Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

(1) Phan Thị Bích Hằng trong vụ tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên

Tuyệt đại đa số trong chúng ta đều chỉ biết Bích Hằng qua những bài báo và những câu chuyện truyền miệng. Chị bắt đầu nổi tiếng từ chuyện đi tìm mộ cho em gái giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Tôi đã đọc bản đánh máy chuyện này, dưới có chữ ký của GS kèm sơ đồ khu vực tìm kiếm; nghe nói bản này do chính giáo sư viết và ký tên. Qua thông tin về các hoạt động của chị, nhiều người đánh giá chị là một nhà ngoại cảm tài ba và không thể phủ nhận công sức của chị trong hơn 20 năm tìm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên dư luận cũng đồn đại theo thời gian chị đã mất dần năng lực ngoại cảm, cũng như con người có lúc này lúc kia, cũng có lúc kết quả tìm kiếm không chính xác nhưng hãy đừng vì một số sai lầm mà vội vàng kết luận chị là người lừa đảo và vô lương tâm. Năm 2008 tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên; năm 2010, chị tuyên bố dừng công việc ngoại cảm và chuyển sang kinh doanh. Riêng tôi thì chuyện âm dương, tâm linh rất mù mờ (dù tôi tin là có thế giới bên kia) nên không dám bàn tới các đánh giá về chị (nhưng nghiêng về phía ủng hộ việc làm của chị). Trường hợp những nhà ngoại cảm khác thì tôi không quan tâm nên không biết.
Sự thật về “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng trong vụ tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên

(Saobongda) - Phùng Chí Kiên và Lê Thiết Hùng là hai trong những vị tướng đầu tiên của Việt Nam. Năm 1941, Phùng Chí Kiên bị địch bắt và hy sinh tại huyện Ngân Sơn – Cao Bằng (nay là huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn) trong tình trạng không toàn thây, khi địch đã bêu đầu tướng Phùng Chí Kiên ở cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Kể từ đó, phần hài cốt của tướng Phùng Chí Kiên bị thất lạc… Năm 2008, dưới sự trợ giúp của chính quyền tỉnh Bắc Kạn, một đoàn đã lên đường để tìm kiếm phần hài cốt còn lại của tướng Phùng Chí Kiên, với sự tham gia của “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng…


 Chân dung tướng Phùng Chí Kiên Phùng Chí Kiên
– vị tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam
Phùng Chí Kiên có tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong lịch sử quân đội ta có hai vị được gọi là tướng khi chưa có sắc lệnh phong hàm là Phùng Chí Kiên và Lê Thiết Hùng.

Theo một số cán bộ lão thành, khi quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam, Lê Thiết Hùng đã được phong hàm thiếu tướng để phụ trách “Tiếp phòng quân”; còn Phùng Chí Kiên được truy phong hàm tướng nhưng không ghi rõ bậc.

Cho đến hôm nay, có thể nói, mới chỉ có những kết quả nghiên cứu bước đầu, nhưng các nhà nghiên cứu, sử học quân sự đều có chung đánh giá, nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên có những đóng góp to lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng. Ông là một trong những vị cách mạng tiền bối lỗi lạc.

Theo những tài liệu chính thức, Phùng Chí Kiên tham gia cách mạng từ năm 1924 (khi 23 tuổi), vào Đảng năm 1931. Từ năm 1924, ông cùng một số thanh niên đầy nhiệt huyết, được tổ chức xuất dương sang Trung Quốc. Tại đó, ông đã tìm mối liên lạc với Hội Thanh niên và năm 1925 được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Năm 1926, ông dự lớp huấn luyện Trường Quân sự Võ bị ở Hoàng Phố. Năm 1931, ông được cử sang học ở trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, sau đó hoạt động trong Ban Hải ngoại của Đảng. Năm 1932, ông tham gia khởi nghĩa tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Tháng 3/1935, ông cùng các cán bộ của Đảng chuẩn bị soạn thảo Đề cương Đại hội Lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, Trung Quốc, và được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Trong Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sỹ Phùng Chí Kiên còn ghi chức vụ trong Đảng của ông là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng).


Phan Thị Bích Hằng 


Tháng 2/1941, Phùng Chí Kiên về nước, tại hội nghị lần thứ tám, ngày 19/5/1941, ông được Trung ương phân công phụ trách lực lượng quân sự của Đảng. Ngày 21/8/1941, nhà cách mạng lỗi lạc Phùng Chí Kiên bị địch hành hình sau khi bị bắt và tra tấn dã man tại Cầu Ngân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng (ngày nay là huyện Ngân Sơn – tỉnh Bắc Kạn).

Như vậy, có thể nói tướng Phùng Chí Kiên – Nguyễn Vỹ được coi là vị công thần đã có nhiều đóng góp rất to lớn cho cách mạng Việt Nam. Lúc còn sống và hoạt động cách mạng, tướng Phùng Chí Kiên cùng với tướng Lê Thiết Hùng chính là hai trong những người quan trọng chủ chốt thực hiện phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên “Phùng Chí Kiên” là biệt danh được đặt cho Nguyễn Vỹ với hàm ý: Một người ý chí kiên cường!

Khát vọng tìm kiếm của gia đình

Sau khi trở về từ Trung Quốc, Phùng Chí Kiên tham gia Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) tại Bác Pó – Cao Bằng và được bầu làm Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn. Ngày 21/8/1941, trong một lần bị địch phục kích, bao vây Phùng Chí Kiên đã bị địch bắt và chặt bêu đầu tại cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần của nhân dân và cán bộ.

Việc bao vây, truy kích và bắn chết Phùng Chí Kiên là do đích thân tên Công sứ Bắc Kạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương thực hiện chứ không phải do bọn châu tuần phục kích, bắn chết. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nêu khá chi tiết cụ thể về sự hy sinh của Phùng Chí Kiên như sau: “Bị trọng thương, nằm lại trong rừng, đồng chí Kiên bị địch tra tấn dã man rồi khiêng về đồn Bằng Đức (thuộc châu Ngân Sơn) báo lên Cao Bằng để lĩnh thưởng (Châu Ngân Sơn lúc ấy thuộc tỉnh Cao Bằng).

Bọn địch khi ấy treo thưởng cho đầu của Phùng Chí Kiên là 3 tạ muối. Giám binh Đờ Pông Tích đang ở đồn Bắc Kạn, lệnh cho đồn trưởng và Tri châu Ngân Sơn, báo động lính khố xanh, bít các ngả đường đi biên giới, hòng bắt nốt số Cứu Quốc Quân còn lại. Tên Châu úy Vi Văn Bảo (về sau bị đền tội) bắt đồng chí Kiên nằm quằn quại qua đêm ngoài trời mưa giữa sân đồn, tiếp tục tra tấn cho đến khi đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào sáng 21/8/1941 giữa lúc trời mưa to. Rồi chúng chặt đầu đem bêu ở cầu Ngân Sơn, nhằm khủng bố tinh thần quần chúng”.

Sau khi hy sinh với thân xác không được trọn vẹn, phần thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên bị bọn địch canh giữ rất nghiêm ngặt, rất khó có thể tiếp cận. Chính vì thế, những người đồng đội chỉ có thể lấy được phần thân của ông để đem đi mai táng. Kể từ đó, phần thủ cấp của tướng Phùng Chí Kiên bị thất lạc.

Năm tháng trôi đi, tại quê nhà ở xã Diễn Yên (Diễn Châu – Nghệ An), người cháu của Phùng Chí Kiên là Thiếu tá quân đội Nguyễn Văn Việt từ nhỏ đã được nghe kể những câu chuyện hoành tráng về người chú ruột mà mình chưa từng biết mặt, cảm phục sự dũng cảm hy sinh để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc nên người cháu Nguyễn Văn Việt đã coi chú mình như một thần tượng và luôn đau đáu trong lòng câu chuyện hy sinh với thân xác không trọn vẹn của Phùng Chí Kiên.

Chính vì thế, ngay khi đất nước giành được độc lập, người cháu Nguyên Văn Việt đã không quản ngại khó khăn vất vả, gom hết những tài sản trong gia đình dành dụm được để lên đường tìm lại hài cốt người chú anh hùng của gia đình, người con kiên trung của quê hương.

Nơi đầu tiên mà người cháu Nguyễn Văn Việt tìm đến chính là Bắc Kạn, nơi Phùng Chí Kiên đã từng hoạt động cách mạng, bị địch bắt và hy sinh. Không có một bức ảnh chân dung của người chú trong tay, cũng chưa từng biết mặt chú mình như thế nào để miêu tả, thông tin về người chú của mình chỉ là những thông tin về năm tháng hoạt động cách mạng, những tình tiết bị địch bắt… nhưng Nguyễn Văn Việt cũng đã nhanh chóng tìm ra được kỷ vật của người chú mình còn sót lại nơi chiến trường.

Và điều may mắn nhất là ông xin được một bức ảnh đen trắng, mờ nhạt của người chú Phùng Chí Kiên, được chụp khi Phùng Chí Kiên còn đang hoạt động ở bên Trung Quốc để mang về quê thờ tự. Đến cuối tháng 2/1990, người cháu Nguyễn Văn Việt nghe một tin vui lớn, đó là Nhà nước đang chuẩn bị đưa hài cốt của chú Phùng Chí Kiên về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Ngày 3/3/1990, buổi lễ rước di cốt của Phùng Chí Kiên từ Nghĩa trang huyện Ngân Sơn về Nghĩa trang Mai Dịch được tổ chức long trọng, với sự có mặt của các vị lão thành cách mạng như Hoàng Quốc Việt, Chu Huy Mân, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh Nghệ An, dưới sự chủ trì của Nguyễn Đình Hương - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng...

Tuy vậy, trong thâm tâm những người con, người cháu của Tướng Phùng Chí Kiên vẫn còn đau đáu một nỗi niềm là một phần hài cốt của người chú, người ông mình vẫn bị thất lạc từ lúc hy sinh năm 1941. Thế là, vừa an táng cho người chú của mình xong, người cháu Nguyễn Văn Việt lại đại diện cho cả dòng tộc họ Nguyễn ở quê tiếp tục hành trình tìm kiếm phần hài cốt còn lại của người chú và đấu tranh làm những thủ tục công nhận liệt sĩ, xây nhà tưởng niệm cho người chú kiên trung trong gia đình.

Năm 2006, khi công cuộc tìm kiếm phần hài cốt còn lại của chú mình chưa hoàn thành thì ông Nguyễn Văn Việt từ trần. Lúc “nhắm mắt xuôi tay”, điều ông Việt căn dặn duy nhất cho vợ mình là bà Trương Thị Đông, 63 tuổi, là phải bằng mọi cách tìm cho được phần hài cốt còn lại của chú Nguyễn Vỹ ở nơi chiến trận, kể cả có “khuynh gia bại sản” cũng phải để cho “chú Vỹ được toàn thây nơi suối vàng”.

Cùng khoảng thời gian ấy, tưởng nhớ tới người anh trong quân ngũ đã hy sinh cao cả, hòa bình lập lại đã được gần 30 năm mà một phần hài cốt vẫn chưa tìm lại được, xác định được niềm mong mỏi từ chính quyền các cấp và thân nhân Tướng Phùng Chí Kiên, năm 2008, một đoàn được thành lập lên đường tới Bắc Kạn để tìm phần còn lại trong bộ hài cốt Tướng Kiên.

Trước khi lên đường, đoàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng một số tài liệu liên quan, gặp gỡ một số bậc lão thành cách mạng, giáo sư sử học Phan Huy Lê; đồng thời mời thêm “nhà ngoại cảm” đang nổi lên như một hiện tượng trong giới tâm linh thời bấy giờ là Phan Thị Bích Hằng (quê xóm Xuân, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh – Ninh Bình) để tham gia cuộc tìm kiếm thủ cấp của tướng Phùng Chí Kiên.

“Gia đình tôi có nề nếp cách mạng nhưng nền kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Bản thân tôi thời gian ấy liên tục đau yếu, hàng tuần vẫn phải lên bệnh viện huyện để lấy thuốc nhưng việc tìm phần hài cốt còn lại của chú Vỹ vẫn còn dang dở, đây là tâm nguyện từ bấy lâu không chỉ của riêng gia đình tôi mà còn là nguyện vọng của cả dòng họ, của quê hương và hơn nữa là nguyện vọng của chính quyền để thể hiện sự quan tâm tới chú Nguyễn Vỹ, quan tâm đến những người có công với cách mạng mà tổ chức tìm hài cốt cho chú nên tôi, bằng giá nào cũng phải cố gắng đi cùng đoàn để tìm kiếm cho bằng được hài cốt còn lại của chú Vỹ, đưa về an táng với phần thân thể”, bà Trương Thị Đông, 63 tuổi, trú tại làng Thổ Quan, xã Diễn Yên (Diễn Châu – Nghệ An) - cháu ruột của tướng Phùng Chí Kiên chia sẻ.

Bà còn cho biết thêm: “Tôi chưa được tiếp xúc với bà Hằng bao giờ nhưng thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, băng đĩa video tôi biết được bà Hằng nổi lên như là một “nhà ngoài cảm” lớn của đất nước, chuyên đi tìm mộ liệt sĩ, đặc biệt, bà Hằng đã tìm thấy nhiều mộ các vị lão thành cách mạng của đất nước. Trước đó, gia đình tôi cũng đã tiến hành rất nhiều cuộc tìm kiếm nhưng không thành, nay được bà Hằng nhận lời giúp đỡ nên gia đình cũng hoàn toàn yên tâm tin tưởng, tham gia cuộc tìm kiếm với hy vọng cao nhất từ trước tới nay”…

“Không giống như những “nhà ngoại cảm” thông thường tìm mộ mà tôi được biết là họ đi tận nơi để tìm mộ, trong suốt quá trình tìm kiếm, bà Phan Thị Bích Hằng chỉ có một lần duy nhất đến tận nơi xác định đấy là phần hài cốt còn lại của chú Nguyễn Vỹ – tướng Phùng Chí Kiên; còn ngoài ra, bà Hằng đều không có mặt mà chỉ đạo cuộc tìm kiếm qua điện thoại. Điều làm tôi tin tưởng là mặc dù ở xa nhưng những miêu tả của bà Hằng về phần đất - nơi chôn thủ cấp của chú Nguyễn Vỹ đều đúng cả.

Đến khi Bộ Quốc phòng gọi gia đình lên nhận kết quả giám định mẫu vật, nghe thấy thông tin những hiện vật tìm kiếm được của ngày hôm đó chỉ là răng lợn rừng, mảnh sành và đất bùn khiến cho tôi rất bất ngờ”, bà Đông kể lại với đôi mắt ngấn lệ và giọng nói nghẹn ngào.

“Suốt cuộc tìm kiếm, bà Hằng chỉ đạo qua… điện thoại”

Theo bà Đông, trước năm 2008, gia đình và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc tìm kiếm thủ cấp của tướng Phùng Chí Kiên nhưng đều rơi vào “thất vọng”. Nhưng trong cuộc tìm kiếm 2008, có sự tham gia của bà Phan Thị Bích Hằng mà theo bà Đông nói là “rất nổi tiếng về tìm mộ thời bấy giờ” nên đã tiếp thêm cho gia đình nhiều hy vọng.

Theo lời bà Đông kể, cuối buổi chiều 19/4/2008, Đại tá Nguyễn Huy Văn, anh Võ Điện Biên và bà Phan Thị Bích Hằng đã đến thắp hương trên mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang Mai Dịch, sau đó, bà Đông cùng với đoàn lên đường đến Bắc Kạn. “Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm phần hài cốt còn lại của chú Vỹ, trong gần 20 ngày trời, bà Hằng chỉ có mặt tại nơi được xác định là nơi chôn cất hài cốt chú Vỹ đúng một lần, còn lại bà Hằng đều chỉ đạo cuộc tìm kiếm qua… điện thoại”, bà Đông cho biết.

Bà Đông tường thật lại cuộc tìm kiếm như sau: Chủ nhật, ngày 20/4/2008, đoàn xuất phát từ thủ đô tới Bắc Kạn, được Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Dương - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Đình Hân, thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Ngân Sơn thịnh tình tiếp đón.


Bà Đông nói đã rất vui mừng khi nghe lãnh đạo của tỉnh Bắc Kạn tâm sự rằng: "Những năm qua, địa phương cũng đã tổ chức một số đợt tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan đến phần hài cốt còn lại của bác Phùng Chí Kiên nhưng thực sự rất khó khăn, những người cùng thời với bác Kiên hầu như mất cả. Hôm nay, đoàn lên đây, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, làm hết sức mình, tạo điều kiện một cách tốt nhất để đoàn hoàn thành việc xác định thủ cấp bác Phùng Chí Kiên".

Ông Nông Văn Chí - Bí thư huyện ủy Ngân Sơn cũng xác định: "Coi đây là một nhiệm vụ của cơ sở địa phương cho nên huyện đã thông tin rộng rãi, tìm một số bác lão thành biết được thông tin lịch sử có liên quan. Huyện sẽ làm hết sức mình vì công việc chung, vì tấm lòng đối với bác Phùng Chí Kiên".

Tối 20/4/2008, tại phòng họp giao ban Tỉnh ủy Bắc Kạn, trong buổi trao đổi ý kiến, anh Võ Điện Biên cũng báo cáo với đồng chí Dương Đình Hân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND Tỉnh, và Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí về những thông tin mà đoàn nắm được cùng với sự hỗ trợ đắc lực về khả năng “ngoại cảm” của bà Hằng từ Hà Nội “chỉ đạo” lên, đoàn đã khoanh vùng nơi tìm kiếm.

Bà Đông nói: “Thời điểm ấy, tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc tìm kiếm với quy mô lớn và được hỗ trợ tối đa về mặt lực lượng an ninh, khu vực tìm kiếm cũng đã được khoanh vùng và ngày hôm sau bắt đầu tìm kiếm, bà Hằng đã từ Hà Nội gọi điện hướng dẫn trực tiếp với cả đoàn để xác định nơi chôn phần hài cốt còn lại của chú Vỹ…

Quả thực, tôi rất ngạc nhiên về khả năng “ngoại cảm” của bà Hằng khi ở cách đó hàng mấy trăm km mà vẫn có thể miêu tả chính xác từng chi tiết về không gian, cảnh vật tại địa phận Ngân Sơn – Bắc Kạn. Mọi thứ bà Hằng miêu tả đều không sai một chi tiết nào cả. Điều đó khiến cho bất kỳ ai trong đoàn không tin vào năng lực, thế giới siêu nhiên thì cũng bắt buộc phải tin khi chứng kiến cái cách mà bà Hằng tham gia vào cuộc tìm kiếm thủ cấp chú Vỹ vào năm 2008”.

Mọi người ngỡ ngàng trước điều bà Hằng miêu tả

Trước khi tham gia vào quá trình tìm kiếm, bà Bích Hằng có tới chùa Phúc Khánh – Hà Nội để cầu khấn. Tại nghĩa trang Mai Dịch, sau khi khấn vái trước mộ tướng Phùng Chí Kiên, bà Bích Hằng cho biết: Tướng Kiên mong muốn đoàn vào một ngôi chùa trên dọc đường tìm kiếm để thắp hương cho các đồng đội đã cùng tướng Kiên ngã xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Tại trung tâm huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn, sau khi cả đoàn đi ròng rã mấy ngày trời, vượt qua bao đoạn đường rừng, suối thì bất ngờ bà Hằng nói: “Các anh hãy ngồi nghỉ đi, rồi sau đó các anh đi tiếp xuống một đoạn nữa thì có một cái mộ, bên phải ngôi mộ có một cây bưởi, cách ngôi mộ khoảng 1,2m. Còn bên trái ngôi mộ có một cột điện rất cao…”.

Kể tới đây, bà Đông ngắt quãng giữa chừng và nhắc lại rằng “lúc này bà Bích Hằng đã ở Hà Nội, gọi điện thoại xuống hướng dẫn mọi người chứ không phải có mặt trực tiếp đâu nhé”. Rồi bà Đông kể tiếp: “Sau giờ giải lao, khi cả đoàn đi một đoạn đường nữa thì gặp đúng khung cảnh như bà Hằng miêu tả.

Đó là một khoảng đồng ruộng, bốn phía xung quanh đều được người ta cày cuốc hết, duy chỉ có một khoảng bằng cái thúng, nhỏ cao hơn mặt đất một chút, có cỏ mọc tốt um tùm, không có bất cứ chướng ngại vật gì nhưng không hiểu sao không bị cuốc lên như những chỗ đất khác.

Đúng như lời miêu tả của bà Bích Hằng, bên phải khu đất này có cây bưởi và bên trái là cột điện… Điều đó khiến cho cả đoàn không giấu được sự kinh ngạc về sự tài tình của bà Bích Hằng và đồng thời cũng không giấu được niềm vui khi biết được mình đã đến được nơi cần tìm”.

Tiếp sau đó, bà Hằng hướng dẫn tiếp đoàn tìm kiếm: “Bên trên ngôi mộ là những bãi cỏ xanh, các anh cứ đi đến đó, bới bãi cỏ xanh ra xem bên trong có một bông hoa cúc dại không”. Khi đoàn tìm kiếm tiến gần tới khu đất, vạch bãi cỏ tốt um tùm ra thì thấy ở phía dưới đúng là có một cây hoa cúc dại với độc một bông hoa đang nở.

Khi nghe được đoàn tìm kiếm báo cáo lại với bà Bích Hằng rằng đúng như bà miêu tả thì bà Bích Hằng cho biết: “Cách anh hãy thắp một nén hương lên, rồi quan sát xung quanh thấy có một con bướm bay qua, đậu vào chỗ nào thì cắm chân hương ở chỗ đó để đánh dấu”.

Bà Hằng vừa dứt lời thì cả đoạn tìm kiếm “giật mình” khi thấy ngay một con bướm bay vòng vòng quanh bãi đất rồi đậu ngay xuống chỗ cây hoa cúc mọc lên. “Lúc này tôi và đoàn tìm kiếm cảm thấy vui mừng, phục lăn phục lóc bà Bích Hằng và thông báo với cơ quan chức năng huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn để có phương án triển khai bảo vệ nơi tìm kiếm đó”, bà Đông kể trong sự bất ngờ xen lẫn khó hiểu vẫn còn đang biểu lộ rõ trên khuôn mặt.

Bà Đông cho biết, một chi tiết đáng lưu ý nữa từ bà Bích Hằng khiến cho toàn đoàn tìm kiếm đã phải tin tưởng tuyệt đối vào người đàn bà này, đó là chi tiết về ông thợ cắt tóc tên Vẹo – người được bà Hằng cho là đã cảm kích sự anh hùng của tướng Phùng Chí Kiên. Khi thấy Phùng Chí Kiên bị kẻ địch bêu đầu như thế, cụ Vẹo thương lắm, tuy rất sợ giặc phát hiện nhưng cụ vẫn canh lúc đêm hôm mưa gió, lừa khi tụi địch không để ý, đã gỡ lấy phần đầu giấu vào hang đá ven suối, rồi đưa đi chôn trong đêm. (Còn nữa)

Quế Phong

http://saobongda.vn/Ky-an/Ky-1-Chi-ra-su-that-ve-nha-ngoai-cam-Phan-Thi-Bich-Hang-trong-vu-tim-hai-cot-tuong-Phung-Chi-Kien.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét