Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Làm thêm ở xứ người

Làm thêm ở xứ người
Nhiều du học sinh đã phải hối tiếc sau khi xác định mục đích làm thêm là lấy ngắn nuôi dài mà mải miết đi làm thêm.
Đúc kết chung của nhiều du học sinh (DHS) đã và đang làm thêm ở các nước: Kiếm tiền ở xứ người cũng lắm khi trầy vi tróc vảy và phải thật tỉnh táo khi đứng trước hai mặt được và mất của việc làm thêm.
Cái khó lớn nhất của làm thêm là: Làm “chui” dễ kiếm việc, nhiều tiền nhưng bất hợp pháp, đôi khi còn đánh đổi cả việc học; ngược lại, làm thêm hợp pháp thì việc ít người đông.
Khoanh vùng công việc phù hợp
Để kiếm được việc làm thêm đối với DHS thì không phải muốn là được. Đoàn Thị Minh Thu - cựu DHS theo học thạc sĩ về đầu tư tài chính tại Anh chia sẻ: “Tỉ lệ thất nghiệp tại Anh khá cao nên chuyện tìm việc làm đối với DHS tại Anh thật sự khá khó khăn. Tốt nhất là DHS nên chú ý khoanh vùng các việc làm bán thời gian trong các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, hoặc đi trông trẻ, dạy tiếng cho người nước ngoài…”.
Cũng từ kinh nghiệm bản thân, Minh Thu khuyên: “Nếu các bạn muốn làm phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng thì nên xin việc tại các hệ thống bán thức ăn nhanh hay chuỗi các quán cà phê như Starbucks, Wagamama, KFC, Wasabi, Mc Donald’s... vì chế độ làm việc và tiền lương ở đây sẽ tốt hơn so với các nơi khác”.

Từ kinh nghiệm đúc kết được qua các lần đi kiếm việc làm thêm, hầu hết các DHS đều đưa ra hai xu hướng công việc phù hợp nhất, đó là:
Xin việc trong chính nhà trường: Có rất nhiều công việc trong trường học dành cho DHS như làm việc trong căn-tin, phụ việc thư viện, phòng lab, làm vườn... Kể về kinh nghiệm tìm việc của mình, Huỳnh Thị Ngọc Anh - cựu sinh viên (SV) ĐH Loughborough,Vương quốc Anh chia sẻ: “Năm học thứ hai, tôi tìm hiểu được phòng thư viện của trường đang cần tuyển một người phụ việc. Tôi nộp đơn liền nhưng đợi mòn mỏi mà không thấy hồi âm. Vì đang rất cần việc nên ngày nào tôi cũng ghé hỏi khi nào có việc. Khi tôi được nhận việc, ông ấy mới nói: “Tôi nhận rất nhiều đơn xin việc, vì thế tôi chỉ mướn những người kiên trì và thật sự cần công việc này”.



Làm thêm ở xứ người như con dao hai lưỡi, du học sinh cần tỉnh táo
chọn công việc phù hợp và xác định đúng mục đích làm việc.

- Làm việc bán thời gian tại các nhà hàng, siêu thị hoặc đi dạy thêm: Đa số DHS Việt Nam ở nước ngoài đều lựa chọn các công việc bán thời gian như thu ngân, làm cho các nhà hàng của người Việt, chạy bàn, phụ bếp và cả… rửa chén nữa. Đây là những công việc khá nhẹ nhàng và phù hợp để các bạn vừa làm vừa học. Một kinh nghiệm khi xin việc ở đây là DHS phải trình bày trước cho gia chủ biết mình đang là SV và mục đích đi kiếm việc chỉ là để trang trải thêm việc học. Khi đó, DHS vừa có thể được ưu tiên hơn trong công việc, vừa có thể nhận được sự đồng cảm của người chủ dành cho người đồng hương nơi đất khách. Trương Vĩnh Tân - DHS tại Mỹ chia sẻ: “Nghe em trình bày là người Việt Nam muốn xin việc để trang trải việc học, ông chủ nhà hàng nơi em làm gật đầu cái rụp. Ông kể xa quê đã gần 30 năm mà chưa có dịp về lại nên rất thích nói chuyện để tìm lại một thời xa xưa nơi quê cha đất tổ, cùng sự thay da đổi thịt của quê hương từng ngày.

Đặt việc học lên hàng đầu
Đứng trước sự cám dỗ của tiền bạc, không ít DHS quên bẵng mục đích chính của mình là phải đạt kết quả tốt trong học tập chứ không phải kiếm tiền. Tấm gương của Hoàng Thúy Vân - ĐH Portland, Mỹ là một điển hình: “Chỉ vì ra sức “đi cày” để lấy tiền học mà tôi thi rớt hai lần, phải đóng tiền học lại. Còn những môn khác điểm thấp lè tè, ở mức điểm C. Cứ thế, tôi rơi vào cái vòng luẩn quẩn, thi không được nên tôi lại phải tiếp tục “cày” để đóng tiền học lại... Qua Mỹ học gần bốn năm mà tôi vẫn chưa hoàn tất chương trình hai năm đại cương ở ĐH cộng đồng”.
Ngoài ra, một vấn đề mà DHS phải đặc biệt lưu ý là quỹ thời gian mà chính phủ các nước quy định đối với việc làm thêm của DHS cực kỳ khắt khe. Đồng thời, họ cũng quản lý rất chặt chẽ và những công việc làm của DHS nếu không có hợp đồng, hoặc trái với quy định hiện hành đều là vi phạm và bị phạt rất nặng. Nguyễn Lan Hương - DHS tại Úc kể: “Kiếm việc làm thêm và kiếm được tiền là điều không dễ ở Úc. Chính phủ nước này quy định mỗi SV trong thời gian học chỉ được làm thêm không quá 20 giờ một tuần, riêng trong các kỳ nghỉ như nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ tết... có thể làm toàn thời gian. Để được làm thêm ở đây, tôi còn phải xin visa làm việc. Nếu không tuân thủ những quy định này, tôi sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí còn bị trục xuất về nước nữa”.
Cũng khắt khe không kém, Trần Minh Hải - DHS tại Mỹ cho biết: “Khi đi du học Mỹ, bạn sẽ được cấp visa F1 hoặc J1. Nếu được cấp visa J1 dành cho học sinh qua Mỹ chỉ trong duy nhất một năm thì không thể tìm việc. Còn tôi được cấp visa F1 cho phép được làm 20 giờ/tuần nhưng chỉ được làm thêm trong các trường ĐH. Muốn làm thêm ở ngoài thì tôi phải đợi một năm tính từ khi cấp visa, sau đó xin giấy phép làm việc từ Sở Luật hoặc từ Sở An ninh xã hội. Nếu tôi không tuân thủ các quy tắc trên sẽ bị phạt rất nặng”.
BÁ LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét