Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

HAG tuột dốc, kế tiếp là gì

HAG tuột dốc, kế tiếp là gì

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok, 2013-05-15
Chuyện tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại bước sang một biến chuyển mới đó là cổ phiếu của HAG rơi xuống mức kỷ lục sau khi bị tổ chức Nhân chứng Toàn Cầu (Global Witness) tố giác là đã thông đồng với chính phủ Campuchia và Lào để có những khoảng đất lớn vượt quy định của hai nước này để trồng cao su. Hàng chục ngàn mẫu rừng cũng bị tập đoàn HAGL cấu kết với các trùm kiểm lâm hai nước để khai thác trắng những cánh rừng già chở gỗ về Việt Nam xuất khẩu.
Cuộc chiến Hoàng Anh Gia Lai  và Global Witness
Sáng ngày hôm qua, một ngày sau khi bản công bố của Global Witness tung ra, cổ phiếu của HAG mất 1.400 đồng/cp, còn 21.400 đồng/cp xấp xỉ 6%  giá trị bị rớt xuống. Là chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm trong tay hơn 311,6 triệu cổ phiếu HAG, từ phản ứng này của thị trường chứng khoán, tài sản trên sàn của ông Đoàn Nguyên Đức bỗng chốc biến mất 436,25 tỷ đồng. Với biên độ giảm của HAG tính riêng trong phiên hôm qua, hơn 400 tỷ đồng của ông Đoàn Nguyên Đức đã không còn hiện hữu sẽ kéo theo những hệ lụy khác khó ai có thể tiên đoán trước cho tương lai cổ phiếu của tập đoàn này sẽ còn rơi bao nhiêu nữa.
Nói với chúng tôi, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng sự ác ý của Global Witness có thể làm cho tập đoàn sụp đổ mặc dù một số cổ đông lớn của công ty chưa chú ý lắm đến vần đề này.
Tôi cho rằng cái báo cáo này nếu mà sâu xa thì nó rất quái ác rất thâm hiểm. Nó làm cho công ty có thể sụp đổ, mà sụp đổ cũng có nghĩa vài chục ngàn lao động cũng chết theo.
ông Đoàn Nguyên Đức
Công ty mình là công ty niêm yết có một số cổ đông lớn họ không hiểu và họ không biết vụ này, họ không mind (không chú ý). Tôi cho rằng cái báo cáo này nếu mà sâu xa thì nó rất quái ác rất thâm hiểm. Nó làm cho công ty có thể sụp đổ, mà sụp đổ cũng có nghĩa vài chục ngàn lao động cũng chết theo. Như vậy sâu xa thì tổ chức này rất ác chứ không phải là tổ chức tốt.

Những cánh rừng ở Campuchia bị san bằng bởi đại công ty của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (tháng 3, 2013)
Những cánh rừng ở Campuchia bị san bằng bởi đại công ty của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (tháng 3, 2013) AFP


Sự sụt giá này báo động cho những điều tồi tệ khác mà HAGL phải đối phó nếu không muốn cơn lốc truyền thông chú ý khai thác nhiều và sâu hơn.
Đối với Global Witness, tình trạng hối lộ của các tập đoàn đầu tư tại các nước thứ ba được chú ý không phải vì tổ chức này được mua chuộc hay thuê mướn điều tra mà đơn giản vì đây là mục tiêu của nó khi được thành lập chỉ để làm công việc điều tra trên những đề tài nhân đạo và bảo vệ môi trường toàn cầu. Nó chú ý tới những nước đang phát triển bị các tập đoàn lạm dụng quyền lực tài chánh của mình để triệt phá rừng, bóc lột lao động và cấu kết với tài phiệt địa phương để tận thu tài nguyên, vắt kiệt sức lao động của người nghèo là tôn chỉ và mục đích của Global Witness.
Đây là một tổ chức phi Chính phủ của Anh, được thành lập vào năm 1993 có trụ sở tại London và thủ đô Washington D.C của Mỹ. Nó được tài trợ tới 80% bởi tỷ phú George Soros và 20% ngân quỹ còn lại được nhiều nước châu Âu chia nhau đóng góp. Global Witness bị nhiều nước đang phát triển chán ghét vì đã công bố những phi vụ làm ăn cũng như các âm mưu của chính phủ cấu kết với tài phiệt làm thiệt hại quyền lợi và cuộc sống của dân chúng nước họ.
Chúng tôi rất tự tin vào những bằng chứng ở đó. Chúng tôi đồng thời biết rằng bản thân Hoàng Anh Gia Lai nằm trên bản báo cáo đã được thông báo rộng rãi này đang có những hoạt động không tuân thủ luật pháp của hai nước Campuchia và Lào
bà Megan MacInnes
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn HAGL cho biết ông đã từng mời Global Witness cùng với cơ quan báo chí nước ngoài sang tận Lào và Campuchia để điều tra nhưng tổ chức này từ chối, ông nói:
Tụi tôi cũng đã làm mọi cách, việc đầu tiên là mình rất thật và mọi thứ rất công khai. Theo tôi biết ở Campuchia có một số đối lập xúi tụi này (Global Witness) làm chứ không phải đơn giản đâu. Tổ chức này nó đã xin gặp tụi tôi và tụi tôi đề nghị Tập đòan HAGL và tổ chức của nó kể cả đài báo mà vừa rồi nó gửi thông tin báo chí như BBC, AFP và Reuter...cùng nhau đi và HAGL tài trợ tất cả chuyến đi này để làm rõ việc này cho toàn thế giới biết. Chúng tôi đề nghị qua gặp người dân, chính quyền sở tại để xác minh HAGL có phá rừng hay không có làm những gì mà họ cáo buộc hay không. Nó không nhận lời mà cho biết chỉ muốn gặp tại Việt Nam thôi. Nhưng gặp tại Việt Nam thì giải quyết được vấn đề gì?

Các nhà đầu tư tham quan vườn cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Các nhà đầu tư tham quan vườn cao su ở Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai .(Source hagl.com.vn)


Đối với Hoàng Anh Gia Lai, Global Witness đã công bố những tác hại về môi trường cũng như đời sống cùng cực của người dân hai nước mà họ đã điều tra. Bà Megan MacInnes, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vấn đề đất đai của Tổ chưc Global Witness tin rằng những điều mà Globla Witness tìm hiểu là chính xác:
Chúng tôi rất tự tin vào những bằng chứng ở đó. Chúng tôi đồng thời biết rằng bản thân Hoàng Anh Gia Lai nằm trên bản báo cáo đã được thông báo rộng rãi này đang có những hoạt động không tuân thủ luật pháp của hai nước Campuchia và Lào.
Tuy nhiên ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định HAGL không làm bất cứ điều gì mờ ám nếu không muốn nói ngược lại:
Về sự trợ giúp công ăn việc làm tại địa phương cũng như cung cấp những phương tiện đặc biệt, những dự án nhằm giúp trường học đã không đúng như những gì mà người dân địa phương nói với chúng tôi. Người dân không hề cảm thấy hài lòng với tình trạng làm việc hiện nay của họ đối với HAGL.
bà Megan MacInnes
Một lần nữa tôi khẳng định HAGL không làm gì sai trái như họ nói mà HAGL đang làm những điều rất tốt cho xã hội ví dụ như ở Lào HAGL đã cất 2 ngàn cái nhà cho những người Lao động không có nhà ở để làm lao động. Xây một bệnh viện 200 giường cho không cái tỉnh nghèo này trị giá 10 triệu đô la. Nơi đó không đủ gạo ăn bây giời họ có nơi ở có gạo ăn đủ có TV có xe máy, nói tóm lại họ thay đổi cuộc sống gần như 100%. Và GDP của tỉnh đó không những tăng 10% mà tới 30% nhờ dự án của mình. Nó thay đổi cuộc sống xã hội hàng ngày ai cũng thấy, chính phủ rất mừng và ghi nhận công lao của mình.
Trong khi đó bà Megan MacInnes phản ứng với chúng tôi về những điều mà HAGL tuyên bố:
Phát biểu của công ty HAGL về sự trợ giúp công ăn việc làm tại địa phương cũng như cung cấp những phương tiện đặc biệt, những dự án nhằm giúp trường học đã không đúng như những gì mà người dân địa phương nói với chúng tôi. Người dân không hề cảm thấy hài lòng với tình trạng làm việc hiện nay của họ đối với HAGL. Họ cho biết lương của họ thì thấp mà lại không được trả đúng thời hạn. Họ không có hợp đồng làm việc và ngay cả phương tiện làm việc cũng thiếu thốn. Họ làm việc rất vất vả và trong vài trường hợp còn bị ảnh hưởng vì hóa chất.
Trong bối cảnh bất động sản đang đóng băng và thị trường chứng khoán hiện nay lao dốc khó kiềm hãm, cáo buộc của Global Witness càng làm cho tình hình của HAGL khó khăn thêm. Nhiều chuyên gia cho rằng HAGL nên có biện pháp quảng bá hình ảnh của mình một cách khôn ngoan hơn để xóa tan những tin tức không tốt trên diễn đàn thế giới, hơn là có những phản ứng mạnh mẽ bất lợi như hiện nay.
Cho rằng Global Witness "tìm cơ hội quảng bá tên tuổi" và "xin tài trợ" là cách chống chế không thuyết phục bởi không có lý do gì để họ chống lại HAGL, một tổ chức xa lạ và khá nhỏ bé so với tiếng tăm của Global Witness hiện có.
-----------

Global Witness: Cty VN phá rừng ở Lào & Campuchia để trồng cao su


Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-05-14
Tổ chức Global Witness vừa công bố phúc trình về tình hình hai đại công ty của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sang Kampuchia và Lào phá rừng để trồng cao su gây nên những tác hại về môi trường và cuộc sống của người dân địa phương.
Những điểm đáng chú ý trong báo cáo đó là gì? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Những vị vua cao su

Báo cáo có tên “Những vị vua cao su’ (Rubber Barons) dài 49 trang khổ giấy A4 được chính thức công bố vào lúc 7 giờ sáng ngày 13 tháng 5 theo giờ Việt Nam.
Báo cáo chỉ rõ đích danh tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng thu hồi đất đai tại hai quốc gia lân bang là Kampuchia và Lào.
Làm thế nào mà hai tập đoàn này có thể được chính quyền địa phương chuyển nhượng cho những khu đất rừng lớn để chặt gỗ đi lấy đất trồng cao su?
Global Witness nêu ra rằng hai tập đoàn này có mối quan hệ chặt chẽ với tầng lớp chính trị lãnh đạo tham nhũng và giới tài phiệt tại hai quốc gia đó. Chính hai thế lực này là lá chắn vững chắn để HAGL và VRG không bị phạt khi vi phạm các qui định nghiêm ngặt về bảo vệ rừng của nước chủ nhà.
Chúng tôi rất tự tin về những chứng cứ mà chúng tôi thu thập và nêu ra trong báo cáo. Những chứng cứ đó rất mạnh và được thu thập qua những kiểm tra kỹ lưỡng từ cộng đồng.
-Megan MacInnes
Global Witness nhận định rằng do giá cả cao su tăng cao và nhu cầu trên thị trường thế giới đối với mặt hàng cao su cũng mỗi lúc một lớn; đặc biệt là thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng mủ cao su, là những nhân tố khiến những đại công ty như HAGL và VRG tìm sang Kampuchia và Lào để mở rộng đất trồng cao su. Đó là hai nơi mà đất đai còn nhiều trong khi tại Việt Nam thì hầu như không thể mở rộng diện tích cao su được nữa.
Thống kê mà Global Witness đưa ra cho thấy tính đến cuối năm ngoái, Kampuchia đã cho thuê 2 triệu 6 trăm ngàn hecta đất; trong số này gần phân nửa là để để trồng cao su. Lào thì cho thuê ít nhất là 1 triệu 1 trăm ngàn hecta.
Sau khi nhận được giấy phép cho những khu tô nhương, hai tập đoàn HAGL và VRG tiến hành công việc phá rừng lấy đất trồng cây cao su. Việc phá rừng không chỉ nằm trong phạm vi được nhượng mà ra khỏi khu vực đó. Có cáo giác nói HAGL hợp đồng với một tay tài phiệt Kampuchia để khai phá rừng, chế biến gỗ lấy từ khu khai phá đó. Những công ty con của Tập đoàn HAGL dường như đều có mối quan hệ với các quan chức chính phủ của Kampuchia, cũng như hợp tác làm ăn với những nhóm thần thế chuyên đốn gỗ lậu.
hagl-lao-250.jpg
Tập đoàn HAGL phá rừng để trồng cao su ở Lào. Courtesy Global Witness.
Global Witness nói rằng cơ quan chức năng Lào và Kampuchia cấp giấy phép tô nhượng đất tại quốc gia và họ không tuân thủ luật lệ của chính nước họ. Khi mà cả hai tập đoàn này có những vi phạm luật pháp của nước chủ nhà khi tiến hành hoạt động phá rừng để trồng cao su tại những khu đất tô nhượng như thế, chính quyền sở tại cũng phớt lờ đi, không trừng phạt.
Báo cáo của Global Witness cũng lần đầu tiên phơi bày cho thấy vai trò của những định chế tài chính liên quan hoạt động đất của các tập đoàn như HAGL và VRG tại Kampuchia và Lào.
Theo Global Witness thì Deutsche Bank có cổ phần nhiều triệu đô la trong hai tập đoàn HAGL và VRG. Công ty Tài chính Quốc tế, IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới cũng có khoản đầu tư vào HAGL. Những khoản đầu tư như thế bị lên án là trái ngược lại với những cam kết công khai của cả hai định chế về các mặt đạo đức và phát triển bền vững. Cụ thể IFC hiện đầu tư gần 15 triệu đô la vào một quĩ ở Việt Nam, và quĩ này nắm giữ gần 5% cổ phần của HAGL.
Báo cáo nêu thêm một vài dữ liệu nữa như Deutsche Bank có nhiều mối quan hệ với HAGL, trong đó có 3,4 triệu cổ phần của  công ty này trị giá chừng 4,5 triệu đô la. Số cổ phần mà Deutsche Bank nắm tại Công ty Đồng Phú thuộc VRG là 1, 2 triệu cổ phần trị giá 3,3 triệu đô la Mỹ.
Bí mật công ty được cho là một yếu tố quan trọng giúp cho HAGL và VRG che giấu những phần hùn trong các công ty khác, từ đó giúp họ lách qua được những giới hạn mà qui định đề ra.

Tác động

Theo Global Witness thì những hoạt động của hai tập đoàn HAGL và VRG cùng các công ty con, hay dây mơ rễ má trong hoạt động khai thác cao su tại Kampuchia và Lào đang tàn phá cuộc sống của người dân bản xứ và phá hoại môi trường.
Trong thực thế dân chúng địa phương mất đi những diện tích đất và rừng bao la khiến họ phải đối mặt với sự nghèo đói. Những khu rừng thiêng, và đất đai chôn cất của họ của bị phá hủy.
Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề với LHQ để bàn thảo cách thức giải quyết tình hình thu hồi đất không chỉ liên quan hai trường hợp cụ thể HAGL và VRG mà là trên phạm vi toàn cầu.
-Bà Megan MacInnes
Tiếng nói từ phía Global Witness:
Bà Megan MacInnes, tác giả của báo cáo trình bày lại duyên do mà Global Witness biết đến hoạt động của hai tập đoàn HAGL và VRG sang Lào và Kampuchia khai phá rừng ở đó để trồng cao su:
“Khi chúng tôi bắt đầu làm nghiên cứu cho Global Witness về những ‘ông vua cao su’, chúng tôi bắt đầu xem xét đến những tài liệu về những nhà đầu tư cao su lớn tại Kampuchia và Lào. Chúng tôi biết rằng vấn đề các nông trường trồng cao su tại hai nước này đang là một vấn đề ngày càng gia tăng xét về phương diện thu hồi đất, cuộc sống người dân và tình trạng phá rừng. Chúng tôi phát  hiện ra Việt Nam là nhà đầu tư lớn về cao su tại cả hai nước Kampuchia và Lào, và những công ty thuộc tập đoàn HAGL và VRG là những đơn vị có vai trò đáng kể nên chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về hai tập đoàn đó.”
Cách thức tiến hành điều tra hoạt động của hai tập đoàn này tại hai nước Kampuchia và Lào được tiến hành ra sao? Bà Megan MacInnes cũng có trình bày:
Global Witness tiến hành điều tra cho báo cáo ‘Những ông vua cao su’ trong khoảng thời gian hơn 12 tháng. Hoạt động bao gồm những chuyến đi thực địa đến tại những khu tô nhượng và tại đó chúng tôi nói chuyện với người dân sống gần nơi đó. Chúng tôi sử dụng những tài liệu có sẵn về hai tập đoàn HAGL và VRG. Thế rồi chúng tôi sử dụng các tài liệu liên quan về tô nhượng, về chính sách phát triển cây cao su từ phía ba chính phủ Kampuchia, Lào và Việt Nam.”

Đề xuất

Báo cáo của Global Witness cũng nêu rõ hiện còn thiếu những qui định quốc tế nhằm có thể ngăn chặn các công ty và định chế tài chính góp phần gây nên nạn thu hồi đất tại những quốc gia nghèo khó nhất thế giới.
tdcsvn-250.jpg
Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN vận chuyển gỗ ở Campuchia. Courtesy Global Witness.
Global Witness đề xuất một số hành động cần phải thực hiện.  Trước hết nhà cầm quyền hai nước Kampuchia và Lào phải hủy tô nhượng dành cho các công ty được nêu danh là Heng Brother của Kampuchia, CRD, Hoàng Anh Oyadav, Hoang Anh Mang Yang, Krong Buk, Đồng Phú, Đồng Nai, Tân Biên, Hoàng Anh Atapeu, LVFG, HAGL Xekong, và Công ty Việt- Lào. Cả hai chính phủ phải ngưng mọi hoạt động có liên quan đến HAGL và VRG để tiến hành điều tra và khởi tố mọi hoạt động phi pháp khi phát hiện được.
Ngân Hàng Deutsche và Công ty Tài chính Quốc tế IFC cần có những biện pháp khẩn cấp bảo đảm HAGL và VRG tuân thủ những qui định về pháp lý, xã hội và môi trường đề ra. Hai tổ chức tài chính này phải chuyển hết các khoản đầu tư vào HAGL và VRG nếu như hai tập đoàn này không tuân thủ mọi cải sửa trong vòng sáu tháng.
Trong quá trình tiến hành điều tra, người của Global Witness từng đến gặp cả hai tập đoàn HAGL và VRG nêu ra những chứng cứ mà họ có được về tình trạng khai phá rừng để trồng cao su tại những khu tô nhượng ở Kampuchia và Lào; thế nhưng thật dễ hiểu là những bằng chứng không hay cho hai tập đoàn đều bị bác bỏ. Bà Megan MacInnes cũng dự liệu là khi báo cáo ‘Những ông vua cao su’ được chính thức công khai, thì hai tập đoàn này cũng sẽ lại bác bỏ; Global Witness biết điều đó nhưng theo như lời của bà Megan Innes thì Global Witness chắc chắn đó là những chứng cứ không thể nào từ chối được và tổ chức này sẽ có những bước tiếp theo:
“Trước hết khi tiến hành làm nghiên cứu, chúng tôi đã liên hệ với HAGL và VRG kể từ tháng 8 năm 2012, trình cho họ những chứng cứ và hỏi biện pháp họ sẽ giải quyết các tình trạng gây nên như thế nào. Cho đến nay họ chưa hề có hành động gì và bác bỏ những vấn đề được nêu ra. Tuy nhiên, chúng tôi rất tự tin về những chứng cứ mà chúng tôi thu thập và nêu ra trong báo cáo. Những chứng cứ đó rất mạnh và được thu thập qua những kiểm tra kỹ lưỡng từ cộng đồng. Những chứng cứ về việc hai tập đoàn này không tuân thủ luật lệ tại Kampuchia và Lào là không thể chối cãi được. Trong những tài liệu công khai được báo tại Thị trường Chứng Khoán London, HAGL cho thấy có những điều không tuân thủ luật pháp tại cả hai nước Lào và Kampuchia, nên chắc chắn họ sẽ không thành công khi bác bỏ những chứng cứ mà chúng tôi nêu ra.
Về những việc sẽ làm sau khi công bố báo cáo, chúng tôi sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng sáu này. Chúng tôi hy vọng lúc đó sẽ gặp lại được cả hai tập đoàn để cùng thảo luận về những chứng cứ được nêu ra. Tiếp tục thảo luận những biện pháp mà họ làm để giải quyết những vấn đề gây ra tại Kampuchia và Lào.
Chúng tôi cũng sẽ làm việc về những hoạt động có liên quan đến Deutsche Bank và IFC.
Dĩ nhiên chúng tôi sẽ trình bày vấn đề với Tổ chức Liên Hiệp Quốc để bàn thảo cách thức giải quyết tình hình thu hồi đất không chỉ liên quan hai trường hợp cụ thể HAGL và VRG mà là trên phạm vi toàn cầu. Nêu chú ý là khi so sánh với hai ngành khai khoáng và rừng đã có những qui định chặt chẽ đối với các công ty, thì những ngành công nghiệp như cao su vẫn chưa có những qui định về mặt luật pháp khiến gây quan ngại, do vậy chúng tôi sẽ thúc đẩy những tổ chức quốc tế đưa ra qui định và luật để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai.
Một số đề nghị trước mắt đối với những tập đoàn đang gây ra thảm cảnh cho người dân địa phương khi đất đai bị thu hồi khiến mất phương kế sinh sống là phải bồi thường thỏa đáng cho họ, và các tập đoàn phát triển cây cao su như HAGL và VRG phải tuân thủ các qui định về môi trường và luật pháp trong hoạt động của tập đoàn.”
Xin phép được nhắc lại, Global Witness là tổ chức được thành lập từ năm 1993, trụ sở chính tại London, Anh Quốc. Trong suốt 19 năm qua, Global Witness tiến hành những chiến dịch tiên phong ở những nơi xảy ra các xung đột liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng, môi trường và cả vi phạm quyền con người.
Global Witness tiến hành điều tra và đưa ra ánh sáng tình hình tham nhũng tại những nơi có nguồn tài nguyên phong phú như gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, kim cương… Một trong những mục tiêu là ‘giải lời nguyền tài nguyên’, giúp người dân sở tại được hưởng phần công bằng từ nguồn lợi trời cho đó. Ngoài ra việc khai thác phải hợp lý không vì lòng tham mà tận thu đến mức tàn phá như những công ty bị nêu danh trong báo cáo vừa mới công bố của Global Witness.
------------


Ông trùm cao su Việt Nam bác bỏ cáo buộc của Global Witness

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa bác bỏ báo cáo của Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) liên quan đến thông tin về các ông trùm cao su tại Campuchia và Lào. Phản ánh này được phát đi sau khi có cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang hủy hoại môi trường, sinh kế của người dân nước láng giềng.

Thông tin bịa đặt?

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức vừa ra thông cáo báo chí gọi những thông tin về Hoàng Anh Gia Lai là ông trùm cao su Việt Nam đang chiếm đất Campuchia và Lào là hoàn toàn bịa đặt và không có giá trị.
Ông nói Global Witness đã liên lạc với Hoàng Anh Gia Lai với một loạt các câu hỏi về các hoạt động của Tập đoàn nhưng họ không cung cấp các bằng chứng cụ thể liên quan đến các vấn đề mà họ đề cập.
Ông Đoàn Nguyên Đức lên tiếng như vậy sau khi Global Witness công bố báo cáo ngày 13/5 mang tên ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất ở Campuchia và Lào.
Theo Global Witness, các ông trùm cao su mới đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoảng đầu tư ào ạt. Cụ thể, các ngôi làng bị ảnh hưởng bởi các vùng nhượng quyền cao su; các dân tộc thiểu số bản xứ đã phải chịu đựng gánh nặng những tác động môi trường; gỗ hồng sắc và các loại gỗ quý khác nằm trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền của Tập đoàn đều bị khai phá bất hợp pháp. Kết quả là các hộ gia đình đang đối diện với tình trạng nghèo khó, trong khi các rừng thiêng và đất chôn cất đã bị phá hủy.
Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng từ cộng đồng và người dân sống gần khu vực Công ty để minh chứng Hoàng Anh Gia Lai không tôn trọng luật pháp Campuchia và Lào.
-Bà Megan MacInnes
Global Witness khẳng định rằng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phớt lờ luật pháp một cách có tổ chức. Hoàng Anh Gia Lai vào các công ty liên kết được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất. Trong đó, có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty liên kết được bố trí tổng cộng 200.237 ha đất, trong đó có 161.344 ha ở Campuchia. Global Witness cho rằng cả hai Tập đoàn này đều công khai phớt lờ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường và xã hội mà không bị trừng phạt cho đến bây giờ. Riêng Hoàng Anh Gia Lai đã công khai thừa nhận các hoạt động cảu họ tại hai quốc gia đều không tuân thủ pháp luật.
Bà Megan MacInnes, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vấn đề đất đai của Tổ chưc Global Witness phát biểu với RFA:
“Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng từ cộng đồng và người dân sống gần khu vực Công ty để minh chứng Hoàng Anh Gia Lai không tôn trọng luật pháp Campuchia và Lào. Hoàng Anh Gia Lai cần phải thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp Campuchia và Lào còn hơn phớt lờ báo cáo này. Chúng tôi không biết ông Đoàn Nguyên Đức đang nghĩ gì mà ra thông cáo phủ nhận…”

HAGL bảo vệ rừng?

Rừng cao su của HAGL tại Lào. (Ảnh minh họa)
Rừng cao su của HAGL tại Lào. (Ảnh minh họa)
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 13/5, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng các công ty con thuộc Hoàng Anh Gia Lai đang có các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Campuchia, Lào và các hoạt động này đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.
Ông Đức nhấn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của Hoàng Anh Gia Lai. Chính phủ Campuchia và Lào có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ.
Vẫn theo thông cáo, Hoàng Anh Gia Lai đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương bằng cách đóng thuế, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10,000 lao động địa phương và có nhiều đóng góp mang tính cộng đồng. Vì thế, trong những năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ Chính phủ hai nước.
Còn chính phủ Campuchia dường như không quan tâm đến báo cáo của Global Witness. Hơn nữa, còn khuyến khích Global Witness thưa chính phủ nếu có các bằng chứng đầy đủ.
Ông Phay Siphan, phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho rằng báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sĩ nhục và cáo buộc chính phủ. Campuchia không nhạc nhiên với báo cáo này vì Global Witness là một Tổ chức bảo vệ môi trường đối lập. Ông Phay Siphan nói:
“Chính sách phát triển nông nghiệp Campuchia không chỉ riêng cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các công ty Việt Nam. Việc nhượng đất đều dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng tài chính đầu tư và tính chuyên nghiệp phát triển. Mục đích, phát huy hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.
Việc phổ biến báo cáo như vậy không phải là hành động giúp giải quyết vấn đề ở Campuchia, không phải là đối tác để giúp hạn chế người vi phạm. Những gì nêu ra trong báo cáo là có động cơ chính trị, phê phán chính phủ…”
Việc phổ biến báo cáo như vậy không phải là hành động giúp giải quyết vấn đề ở Campuchia. Những gì nêu ra trong báo cáo là có động cơ chính trị, phê phán chính phủ…
-Ông Phay Siphan
Global Witness cũng chỉ trích một số công ty Tài chính quốc tế và ngân hàng Deutsche Bank đã bỏ vốn vào Tập đoàn này mà không thèm rà soát các cam kết về môi trường, nhân quyền và xã hội. Global Winess nói công ty Tài chính quốc tế gần đây đã đầu tư 14,95 triệu USD vào Quỹ Việt Nam, nắm giữ gần năm phần trăm cổ phần trong Hoàng Anh Gia Lai. Còn Ngân hàng Deutsche Bank có một số mối quan hệ với Hoàn Anh Gia Lai, bao gồm nắm giữ 3,4 triệu cổ phiếu, trị giá gần 4,5 triệu USD. Ngân hàng cũng nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu trong công ty thành viên Đồng Phú của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện có giá trị 3,3 triệu USD.
Liên quan những rắc rối này, ông Hannfried von Hindenburg, phát ngôn viên của Công ty Tài chính quốc tế ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương phát biểu với RFA rằng mục đích của việc tài trợ vào Quỹ Việt Nam là nhằm tạo công ăn việc, nâng cao đời sống người dân nhưng từ chối thông tin Công ty Tài chính quốc tế đầu tư trực tiếp vào Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Hannfried von Hindenburg nói:
“Đối với báo cáo của Global Witness, chúng tôi rất hân hạnh điều tra và nghiên cứu những báo cáo một cách cận thận. Chúng tôi cùng đối tác tài trợ sẽ tiếp tay rà soát những vấn đề vướng mắc.”
Theo báo cáo Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai là Tập đoàn tư nhân Việt Nam, thành lập từ năm 1993 và hoạt động trong các lĩnh vực như thủy điện, bất động sản, khoáng sản, cao su, gỗ đá và bóng đá. Tập đoàn này có 6 công ty đang hoạt động trồng cao su và cọ dầu tại Campuchia trên tổng diện tích 50.000 hécta đất. Ở Lào có 8 công ty với tổng diện tích 40.000 hécta đât. Trong đó, có một dự án Thủy điện, 3 dự án trồng cao su, một dự án khoáng sản và 3 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và dịch vụ. Năm 2012, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thu lợi nhuận trước thuế gần 525 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2011.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đầu tư vào Campuchia tổng diện tích đất tô nhượng và sang nhượng hơn 270.000 ha. Hiện, các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã trồng được 70.000 ha.
Tổng diện tích đất mà hai Tập đoàn Việt Nam nhận được cao hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ Campuchia công bố ngày 8 tháng 5 rằng các công ty Việt Nam hưởng đất tô nhượng trên tổng diện tích 231.000 ha.
Ông Trương Minh Trung, Chánh văn phòng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho RFA biết cả hai Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ Ngoại giao sẽ trả lời chính thức liên quan những cáo buộc của Global Witness.
Global Witness cũng nhấn mạnh chính phủ Campuchia và Lào là thành phần then chốt trong vấn đề nói trên. Họ cấp phép nhượng quyền trái với pháp luật và không có biện pháp hành động nào khi Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su công khai phớt lờ luật pháp tương tự này.
Global Witness cũng nêu bật sự thiếu hụt các quy định quốc tế để ngăn chặn không cho các công ty và các nhà tài phiệt kích động việc chiếm đất ở các nước nghèo nhất trên thế giới. Đồng thời, cũng kêu gọi chính phủ Campuchia và Lào hủy bỏ việc nhượng quyền cho các công ty đang chiếm đất, phá rừng, gây hại cho dân địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét