Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Thế nào là Gia tộc, Gia họ, Gia hệ

Bài này mình viết đầu năm 2014, nhân đọc bài "‘Lò’ sẽ đốt “gia tộc họ Lê - Trương” ở Sài Gòn?", mình đăng lại.
Gia tộc, gia họ, gia hệ
Lại Trần Mai: Đọc bài Dấu ấn 'con ông cháu cha' của nguyên thủ trên Tuanvietnam, mình có cảm hứng viết 1 đoạn giải thích. Tuy nhiên hơi dài nên mình tách riêng làm thành bài này.

Image result for gia đình trung hoa
Cuối năm con cháu về thăm chúc Tết lão gia tử
Ở các nước châu Á, vấn đề gia tộc (dòng chính bên nội), gia họ (thêm họ hàng xa, dâu rể và thế lực bên gia tộc dâu rể), gia hệ (thêm bè phái, đệ tử cùng chung quan điểm, vận mệnh) cực kỳ quan trọng và là bệ phóng cho các chính trị gia leo dần lên các nấc thang quyền lực trong bộ máy công quyền. Thông thường trong hệ thống này, sẽ có một gia tộc làm nòng cốt, xung quanh là các vệ tinh, nhất hô vạn ứng. Trong gia tộc nòng cốt đó, tộc trưởng (lão gia tử) và hội đồng tối cao (các con trai và cháu đích tôn của tộc trưởng) phân chia con cháu thành vài loại, trong đó có 2 loại chính:

- Loại có năng khiếu chính trị, quan trường thì tiến lên theo đường quan chức, được toàn thể gia tộc, dòng họ, gia hệ tập trung toàn lực nâng đỡ trong quá trình đi lên; loại con cháu này thường hoàn toàn trong sạch, tập trung sức lực làm việc để lập nên các chiến công hiển hách, từ đó liên tục thăng chức. Họ hết sức tránh dính dáng tới tham nhũng và phạm tội, sống bằng tiền do các loại con cháu khác cung cấp (theo cổ phần được gia tộc chia cho) nhưng đổi lại sẽ dùng quyền lực để vừa công khai (tuân thủ đúng luật pháp) và ngấm ngầm hỗ trợ các loại con cháu khác làm giầu.

Image result for gia đình trung hoa
Gia tộc Trung Hoa: Anh em, dâu rể đến chúc tết 
con trai trưởng dòng chính thất của lão gia tử.

- Loại không có năng khiếu chính trị nhưng có năng khiếu kinh doanh thì tiến theo con đường làm kinh tế, trở thành các đại gia lắm tiền nhiều của. Hoạt động làm giầu của các đại gia này được sự bao bọc che chở (đúng luật) của các quan chức quyền thế trong gia tộc. 

Các doanh nghiệp của đám đại gia con cháu này được chia theo các cổ phần; hội đồng gia tộc sẽ xác định tỷ lệ cổ phần được hưởng của các con cháu theo con đường chính trị trong các doanh nghiệp này. 

Đồng thời các đại gia con cháu này có nhiệm vụ dùng tiền bạc hỗ trợ các quan chức con cháu lập thành tích để liên tục có cơ hội thăng tiến rất nhanh (có nhanh mới kịp thành Tổng bí thư, Thủ tướng, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị...). 

Ví dụ sau khi chạy cho một quan chức con cháu được làm chủ tịch tỉnh, lập tức các đại gia con cháu sẽ xem xét các dự án, nếu thuận lợi và cần thiết sẽ đầu tư vào tỉnh đó để vừa kiếm lợi nhuận, vừa tạo thành tích cho chủ tịch tỉnh để vị chủ tịch tỉnh con cháu này có cơ hội tiến lên Trung ương. Hoặc họ đem tiền ủng hộ dân nghèo, giúp đỡ giải quyết hậu quả thiên tai... theo lời kêu gọi của chủ tịch tỉnh. Đấy cũng là cách làm tăng uy tín và cơ hội thăng tiến của chủ tịch tỉnh.

Đổi lại, chủ tịch tỉnh bằng quyền lực của mình sẽ giới thiệu các công trình, dự án có khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp thuộc gia hệ, dùng chính quyền và luật pháp bảo vệ các doanh nghiệp thuộc gia hệ mình khi họ đến đầu tư tại địa phương. Tất cả đều trong khuôn khổ quy định của pháp luật, tức là công khai, minh bạch, hợp pháp.

Thông thường mỗi gia tộc đều có một số địa bàn chiến lược làm căn cứ để phát triển. Ở đó thế và lực của gia tộc rất mạnh. Gia tộc nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối tại các căn cứ của mình; Trung ương cũng phải kiêng nể và hạn chế can thiệp. Gia tộc dùng các địa bàn chiến lược để đào tạo, rèn luyện các loại con cháu, khi trưởng thành sẽ bố trí sang các địa bàn khác để xâm lấn quyền lợi của các gia tộc, gia hệ khác.


Trong các gia tộc, gia họ, gia hệ, việc phân chia quyền lực đều được thực hiện rất rõ ràng, minh bạch. Quyền quyết định lớn nhất là lão gia tử, thông thường là con cháu trưởng đích tôn của dòng chính trong gia tộc, hoặc là người có vị trí chính trị cao nhất trong gia tộc. Dù lão này rất già, có khi đã 80 đến cả trăm tuổi, quanh năm ở trong nhà, nhưng con cháu vẫn thường xuyên báo cáo tình hình cho lão, và lão là người tính toán, cân nhắc, điều phối, quyết định đường hướng hoạt động của cả gia tộc.

Đường hướng hoạt động của gia tộc rất rộng, ví dụ đề xuất chiến lược phát triển gia tộc, gia họ, gia hệ, định hướng các con cháu sẽ leo lên các chức vụ gì, trong các Bộ, ngành, địa phương nào; đề xuất các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương để con cháu đóng góp với cơ quan quyền lực và tham gia triển khai. Ủng hộ chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng của Tổng bí thư hay của Chủ tịch nước, hay của Thủ tướng Chính phủ ? Ủng hộ quan chức cấp cao nào ? Dự báo sai, đi sai đường, xếp nhầm hàng trong chiến lược sẽ dẫn gia tộc tới lụn bại. Ủng hộ gia tộc nào trong số các gia tộc đang có thực quyền để hỗ trợ nhau và chia nhau lợi ích chính trị, kinh tế ? Thậm chí nên gả cháu trai, cháu gái cho người của gia tộc nào thì có lợi...

Dưới lão gia tử là con trưởng dòng chính thất (con vợ cả) của lão gia tử. Người này thường có chức vụ rất to trong bộ máy chính quyền và vẫn đang tham gia chính quyền hoặc mới nghỉ hưu được vài năm, vẫn có ảnh hưởng rất mạnh tới bộ máy chính quyền. Sau khi có quyết định đường hướng chung của lão gia tử, con trưởng (thường 50-70 tuổi) sẽ tổ chức cuộc họp đám con cháu nòng cốt để bàn giải pháp thực hiện... 

Hệ thống quyền lực trong gia tộc tiếp tục được phân cấp. Khi vắng con trưởng dòng chính thất thì người quyết định là em trai người này... Cứ thế các con trai, cháu đích tôn, các cháu khác của tộc trưởng - lão gia tử - được xếp hạng theo thứ tự. Thứ tự này cũng xác định ghế ngồi của từng người trong các cuộc họp gia tộc.

Bên cạnh xây dựng hệ thống quyền lực trong mỗi gia tộc, còn có việc cân bằng quyền lực giữa các gia tộc, gia hệ có thế lực. Các gia tộc lụn bại coi như không tính; chúng sẽ phải tham gia với các gia tộc mạnh, gia hệ và chịu sự lãnh đạo của các gia tộc mạnh, thành gia hệ của của gia tộc mạnh.

Nhưng giữa các gia tộc có thực lực, gia tộc mạnh thì khác. Sẽ phải có phân chia quyền lực, mỗi bên giữ một số ghế thông qua đàm phán... Tuy nhiên cân bằng quyền lực giữa các gia tộc này khá mong manh, bất cứ lúc nào cũng có thể thay đổi. Ví dụ một lão gia tử đột nhiên chết, hoặc một nhân vật then chốt trong hệ thống quyền lực thăng chức; lập tức sẽ có khoảng trống quyền lực: Người lên chức sẽ để lại chức vụ cũ. Ai sẽ lên thay ? Rồi người lên thay lại để lại khoảng trống; ai sẽ lấp vào khoảng trống này... Cả guồng máy thay đổi. Trong tình huống này, quá trình phân chia lại quyền lực lập tức được khởi động để tạo ra một cân bằng quyền lực mới giữa các gia tộc, gia họ, gia hệ.

Nhìn tình hình gia tộc, gia họ, gia hệ ở các nước, so với ở Việt Nam thì thấy gia tộc, gia họ, gia hệ ở Việt Nam còn quá man di mọi rợ. Gia tộc, gia họ, gia hệ Việt Nam là nơi khoe khoang chức tước, tiền bạc, ăn chơi của mỗi cá nhân, không có liên kết, ủng hộ nhau trong quá trình thăng tiến. Quan chức Việt Nam vừa làm quan, vừa phải tham nhũng kiếm tiền nên nếu áp dụng chính pháp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kong thì chắc là sẽ... đi tù hết.

Viết đã khá dài, xin dừng. 
Chúc các bạn năm mới 2014 thật vui, an lành, may mắn, hạnh phúc và thành công.
Chúc tổ quốc Việt Nam nhanh chóng đổi mới toàn diện và sâu sắc dựa trên các giá trị nhân văn, nhân quyền, nhân đạo chung của nhân loại, thoát khỏi khủng hoảng, phát triển bền vững, đất nước ngày càng hùng cường, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

1 nhận xét: