Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Khi nhà khoa học trẻ mắc bệnh...”ngôi sao”

Đọc những bài loại này để biết thế nào thì được gọi là bồi bút.
"Vừa qua, mỗi người dân đất Việt đều kính cẩn tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về Trời”. Cuộc đời của ông, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, vẫn luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, chứ không đặt cái tôi tự ái của mình cao hơn kỷ cương hành chính... Mà bởi thế, sau này, người đời càng tôn vinh ông cao hơn".
Khi nhà khoa học trẻ mắc bệnh...”ngôi sao”
(VietQ.vn) – Dành được một vài giải thưởng hoặc học vị Tiến sĩ, một số nhà khoa học trẻ thay vì đưa khoa học phục vụ nước nhà thì lại chìm đắm trong những lời chỉ trích, suy nghĩ tiêu cực về đất nước...
Những tấm gương

GS Võ Quý là là sinh học nổi tiếng, dành nhiều giải thưởng môi trường, sinh thái của Mỹ, Đức và Liên hợp quốc...trao tặng. Ông rất quen thuộc với những ai hay xem chương trình khoa học của VTV2, với những kiến thức thực tế về các loài chim của Việt Nam.

GS Võ Quý đã được Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn 
là người hùng về môi trường năm 2008. Ảnh: VNU
Một nhà giáo tận tụy, một nhà khoa học uyên bác nhưng khiêm nhường là ấn tượng dễ thấy với những người từng tiếp xúc với ông. Gần như chưa bao giờ, người ta thấy GS Võ Quý buông những lời bất mãn, chỉ phê phán chế độ mà không đưa ra phương án khắc phục...

Chất lượng Việt Nam cũng vừa giới thiệu nghiên cứu về ong mắt đỏ của PGS.TS Trương Xuân Lam, viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Phải lặn lội ở nhiều cánh đồng để khảo nghiệm giống thiên địch diệt sâu bọ, bàn chân của anh sạm nắng và nứt nẻ nhiều chỗ. Ít ai biết, các anh đã phải hy sinh nhiếu thứ để duy trì, nhân giống ong mắt đỏ, để hy vọng sau này, khi dân trí cao hơn hoặc có chế tài phù hợp, dân ta sẽ dùng các biện pháp sinh học, chứ không phun thuốc sâu lên rau, khiến người ăn bị bệnh...

TS Doãn Hà Thắng, viện Vật lý, cũng là một trong những nhà khoa học trẻ, từ bỏ lời mời của các công ty bên Nhật để về nước cống hiến. Chiếc bút “biết nói” của anh, tuy hiệu quả với học sinh để ngoại ngữ, nhưng vẫn chưa được nhân rộng. Thay vì lên mạng kêu ca bất mãn, anh lại tiếp tục dùng kiến thức của mình về plasma, để nghiên cứu về than đá, nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu này, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho Việt Nam...

Chúng ta cũng vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, “ông Vua Vũ khí” của Việt Nam, là nỗi sợ hãi của quân thù trong chiến tranh. Hồi còn trẻ, chàng trai yêu nước ấy đã từ bỏ mức lương cao ở trời Tây, để về Việt Nam, làm vũ khí đánh giặc trong đói khát và gian khổ. Nếu đặt “cái tôi” của mình cao hơn dân tộc, có lẽ ông sẽ không bao giờ quay lại mảnh đất hình chữ S thân thương...

Biết bao nhà khoa học, bác sĩ, thầy giáo...có trình độ giỏi, đã và đang góp sức xây dựng đất nước này mà ít khi đòi hỏi được trả công xứng đáng. Thành quả đạt được, nói như Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân, không có một nước nào với GDP như Việt Nam mà đạt được các thành tựu về khoa học và giáo dục như vậy...

Vừa qua, mỗi người dân đất Việt đều kính cẩn tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về Trời”. Cuộc đời của ông, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, vẫn luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, chứ không đặt cái tôi tự ái của mình cao hơn kỷ cương hành chính... Mà bởi thế, sau này, người đời càng tôn vinh ông cao hơn.

Chỉ trích dễ hơn đề ra cách làm

Đáng tiếc, trong hàng ngũ được coi là trí thức trẻ, từng được thừa hưởng thành quả của nền độc lập này, lại có những người chưa thực sự đóng góp nhiều cho đất nước, nhưng lại luôn “tuôn” những lời bất mãn, coi thường những người lãnh đạo.

Với họ, xã hội ta toàn màu xám và những người lãnh đạo toàn yếu kém, không chịu lắng nghe dân.

Trớ trêu thay, họ lại được “tiếp tay” bởi một số “nhà báo” đặt mục tiêu có bài lên trên việc tìm hiểu sâu và giải quyết vấn đề. Bởi vậy, những trí thức trẻ đó đã tự mình đào sâu ranh giới của mình với chính quyền, tự huyễn hoặc các bài đăng báo là thể hiện “ta tài giỏi”...

Nhưng sự thật lại không như họ nghĩ.

Liệu có bao nhiêu trí thức trẻ đó giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, được học ở nước ngoài về Kỹ thuật, là Tiến sĩ về Kinh tế, từng có hơn 10 năm thực tế ở địa phương, khi viện dẫn các số liệu kinh tế - xã hội để trả lời báo chí, chưa bao giờ dùng đến giấy tờ... như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam?

Họ có biết, Bộ trưởng KHCN, TS Nguyễn Quân từng là Thủ khoa đầu vào và đầu ra của ĐH Bách khoa Hà Nội, từng học quản lý tại trường AIT của Thái Lan, dù đang là “Tư lệnh ngành”, vẫn giản dị sống ở chung cư, luôn sẵn sàng, lịch thiệp tiếp báo giới...

Quan trọng nhất, nhiều người làm chính sách, vẫn đang từng ngày hoàn thiện các khung pháp lý, để tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học cống hiến.

Sắp tới, Nghị định hướng dẫn luật KHCN cho phép thưởng đến 200 triệu cho những nhà nghiên cứu được giải thưởng quốc tế lớn, còn các nhà khoa học tài năng được cấp kinh phí nghiên cứu, tạo điều kiện làm việc trong phòng thí nghiệm, đơn giản hóa thủ tục kê khai tài chính... Tất cả những việc đó là vì điều gì, nếu không phải xuất phát từ mong muốn cho khoa học, giáo dục nước nhà phát triển?

Hãy nghĩ rộng hơn

Một số trí thức thường so sánh “bên Tây thế này”, còn Việt Nam thì chỉ đãi ngộ thế này thôi. Nhưng lại quên đặt trong bối cảnh lịch sử, nhiều nước phương Tây đã kiếm được biết bao lợi nhuận từ các nước thuộc địa ngày trước.

Nếu chúng ta có khoản tiền khổng lồ đó, chúng ta có thể mua bảo hiểm toàn dân, miễn học phí đến bậc trung học, xây thêm nhiều ngôi trường ở vùng cao, đảm bảo bữa cơm “đủ thịt” cho các cháu.

Nếu chúng ta có khoản tiền đó, sẽ tăng kinh phí cho các nhà khoa học, để nối nghiên cứu với ứng dụng, thương mại hóa, để giới trí thức có đủ thu nhập, không phải kêu ca nhiều.

Nếu có khoản tiền đó, chúng ta sẽ có điều kiện tăng lương cho giáo viên, bác sĩ... để nâng cao trình độ chuyên môn, giúp họ an tâm công tác...

Nhưng đất nước còn nghèo, doanh nghiệp phần lớn là vừa và nhỏ nên “lực” có hạn, dễ bị “tổn thương” khi kinh tế khó khăn. Những “tàn dư” của chế độ phong kiến vẫn còn trong không ít “vị quan”, khiến họ làm điều trái luật...

Bởi thế, thời đại ngày nay, càng cần lắm những trí thức yêu nước. Là những người đưa khoa học – giáo dục để ứng dụng vào thực tế, làm giàu cho nhân dân. Trước các vấn đề thời cuộc, biết tìm hiểu thấu đáo vấn đề, để vừa có chính kiến, vừa đưa ra những kiến nghị tích cực để quản lý xã hội...

Hoàng Tuân

2 nhận xét:

  1. Bài cũng được. Chưa có bằng chứng tác giả được tiền từ Chính phủ nên ko thể nói ngay là bồi bút. Dù thế nào, nghe chửi mãi cũng chán. Cũng nên có cái gì đó động viên công bộc của dân.

    Trả lờiXóa
  2. Viết trả lời nhưng loay hoay thì bị xóa mất. Chán quá đành tóm tắt mấy câu vậy.
    Bồi bút gồm 2 từ: Bồi và Bút.
    Bồi xuất hiện thời Pháp, chỉ những người đàn ông chuyên hầu hạ, nịnh hót đám thực dân và chính quyền thực dân trong thời thuộc Pháp.
    Bút dĩ nhiên là viết.
    Bồi bút là những người đàn ông (nay có thêm phụ nữ) chuyên dùng ngòi bút để hầu hạ (nghe sai khiến mà viết), nịnh hót (chủ động viết ca ngợi) những người có chức có quyền và những chính sách của đám người này.

    Trong bài này có kể đến ông Đam và ông Quân. Hai người này đã làm được gì cho đất nước mà xứng đáng để các nhà khoa học trẻ học tập, theo gương ? Nếu các quan chức này thực tâm từng ngày hoàn thiện các khung pháp lý, để tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học cống hiến, thì nền khoa học đất nước đã không tiếp tục xuống dốc không phanh thế này. Các công trình khoa học đã không ngày càng giả dối như thế này.

    Các giáo sư Võ Quý, Trần Đại Nghĩa và tuyệt đại đa số các nhà khoa học lừng danh của ta do ai đào tạo nếu không phải từ thời Pháp và từ khối Xô Viết cũ. Thời đất nước xây dựng CNXH chúng ta đào tạo thêm được ai ? Phong GS TS ào ào nhưng thực chất có công trình nghiên cứu gì đăng trên tạp chí thế giới ?

    Đoạn cuối mới xứng là đại đại bồi bút. Cho rằng các nước Phương Tây toàn sống lợi nhuận từ các nước thuộc địa ngày trước, nếu lãnh đạo ta cũng có tiền như vậy để chi tiêu thì đất nước thân yêu của chúng ta đã không khổ thế này (và qua đó cho thấy lãnh đạo phương Tây chẳng hơn gì lãnh đạo xứ ta cả).

    Xin thưa: Các bác nhà ta có vô khối tiền nhưng sử dụng cực kỳ lãng phí, sâu mọt khắp nơi.... Nhìn thấy vay nợ tràn lan, tài nguyên đất nước đội nón ra đi, người lao động bị bóc lột cùng cực, tiền kiều bào, người xuất khẩu lao động gửi về như thả vào thùng không đáy... trong khi đất nước ngày càng nghèo hèn, cơ sở hạ tầng chưa có gì đáng kể, thấy vô cùng xót xa.

    Còn phương Tây đúng là đã kiếm chác được rất nhiều từ thuộc địa. Nhưng trước năm 1945, đời sống của họ cũng chẳng hơn mình nhiều lắm đâu. Các nước Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc... còn thua ta; Sài Gòn còn là hòn ngọc Viễn Đông... Nhưng từ sau 1945, bằng lao động chăm chỉ và với cường độ cao hơn hàng chục lần dân ta, bằng trí tuệ và sự thành tâm với đất nước của những nhà lãnh đạo dân chủ của họ, họ đã làm cho đất nước họ, nền khoa học của họ tiến lên vòn vọt. 30 năm quang vinh của chủ nghĩa từ bản (1945-1975) đã đưa những nước này thoát hoàn toàn nghèo đói, thành những nước giầu thực sự. Ngay khi tôi viết những dòng chữ này, từ lãnh đạo đến từng người dân, họ vẫn đang làm việc quần quật vì sự phồn vinh của đất nước chứ không phải chăm chăm tham nhũng như quan chức hay lãn công như dân ta đâu.

    Lưu ý: Người ăn xin ở phương Tây đều được cung cấp ăn ở miễn phí, nhưng họ thích tự do nên dù đã nhận tiền trợ cấp song không chịu đến ăn ở những nơi nhà nước bố trí mà thích đi ăn xin kiếm thêm. Đa phần đám này xin tiền để có tiền mua rượu, ma túy và các tệ nạn khác.

    Trả lờiXóa