Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Ăn xin nhiều quá!

Nghèo đói phải đi ăn xin, nhưng ăn xin còn liêm sỉ hơn ăn cướp... tiền ngân sách.
Ăn xin nhiều quá!
Nhiều địa phương khó ngăn chặn tình trạng người ăn xin đổ về ngày càng đông ở chùa chiền, nơi hành hương, khu vực thu hút đông khách du lịch. Từ sau Tết, tình trạng ăn xin xuất hiện khá rầm rộ ở các tỉnh miền Trung. Người đi viếng chùa, đi lễ hội, tham quan luôn bị các đối tượng ăn xin, giả dạng ăn xin chèo kéo gây cảnh tượng bát nháo, mất trật tự.
Đội ngũ người ăn xin đông đúc trước chùa 
Thiên Ấn (tỉnh Quảng Ngãi) Ảnh: Tử Trực
Bủa vây chùa chiềnQuảng Ngãi được xem là một trong những địa phương xuất hiện đông người ăn xin. Tại chùa Thiên Ấn, một địa danh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi, từ Tết đến nay, mỗi ngày có trên 20 người ăn xin tụ tập. Họ nằm la liệt hai bên cổng chùa, chìa tay, chìa nón để xin tiền người đến hành lễ trong ngày đầu năm. Nhiều người còn tràn xuống đường quỳ gối, kéo chân khách tạo nên cảnh tượng hết sức khó coi.

Tại chùa Ông, chùa Diệu Giác và hàng chục chùa khác đều xuất hiện đội ngũ xin ăn khá hùng hậu. Họ chèo kéo, nài nỉ, ôm chân người hành hương, phật tử để xin tiền. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một du khách đến thắp hương ở chùa Thiên Ấn, ngao ngán: “Đi chùa thắp hương là để cầu cho một năm mới an lành nhưng ngán nhất là cảnh người ăn xin bủa vây mình. Nhiều lúc làm ngơ không cho thì lương tâm cắn rứt, còn cho một người thì nhiều người khác kéo đến. Bực nhất là có người khỏe mạnh, trai trẻ vẫn đi ăn xin”. Một sư trụ trì chùa Thiên Ấn than thở: “Nhà chùa cũng rất khổ tâm vì người ăn xin nhiều nhưng không biết phải làm sao, không thể can thiệp được”.

Không chỉ chùa chiền, nhiều hàng quán, địa điểm du lịch quanh TP Quảng Ngãi cũng bị người ăn xin vây kín. Ở bãi biển Mỹ Khê, đội quân “cái bang” với hàng chục trẻ em từ 10 đến 15 tuổi miệt mài xin tiền khách. Theo một chủ quán tại bãi biển Mỹ Khê, các em nhỏ này do một đối tượng tên là Thi chăn dắt. Các em bị bắt buộc bám theo du khách; tiền bạc hay vật phẩm kiếm được phải đưa hết cho đối tượng này.

Ông Trương Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận tình trạng người xin ăn tại các địa điểm du lịch, chùa chiền diễn ra rất phổ biến nhưng không giải quyết được. “Những đối tượng xin ăn được đưa về Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Quảng Ngãi nhưng do quá đông, trung tâm không thể giữ hết nên đành phải thả họ ra. Khi thả ra, họ lại tiếp tục đi ăn xin” - ông Đức nói.

Náo động nơi hành hương

Từ vài ngày trước Tết đến nay, người ăn xin từ khắp nơi đổ về các điểm lễ hội, nơi thu hút đông khách du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lộn xộn nhất là ở khu tượng Phật Quán Thế Âm, nằm trên một ngọn đồi cao thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Mỗi ngày có hàng ngàn khách hành hương đến đây cầu phúc, luôn bị quấy rầy bởi đội quân ăn xin hùng hậu. Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 200 người đang hành nghề ăn xin tại đây. Họ đến từ nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và một vài tỉnh khác. Chỉ riêng con đường dài chưa đầy 1 km từ chân núi lên đài Phật, có đến hơn 100 người nằm, ngồi la liệt, ngửa tay xin tiền.

Người ăn xin chèo kéo, xin tiền khách hành hương tại 
khu tượng Phật bà Quán Thế âm Bồ tát Ảnh Quang Nhật

Những người ăn xin này đa số là phụ nữ, trẻ em và một số ít người tàn tật. Nhiều phụ nữ trẻ bồng bế thêm cả con nhỏ, con bị bệnh tật đến để cầu mong sự thương tình của khách thập phương. Trời nắng gắt, một cô gái trẻ dùng tấm bao xi-măng lót dưới gốc cây cho đứa con trai nhỏ chưa đầy 1 tuổi nằm ngủ. Đó là Nguyễn Thị Minh, 24 tuổi, quê Nghệ An, lấy chồng và sống ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Minh nói chồng bị bệnh điếc, gia cảnh nghèo khó nên tranh thủ đi ăn xin những ngày sau Tết kiếm tiền nuôi con. Cứ mỗi sáng, mẹ con Minh được người nhà chở lên tượng Phật Quán Thế Âm để ngồi ăn xin. Hầu hết những người ăn xin như Minh qua tiếp xúc đều lấy lý do gia cảnh nghèo, con cái bệnh tật hoặc già yếu, mất sức lao động để mọi người rủ lòng thương.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, nhiều người ăn xin ở xa, buổi sáng họ thuê xe chở tới, mỗi ngày có người xin được 1-2 triệu đồng. “Do số lượng người ăn xin quá đông nên chúng tôi không dẹp được. Chúng tôi đã gửi văn bản lên các sở, ngành chức năng đề nghị hỗ trợ để từ nay đến hết tháng giêng, phải giải quyết dứt điểm nạn ăn xin tràn lan trên địa bàn” - ông Thái khẳng định.

Đà Nẵng: Vắng bóng “cái bang”

Trong khi các địa phương khác trên cả nước xuất hiện tình trạng ăn xin trá hình tại các lễ hội, chùa chiền dịp Tết và mùa lễ hội tháng giêng thì ở TP Đà Nẵng, “cái bang” vắng bóng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các chùa lớn ở Đà Nẵng như chùa Linh Ứng, Quán Thế Âm... và các điểm vui chơi như hội hoa Xuân, đường hoa... mỗi ngày đón hàng ngàn du khách nhưng không xuất hiện tình trạng xin ăn.

Ông Trần Bốn, Tổ trưởng Tổ Xử lý người lang thang xin ăn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết nhờ bố trí lực lượng, quyết liệt ngăn chặn, xử lý nên từ sau Tết đến nay, không phát hiện trường hợp ăn xin nào. B.Vân

Tử Trực - Quang Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét