Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Hương ước hay: Cô dâu mặc váy cưới sẽ bị phạt

Cô dâu mặc váy cưới sẽ bị phạt
Ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc), cô dâu trong ngày trọng đại không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc áo tân thời. Nếu vi phạm, gia đình sẽ bị cắt điện.
Hơn 10 năm nay, thị trấn Yên Lạc (với tên gọi cũ là Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) duy trì những quy ước riêng lạ lùng. Theo đó, đám cưới của thanh niên trong thị trấn chỉ được tổ chức vào 2 ngày mùng 2 hoặc 16 âm lịch hằng tháng.
Chính quyền nơi này đã quyết định làm một "cuộc cách mạng nhỏ" khi đưa ra quy ước cưới xin độc đáo, một "thương hiệu" và điểm nhấn không thể lẫn vào đâu được tại địa phương và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Theo đó, đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày trong tháng âm lịch là mùng 2 và 16. 
Cùng với quy định ngày cưới, Yên Lạc cũng quy định cụ thể về cách thức tổ chức như không làm sân khấu, không dùng loa nén, không làm cổng chào, không dùng lẵng hoa, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau khi cưới... và đặc biệt, cô dâu không được mặc váy cưới, mà chỉ được mặc áo tân thời. Nếu gia đình nào vi phạm quy ước đều phải chịu một hình phạt rất đặc biệt là bị... cắt điện trong một tuần.

Đám cưới trong thị trấn chỉ được tổ chức trong 2 ngày là mùng 2 và 16.
Anh Biên (một người dân thị trấn) kể lại: “Vợ tôi ở xã bên, trước đám cưới cô ấy rất háo hức đi ngắm váy cưới. Thế nhưng khi tôi bảo thị trấn chỗ anh không cho mặc váy đâu, nếu làm vợ anh, em phải chấp nhận điều kiện này đầu tiên thì cô ấy cũng chỉ còn biết thốt lên: “Úi trời, sao lại có chuyện kỳ lạ vậy”, rồi nét mặt vô cùng rầu rĩ”. Nói đúng hơn, mặc váy chỗ nào thì mặc, nhưng khi cô dâu đã vào địa phận thị trấn phải lập tức cởi ra.

Trong những ngày được tổ chức cưới, người dân thị trấn dành tất cả thời gian để đi dự đám cưới, chìm trong không khí chúc tụng, cỗ bàn. “Chúng tôi gọi đó là những ngày hội của thị trấn - ngày hội đám cưới độc nhất vô nhị mà chẳng nơi đâu trên đất nước này có được”, ông Duyên, một vị cao niên hóm hỉnh thổ lộ.

Tất cả các quy định đều được mọi người trong thị trấn hoàn toàn nhất trí. Cái hơn thiệt của quy ước này được ông Duyên phân tích rạch ròi: “Thị trấn quy định thế này là để dân tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí, chống lãng phí trong toàn dân. Đơn giản như trong hai ngày mùng 2 và 16, nhà anh có 4 người thì chia nhau mỗi người tới một đám, có 4 đám chỉ hết một hoặc nửa ngày là xong. Đấy là tiết kiệm về thời gian, những ngày sau không phải đi đám cưới nào nữa”.

Vui nhất có lẽ là những gia đình đông con như gia đình bà Nguyễn Thị Bàn, khu phố 3, thôn Đông, có 5 anh con trai đều đã tổ chức theo nếp sống mới của địa phương. Còn gia đình bà Dương Thị Hạnh có 6 anh con trai thì có 4 anh đã lập gia đình, cũng rất phấn khởi khi thực hiện nếp sống mới trong tục cưới xin ở địa phương. Bà Bàn nở nụ cười tươi, giọng đầy hồ hởi: "Tiết kiệm lắm cháu ạ. Nếu tổ chức như xưa có khi giờ bác và các con vẫn phải làm mà trả nợ đám cưới cũng nên".

Chị Nguyễn Thu Hằng (25 tuổi, người dân thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Ngẫm ra mới thấy là quê mình có một tục lệ cưới xin thật đặc biệt và thú vị, mà hình như chưa một vùng quê nào có. Thực ra, tục lệ ấy phải có nhiều cái hay thì nó mới sống được đến ngày hôm nay. Bản thân mình rất tự hào!".

Đình làng thị trấn Yên Lạc, nơi chứng kiến bao sự đổi thay của làng.

Chị Lệ Thương, một người dân, góp lời: "Cưới xin là đại sự của đời người, ai cũng mong ngày cưới của mình là một ngày đặc biệt nhất, đẹp nhất, hoặc có thể tụ họp đông đủ nhất tất cả bạn bè gần xa... Việc quy định ngày cưới có phần hạn chế việc tự do lựa chọn ngày cưới của mỗi gia đình, mỗi cặp uyên ương. Tuy vậy, nếu được lựa chọn, có lẽ đại đa số vẫn sẽ bỏ phiếu tán thành cho sự tồn tại của nó như một dấu ấn đặc biệt của quê tôi".

Ngoài chuyện cưới xin lạ đời, thị trấn này còn dành quỹ đất và tiền giúp xây phần mộ chuẩn bị cho những người sắp mất. Tại một nghĩa trang của thị trấn, hàng chục ngôi mộ xây sẵn, nằm ngăn ngắn ngay lối vào. Đằng sau mỗi tấm bia mộ, đều được đánh số thứ tự, được thị trấn xây sẵn để chờ phục vụ… người chết. Có những ngôi mộ đã mồ yên mả đẹp, khói hương nghi ngút. Song không ít những ngôi mộ còn "chưa có người ở", vẫn đang trong tình trạng lộ thiên.

Ông Hoàng Văn Kha (người dân thị trấn Yên Lạc) cho biết, cách đây gần chục năm, Yên Lạc đã đề xuất quy hoạch, rồi thiết kế và xây sẵn mộ ở nghĩa trang. Theo đó, mỗi làng có một nghĩa trang. Tại nghĩa trang của từng làng, luôn có 120 ngôi mộ xây sẵn. Mỗi ngôi có chiều dài 2 mét, chiều cao bằng nhau.

Ông Kha cũng giải thích: "Thời gian từ lúc người mất đến lúc cải táng là 3 năm thì năm đầu địa phương xây 40 mộ, các năm còn lại, mỗi năm xây thêm 40 phần mộ nữa. Các phần mộ được đánh số từ 1 đến 40. Vậy là người quá cố cũng có vị trí, thứ tự của riêng mình. Người nào "ra trước" thì ở nhà số trước, lần lượt cho đến hết các số thứ tự. Sau thời gian 3 năm, người nào được chôn cất ở hàng mộ đầu tiên sẽ được cải táng sang địa điểm khác. Nếu có người mất sau này, thì lại chôn vào mộ đó. Mọi việc tuần tự và rất quy củ".

Ngồi bên cạnh ông Kha, bà Tài chia sẻ thêm: "Những ngôi mộ đó được địa phương đứng ra xây, còn tiền thì do những nhà hảo tâm, công đức ủng hộ. Làm như vậy, vừa tiết kiệm đất, lại vừa sạch sẽ, gọn gàng, không ảnh hưởng đến môi trường".

Ông Phạm Xuân Tân (một người dân thị trấn Yên Lạc) phân tích: "Nhiều nơi họ làm phân tán, phí ruộng, phí đất. Đang đường cày thẳng tắp, trâu chạy băng băng thì vướng vào phần mộ, lại phải lách sang mà làm, bất tiện lắm chứ. Làm thế này, không chỉ sạch đẹp, gọn gàng, mà lại rất đoan trang. Hiện nay, Yên Lạc có 4 thôn là thôn Đông, thôn Trung, thôn Tiên, thôn Đoài thì 3 thôn đã xây mồ mả như vậy rồi. Thôn Đoài quê tôi dự tính năm nay cũng xây khoảng 60 - 65 mộ. Tôi ước sao đâu đâu cũng học, làm theo cách này".

Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét