Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Xẻ thịt đất rừng, uẩn khúc phía sau?

Xẻ thịt đất rừng, uẩn khúc phía sau?
Việc xẻ thịt đất rừng xây biệt thự đang dấy lên những tranh luận chưa có hồi kết. Câu hỏi đặt ra là tại sao những công trình kiên cố đã được xây dựng cách đây chục năm mà đến nay cơ quan chức năng mới nói là không có giấy phép? Liệu có uẩn khúc gì đằng sau vấn đề này? Vland xin đưa một vài ý kiến chia sẻ của bạn đọc để mọi người cùng góp ý, suy ngẫm.
Một số bạn đọc cho rằng rừng là tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng đối với muôn loài, những người “có tiền có quyền” không nên giữ cái tư duy muốn lấy rừng cho riêng mình. Nếu như vậy còn gì là rừng nữa. Trong khi nhân loại đang góp sức để bảo vệ môi trường thì nhiều người lại có tư duy phá rừng phá núi để an hưởng, hưởng thụ. Đó là những người ích kỉ, chỉ biết lợi ích cho riêng mình.

Bỏ phố lên rừng, sai ở đâu?
Nhưng khi cuộc sống nơi phố thị đã đầy rẫy những bon chen, ồn ào, với tắc đường và ô nhiễm môi trường, người ta muốn tìm về chốn yên bình, hòa cùng với thiên nhiên để tận hưởng bầu không khí ngọt mát, trong lành. Chính vì thế mà những năm trở lại đây những biệt thự cứ mọc lên như nấm trên những quả đồi, những cánh rừng tươi xanh.
Bạn Tiến, một độc giả của Vland cũng rất đồng tình với quan điểm về nông thôn xây nhà để sinh sống vì đã chán ghét cuộc sống nơi thị thành: “Tôi cũng tính đường về nông thôn đấy, chán cái cảnh nhà hộp rồi. Tazan khi lên thành phố thốt lên: "Sao các bạn lại tự nhốt mình vào những cái hộp kín thế kia”. Hãy giải phóng mình đi thôi. Hòa mình vào thiên nhiên mới là sống chứ. Ủng hộ lên rừng về nông thôn”.

Độc giả Đức Thiện thì than trời: “Haizzz... nghĩ mà khổ dân. Muốn xin 2 chữ "bình yên " mà sao khó quá ?! Bỏ phố , lên đồi mà còn không tha”.

Về việc ca sĩ Mỹ Linh xây nhà không phép, bạn đọc Đông Nguyễn lại có ý kiến: “Chúng ta phải có cái nhìn đầy đủ và khách quan, có tâm và có tầm, khi gia đình Mỹ Linh và Thành Chương về đây, khu vực này gần như hoang vu, nghèo nàn về mọi mặt không ai biết đến, chúng ta không thấy ai đả động gì. Nay thì khác, phải khẳng định là bằng nỗ lực của mình nhất là họa sỹ Thành Chương, họ đã góp phần to lớn đưa giá trị kinh tế, văn hóa của địa phương được như hiện nay. Chúng ta phải tôn vinh họ đã có đóng góp rất lớn cho vùng đất này, tôi chỉ mong đất nước này có nhiều người như thế, họ xây dựng bằng chính sức lao động của họ, họ không tham nhũng, không ăn trộm của ai. Còn sai phạm ư, chúng ta hãy nhìn lại đi bao nhiêu vụ sai phạm, tham nhũng tàn phá đất nước ghê gớm hơn nhiều sao vẫn tồn tại không bị xử lý? Chúng ta không nên hẹp hòi, ích kỷ và có cái nhìn thiển cận, nó chỉ làm cho chúng ta hèn đi”.

Cũng có bạn đọc cho rằng: “Ở Sóc Sơn, chính quyền đã không ý kiến trong hàng chục năm về vấn đề xây dựng nhà ở nông thôn này nên có sự nhầm lẫn giữa các loại đất rừng. Bản thân trong đất lâm nghiệp (chính là đất nông nghiệp - Luật Xây dựng) hộ gia đình vẫn có hạn mức xây dựng nhà ở không cần xin phép (chỉ đối với nhà ở nông thôn không thuộc điểm dân cư - Luật Xây dựng 2003). Không đến mức như một số báo chí đã đưa tin, chẳng qua là có thể xây vượt hạn mức cho phép”.

Nhà xây xong rồi mới nói không có phép, cơ quan quản lý ở đâu?
Độc giả Thanh Sơn cho biết: “Tôi đã vào Phủ Thành Chương và nhà Ca Sĩ Mỹ Linh. Tất cả đều được xây kiên cố. Vậy, thử hỏi, người có quyền quản lý có biết không. Đặc biệt là Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn) có biết không? 
Và không chỉ có Mỹ Linh, Thành Chương, toàn bộ các Việt kiều đều đã mua hết cả khu vườn quả của Lâm trường, làm nhà sinh thái, nhà hàng, nhà nghỉ cuối tuần. Thành Chương còn tự ý in vé bán vào cửa phủ, mỗi vé 200-300 ngàn đồng. Đau xót lắm thay!”

Bạn Trung (ở Hà Nội) tỏ ra bức xúc: Hệ thống luật lệ của Việt Nam lủng củng, cả một tòa nhà to như cung điện xây dựng hàng chục năm với bao đoàn khách du lịch tham quan tự dưng bây giờ nói người ta xây không phép? Thế hơn mười năm chính quyền sở tại không biết hay bây giờ mới vận dụng để bới móc?”

Còn bạn Nguyễn Mai Hương lại tỏ ra băn khoăn: “Tôi thấy chính quyền "bỗng dưng" chú ý đặc biệt đến việc xây nhà của một vài người dân thường là một điều bất thường và không có tính thuyết phục. Thậm chí còn làm nhiều người trong đó có tôi đâm ra nghi ngờ động cơ thực sự của những người đứng đằng sau vụ việc này. Lời khuyên của chúng tôi là: chính quyền hãy để tâm sức vào những vấn đề lớn là thu hồi hàng nghìn hecta đất nông nghiệp rồi bỏ phí hoang hóa, cho thuê rừng bừa bãi, vi phạm Luật Đất đai làm người dân phải vùng lên chống lại v.v.. hơn là việc tỏ ra quá quan tâm đến tài sản cá nhân của một số người, không biết với mục đích gì”.

Bản Quảng Bình thì lại đưa ra sự so sánh: “cũng giống như xe chính chủ, khi người ta xây dựng không nói gì, nhà ở đã cũ rồi mới nói, mà có phải như gấp giấy đâu, công trình xây dựng tốn công tốn của và cả thời gian nữa, cần xem lại động cơ của những vụ việc kiểu như thế này”.

Bạn đọc ở địa chỉ email ntt@... thì cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước: “Hiện tại còn các vấn đề tồn tại xung quanh như: 1. Vấn đề quy hoạch đất đai không minh bạch; 2. Cơ quan quản lý "cố tình yếu kém"; 3. Người dân thiếu hiểu biết về luật. Vì vậy trách nhiệm lớn nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước! Chủ trương giãn dân ra ngoại thành là đúng. Nhưng vẫn ý kiến trên, tức là cơ quan nhà nước phải quy hoạch lại đất đai và phải công bố minh bạch, đặc biệt là vấn đề cấp sổ đỏ, hiện nay tình trạng sổ đỏ giả. Vấn đề này lỗi thuộc về ai? Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm như thế nào?”

Trước vấn đề này, bạn đọc Nam Ân cho rằng không nên phá bỏ phủ Thành Chương, biệt thự Mỹ Linh: “Xây một biệt thự trên rừng để ở, rừng nơi đó được chăm sóc, bảo vệ so với những khu vực tàn phá cả chục hecta rừng, thì cái nào nguy hại hơn? Hơn nữa chúng ta có cả hệ thống quản lý nhà nước, mà sao khi họ bắt đầu xây dựng không kiểm tra, phát hiện? Đến nay cả chục năm thì lại bị phanh phui lên tiếng? Nếu xử lý Phủ Thành Chương, biệt thự Mỹ Linh trước tiên phải xử lý những cán bộ liên quan để xảy ra sai phạm. Trường hợp của Phủ Thành Chương, biệt thự Mỹ Linh chúng ta không nên phá bỏ mà giải quyết bằng cách hợp thức hóa với việc truy thu tiền sử dụng đất cùng với cam kết thực hiện theo quy hoạch do nhà nước quy hoạch tại khu vực đó. Có thể quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng, khu biệt thự nhà vườn theo yêu cầu phát triển bền vững môi trường, sinh thái để bảo đảm lợi ích xã hội”.
Hoàng Anh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét