Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

“Nếu Hà Nội làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, tôi sẽ kiện đến cùng”

Hoan hô TS Nguyễn Hồng Kiên, một nhân cách quý hiếm.
“Nếu Hà Nội làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, tôi sẽ kiện đến cùng”
(Dân trí) - “Làm đường đi qua Đàn Xã Tắc có thể tạm chấp nhận được vì dấu tích vẫn nằm dưới đất. Nếu Hà Nội chôn cột, làm cầu vượt qua đàn, tôi sẽ kiện đến cùng”.
“Xây cầu vượt là “giết” Đàn Xã Tắc một cách nhanh nhất”
Đó là những lo ngại của TS Nguyễn Hồng Kiên (Năm 2006, Viện Khảo cổ học giao ông phụ trách khai quật Đàn Xã Tắc) trước kế hoạch sẽ xây cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa của Hà Nội để tránh ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 1.
TS. Nguyễn Hồng Kiên
Nguyên phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cho rằng, hố khai quật rộng hơn 900 m2 (năm 2006) đã “vồ trượt” Đàn Xã Tắc. Đến nay, di tích này vẫn là ẩn tích. Là người trực tiếp phụ trách khai quật và đã nhiều lần khẳng định tìm được đàn, ông có cảm thấy nhận xét trên đã phủ nhận hết mồ hôi, công sức của mình không?
Nói vài câu không thể hết ý được. Tôi chỉ nói thế này, lúc đó, Viện Khảo cổ học có giao cho tôi chịu trách nhiệm trực tiếp khai quật khu vực này. Kết quả khai quật, tôi luôn khẳng định là đã tìm thấy dấu tích Đàn Xã Tắc Thăng Long dưới các thời Lý, Trần, Lê. Cụ thể nữa, vị trí chúng tôi khai quật là khu vực trung tâm của đàn tế Xã Tắc.
Tôi đào 900 m2, ông ấy nói là chưa xác định được Đàn Xã Tắc. Bây giờ ông ấy lại khuyến nghị đào mỗi hố 2 m2 dọc theo hướng đường vành đai. Phương án đó là ngụy biện, tưởng là khoa học nhưng không khoa học chút nào và không bao giờ thực hiện được. Chuyên môn hẹp của chúng tôi, đào những hố nhỏ như vậy chỉ là để thám sát. Thử tưởng tượng các hố khai quật 2 m2, thì tìm được cái gì.

Việc tìm ra Đàn Xã Tắc hay chưa, gần chục năm nay các chuyên gia vẫn còn bàn cãi. Vậy phương án xây cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa đã được Hà Nội đưa ra tác động tiêu cực đến di tích này như thế nào?
Những hố chúng tôi khai quật Đàn Xã Tắc không chỉ ở bên trong khu vực được đánh tráo là đảo giao thông như hiện nay. Do vậy, phương án Hà Nội đưa ra là các mố cầu nằm ngoài phạm vi Đàn Xã Tắc (phần thân cầu vượt chỉ chớm vào khu vực thảm cỏ hiện đặt tảng đá dấu tích của Đàn Xã Tắc là 1,5m) là không chính xác. Hai cái trụ cầu mà Hà Nội định cắm xuống để làm cầu vượt thì một cái nằm gọn trong cái hố tôi đã đào trước đây. Nếu Hà Nội xây cầu vượt qua đây, trụ cầu sẽ phá hết di tích ở bên dưới lòng đất, không gian Đàn Xã Tắc bên trên cũng bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc xây dựng cầu vượt qua khu vực này là cần thiết. Điều đó có nghĩa quyết tâm xây cầu của thành phố đã được đưa ra. Ông sẽ làm gì để bảo vệ Đàn Xã Tắc?
Hiện tại chưa làm được gì cho di tích Đàn Xã Tắc cả, giải tỏa bảo là tốn tiền, tôn tạo cũng không được bởi nhiều người cho rằng chưa đủ chứng cứ. Thế nhưng chỉ cần cắm một cái trụ cầu xuống khu vực này, con cháu về sau chẳng có gì mà bảo tồn nữa.
Nếu Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc tôi sẽ kiện đến cùng vì họ đã vi phạm Luật Di sản văn hóa. Khu vực chúng tôi khai quật đã được xếp hạng thì việc bảo vệ vùng 1 của di tích theo quy định là bảo vệ cảnh quan lẫn không gian. Vậy nói rằng làm cầu vượt là tránh đè lên di tích như làm đường, nhưng việc cắm cọc vào trong di tích và lấn chiếm không gian cũng là vi phạm.
Vồ trượt hay đã vồ trúng Đàn Xã Tắc - các nhà khoa học vẫn còn bàn cãi
"Vồ trượt" hay đã "vồ trúng" Đàn Xã Tắc - các nhà khoa học vẫn còn bàn cãi!
Ngã tư Ô Chợ Dừa thương xuyên ùn tắc kéo dài gây bức xúc cho nhân dân, theo ông làm cách nào Hà Nội giải được bài toán này mà vẫn bảo vệ được Đàn Xã Tắc?
Để giải quyết nút giao này là chuyện của "ông" giao thông. Nhưng theo tôi để bảo tồn được di tích mà vẫn giải bài toán giao thông, phương án làm đường qua có thể tạm chấp nhận được. Tất nhiên, ô tô, xe máy đi qua di tích có thể bị tác động nhưng nó vẫn nằm ở dưới đất. Còn cầu vượt đi qua, trụ cầu rộng hàng chục mét vuông cắm xuống thì di tích bị phá hỏng hết.
Có những ý kiến cho rằng, nếu bảo tồn Đàn Xã Tắc đúng nghĩa phải chuyển nửa quận Đống Đa ra ngoài. Theo ông, Hà Nội phải làm gì để bảo tồn Đàn Xã Tắc cho đúng tầm?
Dân khảo cổ chúng tôi chưa ai đòi cái gì, chúng tôi chỉ đào và đánh giá giá trị. Còn quyết định giữ hay không là chuyện của các nhà quản lý. Nhưng ở Hà Nội này người ta đã giữ được gì, ngoài hoèn hoẻn khu 19 Hoàng Diệu chúng tôi đã khai quật. Một khu lớn như vậy cuối cùng cũng chỉ để lại một mẩu. Di sản Hà Nội đã giữ được gì nhiều đâu, toàn bàn lùi đấy chứ. Cả Hà Nội như vậy mà các cụ phải nhường con cháu có đất mà sống, theo tôi ứng xử như vậy là không đẹp với văn hóa.
Chúng ta phải phân biệt di tích Đàn Xã Tắc và khu di tích đã được xếp hạng. Hiện nay, người ta mới chỉ xếp hạng khu vực mà chúng tôi đã khai quật khảo cổ, chứ chưa xếp hạng di tích Đàn Xã Tắc. Thế nhưng, ngay cả cái hố mà chúng tôi đã khai quật cũng chưa bảo vệ được chứ chưa nói đến toàn bộ di tích Đàn Xã Tắc. Bây giờ họ lại cố tình đánh tráo khái niệm khu di tích đã được xếp hạng để bảo vệ ấy được coi là đảo giao thông. Đến nay, chưa làm được gì nhiều cho Đàn Xã Tắc theo tôi nên bảo tồn nó đã.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét