Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, bác Thanh ạ!

Hãy thử hình dung một người Việt đi dự hội nghị quốc tế hoặc du lịch nước ngoài với mong muốn giới thiệu phong tục, truyền thống đất nước ta với bạn bè sẽ như sau: mình mặc áo dài, khăn xếp (Quốc phục), tay phải ôm 1 bó hoa sen (Quốc hoa), tay trái cầm chai nước mắm (Quốc phẩm), lưng khoác bao gạo tẻ (Quốc thực), miệng nhẩm Truyện Kiều (Quốc thơ), đằng sau là Quốc gái Lý Nhã Kỳ hộ tống...
Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, bác Thanh ạ!
Đào Tuấn: Một “nhân tài đất Việt”, một “nguyên khí quốc gia” vừa có một phát ngôn “nhục như con trùng trục”: “Không quốc phục, họp quốc tế thấy nhục”.

Gs-ts Tô Ngọc Thanh
Ông nói: “Tôi vừa phải đi may một bộ áo dài khăn đóng để mặc khi tham dự các cuộc họp có tính chất quốc tế…nhiều lần thấy nhục khi các đại biểu quốc gia khác mặc quốc phục mang đặc trưng văn hóa của nước họ thì mình lại mặc áo veston. Ví như, Indonesia, các tiểu vương quốc Ả rập, Hàn Quốc… họ vẫn mặc trang phục riêng của họ, trong khi nước mình cũng có những trang phục riêng mang bản sắc văn hóa thì mình vẫn phải mặc veston đi họp”.
Và báo điện tử Kiến thức đã giật cái tít chơi chữ chính xác đến từng mi-li-mét phát ngôn “nổi tiếng” này: Không quốc phục, họp quốc tế thấy nhục.
Chắc các bạn nóng lòng muốn biết tác giả của phát ngôn “con trùng trục” về cái nhục khi không quốc phục này là ai lắm rồi.
Xin thưa ngay đây. Đó là GS Tô Ngọc Thanh, Tiến sĩ khoa học ngành Âm nhạc dân tộc học. Người có tên trong nhân tài đất Việt, thuộc diện “Nguyên khí quốc gia”, chắc là cần được “bảo tồn” gấp.
Nghe GS Thanh nói nhiều người sẽ giật mình. Nếu nhục là “xấu xa đau khổ”, chẳng hóa ra chúng ta mang một nỗi xấu xa đau khổ suốt cả trăm, cả ngàn năm nay khi không có quốc phục? Và biết đâu đó, với tư duy dằn vặt tự kỷ kiểu này, khi có quốc phục rồi nhiều người vẫn thấy nhục khi chưa có quốc hoa, quốc tửu, hay quốc… gái.
Thưa với giáo sư, ngẩng đầu lên nhìn có lẽ còn rất nhiều điều khác ngoài chuyện manh áo tấm quần. Còn rất nhiều thứ đáng để “tự trọng” hơn nỗi nhục “Vẫn phải mặc veston đi họp”.
Thì đó, ngay trong tháng 4, dù đã xuất khẩu tới 807.000 tấn gạo, thu về 340 triệu USD để giữ vững danh hiệu “Quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”, vẫn có 59,5 nghìn hộ, 255,2 nghàn đồng bào ở khắp nơi trên đất nước vẫn thiếu đói. Giáo sư thử nghĩ mà xem: 30 ngày, có thêm 13,6 nghìn hộ thiếu đói. Và cái đói này, là cái đói vật lý chứ không chỉ là đói một thứ thanh danh hão.
Ở Lai Châu, ở Điện Biên, ở Yên Bái, ở Hà Giang…những đứa trò nhỏ vẫn thường niên chân đất tay không đến trường với ước mơ có khi giản dị chỉ là một bữa cơm thịt chuột và “cật” thì có cái gì đó để che.
Còn ở Cà Mau, gần 40 năm sau ngày giải phóng, gần 70 năm sau ngày độc lập, một người phụ nữ đã “ra đi” với một sợi dây treo trên xà nhà. Chị quyên sinh để “tiết kiệm” tiền cho những đứa con đi học. Và cái chết của chị, nói như Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, suy cho cùng là vì “sức ép từ tiền học phí cho con và tiền đi chích (thuốc) cho bản thân”. Trong lá thư tuyệt mệnh, thật cay đắng, người phụ nữ bất hạnh đã nói đến “hoàn cảnh không lối thoát”, đã cầu xin chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo.
“Tấm áo không làm nên thầy tu”. Thiếu một bộ quốc phục không khiến người ta xấu xa. Có thêm một bộ quốc phục cũng không phải là biện pháp có thể làm đồng bào no ấm hơn. Thấy nhục, vì thế, có lẽ khác xa với biết nhục.
Thưa Giáo sư Thanh, quyền xài khăn đóng áo the hay cởi trần đóng khố là quyền của ông, nhưng quyền được sống, quyền cơm ăn áo mặc, quyền được học hành là quyền của đồng bào. 70 năm sau ngày độc lập, đất nước vẫn còn biết bao nhiêu điều đáng để những trí thức cần phải biết tự trọng trước khi loanh quanh trong tư duy, gọi thô thiển, là manh áo tấm quần.
Hồi phong trào quốc hoa đang rộ, nhiều người, một cách mai mỉa, đề nghị chọn hoa…hồng, hay hoa xấu hổ làm quốc hoa. Những ý kiến này được đàng hoàng đưa lên báo như một sự xấu hổ mà mỗi người, trước khi nói đến những thiêng liêng cao đẹp “đồng bào, dân tộc”, cần sờ tay lên gáy.
Và hôm nay, khi nghe một GS, TSKH nói về “nỗi nhục khi không có quốc phục”, có lẽ, có thêm một sự xấu hổ nữa khi quốc dân đồng bào biết rằng có người vẫn thấy nhục khi diện veston đi hội nghị quốc tế trong khi vô số đồng bào mình đang chết đói, thậm chí tự vẫn vì cùng quẫn.
Phải uống lưỡi 7 lần trước khi nói về nỗi nhục, bác Thanh à.
http://daotuanddk.wordpress.com/2013/05/06/phai-uon-luoi-7-lan-truoc-khi-noi-bac-thanh-a/
------------

"Không có quốc phục, đi họp quốc tế... thấy nhục"
(Kienthuc.net.vn) – Trong khi nhiều ý kiến cho rằng không cần phải có quốc phục và lễ phục, GS Tô Ngọc Thanh khẳng định, đó là điều cần thiết bởi chính ông cũng thấy nhục khi đi họp quốc tế mặc veston.
"Sáng tạo quốc phục là kỳ quặc"
"Không nhất thiết phải có quốc phục, lễ phục"
Liên quan đến vấn đề chọn quốc phục, lễ phục nhà nước mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến rộng rãi, Kiến Thức đã đăng tải nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia về văn hóa, dân tộc... Trong đó nổi lên các ý kiến phân tích về việc không cần thiết phải có quốc phục, lễ phục nhà nước:


GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế, không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng đâu có quy định về quốc phục. Trong khi đó, rất nhiều những vấn đề văn hóa khác lẽ ra đáng phải quan tâm thì lại không lo".

"Nước ta đa dạng những sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua những trang phục đa sắc màu, kiểu dáng. Giống như việc chọn quốc hoa, việc đi chọn một cái trong nhiều cái có sẵn là rất khó. Khi chưa tìm được bộ quốc phục hợp lý thì nên cứ từ từ, sao phải vội, bởi không nhất thiết phải cần có ngay. Làm sao để ra được một bộ quốc phục phải điển hình, sang trọng chứ vội vã, làm cho xong, bộ quốc phục mà như phường tuồng là không được".

Theo GS Tô Ngọc Thanh, trang phục truyền thống mặc tại hội nghị APEC 14 rất đẹp.

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cũng cho rằng, lựa chọn quốc phục sẽ làm mất tính đa dạng của văn hóa 54 dân tộc, thiết kế quốc phục trở thành việc làm kỳ quặc. Đồng thời, ông Tiệp chỉ ra rằng, lễ phục quốc gia chỉ dùng trong các nghi lễ mang tính thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn đời sống thường nhật mà chỉ cần người phụ trách trực tiếp hành lễ mặc là đủ, như thế mới thiêng còn ai cũng mặc thì tính thiêng mất đi ý nghĩa của nó. Vì thế người tham gia lễ hội hay sự kiện lớn của quốc gia không nhất thiết phải mặc lễ phục.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của GS Ngô Đức Thịnh và PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, việc có một bộ quốc phục và lễ phục quốc gia là việc làm rất cần thiết.

“Tôi là người thường xuyên tham gia các cuộc họp, các sự kiện liên quan đến quốc tế như APEC, nhiều lần thấy nhục khi các đại biểu quốc gia khác mặc quốc phục mang đặc trưng văn hóa của nước họ thì mình lại mặc áo veston. Ví như, Indonexia, các tiểu vương quốc Ả rập, Hàn Quốc… họ vẫn mặc trang phục riêng của họ, trong khi nước mình cũng có những trang phục riêng mang bản sắc văn hóa thì mình vẫn phải mặc veston đi họp. Những đại biểu Việt Nam tham dự các sự kiện, hoạt động mang tính chất ngoại giao thì bất kỳ ai cũng sẽ cảm nhận rõ ràng được sự cần thiết của những bộ lễ phục mang tính chất biểu trưng cho cốt cách, tinh thần và văn hóa Việt Nam.

Nếu nhớ lại hội nghị APEC 14 tổ chức thành công và tốt đẹp ở Việt Nam, trong bức hình chụp chung, tất cả các lãnh đạo các quốc gia là thành viên APEC đều mặc trang phục truyền thống của Việt Nam, họ đều khen rất đẹp”, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh khẳng định.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, người tham dự nhiều hội nghị 
quốc tế, thấy cần thiết phải có bộ lễ phục quốc gia. 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng chia sẻ: “Tôi vừa phải đi may một bộ áo dài khăn đóng để mặc khi tham dự các cuộc họp có tính chất quốc tế. Quốc phục đơn giản là cái mà cổ nhân vẫn mặc trong ngày lễ, đối với nam giới là áo dài khăn đóng. Khi chưa có quốc phục, lễ phục thì tôi vẫn may áo dài khăn đóng, khi nào chọn được một bộ quốc phục, lễ phục thì tôi sẽ mặc bộ đó.

Việc chọn một bộ quốc phục, lễ phục ở nước ta có nhiều cái khó do vấn đề năm người mười ý, nhưng việc chọn quốc phục, lễ phục là rất cần thiết và cần được thực hiện sớm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét