Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Điệu Buồn Angkor

Điệu Buồn Angkor
 
Muốn tìm hiểu về vinh quang hay bi thảm của bất cứ một đất nước nào, không có cách nào hay hơn là tìm hiểu về nền văn hóa cổ xưa của dân tộc họ. Ở điểm này, quần thể Angkor là nơi lý tưởng nhất để khám phá.
Có một câu nói lưu truyền:“Thấy Angkor rồi bạn chưa chết được” (See Angkor and not die yet). Có lẽ vì thế mà phim Lara Croft: Tomb Rider đã quay với bối cảnh nơi này, nơi mà những gốc cây cổ thụ lâu hàng ngàn năm vẫn còn sống với những hình thù kỳ bí, gợi lên bao nhiêu điều huyễn hoặc có khi đầy ma quái. Cách đây không lâu, có một đoàn làm phim của Mỹ đến Angkor, mang theo đầy đủ máy móc dò tìm sự hiện hữu của những linh hồn mà họ tin là còn quanh quất nơi những phù điêu bệ đá âm u.

Đêm hôm đó, họ đã thu được vào máy quay một bóng người thoáng qua và nhiều tiếng động bí ẩn. Một người trong đoàn làm phim hỏi: “Nếu có ai ở đây xin lên tiếng cho chúng ta biết?” Thì một âm thanh đầy giận dữ vang lên. Tiếng nói bí ẩn ấy được thu âm và sau đó đem về studio để khuyếch đại âm thanh thì nghe rõ câu: “Get out of here”. (Cút ra khỏi đây ngay!) Thì ra những linh hồn trong Angkor không muốn bị quấy rầy.

Được xây dựng sau Đế Thiên (Angkor Wat) khoảng trăm năm, Đế Thích (Angkor Thom) có nghĩa là “Thành phố vĩ đại” (The great city), vì nơi đây rất rộng lớn dù chúng ta có đi suốt ngày cũng chưa khám phá hết được những lăng tẩm cũng như chiêm ngưỡng các cổ vật của người Khmer xưa. Bao quanh bởi các bức tường bằng đá và kênh đào dài 3km mỗi cạnh. Hai bên con đường dài dẫn vào đền là hai hàng tượng đá với 54 pho tượng mỗi hàng, thần linh bên phải và ác quỷ nằm bên trái làm nên tổng số 108 nhân vật thần thoại canh gác cho cổng thành.

Còn được gọi là Tháp Vàng (Golden Tower), Đền Bayon tạo cho du khách cảm giác bay bổng và chinh phục hoàn toàn mọi người bởi vẻ đẹp mẫu mực và đầy sống động. Ngôi đền được tạo thành bởi 50 ngọn tháp bằng đá. Cốt lõi của nó là một quần thể kiến trúc được xây dựng kiểu bậc thang với 16 bảo tháp hạng trung qua nhiều tháp nhỏ liên kết với nhau; chính giữa là một tháp vàng hình tròn, cao 45m. Trên đỉnh của mỗi ngọn tháp với cả 4 mặt đều có tượng Thần Bayon mỉm cười. 11,000 bức phù điêu bằng đá ở Bayon kể lại sự tích Phật Thích Ca và chúng là cuốn biên niên sử về cuộc sống của người Khmer trong thời đại Angkor.

Đền Taprom còn được gọi là Lăng mộ Hoàng hậu, nơi những cây cổ thụ tầm cỡ bao phủ, tạo nên những hình thù cổ quái và hấp dẫn. Tại đây còn có một hành lang kỳ bí, đi bên trong nó, nếu bạn đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng đập vọng về rất mạnh qua những bức tường thành. Ngủ yên trong rừng già suốt 500 năm, 4 khuôn mặt Bayon với 4 nụ cười bí ẩn có thể ví như Nụ Cười Mona Lisa, không thể giải thích nổi. Còn với 4 khuôn mặt Bayon ai cũng có thể giải thích được như nó tượng trưng cho 4 câu: Từ Bi Hỷ Xả, hoặc Sinh Lão Bệnh Tử, hay là Hỷ Nộ Ái Ố... cũng đều có lý và được cả.

Đồi Ba Kheng là 1 trong 10 địa điểm ngắm mặt trời lặn đẹp nhất thế giới do trang du lịch CNNGo bầu chọn, để đón chào hoàng hôn và ngắm toàn cảnh Angkor. Khi hoàng hôn buông xuống là lúc quần thể Angkor tuyệt đẹp, rực rỡ một màu đỏ khiến cho ngôi đền nổi bật những đường nét một cách chi tiết nhất, cảm xúc nhất... nên được mọi người gọi đó là “Angkor lửa”. Có lẽ hoàng hôn nơi đây đẹp thật cho nên mới có bài ca cổ “Điệu Ca Angkor”:

“Hoàng hôn thật buồn nên suối không muốn chảy, chim thì chao cánh sầu. Hoàng hôn nơi đây sao buồn như điệu hát Angkor đã ru bao vương hầu. Hoàng hôn buồn quá, có con chim nào đậu trên cành Xô-đốc? Bạn tình tôi mãi tận phương nào. Bao giờ được ngắm em với khuôn trăng đầy. Tìm em như tìm cánh chim đầu nguồn cuối bãi biết tìm nơi nao?

Hoàng hôn mới lặn mặt trời. Anh bỏ lại khăn đầu bồi hồi ra đi, sá chi đường rừng anh đi, đi mãi ước gì tìm thấy được em. Xuyên rừng thâu đêm ngỡ gặp em đây rồi bên suối trong. Nhìn lại hóa ra nhìn sao mai. Anh lại đi trong sương sớm giăng đầy, giữa rừng múc nước suối mây.”

Thời đại vinh quang huy hoàng của Angkor đã suy tàn, những tinh túy văn hóa đã bị trầy xước bởi những viên đạn của chiến tranh, những huyền ảo linh thiêng đã bị cuốn đi dần trong cơn gió lốc kim tiền. Buôn thần bán thánh chăng? Nhưng chắc chắn là có buôn người. Chia tay Siem Reap tôi về lại Nam Vang để đến thăm một trung tâm tạm trú của các nạn nhân buôn người.

Hãng xe Sapaco lại tìm dùm xe cho tôi trở lại thủ đô, họ gởi tôi đi theo một“chuyến bay đêm” vì ngày hôm sau đó sẽ không còn chuyến nào khác. Đành vậy thôi, thì cũng đi thử xem sao, vì ở cái khách sạn rẻ tiền ($10/đêm) ngay khu Tây Ba Lô tôi cũng đã chán lắm rồi cái phòng nhỏ xíu có mùi khó ngửi ấy, lại phải đi ngang một hành lang tối tăm. Đêm nào tôi muốn đi ra ngoài để thở một chút thì lại bị hứng chịu cái ồn ào bởi các vị khách say xỉn, thỉnh thoảng lại có một chuyến xe tuk tuk chở các vị Tây Ba Lô chạy ngang khách sạn ca hát ầm ĩ.

10 đôla chứ 5 đô tôi cũng ở, đi làm từ thiện chứ có phải đi du lịch đâu, uống nước suối ăn bánh bao chiên của một chị người Việt ở Chợ Cũ, thế là xong một ngày của một thiện nguyện viên. Chị này biết tôi là đồng hương từ Mỹ qua nên bớt cho 50 xu một cái bánh bao, trả công tôi thông dịch cho một ông Mỹ hỏi bánh bao chiên là cái gì? Hai cái bánh bao chiên 1 đôla, chai nước suối 1 đôla nữa, 2 đôla để sống một ngày tôi vẫn thấy là đủ vì biết rằng có nhiều em gái nhỏ đang bị bọn buôn người bỏ đói còn bắt tiếp khách mua dâm cả ngày.

Chiếc xe chạy qua đêm của hãng xe Gold VIP Transport Service & Tour chạy chuyến 12 giờ khuya, nhưng cũng bắt tôi đứng đợi đến hơn 1 tiếng đồng hồ nó mới lù lù tiến đến. Lần đầu tiên tôi đi kiểu này, mỗi vé là một cái giường xếp được ngả ra cho hành khách ngủ. Chung quanh các vị Tây Ba Lô nam nữ cứ nằm phè ngủ vô tư, tôi cũng vô tư mà đánh một giấc cho tới Nam Vang... trong giấc mơ còn phảng phất nụ cười Bayon.

***

Nằm khiêm nhường, chìm khuất nơi những hẻm sâu khúc khuỷu, bên cạnh một ngôi chùa, chi nhánh của trung tâm tạm trú, huấn nghệ cho các bé gái nhỏ mang tên Cambodian Women’s Crisis Center (CWCC) khá kín cổng cao tường, dường như rất ngại ngùng đón khách viếng thăm. Hẹn hai lần tôi mới được một cô người Việt tên Lin đón tiếp, sau khi qua một cái cổng gác có bảo vệ.

Tiếp tôi ở một bộ bàn ghế bằng đá trong góc vườn, cô Lin cho biết trung tâm này được thành lập từ năm 1997 bởi một nhóm nữ thiện nguyện. CWCC có văn phòng chính ở Nam Vang, hai chi nhánh ở Banteay Meanchey và Siem Reap. Mỗi năm, CWCC nhận khoảng gần 1,500 nạn nhân buôn người, bạo hành gia đình, bị hãm hiếp hoặc bắt làm lao nô.

Riêng nạn nhân bị hãm hiếp chiếm tới 58% là dưới 18 tuổi. Hiện có khoảng hơn 200 nạn nhân của các tệ nạn kể trên đang cư ngụ tại ba nhà tạm trú của CWCC. Khi chúng tôi đang trò chuyện, tôi nhìn thấy một số bé gái đang tới lui trong căn nhà tạm trú.

Trong chuyến về lại Việt Nam lần này tôi không bị rắc rối passport như lần trước, nhưng “oan gia ngõ hẹp”, về ngay chuyến xe của bác tài đã bỏ rơi tôi trong lượt đi. Tuy còn nhớ “thù” nhưng tôi chẳng dám trách bác một tiếng nào, kẻo bác lại bỏ rơi tôi ở biên giới nữa thì bỏ đời.

Cho đến tận giây phút này, sau khi viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn còn nghe văng vẳng câu ca... “Ôi, ngỡ gặp em đây rồi bên suối trong. Nhìn lại hóa ra chỉ là ánh sao mai”... Giã từ Điệu Buồn Angkor.ª

http://tuanbaosongonline.com/D_1-2_2-187_4-608/dieu-buon-angkor.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét