Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

17-2, nghĩ về tình đồng chí và những cuộc tương tàn

Thời đại nào cũng vậy, ở nước nào cũng vậy, cạnh tranh là cuộc chiến tương tàn, kẻ thắng người thua. Chỉ có 1 điểm khác nhau là ở các nước văn minh, người ta cạnh tranh dựa trên pháp luật vào đạo đức xã hội, đồng thời người ta tôn trọng đối thủ, đối xử văn minh, trân trọng đối thủ kể cả khi đối thủ đã chấp nhận thua cuộc. Còn ở chỗ khác, nhất là ở các nước độc tài, quân phiệt, cạnh tranh là phải bằng máu, nhất định phải phân định rõ địch ta, địch phải chết sau cuộc chiến. Cái gọi là tình đồng chí, có thể xa xưa thì đúng nhưng nay đã là giả dối.
17-2, nghĩ về tình đồng chí và những cuộc tương tàn
Mỗi năm, cứ đến ngày 17 tháng 2, những người đã từng phải tham dự vào trận chiến Việt-Trung hoặc trực tiếp hứng chịu những hậu quả mà nó gây ra lại phải nhớ lại ngày này với tâm trạng đau buồn. Đau vì máu của người thân lại đổ, và đau vì những kẻ gây ra cảnh đổ máu chính là những kẻ mà chỉ ngày hôm qua thôi ta cứ tưởng chúng là anh em của ta. Tình đồng chí, điều mà bao năm ta tưởng là thiêng liêng nhất, hóa ra chỉ là trò giả dối. Những người “đồng chí” nã đạn vào nhau, băm vằm xâu xé nhau!
Chỉ có điều, chỉ những người đồng chí cấp dưới mới phải hứng chịu bom đạn, lưỡi lê, dao găm, và cả gậy gộc. Những đồng chí cấp dưới, và hơn thế, là “quần chúng”, những người “chưa đủ tư cách” để được gọi nhau bằng từ “đồng chí” – họ mới là những kẻ phải chết hay mang thương tật suốt đời vì cuộc chiến. Còn với các đồng chí trên cao kia, cuộc chiến chỉ là “chiến tranh tư tưởng”.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, các đồng chí nước đàn anh phương Bắc, sau khi đã ôm hôn kẻ thù truyền kiếp là đế quốc Mỹ, xua quân tràn xuống các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, tàn sát hàng vạn người dân vô tội.

Trước đó, vào năm 1975, ngay sau khi được Việt Nam giúp hoàn thành việc cướp chính quyền từ tay tập đoàn Lon Nol, các đồng chí Khmer Đỏ đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới, xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và chém giết dân lành.

Lùi về trước 6 năm, vào năm 1969, các đồng chí hai nước anh cả và anh hai nện nhau ở cái đảo mà anh cả gọi là Damansky, anh hai gọi là Trấn Bảo, trên sông Amur hay Hắc Long Giang. (Đó chỉ là một trong những sự thể hiện thái độ sau mấy năm các đồng chí Trung Quốc điên cuồng chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” của tập đoàn đồng chí Khruschëv ở Liên Xô.)

Không phải chỉ có những cuộc tương tàn của các đồng chí ở những nước khác nhau. Các đồng chí trong cùng một đảng cũng trừ khử nhau. Những phó chủ tịch của đảng đàn anh láng giềng phương Bắc của chúng ta, ngày hôm trước còn được gọi là “bạn chiến đấu thân thiết của Người”, ngày hôm sau đã trở thành kẻ thù của cách mạng, thành tay sai của chủ nghĩa đế quốc, và bị Hồng Vệ Binh đập chết như con chó ngay tại chỗ hoặc bị hành hạ chết dần trong tù. Ở nước anh cả tuy không đến mức man rợ như vậy, nhưng đồng chí lãnh tụ thời kỳ 1922-1953 đã cho hành quyết hàng chục đồng chí tướng soái và hàng ngàn đồng chí cấp thấp hơn.

Ở cái quốc gia bè bạn ngang hàng với ta, CH “Dân Chủ Nhân Dân” Triều Tiên, các đồng chí lãnh tụ họ Kim vĩ đại cũng sắt máu đến ghê sợ. Mới đây thôi, đồng chí Kim Ủn vừa hành quyết đồng chí chồng của bà cô ruột, người nâng đỡ đồng chí Ủn trong những bước đi ban đầu của công cuộc cai trị đất nước.

Hẳn bọn dân ở các nước tư bản thối tha phải rùng mình khi biết đến cách hành xử với nhau giữa những người đồng chí.

Một việc làm tuy trái ngược với sự gây chiến, nhưng tệ hại không kém, là chỉ vài năm sau cuộc tương tàn, vài năm sau thời gian từng coi nhau là kẻ thù tồi tệ nhất, họ lại tay bắt mặt mừng, ôm hôn nhau thắm thiết, lại gọi nhau là đồng chí. Nó tệ hại bởi các đồng chí ở bên từng bị tấn công đã bán rẻ dân mình. Nó tệ hại, bởi sự tráo trở, đổi trắng thay đen. Nay đồng chí, mai thù, ngày kia lại đồng chí,… Sự tráo trở, đổi trắng thay đen đó ở lớp người thao túng xã hội có tác động ghê gớm làm băng hoại đạo đức xã hội. Chẳng lẽ cái lý luận cao siêu mà người dân thường, kể cả những người có học thực sự, chẳng thể nào hiểu nổi, là như thế hay sao?

Đã bao năm nay, hàng ngày ta vẫn nghe những người đồng chí nói về việc những kẻ xấu, những phần tử thoái hóa biến chất, các thế lực thù địch thường xuyên bịa đặt để bôi nhọ họ. Nhưng nhìn lại lịch sử quan hệ giữa chính họ với nhau thì chỉ kẻ ngu mới không tự hỏi: Ai mới thực sự là kẻ bôi tro trát trấu vào mặt họ? Cũng chỉ kẻ đui mù mới không thấy câu trả lời là: Chính họ! Nếu không thì chẳng lẽ những chuyện như nói trên là bịa đặt? Không hề!

Vậy chúng ta hãy nhớ lấy! Tất cả những ai còn cảm thấy mình có lương tri, hãy nhớ rằng đã từng có những chuyện tày đình như vậy.

Và đừng bao giờ quên ngày 17 tháng Hai!

Nguyễn Trần Sâm
(Quê Choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét