Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Tìm một bằng ngoại cảm: Sự chính xác bất ngờ

Hành trình tìm mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn và 
khả năng kỳ lạ của các nhà ngoại cảm:
Sự chính xác bất ngờ từ "thông tin quá khứ"
(Dân Việt) - Đột nhiên, người thanh niên chạy băng vào cánh đồng, đến thửa đất cao gần 2m thì bất ngờ phi thân, nhảy lên gốc dừa rồi ngồi phệt xuống khóc. Cả đoàn tìm mộ và dân địa phương rùng rùng chạy theo...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương) đã kể cho chúng ta phần đầu cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn (quê Lạch Tray, Hải Phòng) hy sinh ở Quảng Ngãi năm 1972. Trong số này, ông Tuấn Anh tiếp tục tường thuật lại nhiều tình tiết kỳ lạ của cuộc tìm kiếm với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm.
Ngay khi tìm được thửa ruộng mà nhà ngoại cảm Năm Nguyện xác định có mộ liệt sĩ Sơn, anh Vịnh và gia đình đã tiến hành làm lễ ở 3 địa điểm là nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhân, nền tòa miếu cổ và thửa ruộng được chọn làm địa điểm đào tìm. Tại thửa ruộng mà tôi đã chọn ban sáng có đầy đủ ruộng mía, lạc và đậu như hướng dẫn của bà Nguyện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh xác định vị trí có mộ bằng con lắc
Kỳ lạ là bà chủ ruộng lạc, nơi chúng tôi sẽ tìm mộ, cho biết từ khi về canh tác trên thửa ruộng này, bà luôn nằm mơ thấy 3 người bộ đội trẻ đến gặp và xin bà cho ở nhờ. Bà xác định một người xưng tên là Sơn (trùng với tên liệt sĩ Vũ Văn Sơn), một người tên Dũng và một người nữa bà không nhớ tên. Bà ra cầu nguyện và an ủi vong linh các liệt sĩ sớm được trở về với quê nhà.

Lễ bái xong xuôi cũng gần 12 giờ trưa, mọi người về nhà ông Thành ăn cơm. Ngày hôm ấy, trời không nắng lắm và cũng không mưa nhưng tôi vẫn rất mệt vì thức khuya và dậy sớm. Tôi nghĩ công việc của tôi đã hoàn tất, phần còn lại có thể tư vấn từ xa qua điện thoại nên cáo biệt ra về. Vịnh kêu taxi chở tôi về Đà Nẵng.

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi ráng gọi điện thoại hỏi thăm Vịnh xem tình hình tìm mộ như thế nào. Vịnh cho biết, vào đầu giờ chiều, bà Năm Nguyện và 2 nhà ngoại cảm khác cho rằng chỗ tôi chỉ bị sai. Mộ các liệt sĩ nằm phía trên chỗ tôi chỉ gần 30m, tức là gần cây mít hơn. Họ đã tiến hành đào theo sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm nhưng vẫn chưa tìm thấy mộ.

18 giờ ngày 16.7.2010, tôi gọi điện tới Vịnh thì được biết, đoàn của anh vẫn tiếp tục đào theo hướng dẫn của các nhà ngoại cảm. Vị trí đào lần thứ nhất trong ngày không tìm thấy. Tiến hành đào lần thứ hai ở cách vị trí tôi chỉ 5m cũng chưa tìm thấy. Cho dù các nhà ngoại cảm dự báo sai 3 lần vị trí cụ thể của mộ liệt sĩ nhưng nếu mộ được tìm thấy đâu đó trong khu vực khoảng gần 1 héc-ta này thì vẫn là một sự chính xác đến tuyệt vời, có thể nói tương đương với sự dẫn đường của vệ tinh cho một tên lửa điều khiển từ xa cách 2 ngàn cây số.
Thửa ruộng mà các nhà ngoại cảm cho rằng có mộ liệt sĩ

Ngày 17.7, đoàn tìm mộ liệt sĩ Sơn từ thành phố Quảng Ngãi trở lại Đức Phổ. Lần này đi cùng đoàn có nhà ngoại cảm Phạm Thị Thủy ở Hà Nội mới bay vào. Cô Thủy dùng quả trứng đặt lên đầu một cái đũa và xác định mộ nằm ở vị trí cách điểm tôi chỉ là 8m. Tuy nhiên, đào xuống đến gần 2m vẫn không tìm thấy cốt. Anh Vịnh nhờ tôi độn quẻ vào lúc 15 giờ 20. Tôi độn được quẻ cảnh lưu niên. Tôi cho biết: "Theo quẻ này thì đào xuống sâu 2,6m tính từ mặt ruộng, sẽ tìm thấy cốt, còn nếu chỉ thấy nước thì sẽ không có mộ ở đây. Lưu niên vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là người đã khuất".

Khi đào xuống đến 2,6m thì nước ngầm chảy ra - không có mộ. Khoảng 17 giờ, Vịnh hỏi tôi: "Có chắc chắn chỗ thầy chỉ có mộ không?". Tôi trả lời: "Tôi dùng con lắc xác định như vậy, nếu tất cả mọi chỗ tìm không thấy thì thử tìm chỗ tôi chỉ xem". Cũng đêm đó, tôi đã đặt vé máy bay để trở về TP.HCM. 23 giờ 20, máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Bà xã tôi ra đón. Khi đang trên đường về nhà thì tôi nhận được điện thoại của Vịnh: "Thật tiếc là thầy không có mặt ở đây để chứng kiến những sự việc này. Thầy sẽ thấy được sự huyền bí đến kỳ lạ mà không thể giải thích nổi. Chúng tôi đã tìm được mộ liệt sĩ rồi".
Thắp hương cho đồng đội.
Vịnh cho biết, khi đang đào tìm mộ thì có tiếng ầm ĩ ở trên đường mòn, mọi người xúm đông, xúm đỏ. Tưởng đánh nhau, Vịnh chạy ra để can ngăn thì thấy Phúc (một người trong đoàn tìm mộ) đang giằng co với một thanh niên địa phương. Vịnh vội chạy đến hỏi lớn: "Sao mày đánh nhau với người ta?". "Không phải đâu anh ơi! Anh này tự nhiên nhảy lên chửi em, tự xưng tên là Sơn. Anh ấy bảo anh ấy không thèm về vì gia đình và đồng đội bỏ anh ấy ở đây gần 40 năm, bơ vơ nơi đất khách quê người".

Nghe Phúc nói thế, Vịnh giật mình. Nhà ngoại cảm Phạm Thị Thủy hiểu ngay là người thanh niên này đang giao tiếp với "thông tin quá khứ" của liệt sĩ Sơn. Anh em, đồng đội ra sức dỗ dành, an ủi nhưng người thanh niên chỉ khóc chứ nhất định không chịu chỉ chỗ nằm.

Được một lúc, đột nhiên, người thanh niên vùng dậy, chạy một mạch băng vào cánh đồng. Đồng trũng, sình lầy như vậy mà anh ta chạy băng băng. Khi đến thửa đất cao đến gần 2m, trên có một gốc dừa thì bất ngờ anh ta phi thân, nhảy lên gốc dừa đó, ngồi phệt xuống khóc. Cả đoàn tìm mộ và dân địa phương rùng rùng chạy theo. Anh ta than khóc là liệt sĩ Sơn đã chết ở đây và bị lính mổ bụng vì nghi là xác chết có gài mìn. Mọi người ra sức an ủi thì anh ta lại vùng dậy chạy đến sau bụi tre. Lần này anh ta nằm lăn ra, đầu đập xuống đất khiến máu me bê bết cả. Các cựu chiến binh phải xúm lại ôm chặt lấy. Được một lúc, người thanh niên tỉnh lại, ngơ ngác như không biết chuyện gì xảy ra. Nghe mọi người kể lại chuyện, anh ta chẳng nói gì mà bỏ về nhà.

Nhà người thanh niên ở khá xa chỗ đào tìm mộ. Khi đoàn anh Vịnh đến nơi thì những người hàng xóm của gia đình anh thanh niên này kể lại: Ngày xưa, vùng đất đó là nơi giao tranh giữa một đơn vị bộ đội với lính Sài Gòn cũ. Có 3 chiến sĩ bộ đội hy sinh ở đấy. 2 người nằm ở ruộng lạc - là nơi tôi chỉ chỗ tìm mộ - và 1 người nằm ở gốc dừa - chỗ người thanh niên chạy đến và ngồi ở đấy.
Làm lễ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhân.
Những người dân địa phương đã đem chôn 3 liệt sĩ đó ở bên đường mòn, chính là chỗ người thanh niên đập đầu buổi sáng. Nhiều năm sau, khi nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhân được xây dựng thì 3 ngôi mộ này được chính quyền địa phương quy tập về đấy. Người dân địa phương cũng cho biết tất cả các mộ liệt sĩ đều vô danh. Trời đã tối, cả đoàn cám ơn người dân và trở về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhân.

Ở đây, nhà ngoại cảm Phạm Thị Thủy đã giao tiếp được với "thông tin quá khứ" của liệt sĩ Sơn và chỉ đúng chỗ 3 mộ liệt sĩ vô danh nằm trong nghĩa trang. Cô Thủy còn kể vanh vách tên từng liệt sĩ này. Tất cả đều là người Lạch Tray, Hải Phòng. Qua "thông tin" giao tiếp được, cô Thủy cho biết 2 đồng đội của liệt sĩ Sơn tên là Hải và Đông hy sinh trên ruộng lạc. Riêng anh Sơn lết được đến cây dừa thì hy sinh ở đấy. Qua điều tra cấp tốc được biết, liệt sĩ Đông tên chính xác là Đơn, cùng quê ở Cầu Đào (Hải Phòng) với liệt sĩ Sơn. Chính quyền nơi trú quán của các liệt sĩ xác nhận, họ được báo tử cùng một ngày.

8 giờ sáng 19.7.2010, mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn đã được người thân và đồng đội tiến hành cất bốc với sự chấp thuận của chính quyền địa phương và huyện đội Đức Phổ để đưa về quê an táng.
Theo Dòng Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét