Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Thầy giáo “đứng đường”

Thầy giáo “đứng đường”
pointĐừng bao giờ dùng từ “buông thả” đối với những người thầy, cho dù đó có thể là sự buông thả.
Vụ mại dâm mà CA TPHCM vừa “hốt” ngay lập tức đã “gây bão” trong  dư luận. Hãy nhìn trong những từ khóa liên quan “Mại dâm nam”; “nghiện hút”; “Quý bà”, và…”Thầy giáo”. Không khó để nhận ra, dư luận sốc nặng chính từ tình tiết một thầy giáo phải đi bán dâm.
Thế là từ nay, công cụ tìm kiếm sẽ mặc định thêm một cụm từ “thầy giáo bán dâm”. Nhưng thưa các bạn, với tư cách là một người học trò, đã từng là học trò, bạn có thấy đau đớn khi người thầy của mình, những người có khi chúng ta còn trọng hơn cha mẹ phải ẩn mặt dấu tên che thân phận kiếm tiền bằng cách bán đi thứ của cải lớn nhất là thanh danh.
Có bao giờ bạn nhìn thấy đằng sau 4 chữ “thầy giáo bán dâm”, là nỗi khốn khổ cam chịu đến cùng cực của không chỉ một câu chuyện, không chỉ một thân phận?

Giữa Thủ đô, ở Đông Anh, báo chí có lần sót thương nói đến chuyện những cô giáo mầm mon phải ra chợ bán bánh rán, làm ô sin để lấy nghề phụ nuôi thân khi nghề chính chỉ cho họ đồng lương bọt bèo đến mức sau hàng chục năm quá quen với sự tủi nhục mà mỗi cuối tháng nào đến ngày lĩnh lương các cô cũng muốn khóc.
Ở Hải Phòng, một cô giáo đã bật khóc nức nở khi bị rình bắt dạy thêm như rình bắt trộm, bị lập biên bản như bắt… mại dâm ngay trước mặt học trò.
Đừng bao giờ trách người thầy khốn khổ “sao không kiếm việc gì khác mà làm”.
Tháng 11 năm ngoái, trong một buổi tọa đàm về hình ảnh người thầy, Nguyên Phó Ban tư tưởng văn hóa Thành Ủy TP HCM Hồ Thiệu Hùng, đã nói ra một sự thật là trong khi luôn miệng khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thì những thầy cô giáo hưởng một mức lương không bằng một lái xe của nhân viên ngành điện. “Nguyện vọng số 1 của nhà giáo là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và cả nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu mà mấy đời bộ trưởng của “ngành quốc sách hàng đầu” chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được”.
Hôm nay, câu chuyện của ngành “Quốc sách hàng đầu” lại được nhắc lại khi trước Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đã thẳng thắn phê bình ngành giáo dục là “phiến diện”, là “không đánh giá đúng thực trạng xã hội” khi chỉ biết “cấm dạy thêm”, dù “chưa chắc nó đã phải là xấu”.
Không ai muốn sau một ngày đứng lớp mệt mỏi phải xách cặp đi dạy thêm. Có phải đi dạy thêm thì chắc chắn cũng không phải để làm giàu.
Không sống được bằng đồng lương chết đói. Không kiếm được tiền bằng chính nghề nghiệp của mình. Vậy thì các thầy cô giáo sẽ phải sống thế nào và bằng cách gì đây?!
Cô giáo dạy nhạc đi hát đám cưới kiếm tiền. Cô giáo mầm non đi làm ô sin. Và giờ, một thầy giáo đi bán dâm, thực ra cũng chẳng phải trộm cướp của ai, để mỗi lần nhận số tiền 200-300 ngàn đồng.
Đừng bao giờ dùng từ buông thả đối với những người thầy, cho dù đó có thể là sự buông thả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét