Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Một góc nhìn về cơm 2000 đồng

Một góc nhìn về cơm 2000 đồng
Nhiều quán cơm 2000 đồng như của 'Người tôi cưu mang' đã xuất hiện
Từ khi có quán cơm mới mở bán với giá 2 nghìn cách đó vài con phố vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6, chị L – chủ một quán cơm bình dân tại một quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh – chỉ bán được một nửa hàng.
"Những ngày đó chị cắt giảm phần ăn cho đỡ ế, cứ thế này thì chết đói hết" – chị phân trần với tôi sau khi nói một tràng lẫn những câu đệm không có trong từ điển.
Quán cơm 2 nghìn đã nhân rộng ra nhiều nơi, thậm chí đã tới Hà Nội, với giá 5 nghìn.
Hai nghìn hay 5 nghìn cũng đều là bán dưới giá cả, và đều là những đồng tiền lẻ để rải trong đám ma.
Hãy thử phân tích xem, liệucó 100 quán cơm kiểu 2 nghìn thì lợi hay hại?

Bán 'phá giá'


Những người khuyết tật được người phục vụ mang cơm tận nơi bên lề đường

Về mặt kinh tế, rõ ràng khi quán 2 nghìn bán được 1 suất cơm, đâu đó ở thành phố, một quán cơm bình thường sẽ ế một suất cơm.
Nếu quán 2 nghìn mở cạnh 1 hàng cơm bất kì, chủ quán cơm bán 20 nghìn 1 suất đó phải đổi nghề, do không thể cạnh tranh lại.
Vì cùng một suất cơm với ngần ấy thức ăn, mà một hàng lại bán cao hơn đối thủ đến mười lần, đương nhiên khách sẽ chọn phương án cơm 2 nghìn.
Cứ một quán cơm 2 nghìn được mở, đồng nghĩa một quán cơm bình thường khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc.
Đến anh đến lấy nước gạo nuôi lợn cũng mất phần mà phải ngậm ngùi quay gót.
Những chủ quán cơm bình thường hoàn toàn không có lỗi khi mở quán để kiếm tiền.


Họ phải thuê cửa hàng, nhân công, trả tiền thuế, tiền điện, nước... và không thể bán phá giá như quán 2 nghìn đồng.
Một sự cạnh tranh bất bình đẳng liệu có công bằng cho họ? Họ cũng đóng thuế như bao doanh nghiệp, nhưng ai sẽ bảo vệ họ cú bán phá giá tuyệt đối gây ra bởi hàng cơm 2 nghìn bên cạnh?
Khách của những quán cơm hai nghìn thường là lao động ngoại tỉnh, lao động nghèo, xe ôm, ve chai, xe ôm, hàng rong, ăn mày...
Vấn đề nằm ở chỗ, họ ở đâu khi chưa có cơm 2 nghìn? Có thể họ tự nấu ăn hoặc ăn quán, nhưng chắc chắn giá bán phải nhiều hơn 2 nghìn.
'Chăn thầu ăn mày'


Những kẻ hưởng lợi trước tiên từ cơm 2 nghìn là những kẻ chăn thầu ăn mày.
Thầu ăn mày nghĩa là một anh nuôi độ chục trẻ nít. Anh ta trả cho bố mẹ lũ trẻ một khoản tiền để đưa các em lên thành phố làm ăn mày, với nhiệm vụ mỗi ngày phải nộp số tiền ăn xin được.
Giờ anh lùa chúng vào quán cơm 2 nghìn, trước anh trả 200 nghìn cho 10 xuất cơm (mười em), giờ anh chỉ phải trả có 20 nghìn. Anh đã giàu lại càng giàu!
Người ăn mày cũng không vui đâu. Họ đi ăn mày cả ngày rồi. Giờ lúc ăn vẫn phải ăn mày.
Tôi mà là họ ắt cũng cáu lắm.


Anh xe ôm cũng quá vui. Anh vào quán 2 nghìn ăn trưa, thế là để dành dôi ra được 18 nghìn, và dùng tiền này để thư giãn với cốc bia hơi vào buổi chiều.
Tương tự với các anh chị vé số ve chai, họ để dành ra được một cơ số tiền nhờ vào quán 2 nghìn.

Rẻ nhưng liệu có hay?

Nhưng câu hỏi là: có nhiều quán 2 nghìn liệu có hay?
Quá nhiều lao động ngoại tỉnh tràn vào thành phố đã khiến khắp nơi quá tải và ngột ngạt. Phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiện thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp.

Các quán cơm 2.000 đồng phục vụ nhiều khách hàng nghèo

Cơm 2 nghìn sẽ tiếp sức tích cực cho họ trong công cuộc bám trụ thành phố, và nếu ai đó đang phân vân giữa việc rời quê lên thành phố để kiếm sống, cơm 2 nghìn đã cho họ câu trả lời sắc nét (dĩ nhiên là nếu mô hình cơm 2 nghìn được nhân rộng hơn hiện tại).
Quán cơm 2 nghìn được nói là "chỉ phục vụ người nghèo". Nhưng thế nào là nghèo?
Rất nhiều trường hợp những người dân xấu tính hôi đồ hôi của xe tai nạn, trong khi họ đâu có nghèo?


Quán cơm 2 nghìn đâu có lựa chọn hoàn cảnh, khi bất cứ ai cũng vào ăn được với tờ bạc 2 nghìn trên tay. Vậy chủ các quán cơm 2 nghìn có chắc nhiều người không tranh thủ vào ăn ké, như cách họ hôi đồ trên xe tai nạn?

Cho họ ăn gần như miễn phí liệu có phải cách giúp hay?

Con cá và cần câu


Việt Nam thời bao cấp cũng được viện trợ nhiều từ các nước bạn thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Nhưng khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã phải tự đi trên chính đôi chân của mình. Và thật ngạc nhiên, khi từ một nước chỉ biết nhận viện trợ, nước này đã thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, trong thời gian rất ngắn.
Được viện trợ chưa chắc đã hay, vì nó khiến người nhận bị lệ thuộc và khiến đôi chân họ yếu đi.
Tôi đánh giá cao lòng nhân đức của các vị mạnh thường quân và lòng hảo tâm của họ để duy trì quán cơm 2 nghìn, nhưng bỏ đồng tiền chỉ để lương tâm thanh thản mà không quan tâm rằng liệu đồng tiền đó có giúp được cho bà con nghèo hay không, đây là điều khiến tôi băn khoăn hơn cả.
Hẳn chúng ta đều đã nghe câu: hãy cho kẻ khốn khó cần câu, thay vì con cá?


Quán cơm 2 nghìn chính là con cá, nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề.
Ngược lại, mô hình kinh tế này gây cạnh tranh bất bình đẳng, dồn nhiều lao động ngoại tỉnh về trung tâm, làm suy yếu nghị lực bản thân của người tìm đến ăn, rõ ràng chả việc gì phải cày cuốc kiếm ăn mửa mật, khi mà ăn 1 bữa no tới 24 giờ kế tiếp?
Vậy hãy phân vân một chút, điều gì sẽ xảy ra nếu có một trăm quán cơm "2000 đồng" như thế?

Nguyễn Quảng

6 nhận xét:

  1. Viết ngu vậy mà cũng viết

    Trả lờiXóa
  2. cần câu là chuyện lớn mà xã hội phãi cùng lo.Cá nhân họ có lò
    ng cho con cá là tốt rồi, sao tác giã nhận định phiến diện vây!còn những người lợi dụng lòng tốt đó chĩ là một số it khác. tác giã nên tập trung phê phán những người lợi dụng đó thì hay hơn

    Trả lờiXóa
  3. Tác giả viết bài viết này chắc chắn chưa bước vào một quán cơm 2.000 nên mới có thể nêu ra những nhận định thật "thiếu tình người" như thế!

    Trả lờiXóa
  4. bạn không nên ,chửi tác giả là điên ,hay ngu bởi tiêu đề bài báo là một góc nhìn khác bạn ah

    Trả lờiXóa
  5. Đây là 1 góc nhìn khác của tác giả chứ có phải là nhận định của tác giả. Các bạn quá thiển cận để hiểu được thông điệp tác giả cần gửi đến: "Từ thiện thì cũng phải từ thiện đúng người, đúng chỗ và đúng mục đích. Nên giúp những người thật sự cần giúp đỡ". Bài báo này được đưa ra, để góp thêm 1 vấn đề "ít tích cực" cho các Chủ quán 2000, để giúp giải quyết các tình trạng này. Vì cái gì cũng có 2 mặt, nhưng muốn làm tốt điều gì đó thì phải nhìn về phía 2 mặt.

    Trả lờiXóa