Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Các nền kinh tế hậu BRICS

Các nền kinh tế hậu BRICS
Hàn Diệu My: BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) từng đại diện cho một giai đoạn nhất định của phát triển kinh tế, tiêu biểu cho các nền kinh tế đang nổi lên. Nhưng đến năm 2014, sự phát triển của BRICS đã chậm lại; đồng thời cũng đã xuất hiện chỉ dấu về sự vượt lên của 16 nền kinh tế “hậu BRICS”. Mạng tình báo chiến lược Mỹ (Startfor) và tuần báo The Economist (Anh) đã có bài phân tích xu thế này.
Các nguyên thủ quốc gia BRICS tại một hội nghị 
cấp cao ở Nam Phi năm ngoái. Ảnh FT.com
Được thúc đẩy bởi mức lương thấp, hút nhiều vốn nước ngoài để đầu tư, nhưng phát triển hỗn loạn và mất trật tự, chu kỳ phát triển của BRICS hoành tráng về quy mô nhưng sai lầm chết người. Chu kỳ của Trung Quốc có lẽ “thọ” nhất, kéo dài hơn 30 năm. Quốc gia này có thể tiếp tục trỗi dậy một thời gian nữa, nhưng thời đại phát triển dựa trên mức lương thấp để chinh phục thị trường toàn cầu đã kết thúc chỉ vì hiện nay các quốc gia khác có mức lương thấp hơn và nhiều lợi thế hơn.

Các thị trường mới nổi vẫn chiếm quy mô lớn và còn tiếp tục tăng trưởng. Tuyên bố kỷ nguyên BRICS chấm dứt có thể được xem là chưa chính xác bởi hiện nay, bốn nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga vẫn đóng góp tới 25% sản lượng kinh tế toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức khoảng trên 30% vào cuối thập kỷ này. Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới; Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển. Cùng với nhiều thị trường mới nổi có quy mô dân số lớn, Trung Quốc chắc chắn sẽ giữ vị trí quan trọng trong các thế lực kinh tế chủ chốt của thế giới.

Nhưng sự trỗi dậy của các thành viên BRICS trùng hợp với thời điểm kinh tế thế giới có bước ngoặt quan trọng, gắn liền với những thay đổi lớn lao mang tính chất đột phá trong trật tự thương mại thế giới. Hàng trăm triệu lao động mới gia nhập vào thị trường nhân dụng toàn cầu và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiền lương thực tế, lãi suất thực và sau đó là đầu tư và các cải tiến. Tình trạng căng thẳng nguồn cung đối với tất cả các loại hàng hóa và tài nguyên đã tạo nên những biến động giá cả ảnh hưởng đến các nước có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng.

Bước lên “cầu thang cuốn”

Nói BRICS đã đi đến cuối chu kỳ của mình là chỉ mới khớp một nửa sự thật nhưng rõ ràng tốc độ tăng trưởng của BRICS đang bị chậm lại. Trong trường hợp của Trung Quốc, chiến lược phát triển quá nóng vội dựa vào khai thác tài nguyên và đầu tư dần nhường chỗ cho một nền kinh tế hướng đến tiêu dùng và dịch vụ chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đồng thời, với dân số lão hóa và quy mô dân số co hẹp, Trung Quốc không còn thế mạnh về lực lượng lao động. Còn đối với Ấn Độ, tốc độ cải cách có vẻ như không đồng nhất với tốc độ tăng trưởng. Brazil và Nga đối mặt với các điều kiện không thuận lợi của thị trường hàng hóa. Theo số liệu của IMF, những năm trở lại đây, tổng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đạt mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.

Hệ thống toàn cầu đã mở cửa tiếp đón các nước có mức lương thấp hơn, cơ sở hạ tầng thích hợp và hội đủ kỹ năng kinh doanh. Các nước này đang nắm bắt cơ hội và đang bước lên “cầu thang cuốn” của nền kinh tế thế giới. Trong một số các quốc gia như Việt Nam và Indonesia, sự chuyển dịch đã diễn ra trong nhiều năm. Mặc dù được coi là phức tạp hơn, so với Lào và Myanmar chẳng hạn, nhưng Việt Nam và Indonesia vẫn được xếp vào hàng ngũ các thành viên hậu BRICS, hay là các nước thuộc diện “16 nền kinh tế hậu Trung Hoa” (PC16).

Thế giới đang chứng kiến dòng chảy liên tục của hàng loạt công ty rời khỏi thị trường Trung Quốc, hoặc lựa chọn không đầu tư vào Trung Quốc và di dời đến các quốc gia khác. Dòng chảy này hiện đang ngày càng chảy nhanh hơn. Động lực đầu tiên là khát vọng làm giàu của các doanh nghiệp toàn cầu, nhưng đó còn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), muốn thoát khỏi môi trường ngày càng không cạnh tranh nổi về tiền lương và quy mô kinh doanh với các gã khổng lồ. Các SMEs này di chuyển nhanh, với lượng vốn nhỏ và do đó các nguy cơ cũng thấp hơn. Những gã khổng lồ trước đây “xoay trở” chậm chạp và rất khó sử dụng nhân công ít được đào tạo; còn các SMEs rất nhạy bén trong việc tìm kiếm lao động chi phí thấp hơn với các đơn hàng lẫn cơ sở xuất khẩu đã có sẵn.

Không một nền kinh tế duy nhất nào có thể thay thế Trung Quốc. Quy mô của Trung Quốc là quá lớn. Điều này có nghĩa là kế nhiệm nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và BRICS nói chung sẽ không phải là một quốc gia, mà sẽ là một tập hợp các quốc gia, có nhiều tiềm năng để phát triển. Tập hợp này sẽ có dân số trên 1 tỉ người, tập hợp các quốc gia có những phân khúc thị trường từ các ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là hàng may mặc, sản xuất giày dép và lắp ráp điện thoại di động. Sự phân mảnh của các ngành công nghiệp này chính là chỉ dấu của quá trình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu của sự kết hợp giữa công nghiệp hóa và toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, ngay cả khi tập hợp được đầy đủ danh sách của PC16 có triển vọng thay thế BRICS, vẫn là một thế giới khá hỗn độn; bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Đối với một nền kinh tế, hay một tập hợp các nền kinh tế, hiện tượng “khủng hoảng trung niên” (midlife crisis) xảy ra khi các quốc gia đó gặp bế tắc trong việc tìm ra động lực mới cho tăng trưởng. Cho đến nay vẫn không thể đánh giá thấp vai trò của khối BRICS; tuy nhiên dù ít hay nhiều, các nước này đang chao đảo trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì vậy, nhìn ra triển vọng của một PC16 kế nhiệm BRICS là một dự báo tầm xa nhưng không hẳn là bất khả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét