Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Biến đổi khí hậu: Tuyết tan tại Sochi

Biến đổi khí hậu: Tuyết tan tại Sochi
Hơn 100 vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông đã đồng loạt ký vào một lá thư kiến nghị yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách ngăn chặn những biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ‘lình bình’ do tuyết tan tại Sochi, nơi đang diễn ra Thế vận hội. Được biết chiến dịch này do các vận động viên Hoa Kỳ khởi xướng. Xem thêm: Valentine - Ngày kỳ lạ ở Sochi

Cali Today News - Vận động viên trượt tuyết của Hoa Kỳ, Andrew Newell, 30 tuổi nói: “Mùa đông mà tôi từng trải qua khi còn là một đứa trẻ đã không còn nữa. Những mùa đông bây giờ khác trước nhiều quá, nhất là vùng gần nơi tôi sống ở Vermont.”

Ít nhất 105 vận động viên từ 10 quốc gia trên khắp thế giới đã ký vào lá thư kiên nghị này, trong đó có 85 người đến từ Hoa Kỳ.

Nội dung của lá thư yêu cầu các quốc gia giảm thiểu lượng khí thải, ủng hộ những ‘năng lượng sạch’và chuẩn bị cho một diễn đàn toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris trong năm tới.

Có lẽ đây là kỳ Thế vận hội đầu tiên mà hầu như tất cả các vận động viên đều hợp sức lại với nhau vì những vấn đề của biến đổi khí hậu. Mỗi người trong số họ đều có những câu chuyện riêng về sự ảnh hưởng hiện tượng khí hậu ấm dần lên đối với bản thân họ.


Tuyết tan làm cho nhiều con đường bị ngập. Photo Courtesy:USA Today

Alex Deibold, 27 tuổi, vận động viên trượt ván người Mỹ bày tỏ ý kiến: “Những cuộc huấn luyện mùa thu mà tôi từng tham gia khi còn là học sinh của trường Stratton Mountain School, ở Stratton, Vermont, đã không còn phù hợp với hiện giờ nữa. Khi mà lượng tuyết thì bị thiếu còn nhiệt độ thì ấm hơn. Tôi muốn các con của tôi và những con cháu của chúng sau này có thể thưởng thức những hoạt động ngoài trời giống như tôi đã từng.”

Giám đốc điều hành của POW (Bảo vệ mùa đông của chúng ta – Protect our winters), một nhóm các nhà hoạt động cùng phối hợp với các vận động viên trong chiến dịch này đưa ra nhận định: “Trường hợp của Vancouver là một lời kêu gọi cảnh tỉnh chúng ta về tình trạng của khí hậu hiện nay.” Theo ông, trong kỳ Thế vận hội năm 2010, hiện tượng nhiệt độ tăng cao đã gây ra việc thiếu tuyết, ban tổ chức buộc phải cho xe tải chở thêm hàng tấn tuyết từ những nơi gần đó đến những địa điểm thi đấu.

Tại Sochi, nơi mà nhiệt độ đã tăng vọt lên đến gần 60 độ trong mùa đông, đã dẫn đến việc thiếu hụt lượng tuyết cần thiết cho một số môn thể thao mùa đông. Một số buổi luyện tập của các vận động viên các môn trượt tuyết cũng đã bị hủy bỏ vì địa hình không đáp ứng đủ lượng tuyết.

Một vận động viên người Mỹ khác lên tiếng: “Tôi đã có cơ hội để đi đến nhiều nơi trên thế giới, tôi đuổi theo mùa đông trong suốt 13 năm qua. Tôi đã chứng kiến sự biến đổi của mùa đông ở nhiều nơi trên thế giới, tại Aspen, Colorado, nơi mà tôi lớn lên đã từng có những ngày tuyết lở rất nguy hiểm. Vào những ngày đó chúng tôi không thể đến trường và phải ở nhà. Thế nhưng những ngày như thế không còn nữa. Những ngày tuyết lở gây nguy hiểm đã ra đi mãi mãi rồi.”

Theo các chuyên gia về khí hậu, nhiệt độ ấm dần lên đã làm giảm lượng tuyết của mỗi mùa đông, làm cho mùa trượt tuyết ngắn lại. Những khi nghỉ mát trượt tuyết và những cơ sở đào tạo trượt tuyết vì thế mà cũng mất dần lợi nhuận và công việc.

Chỉ có 11 trong số 19 thành phố từng tổ chức Thế vận hội mùa đông trước đây có nhiệt độ thấp đủ tiêu chuẩn để tiếp tục tổ chức Thế vận hội cho đến giữa thế kỷ. Và con số này sẽ chỉ còn lại có sáu cho đến năm 2100, nếu những dự đoán là đúng.

Trong một nghiên cứu vào tháng trước của Đại học Canada Waterloo và trung tâm Management Center Innsbruck của Úc thì những thành phố sẽ không còn thích hợp để tổ chức Thế vận hội mùa đông trong vài thập kỷ tới gồm có Vancouver, Sochi, Squaw Valley của Hoa Kỳ và Garmisch – Partenkirchen của Đức. Cũng trong nghiên cứu này, kết quả cho thấy nhiệt độ ban ngày trung bình của tháng Hai tại những địa điểm tổ chức Thế vận hội trong những năm vừa qua đã có sự gia tăng: từ 33 độ F trong những năm 1920 – 1959 lên đến 38 độ F những năm 1960 – 1999 và 46 độ vào những năm 2000.

Liệu trong vài thập kỷ nữa, chúng ta có còn những Thế vận hội mùa đông nữa hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét