Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Khi mỹ kim lên giá

Khi mỹ kim lên giá

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Sau năm năm đã quen với một đồng Mỹ kim rẻ và yếu, các thị trường trên thế giới sẽ phản ứng ra sao và gặp những vấn đề gì nếu đồng đô la của Hoa Kỳ lên giá trong thời gian tới? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.
Các yếu tố chủ quan và khách quan
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ngày 22 tới đây, Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ điều trần về tình hình kinh tế trước các ủy ban hữu trách của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Chẳng những dư luận tại Hoa Kỳ sẽ theo dõi cuộc điều trần này mà các thị trường quốc tế cũng muốn qua đó tìm hiểu về quyết định sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ vì có thể chi phối trị giá đồng Mỹ kim, loại ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta những yếu tố tác động đến đồng bạc Hoa Kỳ và nhất là hậu quả khả dĩ xảy ra nếu đồng Mỹ kim lên giá như nhiều người dự đoán.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin bắt đầu bằng bối cảnh trước để xác định là ta nói về chuyện gì.

Khi nói đồng Mỹ kim mạnh hay yếu, là rẻ hay đắt, thì ta so sánh với một loại tài sản khác, giả dụ như thương phẩm mà phổ biến nhất là dầu thô hay vàng chẳng hạn, hoặc các loại ngoại tệ thông dụng như đồng Euro của Âu Châu hay đồng Yen của Nhật. Chuyện so sánh này thật ra là điều tương đối mới, chỉ xuất hiện từ bốn chục năm nay sau khi Hoa Kỳ thả nổi đồng bạc vào Tháng Tám năm 1971, một phần cũng do những tốn kém vì cuộc chiến tại Việt Nam ngoài nhiều khó khăn kinh tế khác của nước Mỹ vào thời đó.
Vũ Hoàng: Xin được hỏi ngay một câu, thưa ông, là nước Mỹ đã thả nổi đồng bạc từ năm 1971, vì sao lại có chuyện ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng, khi Thế chiến II sắp kết thúc, các quốc gia Âu-Mỹ thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế từ một hội nghị ở Bretton Woods thuộc tiểu bang New Hampshire của Hoa Kỳ, theo đó một Mỹ kim có cái giá cố định là một phần 35 của một troy ounce vàng. Nôm na là một troy ounce là khoảng 31 gram vàng trị giá 35 đô la Mỹ và ngân hàng trung ương Hoa Kỳ phải tôn trọng tỷ giá cố định này. Ngày 15 Tháng Tám năm 1971, Chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đơn phương hủy bỏ hệ thống đó khi thả nổi tức là phá giá đồng bạc Mỹ và từ đó thế giới có một hệ thống hối đoái tự do, với những hậu quả tích cực và tiêu cực hơn.
Trở lại chuyện trị giá đô la, mãi đến Tháng Ba năm 1973 người ta mới lập ra một chỉ số đồng Mỹ kim, gọi là US Dollar Index theo đó đồng bạc Mỹ được định giá qua một rổ tiền gồm sáu loại ngoại tệ chính, tính theo lối "trung bình gia trọng" là gia tăng hay gia giảm theo tỷ trọng của các ngoại tệ kia trong rổ tiền. Nếu lấy chỉ số cơ bản lúc ban đầu là 100 vào năm 1973 thì có lúc Mỹ kim lên tới chỉ số cao nhất là gần 165 vào đầu năm 1985 và thấp nhất là 71 vào Tháng Ba năm 2008. Ngày nay, chỉ số này đã vượt mức 83, tức là đồng Mỹ kim đang lên giá so với năm năm trước. Nhưng đấy chỉ là một trong nhiều cách tính mà thôi vì cả hai loại lý do chủ quan và khách quan. Tôi lại xin được giải thích về hai loại lý do ấy thì mình mới hiểu thế nào là đô la lên giá hay xuống giá.
Vũ Hoàng: Thưa ông, lý do chủ quan có phải là vì các yếu tố xuất phát từ nước Mỹ và khách quan là những gì xảy ra cho các nước khác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng vậy. Thí dụ như khi Hoa Kỳ hạ lãi suất tới số không hoặc ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế sau vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009 thì Mỹ kim trở thành rẻ hơn và có sức mua thấp hơn nên coi như bị mất giá. Ngược lại thì vàng hay dầu thô hoặc nhiều loại thương phẩm khác thì tăng. Đấy là loại lý do chủ quan xuất phát từ nước Mỹ. Lý do khách quan là khi ta đối chiếu với hoàn cảnh của một xứ khác trong việc trao đổi với Hoa Kỳ, giả dụ như so sánh tỷ lệ lạm phát hay mức chênh lệch về lãi suất giữa hai nước với nhau khi tiền Mỹ có thể tăng hay giảm, hối suất lên hay xuống nếu đổi chác với một đồng bạc khác.
Nhưng nhìn trên toàn cảnh thì vấn đề còn phức tạp hơn vậy. Thí dụ dễ hiểu nhất là nếu so sánh với tình hình kinh tế tài chính quá bất ổn của Âu Châu, và nhất là khối Euro, thì dù Mỹ kim có sụt giá nó vẫn là ngoại tệ mạnh hơn đồng Euro. Nói cho dễ hiểu là nếu cần lưu giữ tài sản để bảo vệ giá trị thì nhiều người vẫn muốn giữ đồng đô la hơn đồng Euro. Nôm na là tiền Mỹ lên ngôi là vì tiền Âu Châu tuột dốc. Chúng ta không nên quên cái lẽ tương đối ấy khi so sánh.

Mỹ kim sẽ tăng hay giảm

Hang-hoa_-No-xau-250.jpg
Buôn bán trên vỉa hè Hà Nội, ảnh minh họa. RFA photo
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về phần bối cảnh này, bây giờ ta đi vào đề mục chính. Năm năm sau khi đụng đáy như ông vừa trình bày, thưa ông, đồng Mỹ kim sẽ lên hay xuống giá trong thời gian tới và vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là đồng Mỹ kim đang khởi sự một chu kỳ lên giá, không hẳn vì kinh tế Mỹ đã hồi phục và ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ bắt đầu hút bớt tiền từ đầu năm tới sau khi ào ạt bơm ra mấy ngàn tỷ đô la để kích thích kinh tế. Lý do lên giá là vì các ngoại tệ kia đều quá yếu do sự suy nhược của các nền kinh tế khác.
Ngẫm lại thì Mỹ kim là ngoại tệ yếu có mãi lực thấp trong đa số thời gian của 40 năm từ 1973 đến nay. Chỉ có hai lần Mỹ kim lên giá mạnh trong nhiều năm liền là khi Hoa Kỳ triệt để đẩy lui nạn lạm phát quá cao trước thập niên 1980 và khi các nước ráo riết đổi tiền để đầu tư vào Mỹ sau cuộc cách mạng về công nghệ tín học từ năm 1996 cho đến năm 2000. Lần này, người ta muốn tìm và giữ tiền Mỹ vì các ngoại tệ kia đều yếu hơn đô la, chứ chẳng vì kinh tế Mỹ.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ lần lượt xét về cái lẽ tương đối như ông vừa trình bày khi so sánh. Trước hết, trong cái giỏ ngoại tệ để tính ra chỉ số của đồng đô la thì có đồng Euro. Ông cho là tiền Âu sẽ còn giảm so với tiền Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong rổ có sáu loại ngoại tệ thì Euro có tỷ trọng rất cao là 57,6% nên nếu tiền Âu mất giá thì tỷ lê lên giá của tiền Mỹ có mức gia trọng cao nhất. Từ ba năm nay, 17 nước Âu Châu trong khối Euro cứ ở trong vòng luẩn quẩn không thể gỡ nổi vì các nước giàu có miền Bắc phải rót tiền vào miền Nam đang bị nguy cơ vỡ nợ và các nước miền Nam lâm nạn phải chấn chỉnh lại công chi thu mà chẳng cải thiện nổi khả năng cạnh tranh và bị rơi vào tình trạng giảm phát. Hậu quả của tình trạng ách tắc này là khối Euro cốt lõi ở miền Bắc sẽ phải chịu một mức lạm phát cao hơn và đồng Euro sẽ còn mất giá để tìm ra thế cạnh tranh khác. Tiền Âu mà mất giá thì tiền Mỹ sẽ còn lên giá nữa.
Trường hợp kế tiếp là đồng Yen của Nhật. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe ban hành một kế hoạch cải cách táo bạo đi cùng một chính sách tiền tệ liều lĩnh là mua trái phiếu và bơm tiền ra với cường độ còn mạnh hơn gấp đôi Hoa Kỳ để đẩy lui nạn giảm phát và đạt chỉ tiêu lạm phát là 2%. Kết quả trông thấy là đồng Yen đã sụt giá quá cái ngưỡng tâm lý là 100 Yen mới ăn một Mỹ kim. Nếu Chính phủ Abe còn thắng cử tại Thượng viện trong hai tháng tới, chính sách tài chính này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa và đồng yen còn sụt giá, tức là Mỹ kim sẽ lên giá.
Trong khi ấy, người ta đều thấy nhiều quốc gia như Ấn Độ, Liên bang Nga hay Nam Hàn thi nhau hạ lãi suất và bơm tiền để kích thích sản xuất với rủi ro lạm phát tái xuất hiện hoặc còn tăng và đấy mới là hậu quả đáng ngại nhất khi Mỹ kim lên giá.
Vũ Hoàng: Ông bắt đầu đi vào phần nhận xét về hậu quả và hiển nhiên là thính giả của chúng ta cũng nghĩ đến hậu quả cho Việt Nam. Thưa ông, sau nhiều năm xuống giá, nếu Mỹ kim tăng giá thì chuyện gì sẽ xảy ra cho các nước đang phát triển?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sở dĩ nói đến bước ngoặt sắp tới của đồng đô la vì mình đang đi vào một giai đoạn đảo chiều với khá nhiều rủi ro cho các nước nghèo.
Khi Mỹ kim còn rẻ, các nước đang phát triển đều dễ đi vay và trả tiền lời thấp đã hút vào một lượng tư bản nóng. Họ trở thành nơi đầu tư có nhiều triển vọng hơn phân lời ít ỏi của thị trường công nghiệp hoá. Triển vọng ấy cũng thổi lên bong bóng đầu tư hay đầu cơ cổ phiếu hoặc địa ốc. Khi Mỹ kim lên giá, mọi chuyện đều đảo ngược, gánh nợ hết rẻ như trước và sẽ gây bất ổn trong một môi trường sẵn có rủi ro lạm phát. Thí dụ như khi Mỹ kim lên giá vào quãng 1985 thì các nước Mỹ châu La tinh bị khủng hoảng tài chính và lần lên giá sau đó từ giữa thập niên 90 thì dẫn đến khủng hoảng tài chính Đông Á vào các năm 1997-1998.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam và sự bất trắc trước mặt nếu Mỹ kim lại lên giá giữa hoàn cảnh bất ổn và lung lay của các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Việt Nam đang phân vân giữa hai mục tiêu đều cấp bách, nan giải mà mâu thuẫn, đó là phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn sau khi đã tuột đến mức thấp nhất kể từ 13 năm nay, trong khi ấy cũng phải ổn định lại hệ thống tài chính và ngân hàng.
Việt Nam đã trì hoãn cải cách quá lâu nên rơi vào cảnh ngộ ấy và lại vừa hạ lãi suất nữa để kích thích sản xuất với nguy cơ lại thổi bùng lạm phát. Nếu Mỹ kim lên giá mạnh từ nay đến cuối năm, bất ổn sẽ tái xuất hiện trong năm tới, với cường độ cao hơn và sẽ trở thành một ưu tiên trong hai năm trước mặt. Bóng ma khủng hoảng Mỹ châu La tinh và Đông Á đang trở về và cần được Việt Nam tìm hiểu, học hỏi và kịp thời ngăn ngừa. Tôi không mấy lạc quan về khả năng ứng phó và khá bi quan về viễn ảnh vỡ nợ lan rộng trong tình trạng vừa lạm phát vừa suy thoái.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, còn Trung Quốc thì ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quốc gia này có cơ chế quản lý của con ếch và tham vọng của con bò khi duy trì chính sách nửa mùa. Nửa mùa vì họ vừa muổn kiểm soát tỷ giá đồng bạc và chính sách tài chính lại vừa mơ ước đồng Nguyên trở thành một ngoại tệ quốc tế mà không dám thả nổi. Thực tế thì Trung Quốc đã bán cái cho Mỹ quyết định về chính sách tiền tệ của mình khi giàng đồng Nguyên vào đô la Mỹ theo hối suất nhất định. Rồi đây sự tăng giá của tiền Mỹ sẽ dội thẳng vào cơ chế kinh tế tài chính vốn dĩ đã bấp bênh và rất dễ sụp đổ bên trong Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét