Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

(14) CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
 4) Dự báo dịch vụ và chuyển tiền
Nói chung dự báo các mục khác của cán cân thanh toán quốc tế được thực hiện bằng các tách riêng các khoản quan trọng nhất đối với nước nghiên cứu và dự báo chúng căn cứ vào quan hệ giữa chúng và các biến kinh tế đã biết khác. Đối với các khoản còn lại, kém quan trọng hơn, có thể dự báo theo xu thế đã diễn ra trong quá khứ. Một số kinh nghiệm cụ thể khi dự báo mục dịch vụ và chuyển tiền là:
- Dự báo dịch vụ vận tải: Dịch vụ này bao gồm các khoản thu, chi thanh toán cho vận chuyển và bảo hiểm quốc tế.
Nguồn thu dịch vụ này bao gồm thu từ người thường trú bán các dịch vụ vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu cho người không thường trú (người thường trú là người vận chuyển).
Nguồn chi trả dịch vụ này là các thanh toán người thường trú trả cho người không thường trú để người không thường trú vận chuyển giúp mình hàng hoá xuất nhập khẩu.

Tuy vậy, trong các dự báo thô, để đơn giản, người ta thường xây dựng quan hệ giữa nguồn thu dịch vụ với xuất khẩu, tức là dự báo thu ngoại tệ từ dịch vụ quốc tế được thực hiện căn cứ vào tiến triển của xuất khẩu (FOB). Ngược lại, nguồn chi được dự báo căn cứ vào tiến triển của nhập khẩu (FOB). Điều này xuất phát từ thực tế là thông thường hàng xuất được người trong nước chở đi bán trong khi hàng nhập do người bán vận chuyển đến.
Tính chung, để có các dự báo dịch vụ vận tải gồm chi phí vận tải và bảo hiểm, người ta xây dựng hàm thu căn cứ vào giá trị xuất khẩu hàng hoá, hàm chi căn cứ vào giá trị nhập khẩu hàng hoá. Nếu việc xây dựng các phương trình kinh tế lượng khó khăn do thiếu số liệu, có thể sử dụng một số quan hệ tỷ lệ cố định tính từ số liệu những năm gần nhất. Do các chỉ tiêu này thường được tính bằng ngoại tệ (USD) với mức độ lạm phát thấp nên có thể xây dựng các hàm theo giá hiện hành.
- Dự báo dịch vụ du lịch: Dịch vụ này bao gồm các khoản thu, chi cân đối cán cân thanh toán quốc tế gắn với hoạt động du lịch. Thu từ du lịch gắn liền với sóo lượng khách du lịch nhập cảnh trong kỳ và tiến triển của thu nhập của khách, tức là thu nhập của nước mà khách là người thường trú.
 Các biến giải thích trong trường hợp này có thể là GDP hay thu nhập quốc gia sẵn có mong đợi (tình hình hiện tại) của nước mà khách du lịch từ đó đến, tiến triển của giá trong nước và tiến triển của tỷ giá (thực tế hoặc dự kiến), tức là khả năng cạnh tranh thu hút khách của nước đó so với các nước cạnh tranh khác (ví dụ trường hợp Việt Nam và Lào cùng thu hút khách du lịch Pháp). Ngoài ra, cần phải kể đến một nhân tố rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạnh hiện nay, là sự ổn định chính trị và xã hội của đất nươc so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngược lại, thanh toán cho việc người trong nước đi du lịch ở nước ngoài gắn với số người ra nước ngoài du lịch và thu nhập quốc gia sẵn có của đất nước.
- Dự báo chuyển thu nhập (chuyển tiền): Các nguồn thu nhập cần tính trong loại dịch vụ này là:
+ Thu nhập của người làm việc ở nước ngoài nhưng lại ở thường trú trong nước, thông thường bao gồm lao động thời vụ hoặc lao động qua lại qua biên giới.
+ Thu nhập có được từ đầu tư, trực tiếp hoặc qua cổ phiếu, trái phiếu... Thu và thanh toán cho các khoản thu nhập từ đầu tư có thể được giải thích bằng một số nhân tố như lãi suất, tỷ suất lợi nhuận, số nợ nước ngoài phát sinh trong năm và tổng số nợ nước ngoài tích luỹ. Tương tự cũng có thể tính toán thu nhập từ các nguồn đầu tư ra nước ngoài đem về.
+ Thanh toán lãi vay, thông thường đây là khoản quan trọng nhất trong cân đối thu nhập. Để dự báo, cần thống kê chi tiết các khoản nợ cùng với kỳ hạn trả nợ và các điều khoản lãi suất... Thông thường đối với nợ chính phủ, đã có một cơ quan chính phủ nắm chắc các thông tin này nên có thể tính toán và đưa ra các số dự báo tương đối chính xác về số tiền lãi phải trả. Riêng đối với nợ của khu vực ngoài chính phủ, cũng cần có một cơ quan thu thập thông tin và tính toán các khoản phải trả cho thời kỳ dự báo. Các nhà dự báo căn cứ vào thông tin của các cơ quan này để xây dựng các kịch bản dự báo hợp lý nhất.
- Dự báo chuyển thu nhập không đối trọng: Loại thu nhập này xuất hiện cả trong khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân. Các chuyển tiền tư nhân gồm thanh toán giữa người thường trú và người không thường trú, như người đi lao động ở nước ngoài gửi tiền về cho gia đình trong nước. Loại thu nhập này phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước gốc lẫn nước người lao động đến làm việc. Các nhân tố ảnh hưởng chính là tình hình kinh tế của nước gốc lẫm nước tiếp nhận lao động, tiến triển của tỷ giá, số lao động đi làm việc, điều kiện thời tiết...
Ví dụ khi nước gốc bị hạn hán làm cho thu nhập của người trong nước giảm mạnh, thường người lao động ở nước ngoài sẽ tăng số tiền gửi về cho gia đình để bù đắp. Hoặc nếu nước gốc chấp nhận cho nước nhận lao động mở ngân hàng nước đó tại nước mình hoặc ngược lại, nước nhận lao động cho nước gốc mở ngân hàng tại nơi có đông người nước gốc đang làm việc thì nguồn tiền chuyển về nước cũng sẽ tăng lên.
Nhìn chung, tình hình chính trị ổn định sẽ thuận lợi cho việc chuyển tiền của khu vực tư nhân.
Chuyển tiền của khu vực nhà nước (hoặc chuyển tiền chính thức) thường gắn liền với những nhân tố phi kinh tế. Trong thực tế, dự báo chuyển tiền của khu vực này được thực hiện căn cứ vào các thông tin do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do các nước tài trợ phát hành.
Trong mọi trường hợp, các dự báo chuyển tiền chính thức không đối trọng trong cán cân thanh toán quốc tế phải tương thích với các dự báo về viện trợ không hoàn lại trong bảng cán cân tài chính công.
5) Dự báo tài khoản vốn
Chuyển động vốn là thành phần khó dự báo nhất trong cân đối cán cân thanh toán quốc tế vì các dòng vốn thường phản ánh phản ứng của công chúng và nhà đầu tư trước các quyết định liên quan đến chính sách kinh tế. Trong phân tích và dự báo tài khoản vốn, có thể đi theo nhiều tiếp cận khác nhau như vốn vào và vốn ra, vốn ngắn hạn và vốn trung và dài hạn, vốn nhà nước và vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư qua chứng khoán... Tuy nhiên, nói chung người ta vẫn chú ý chủ yếu đến tiếp cận theo hai loại vốn sau vì chúng có ảnh hưởng khác nhau tới cán cân thanh toán quốc tế và tình hình kinh tế:
- Vốn dài hạn: Vốn dài hạn bao gồm vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư qua chứng khoán. Các nhân tố ảnh hưởng đến nguồn vốn này là lãi suất mong đợi của vốn, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ so với các nước khác, chính sách thuế ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, và nói chung tình hình chính trị, xã hội ổn định.
Đối với nguồn vốn nhà nước dài hạn, việc thu hút nguồn vốn này phụ thuộc vào các công trình và dự án đầu tư lớn nhà nước muốn triển khai (dù sẽ được tài trợ hay không được tài trợ bằng nguồn vốn nước ngoài) được nêu trong chương trình đầu tư của Nhà nước (nếu chương trình hoặc từng bộ phận của chương trình đã được xây dựng cho tương lai), trước hết là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo..., và các điều kiện chính trị của nước tài trợ.
Việc thanh toán nợ vốn trung và dài hạn của khu vực nhà nước phụ thuộc vào điểm đến hạn của dịch vụ nợ công (thanh toán nợ gốc hay khấu hao).
- Vốn ngắn hạn: Vốn ngắn hạn gắn liền với các điều kiện của thị trường. Nếu các ràng buộc trên thị trường không nhiều và các giấy tờ có giá trong và ngoài nước có thể thay thế lẫn nhau tương đối dễ, thì các nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc thu hút nguồn vốn này là lãi suất tương đối (chênh lệch giữa lãi suất trong và ngoài nước), tỷ giá và tình hình chính trị và xã hội của nước cần huy động vốn, trong đó nhân tố chênh lệch lãi suất trung bình trọng số gắn với dự đoán tiến triển tương lai cuả tỷ giá đóng vai trò chủ yếu. Căn cứ vào các quan hệ này, có thể xây dựng các phương trình kinh tế lượng để dự báo tiến triển tương lai của nguồn vốn nước ngoài ngắn hạn.
Sau khi đã dự báo được tất cả các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế, chúng ta sẽ đưa vào tính toán trong phương trình cân đối tổng thể để xác định thặng dư hoặc thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế và ảnh hưởng của nó tới dự trữ quốc tế của đất nước (qua biến động của tài sản ngoại tệ ròng). Nếu cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, tài sản ngoại tệ ròng sẽ tăng tức là dự trữ quốc tế của đất nước sẽ tăng. Ngược lại, nếu cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, tài sản ngoại tệ ròng sẽ giảm tức là dự trữ quốc tế của đất nước sẽ giảm.
6) Dự báo tài chính cho thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế
Chúng ta thường bối rối khi xảy ra tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế và cần tìm nguồn tài chính để bù đắp. Thực tế, bên cạnh nguồn bù đắp có thể huy động được để bù đắp, còn có những khoản chưa có nguồn. Chênh lệch về tài chính bù đắp cho thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế được định nghĩa là sự khác nhau giữa nhu cầu tài chính và khả năng tài chính có thể có trong kỳ. Các số liệu này đều xuất hiện trong bảng cán cân thanh toán quốc tế và bảng cân đối tài chính chính phủ.
Trong xây dựng kế hoạch, các nước thường chấp nhận có loại chênh lệch này và không thấy trước nguồn để cân đối. Việc cân đối có thể được tiến hành trong kỳ kế hoạch, tức là khi thực hiện kế hoạch và tuỳ theo từng hoàn cảnh. Chính vì vậy, chênh lệch này được gọi là chênh lệch ex-ante đối với năm đang diễn ra và đối với những năm dự báo (vì trong trường hợp này cán cân thanh toán quốc tế đều không được cân đối). Điều này khác với dự báo ex-post vì trong các dự báo này, luôn luôn có sự cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế dù rằng việc cân bằng này có thể được thực hiện bằng cách tăng nợ nước ngoài...
Chênh lệch về tài chính do vậy phản ánh mức độ tin chắc, tại một thời điểm đã định, về tình trạng huy động tài chính đã có hay chưa để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Như vậy, chênh lệch về tài chính đo lường nguồn tài chính bổ sung cần phải tìm kiếm trong tương lai để cân đối cán cân thanh toán quốc tế.
Cần ghi nhận rằng trong các chương trình điều chỉnh kinh tế do Quỹ Tiền tệ quốc tế tài trợ, các báo cáo nhu cầu của nước cần IMF giúp đỡ tài chính có thể gồm các bảng cán cân thanh toán quốc tế hoặc các bảng tài chính công trong đó còn chứa những chênh lệch này, tức là chưa xác định được nguồn để cân đối. Tuy nhiên, trước khi được Hội đồng quản trị IMF xem xét để thông qua, cần phải tìm được các nhà tài trợ cam kết cung cấp tài chính cân đối cho các chênh lệch này.
7) Một số chú ý:
Vì dự báo cán cân thanh toán quốc tế là một công việc hết sức khó khăn nên cần lưu ý một số điểm sau:
- Để làm các dự báo, cần chọn các mục cần dự báo nhất. Để thực hiện điều này, cần nghiên cứu kỹ các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế và chọn ra những mục quan trọng nhất và các mục có thể dự báo dễ dàng nhờ những thông tin trong quá khứ. Đây là những mục đáng để chúng ta mất thời gian dự báo, đặc biệt là các mục có trọng lượng lớn như xuất nhập khẩu.
Đối với các mục ít quan trọng, nhất là những mục biến động mạnh, có thể dự báo theo phương pháp cơ học, ví dụ như hồi quy theo xu thế hay kịch bản...
- Sau khi đã có các dự báo, cần phải tính một số quan hệ tỷ lệ như tỷ lệ tài khoản vãng lai trên GDP, tỷ lệ dịch vụ nợ trên kim ngạch xuất khẩu... và xem xét xem tiến triển của chúng có khớp với tiến triển trong quá khứ không ?
Ngoài ra, cũng cần phải phân tích tiến triển của các chỉ tiêu này xem có khớp với tiến triển của dự báo tình hình trong nước và quốc tế trong tương lai không. Nếu phát hiện thấy những điểm không khớp nhau, cần thực hiện lại quá trình dự báo nhiều vòng để cuối cùng đi đến các dự báo khớp nhau và chấp nhận được.
....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét