Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Đặc sản nhà tôi

Đặc sản nhà tôi
Lại Trần Mai: Từ hôm dọn về nhà mới đến nay, mình có thói quen đứng bên cửa sổ ngắm máy bay lên xuống. Không gian trước mặt quá rộng rãi, thông thoáng tạo cảm giác thư giãn tới tuyệt đỉnh. Sau vài tòa nhà 2-3 tầng (trụ sở các doanh nghiệp) là đến các làng mạc và cánh đồng rộng lớn. Xa hơn nữa, cách khoảng 10 km là đoạn cao nhất (1700 mét) với đỉnh núi dài khoảng 30 km rất đẹp để du lịch của dãy Mont Jura dài hơn 300 km chạy ngang qua. Cũng dịp này năm ngoái tôi đã có một chuyến lang thang trên đó.
Không gian trước mặt nhìn qua cửa sổ
Tuần đầu tiên trôi qua khá êm ả. Mặc dù nằm sát đường lên xuống của máy bay, nhưng sinh hoạt trong nhà chẳng hề bị ảnh hưởng vì tiếng ồn phát ra từ máy bay; thỉnh thoảng nghe được còn thấy vui vui. Nếu đứng ở lan can (lô gia) trò chuyện thì cũng hơi bị ảnh hưởng vì cứ 1-2-3 phút lại thấy một máy bay hạ cánh. Nhưng ở trong nhà thì hầu như không có cảm giác. Cảm giác chung là giống y như ở nhà cũ trước khi dọn đến đây. Tháng 8 về trước nhà mình cũng ở gần sân bay này, nhưng ở phía bên đầu kia và khoảng cách đến máy bay thì xa hơn. Do vậy, khi mọi người hỏi thăm có khó chịu mỗi khi máy bay lên xuống không, mình toàn trả lời là không.

Nhưng sang tuần thứ hai tình hình có khác một chút. Nếu như trong tuần đầu tiên máy bay chọn nhà mình làm hướng hạ cánh thì giờ đây chúng chọn đầu bên kia. Hướng nhà mình thành chiều cất cánh của chúng. Dĩ nhiên khi cất cánh thì phải tăng tốc và tiếng ồn phải to hơn. Mặc dù ở trong nhà có cửa kính cũng không nghe thấy tiếng ồn, nhưng bước ra ban công thì cảm nhận khá rõ sự khác biệt; tiếng ồn mạnh hơn nhiều.

Vậy là mình phải tìm hiểu xem tại sao hôm nay máy bay cất cánh ngang qua nhà mình, mai lại chọn nhà mình làm hướng hạ cánh.

Tra trên mạng thì thấy có hai nguyên nhân chủ yếu làm máy bay phải cất và hạ cánh theo chiều gió: Một là có thể rút ngắn khoảng cách chạy trên đường băng và thứ hai với sự hỗ trợ của gió thì việc cất cánh, hạ cánh đều an toàn hơn.

Lúc cất cánh, chỉ khi lực nâng do cánh máy bay sinh ra lớn hơn trọng lượng của máy bay thì máy bay mới có thể rời khỏi mặt đất. Tốc độ máy bay càng lớn thì lực nâng sẽ càng lớn. 

Sức nâng này lớn hay nhỏ còn có quan hệ với tốc độ dòng không khí thổi qua bề mặt cánh máy bay: Tốc độ dòng không khí thổi càng lớn sức nâng càng lớn. Nếu không có gió, tốc độ của dòng không khí thổi qua bề mặt cánh máy bay bằng tốc độ của máy bay chạy trên đường băng. Nếu thuận theo chiều gió thì tốc độ của dòng không khí thổi qua bề mặt cánh máy bay bằng tốc độ chạy trên đường băng của máy bay cộng thêm tốc độ gió. Do vậy, khi thuận chiều gió, lực nâng của máy bay sẽ lớn hơn và thuận lợi hơn cho việc cất cánh. Với cùng một tốc độ cất cánh của động cơ, khoảng cách chạy trên đường băng của máy bay sẽ được rút ngắn một ít so với khi không có gió thuận chiều.

Khi hạ cánh, tốc độ của máy bay nhanh chóng giảm xuống. Hạ cánh thuận chiều gió có thể lợi dụng sức cản của gió để giảm công suất động cơ máy bay, từ đó giảm tốc độ và giảm được đoạn đường máy bay phải trượt trên đường băng.

Máy bay cất cánh và hạ cánh thuận chiều gió còn có thể nâng cao tính an toàn. Do tốc độ khi cất cánh và khi hạ cánh của máy bay tương đối chậm, tính ổn định đều tương đối kém, nếu lúc này gặp phải một trận gió mạnh thổi ngang thì có thể làm máy bay bị nghiêng đổ, gây ra tai nạn. Nếu bay theo chiều gió sẽ vừa không bị ảnh hưởng của gió ngang, vừa có thể làm máy bay giữ được sức nâng nhất định, do vậy máy bay được an toàn hơn.

Chính vì những lý do nêu trên, hướng của đường băng sân bay không phải được xây dựng tuỳ ý, nó được chọn căn cứ vào hướng gió ở nơi đó. Nhưng hướng gió của một nơi thường thay đổi theo bốn mùa trong năm, do vậy hướng của đường băng sân bay được chọn theo hướng có thời gian gió thổi dài nhất trong năm, hướng gió này được gọi là hướng gió chủ đạo.

Trước đây, tốc độ máy bay tương đối chậm, tính ổn định cũng không tốt, cho nên việc “lên xuống theo chiều gió” là một yêu cầu tương đối cao. Có sân bay trong một năm hướng gió biến đổi tương đối nhiều, nên phải xây dựng nhiều đường băng có các hướng khác nhau, hoặc xây dựng nhiều đường băng bức xạ giao nhau, để tiện thích ứng với hướng gió khác nhau trong mỗi mùa. Nhược điểm của cách làm này là chiếm quá nhiều đất, kinh phí xây dựng sân bay lớn. Mấy năm gần đây, do việc nâng cao tính năng ổn định và gia tăng tốc độ của máy bay, ảnh hưởng của hướng gió đối việc máy bay lên xuống đã không còn lớn như những năm trước. Do vậy sân bay hiện đại thường chỉ cần xây dựng một hoặc vài đường băng song song theo hướng gió chủ đạo là đủ.

Nhân đây cũng đọc được thông tin giải thích tại sao khi máy bay cất cánh, hạ cánh và trong khi bay đều phải dùng ra đa điều khiển.

Sân bay thường được gọi là “Cảng hàng không”, là một đầu mối giao thông vô cùng bận rộn, mỗi ngày ở đó đều có rất nhiều máy bay cất cánh và hạ cánh.

Tuy sân bay rất lớn, nhưng do tốc độ của máy bay rất nhanh, để tránh sự va chạm giữa các máy bay, các khai thác viên không lưu phải kịp thời nắm bắt được vị trí của máy bay trong phạm vi vài nghìn mét, cũng như tốc độ, phương hướng của máy bay, sau đó mới phát ra chỉ thị chuẩn xác về sự cất cánh, hạ cánh đối với từng máy bay. Để hoàn thành tốt công tác điều độ vừa nặng nề vừa tỉ mỉ như vậy thì đối với họ, ra đa là thứ không thể thiếu. Sân bay có lắp đặt ra đa, các khai thác viên có thể nhìn thấy rõ toàn bộ tình hình sân bay trong phạm vi vài trăm nghìn mét qua màn hình ra đa. Những loại ra đa này được gọi là “Rađa quản lý giao thông hàng không” và “Rađa hạ cánh chính xác”. Màn hiển thị rađa có thể dự báo quỹ đạo hạ cánh lý tưởng nhất cho từng máy bay. Trong quá trình máy bay tiếp đất, rađa liên tục đo đạc vị trí của máy bay và dùng điện đàm chỉ đạo cho phi công bay theo đường bay chính xác nhất cho đến khi máy bay được tiếp đất an toàn.

Ra đa không chỉ điều khiển cho máy bay khi cất cánh và tiếp đất mà còn chỉ đạo trong cả quá trình bay. Thông thường, máy bay bay theo lộ trình tốt nhất đã định. Nếu gặp trời tối hoặc mây mù, hoặc phi công không quen lộ trình thì phải dùng ra đa dẫn đường. Trên máy bay có lắp một thiết bị ra đa, ăng ten hướng về phía mặt đất, màn hiển thị sẽ hiện lên một “Bản đồ rađa”, hoa tiêu nhìn thấy bản đồ này có thể biết vị trí của máy bay, đảm bảo chắc chắn máy bay đang đi đúng hướng.

Trong quá trình bay, phi công phải kịp thời nắm được khoảng cách giữa máy bay và mặt đất, cho nên máy bay được lắp đặt thêm một bộ phận gọi là “Rađa thăm dò độ cao”. Như vậy, khi bay trên biển, có thể biết được khoảng cách từ máy bay đến mặt biển , khi bay trên đồng bằng có thể biết được máy bay cách mặt đất bao xa, khi bay trên những đỉnh núi cũng có thể biết khoảng cách giữa máy bay và đỉnh núi, kể cả độ cao của đỉnh núi. Trên một số máy bay quân sự còn có “Rađa chống va chạm”, nó có thể cảnh báo kịp thời để phi công tránh núi cao hay những kiến trúc cao khi máy bay bay ở độ cao tương đối thấp.
Sơ lược như trên để thấy chuyện máy bay lên và xuống thuận theo chiều gió là chuyện có thật và giờ đây sống ở gần sân bay mình mới biết. Có điều, mình nhận thấy nếu máy bay đã chọn nhà mình làm hướng hạ cánh thì chúng sẽ chọn đầu bên kia làm hướng cất cánh, và ngược lại. Do đó, chắc chắn sẽ có 1 trong 2 bên, cất cánh hoặc hạ cánh, sẽ bị ngược chiều gió. Mình đồ là người ta sẽ ưu tiên cho máy bay cất cánh được hưởng chiều lợi gió. Có lẽ hôm nào tiện sẽ quan sát kết hợp chiều gió và chiều máy bay lên xuống để hiểu chuyện này.

Dưới đây là một số hình ảnh chụp đặc sản nhà mình vào lúc 8h tối (trời độ này vào thu, thường xuyên âm u và lạnh; ở châu Âu càng ngày càng buồn, có lẽ rồi sẽ đến kỷ nguyên châu Âu chìm trong bóng tối lạnh lẽo vĩnh cửu). Tôi hơi lạ là hôm nay toàn thấy máy bay bé chứ không thấy chiếc nào to cả.

Easyjet là hãng hàng không giá rẻ được rất nhiều người chọn.

Nếu trời tối thì máy bay sẽ bật các đèn, trông rất rực rỡ.

Máy bay càng to thì đèn càng nhiều; khi hạ cánh chúng đều mở toang các cửa chắn sáng nên nhiều khi nhìn thấy rõ cả khoang hành khách bên trong.


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét