Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

TẠI SAO VIỆT NAM?

TẠI SAO VIỆT NAM?
Trần Huy Thuận


Quốc hiệu nước ta như nhiều tư liệu lịch sử ghi nhận, trong hơn 4.000 năm lịch sử đã trải qua khá nhiều thay đổi. VĂN LANG (LẠC VIỆT) được coi là quốc hiệu đầu tiên (tồn tại đến năm 258 trước Công nguyên). Tiếp đến là ÂU LẠC (liên kết giữa Lạc Việt với Âu Việt (một phần đông – nam Quảng Tây Trung Quốc), tồn tại đến đầu thế kỹ thứ hai trước Công Nguyên. Tiếp đến là VẠN XUÂN rồi ĐẠI CỒ VIỆT (thời nhà Đinh), rồi ĐẠI VIỆT (khi Lý Thánh Tôn lên ngôi), tồn tại từ năm 1054 đến năm 1804 (trong đó bị gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ với tên nước là ĐẠI NGU. Chữ “Ngu” ở đây có nghĩa là sự yên vui).




Quốc hiệu VIỆT NAM bắt đầu từ nhà Nguyễn. Ban đầu vua Gia Long đặt tên nước là NAM VIỆT, nhưng nhà Thanh (Trung Quốc) thấy tên ấy trùng với tên một nước vốn có từ thời nhà Triệu (gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây), nên đã thay đổi thành VIỆT NAM, rồi chính thức “tuyên phong” năm 1804. Nhưng theo nhiều sử sách, tên nước VIỆT NAM đã có từ rất lâu trước đó. Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý: người Việt ở phương Nam.

“Người Việt ở phương Nam”? Câu hỏi đặt ra là: phương Nam so với nước nào hoặc khu vực nào? Nếu so với Thế giới (cả Địa cầu) thì nước ta thuộc phương Bắc (Bắc bán cầu). Nếu so với riêng châu Á, nước ta ở Đông – Nam. Vậy chỉ so với Trung Quốc, nước ta mới là phương Nam! Thiết nghĩ cách gọi như thế, chả khác gì khi nói Việt Bắc là vùng đất nước Việt Nam ở phía Bắc…

Bắc bán cầu được tô màu vàng

Cũng khác hoàn toàn với việc gọi Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Bắc Mỹ là một lục địa nằm ở bán cầu bắc của Trái Đất. Đây là phần phía bắc của toàn bộ châu Mỹ gồm một số nước như Canada, Hoa Kỳ và Mexico… Nam Mỹ là phần lục địa nằm ở phía tây của Nam bán cầu Trái Đất thuộc châu Mỹ, gồm một số nước như Argentina, Bolivia, Brasil, Chile, Colombia, Ecuador…

Nhân các học giả và nhà chính trị bàn về đổi tên nước khi thảo luận sửa đổi Hiến Pháp, kẻ ít học này muốn các ngài quan tâm điều này. Có những thời kỳ cha ông ta đã đặt tên nước là VĂN LANG, VẠN XUÂN, ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT… Cớ sao trong thời đại chế độ thực dân đã tan rã, các nước nhỏ bé đến đâu cũng đã giành độc lập, tại sao ta lại cứ giữ cái tên nước là VIỆT NAM? Không ĐẠI CỒ VIỆT như vua Đinh Tiên Hoàng, không ĐẠI VIỆT như Lý Thánh Tông, thì gọi bằng một chữ thôi: VIỆT – nước VIỆT (dân chủ cộng hòa) hay nước VIỆT (xã hội chủ nghĩa) , như nhiều nước lớn có, bé có trên thế giới: (vương quốc) ANH, (liên bang) NGA, (cộng hòa) PHÁP, (cộng hòa dân chủ nhân dân) LÀO…?

Trần Huy Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét