Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Quốc hội lo lắng kinh tế ngày một xấu đi

Chính phủ thì lạc quan, thấy tình hình tiếp tục được cải thiện, trong khi đó:
Quốc hội lo lắng kinh tế ngày một xấu đi
Tăng trưởng năm nay rất khó khăn với những chỉ báo ngày càng rõ nét hơn về tình trạng suy giảm, trong khi nỗ lực chính sách và kết quả đạt được chưa đủ đảm bảo xoay chuyển tình hình, theo đánh giá của các thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Tăng trưởng GDP 2012 thấp hơn báo cáo
Lo lắng, quan ngại là dự cảm được nhìn thấy rõ nét nhất trong báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày tại phiên làm việc của Thường vụ sáng 14/5. Đây là báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII khai mạc tuần sau.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng tăng, trong khi doanh nghiệp thành lập mới lại giảm, cho thấy một phần bức tranh khó khăn của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng tăng, trong khi doanh nghiệp thành lập mới lại giảm, cho thấy một phần bức tranh khó khăn của nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà
Ghi nhận các nỗ lực chính sách Chính phủ đã thực hiện thời gian qua, cũng như các kết quả tích cực đạt được ban đầu, song đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng đang có những chỉ báo cho thấy rõ hơn tình trạng suy giảm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý một tăng 4,89%, cao hơn mức tăng 4,75% cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm 2011 và 2010. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý một chỉ đạt 4,93%, thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

"Tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng", báo cáo viết.
Suy giảm tổng mức đầu tư toàn xã hội cũng là vấn đề khiến các thành viên Ủy ban Kinh tế quan ngại. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì sụt giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP quý I đạt 29,6% GDP, thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước (36,2%). Theo các thành viên này, cùng với việc nguồn vốn FDI không tăng và tín dụng cho nền kinh tế tăng rất thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự có sự cải thiện rõ rệt.
3 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất kinh doan. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 15.700, giảm 6,8% về số lượng, giảm 16,1% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi đó số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là 15.300, tăng 14,6%.
Xuất khẩu được xem là một trong số ít điểm sáng hiếm hoi của bốn tháng đầu năm nay. Kim ngạch cả bốn tháng đạt 39,46 tỷ USD, tăng 17,5%, nhưng nếu tính riêng tháng tư, giá trị xuất khẩu giảm 12,1% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm mạnh 20%. Đó là chưa kể tới thực tế xuất khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các mặt hàng gia công từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra sự chậm trễ trong triển khai đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế cũng như các hướng tái cơ trọng tâm. Một số ý kiến cảnh báo đề án tổng thể sẽ khó thành công vì phụ thuộc vào việc thực hiện các đề án thành phần, trong khi mỗi đề án thành phần do một bộ, ngành được giao chủ trì, thời điểm xây dựng và ban hành khác nhau và xong trước đề án tổng thể nên thiếu tính kết nối.
Các ý kiến phát biểu tại phiên làm việc của Thường vụ chiều 14/5 cũng cho thấy rõ sự lo lắng về sự xấu đi của nền kinh tế.
Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đang có sự mất cân đối giữa lượng tiền đổ vào tiết kiệm ngân hàng với dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Theo tính toán của Ủy ban này, nếu muốn tăng trưởng GDP 1% thì ít nhất tín dụng phải tăng từ 2-3%. "Nếu 5,5% thì cả năm tăng trưởng tín dụng phải tầm 14-15%", ông Hiển ước tính. Tuy nhiên, sau 4 tháng, tín dụng mới tăng 1,44%. Do đó, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay cũng khó khăn.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cũng cho rằng cần tập trung những giải pháp căn cơ về tài chính tiền tệ để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Theo ông, trong các giải pháp của Chính phủ, chủ yếu mới xoay quanh giải pháp miễn giảm. Tuy nhiên, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói, tình hình này các doanh nghiệp không có thu, không có phát triển nên không có gì để miễn. "Theo tôi, cách miễn giảm có tác dụng rất ít. Cần có giải pháp tạo đà cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất", ông Lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa trong phiên họp của Thường vụ tỏ ra chưa hài lòng với những báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra vì "còn dàn trải và chưa thực sự có điểm nhấn". Ông yêu cầu từ nay đến cuối năm phải giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu.
Khẳng định lạm phát năm 2012 được kiềm chế tốt và thị trường giá cả ổn định nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Kinh tế vĩ mô mới được một mặt là lạm phát còn tăng trưởng chưa hợp lý và ngân sách còn mất cân đối". Theo ông, tăng trưởng tín dụng chưa tốt không phải lỗi của riêng ngân hàng mà còn do giải ngân đầu tư công chưa tốt và tồn kho chưa giảm. "Ngay cả giá nhà có giảm không? Nhiều nhà ở xã hội, nhà thương mại vẫn tăng thêm thì tồn kho càng khó giảm", Chủ tịch phân tích.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng còn nể nang trong tiết kiệm thực hiện chi tiêu. Ảnh: Hoàng Hà.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng còn nể nang trong tiết kiệm thực hiện chi tiêu. Ảnh: Hoàng Hà.
Được mời phát biểu trong phiên làm việc hôm nay của Ủy ban Thường vụ, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dành nhiều thời gian chia sẻ những lo lắng trước những yếu kém trong khâu quản lý kinh tế, đặc biệt là quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay.
"Thực tế phải thấy nền kinh tế đang phụ thuộc mất rồi, chúng ta không chủ động được gì nữa. Nguy cơ nhất là nếu FDI rút hết vốn thì nền kinh tế sẽ rỗng ruột", bà Doan lo ngại. Nói thêm về doanh nghiệp FDI, theo bà việc các một số nhóm này cứ ra sức phát triển sản xuất nhưng vẫn báo lỗ và không nộp thuế là việc không thể chấp nhận được. Bà yêu cầu cần nêu rõ ai chịu trách nhiệm trong việc này và không thể nói chung chung. "Phải chỉ rõ các địa chỉ ra. Tôi thấy tình hình gay lắm rồi", bà nói.
Cho rằng tình hình kinh tế chung "đang xấu đi", Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Quốc hội lần này họp cần tập trung bàn các giải pháp về chính sách tiền tệ khi tín dụng "gần như đóng băng". "Nợ của doanh nghiệp nhiều như thế thì có dám mạnh dạn khoanh nợ và cứu doanh nghiệp không", bà đặt vấn đề khi doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được vốn.
Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra của mình cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
"Một số ý kiến cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6-6,5% cả năm 2013 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP", báo cáo viết.
Thanh Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét