Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Quan hệ lãi suất, thâm hụt ngân sách và nợ công

Quan hệ lãi suất, thâm hụt ngân sách và nợ công
Khi đọc và lưu dưới đây mấy bài về lãi suất, thâm hụt ngân sách và nợ công ở nước ta, chợt nhớ trước đây tôi vẫn phân tích quan hệ giữa ba chỉ tiêu này theo cách dưới đây, trích trong 1 bài viết trước của tôi:
Nợ công của Việt Nam qua các năm (%GDP)
Do khủng hoảng lạm phát và suy trầm kinh tế, trong nhiều giai đoạn, lãi suất thực ở ta cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ lạm phát là 6% và nếu lãi suất danh nghĩa là 12%, thì lãi suất thực khoảng 6%; trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng GDP dưới 6%, tức là thấp hơn cả lãi suất thực.
Lãi suất thực cao thường xuất hiện khi chính phủ thực hiện chính sách tự do hóa lãi suất, hoặc khi khi lạm phát cao buộc chính phủ phải thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ chặt.
Lãi suất thực cao có ảnh hưởng xấu tới cân đối ngân sách. Mô hình đơn giản để phân tích như sau:
Chúng ta có:
                                                GDP(t)   =   GDP(t-1) * (1 + g)
trong đó g là tỷ lệ tăng trưởng GDP, t là ký hiệu năm t, GDP(t) là GDP vào năm t,

đồng thời chúng ta cũng có:
                                                D(t)    =    D(t-1)   +   XD(t)
trong đó D(t) là nợ công của năm t và XD(t) là số nợ công tăng lên trong năm t. Nếu không có nguồn viện trợ không hoàn lại từ nước ngoài để bù đắp mà phải phát hành trái phiếu hay vay nợ thì XD(t) chính là số tiền phải trả lãi cho khoản nợ tích lũy từ năm trước cộng với số bội chi hay thâm hụt ngân sách trong năm t.
Như vậy với lãi suất thực ri, chúng ta có:
                                    D(t)  =   D(t-1) * (1 + ri)   +  BD(t)
trong đó BD là số bội chi hay thâm hụt ngân sách trong năm t. Phương trình này mô tả nợ công năm t bằng nợ công năm (t-1) thêm số tiền phải trả lãi cho nó trong năm t, rồi cộng  tiếp với số thâm hụt ngân sách phát sinh trong năm t.

Đem hai vế của phương trình này chia cho GDP(t) thì sẽ có:
                                   D(t)         D(t-1) * (1 + ri)           BD(t)
                                   ----    =    -------------------     +   --------
                                  GDP(t)    GDP(t-1) * (1 + g)      GDP(t)

hay:
                                  RD(t)  = RD(t-1) * (1 + ri)  / (1 + g) + d
trong đó RD là tỷ lệ nợ công trên GDP năm t et d là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP.
Trong trường hợp ri và g thấp, chúng ta có (1+ri)/(1+g) = (1+ri-g). Từ đây suy ra:
                                  RD(t)  = RD(t-1) * (1 + ri - g) + d
Vậy nên mức tăng lên của tỷ lệ nợ công trên GDP trong năm t, gọi là DRD, sẽ là:       
                                  DRD(t) = RD(t-1) * (1 + ri - g) + d - RD(t-1)
                                             = RD(t-1) * (ri - g) + d
Theo phương trình cuối cùng ở trên, nếu lãi suất thực (ri) cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (g), tỷ lệ nợ công sẽ tăng lên nhanh bất chấp nền kinh tế vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Phương trình cũng chỉ rõ tỷ lệ nợ công cũng tăng lên cùng mức với tỷ lệ thâm hụt ngân sách (d).
Như vậy, nếu muốn giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, Chính phủ phải tìm cách hạ lãi suất thực cũng như giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP. Ở nước ta, nếu như Chính phủ chỉ tìm cách giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP mà không chú ý tới hạ lãi suất thực, thậm chí còn để nó tăng lên (theo đà giảm xuống rất nhanh của tỷ lệ lạm phát) thì sẽ rất khó giảm được tỷ lệ nợ công trên GDP.
Lai Tran Mai
----------
Xem thêm:
Việt Nam thâm hụt ngân sách liên tục hơn 10 năm qua
Gafin.vn
Con số thâm hụt ngân sách của Việt Nam thuộc diện cao nhất so với các nước trong khu vực, khoảng 6% GDP/năm.

Báo cáo báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố chỉ ra rằng, thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua.

Báo cáo chỉ ra rằng, thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỉ qua và có mức độ ngày càng gia tăng. Cụ thể, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003 - 2007 chỉ là 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 2,7% GDP trong giai đoạn 2008 - 2012.

Thâm hụt ngân sách của Việt Nam qua các năm (%GDP)



Đặc biệt những năm gần đây, thâm hụt ngân sách liên tục đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công. Tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ khoảng 40% GDP từ cuối năm 2007 lên tới 57% GDP vào cuối năm 2010 và chỉ giảm đôi chút vào năm 2011. Cùng thời gian đó, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng từ 32% lên tới gần 42% GDP.

Nợ công của Việt Nam qua các năm (%GDP)



Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết, những con số này có thể chưa phản ánh đúng bản chất của thâm hụt tài khóa ở Việt Nam hiện nay. Các tổ chức quốc tế đưa ra những con số khác xa với báo cáo của Bộ Tài chính.

Cụ thể, tính riêng năm 2009, con số thâm hụt ngân sách chỉ tính riêng năm 2009 không bao gồm chi trả nợ gốc theo báo cáo của Bộ Tài chính là 3,7% GDP, trong khi đó con số tương ứng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cao hơn nhiều, lần lượt là 6,6% và 9,0% GDP.

Trung bình trong hai năm 2009-2010, con số thâm hụt ngân sách của Việt Nam thuộc diện cao nhất so với các nước trong khu vực, vào khoảng 6% GDP/năm. Con số này gấp khoảng 6 lần so với con số tương ứng của Indonesia, gấp 2 lần so với Thái Lan.

Thâm hụt ngân sách ở một số nước châu Á 2009 - 2010 (%GDP)

Theo báo cáo, sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến cho các con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng nợ công của Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin cho những người tham gia thị trường. Đồng thời nó khiến cho việc so sánh quốc tế, đánh giá, và quản lý rủi ro nợ công của Việt Nam gặp khó khăn.

Sự bỏ sót trong hạch toán thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua các con số chênh lệch giữa lượng trái phiếu chính phủ phát hành vay nợ thực tế hàng năm và con số trái phiếu chính phủ phát hành phản ánh trong Quyết toán ngân sách Nhà nước.

Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ tính riêng hai năm 2010 và 2011, tổng giá trị trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh mỗi năm được phát hành vào khoảng 110 ngàn tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số báo cáo trong Quyết toán ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, còn một lượng nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước, không được Chính phủ bảo lãnh, cũng không được phản ánh trong bội chi ngân sách và nợ công hàng năm của Việt Nam như thông lệ và khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế.

Theo Khampha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét