Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Quốc hội và nền kinh tế

Quốc hội và nền kinh tế
TTCT - Khi phần lớn các chỉ số kinh tế bản lề mà Quốc hội đề ra bị lệch so với thực tế, và lệch liên tục trong nhiều năm, thì nó cũng phản ánh việc Quốc hội có thật sự hiểu nền kinh tế của đất nước hay không.
Các công nhân may tại Công ty CP May Sài Gòn 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nếu Quốc hội không hiểu đủ sâu sắc về thực trạng kinh tế đất nước thì cũng khó có thể thực hiện tốt chức năng giám sát của mình. Và vì thế, bộ máy của Quốc hội cần được kỹ trị hóa.
Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, thực trạng yếu kém của nền kinh tế hiện nay lại được các thành viên đem ra mổ xẻ. Tại phiên họp này, không khí cấp bách của thời cuộc có thể được cảm nhận rõ qua các phát biểu quan trọng.
“Tình hình như thế này là nguy lắm rồi” là nhận định của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. “Tình hình này có thể nói kinh tế đang hết sức khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với nhận định của Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp thứ 4” là nhận định của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


“Bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản và 65% số còn lại báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào” là nhận định của phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Xuân Cường. “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%” và “lạm phát quá tốt chính do điều hành dở” là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chỉ tiêu và thực tế
Quốc hội có ba chức năng chính: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Liên quan đến nền kinh tế, Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp bằng cách soạn thảo, sửa đổi và thông qua hiến pháp, luật và các nghị quyết.
Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước, và quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế. Với chức năng giám sát, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao với việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Để quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội thực hiện việc này bằng nhiều cách, trong đó quan trọng nhất là hằng năm Quốc hội thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giao các chỉ tiêu này cho Chính phủ thực hiện. Các chỉ tiêu này được xây dựng ít nhiều dựa trên các báo cáo của Chính phủ. Các chỉ tiêu này thường cũng không mang tính bắt buộc và chỉ có giá trị tham chiếu. Chính phủ không được “thưởng” khi thực hiện tốt các chỉ tiêu này và cũng không bị “phạt” nếu không đạt.
Các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho Chính phủ thực hiện nhiều khi đã không đi sát thực tế. Ví dụ trong ba năm trở lại đây, các chỉ tiêu bản lề của Quốc hội đề ra như tăng trưởng GDP hằng năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhập siêu tính bằng phần trăm của xuất khẩu, tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu, và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đều bị chệch khá xa so với thực tế đạt được.
Có những thời điểm các chỉ số đề ra cách biệt khá xa so với thực tế (xem bảng). Ví dụ tăng GDP theo chỉ tiêu của năm 2011 là từ 7-7,5% nhưng thực tế đạt được chỉ có 5,89%. Chỉ tiêu lạm phát của năm này là 7% nhưng thực tế lên tới 18,58%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội được đặt chỉ tiêu là 40% nhưng thực tế chỉ có 34,6%.
Lại cũng có những thời điểm, hạng mục, chỉ tiêu của Quốc hội lại quá khiêm tốn. Ví dụ tăng trưởng xuất khẩu theo chỉ tiêu của năm 2010 và 2011 là 6% và 10% trong khi thực tế đạt được là 25,5% và 33%. Tương tự, nhập siêu theo chỉ tiêu đề ra cho năm 2011 và 2012 là 18% và 11-12% nhưng thực tế đạt được lại tốt hơn rất nhiều (chỉ có 9,9% năm 2011 và thậm chí không có thâm hụt trong năm 2012).
Việc các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra vênh quá lớn so với thực tế đạt được có thể do Chính phủ. Ví dụ, chỉ tiêu tăng CPI của Quốc hội năm 2012 là 10% trong khi thực tế tăng CPI của năm 2012 là 6,81%. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là “tốt quá” nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo ông, Chính phủ “điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế, cái này là do điều hành”.
Thế nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, khi phần lớn các chỉ số kinh tế bản lề mà Quốc hội đề ra bị lệch so với thực tế, và lệch liên tục trong nhiều năm, thì nó cũng phản ánh việc Quốc hội có thật sự hiểu nền kinh tế của đất nước hay không. Ví dụ, chỉ tiêu tăng GDP của Quốc hội trong hai năm 2011 và 2012 đều ở “trên trời”. Chỉ tiêu lạm phát cho hai năm 2010 và 2011 cũng lãng mạn hơn nhiều so với thực tế đạt được.
Nếu Quốc hội không hiểu đủ sâu sắc về thực trạng kinh tế đất nước thì cũng khó có thể thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.
Gần đây chức năng giám sát của Quốc hội được đẩy mạnh với việc tổ chức các phiên chất vấn công khai và sắp tới là bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn.
Công bằng mà nói, việc chất vấn và trả lời chất vấn đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, dù nhiều quan sát viên cho rằng các chất vấn “ngô nghê, dài dòng, hay những câu chất vấn thì ít mà xin thì nhiều” của các đại biểu Quốc hội đã ít đi đáng kể, không phải đại biểu nào cũng thật sự có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế.

2010
2011
2012

Chỉ tiêu
Thực tế
Chỉ tiêu
Thực tế
Chỉ tiêu
Thực tế
Tăng trưởng GDP của năm
6,50%
6,78%
7-7,5%
5,89%
6-6,5%
5,03%
CPI
7%
11,75%
7%
18,58%
10%
6,81%
Bội chi ngân sách
6,2%
5,6%
5,3%
4,9%
4,8%
4,8%
Nhập siêu (% của xuất khẩu)

17,3%
18%
9,9%
11-12%
-
Tăng trưởng xuất khẩu
6%
25,5%
10%
33%
13%
18,3%
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (% GDP)
41%
41,9%
40%
34,6%
33,5%
33,5%

Nên kỹ trị hóa Quốc hội
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, Quốc hội hiển nhiên là bộ máy tập trung sức mạnh trí tuệ và ý chí chính trị của toàn dân. Vì thế, việc Quốc hội chưa thể hiện hết được tầm vóc trong việc thực hiện các chức năng hiến định của mình rõ ràng là việc cần thay đổi.
Trong nhiều lý do, có hai lý do rất quan trọng: Thứ nhất là tỉ lệ các đại biểu kiêm nhiệm vẫn còn quá lớn. Các đại biểu kiêm nhiệm không thể thực hiện tốt chức năng của đại biểu Quốc hội trong khi vẫn là các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp và phải dành chủ yếu thời gian của mình cho công tác điều hành hằng ngày.
Thứ hai, quan trọng không kém là cho dù các đại biểu Quốc hội không phải là đại biểu kiêm nhiệm thì họ cũng không có nguồn lực để thực hiện vai trò đại biểu Quốc hội.
Theo thông tin chính thức từ website của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay các đại biểu chỉ được hưởng một số chế độ đãi ngộ cơ bản như lương, phụ cấp. Một kiến nghị của vụ phó Vụ Công tác đại biểu còn viết “phấn đấu trong tương lai mỗi đại biểu đều có một thư ký giúp việc riêng”.
Không có đủ đội ngũ cố vấn, chuyên gia, chuyên viên phân tích, nhân viên văn phòng để giúp đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình, các đại biểu dù giỏi đến đâu cũng không thể thực hiện tốt chức năng đại biểu.
Chưa nói đến những việc phức tạp như soạn thảo các dự luật - điều mà lẽ ra thuộc về chức năng của các đại biểu quốc hội, mà chỉ đơn giản là việc nắm tình hình thực tế, nghiên cứu và tiêu hóa hết các thông tin về tình hình kinh tế xã hội để có những hiểu biết căn bản khi đi họp Quốc hội cũng là việc mà các đại biểu Quốc hội không thể làm được một mình. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến việc thẩm tra các dự án luật, đặt ra các chỉ tiêu kinh tế và giám sát, chất vấn về việc thực hiện nó.
Nói cách khác, bộ máy của Quốc hội cần phải được kỹ trị hóa. Bên cạnh việc giảm dần tỉ lệ đại biểu kiêm nhiệm, việc kỹ trị hóa này còn bắt đầu từ hai việc rất cụ thể. Thứ nhất là tăng ngân sách hoạt động cho các đại biểu một cách thật sự có ý nghĩa để mỗi đại biểu có thể có được một bộ máy giúp việc riêng thật sự mạnh.
Thứ hai, tăng trách nhiệm báo cáo trước dân của các đại biểu để họ có trách nhiệm sử dụng ngân sách này một cách hiệu quả phục vụ công tác đại biểu Quốc hội một cách đúng nghĩa.
DỰ TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét