Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Bi hùng những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn

Bi hùng những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn
(LĐO) Hàng trăm năm nay, biết bao người con Lý Sơn đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Hoàng Sa thiêng liêng và để lại nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người.
Ngôi mộ gió của cai đội Trưởng Hoàng Sa 
Phạm Quang Ảnh ở thôn Đông xã An Vĩnh.
Để an ủi linh hồn người chết nhiều thế hệ con cháu trên đảo sử dụng đất sét nặn hình nhân thế mạng để chiêu hồn nhập xác lính Hoàng Sa với mong muốn linh hồn của người xấu số sẽ được siêu thoát và có người quanh năm nhang khói tưởng nhớ.

Ra đảo Lý Sơn, về với quê hương Hải đội Hoàng Sa sẽ không còn lạ với những câu ca lưu truyền: “Đến mùa tu hú kêu thanh/Cá chuồn đã mãn mà anh chưa về” sẽ càng thấy yêu hơn, tự hào về hòn đảo thiêng liêng thấm đẫm biết bao xương máu của lớp tiền nhân bao đời quyết tử gìn giữ và bảo vệ Hoàng Sa. Đó là những ngôi mộ gió chiêu hồn quanh đảo

Theo sử sách ghi chép lại, hơn 300 năm trước khi những dòng họ người Việt đầu tiên từ đất liền bước chân ra khai khẩn mở mang vùng đất đảo trù phú, trước đó trong đất liền hằng năm.

Các dòng họ này đều tuyển chọn 70 dân đinh khỏe mạnh, cường tráng, giỏi bơi lội sung vào đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa, làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo lệnh vua ban.


Âm linh tự, nơi thờ tự đội dân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

Hành trình vượt biển của mỗi dân binh mang theo trên chiếc ghe câu ra biển là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu, họ giong thuyền, cưỡi sóng ra cắm mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng chừng ấy thời gian, biết bao người con Lý Sơn đã ra đi không hẹn ngày về. Họ vĩnh viễn nằm lại với biển trời Hoàng Sa thân yêu. Để tri ân công trạng của những dân binh triều đình nhà Nguyễn sẽ miễn thuế hàng năm, trợ cấp lương thực kèm theo đó còn được làng cấp cho quỹ đất để gia đình người thân của dân binh trồng hành trồng tỏi mưu sinh làm ăn.

Theo cụ ông Võ Hiển Đạt, 83 tuổi ở thôn Tây xã An Vĩnh, một trong những cụ đồ nho lớn tuổi còn sống trên đảo cho biết , Vượt biển ra Hoàng Sa, hành trang của dân binh tuy giản đơn nhưng lại nặng tình với quê hương và thể hiện ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Họ biết, khi được tuyển chọn làm lính đi Hoàng Sa thì một đi không hẹn ngày về.

Bởi vậy, hành trang của họ nhằm đề phòng khi thực thi nhiệm vụ trên biển nếu ai có mệnh hệ gì thì những vật dụng mang theo dùng để đồng đội bó xác thả xuống biển và nhờ sóng biển đưa trôi dạt về lại đất mẹ Lý Sơn chôn cất và thờ cúng họ.

Cụ Đạt cho biết thêm, Khi còn để chỏm, ông được nghe ông bà kể lại, mỗi năm người dân Lý Sơn đi lính nhiều nhưng số người trở về không bao nhiêu, có năm 70 người ra đi nhưng không người trở về. Nhưng bù lại, trước khi đi, họ được gia đình người thân tổ chức lễ khao lề trang trọng bằng những sản vật quen thuộc thường ngày mà người dân trên đảo làm ra.

Ngày nay, khi về với Lý Sơn, những câu chuyện đầy xúc động về hùng binh Hoàng Sa bên những ngôi mộ gió đứng sừng sững, hiên ngang giữa lòng đất mẹ làm nhiều người không cầm được nước mắt.

Đó chỉ là nhữngnấm đất nhỏ nằm rải rác, ẩn mình trong những ruộng hành, ruộng tỏi xanh bạt ngàn. Người dân trên đảo gọi đó là những ngôi mộ gió chiêu hồn.

Và với người dân trên đảo, hình bóng của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa tuy thân xác đã tan vào biển cả Hoamgf sa nhưng linh hồn vẫn trở về mãi mãi với đất mẹ Lý Sơn .

Theo quan niệm của người dân xứ đảo, những người lính Hoàng Sa chết ngoài biển mà không tìm thấy xác thì hồn bay phách lạc nên linh hồn cứ mãi lẩn quẩn ngoài biển, không được trở về với đoàn tụ với gia đình, tổ tiên.

Thấy vậy, người dân thiết nghĩ cần phải lập đàn cúng bái rước hồn về, các dòng tộc trên đảo có người đi lính Hoàng Sa tiến hành lập danh sách và mời thầy phù thủy về cúng và làm lễ chiêu hồn nhập xác và lập nên những ngôi mộ gió cho người thân như để làm tròn phận sự của người còn sống đối với người đã chết.

Ông Võ Văn Nhành; 44 tuổi, một thầy phù thủy chuyên nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn tiết lộ; Để hoàn thành một ngôi mộ chiêu hồn lính Hoàng Sa, an ủi sinh linh những người lính đã khuất phải trải qua nhiều công đoạn và phải mất khá nhiều thời gian.


Lễ Thả thuyền trong lễ khao lề tri ân đội Hoàng Sa

Những vật liệu nặn hình nhân thế mạng được thầy “phù thủy” làm bằng đất sét đặc biệt tại vùng Giếng Tiền trên đảo. “ Đất sét đem về trộn với bông gòn rồi giã cho nhuyến mới thôi.

Xương cốt mỗi hình nhân thế mạng được sử dụng bằng những cành dâu được làm theo tỷ lệ ứng với các con số theo số lượng hành trang mà người lính mang theo khi xuất binh.

Bởi người dân Lý Sơn quan niệm rằng, con tằm nhờ ăn lá dâu nhả tơ mà hồi sinh, đổi kiếp theo thuật luân hồi. Vì vậy, xương cốt hình nhân được làm bằng thân dâu cũng mang khát vọng về sự chuyển kiếp của con người, còn nội tạng thì được làm bằng lòng đỏ trứng gà so.

Nên khi nói những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn thì người ta lại nghĩ đến những nấm mồ không hài cốt ”. Ông Nhành nói.

Còn Ông Võ Văn Út, một người dân Lý Sơn, hậu duệ của cai đội trưởng Võ Văn Khiết luôn tự hào khi nói đến sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân xứ đảo.

Ông Út cho rằng thời gian có thể qua đi, những ngôi mộ gió có thể bị những trận bão biển san bằng vùi lấp nhưng tên tuổi của những Hùng binh Hoàng Sa mãi trường tồn trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân Lý Sơn.

Riêng dòng họ Võ văn của ông gia phả ghi lại tên tuổi hàng trăm dân binh bỏ mạng nơi mênh mông sóng nước Hoàng Sa.

Nỗi khắc khoải về sự trường tồn của những ngôi mộ gió, những linh hồn hùng binh Hoàng Sa bi hùng xấu số không được may mắn trở về với đất mẹ Lý Sơn làm cho nhiều thế hệ trên đảo cảm thấy tự hào hơn về khí phách, ý chí kiên cường của các bậc tiền nhân người Lý Sơn với khát vọng biến mỗi con tàu thành những cột mốc sống trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc nơi Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét