trong khu vực.” 

Ngày 4/2 trên báo Người Lao Động Online, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định rằng, những khó khăn bế tắc của nền kinh tế mấy năm qua vẫn tồn tại ảnh hưởng tới năm 2014. Tuy nhiên nếu nhà nước, mà ở đây trực tiếp là Chính phủ, tạo đột phá, tập trung vào cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế thì tình hình sẽ được tháo gỡ.

Chúng tôi cho rằng cũng đã có thay đổi, tuy nhiên nó còn chậm so với sự tiến bộ chung của một vài nước ở trong khu vực.  - GSTS Vũ Văn Hóa
Trả lời chúng tôi trong dịp Tết Giáp Ngọ, TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng, kể từ Thông điệp của Thủ tướng đầu năm 2014 tới nay, các nỗ lực cải cách chủ yếu chỉ dừng lại ở các dự thảo và chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó có một dự thảo kế hoạch về nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó giới nhân sĩ trí thức chuyên gia chờ đợi những đột phá tức thời. TS Lê Đăng Doanh nói:

Trong cuộc thảo luận về thực hiện thông điệp 2014 thì một số nhà trí thức mong muốn có những biện pháp ngay trước mắt mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn. Thí dụ như xem xét trả tự do một số người bị giam giữ mà thực sự không có hành động gì chống đối ngoài việc phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn. Bên cạnh đó bãi bỏ một số quyết định ban hành trước đây mà ngày nay thấy không thích hợp. Thí dụ như Quyết định 97 dẫn đến việc Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã phải tự giải thể...v..v.. Những ý kiến đó cho tới nay chưa thấy được thực hiện.”

Hiện trạng đất nước khiến dư luận ở Việt Nam trông chờ đổi mới, chờ đợi những nhà lãnh đạo có bản lĩnh để thực hiện đổi mới. TS Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu kinh tế chính trị vừa từ bỏ hàng ngũ đảng Cộng sản nói với chúng tôi: “ Thật là một bi kịch khủng khiếp về tư tưởng, khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn hy vọng chủ nghĩa xã hội sẽ còn tồn tại đến cuối thế kỷ này mặc dù chưa được hoàn thiện.”

Nam Nguyên, phóng viên RFA 
2014-02-07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét