Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

“Chuột bao tử” món ăn ghê rợn của người Việt

“Chuột bao tử” món ăn ghê rợn của người Việt
GĐ&XH Cuối tuần: Nhiều “quý ông” Việt lại rỉ tai nhau về chuột bao tử – một món ăn “độc”, mà rất dễ kiếm ở miền quê. Thậm chí còn tin rằng, món mới này từng được Từ Hy Thái Hậu và cả vua Càn Long bên Trung Quốc xưa “ngự dụng”, nên tác dụng còn hơn cả mấy món “kinh dị” trước đây như bào thai rắn hay bào thai hổ…
 
Chuột bầu được sơ chế chuẩn bị phục vụ các quý ông
Sau tiếng “bịch” khô khốc, ba con chuột đang mang thai bị ném thẳng vào chậu nước nóng, cạo lông sạch sẽ. Trên tay lăm lăm con dao bén nhọn, người chủ hàng rạch thẳng một đường từ bụng chuột “bầu” xuống hậu môn, lôi đám chuột bào thai (chuột bao tử – PV) còn đỏ hỏn ra ngoài. Một tay gạt bỏ mớ bùng nhùng còn dính, một tay người này ném đám chuột bao tử vào nồi nước sôi sung sục đã được nêm gia vị. Sau chừng một phút vớt ra, những bào thai chuột kinh dị ấy sẽ trở thành món ăn tươi sống “thượng hạng”, phục vụ nhu cầu thưởng thức “của lạ” để tăng cường sinh lực của các “quý ông” có nhu cầu…

Cận cảnh giết chuột mẹ, nhai sống chuột con
Với quan niệm “càng độc, càng lạ” càng tăng cường sức khỏe, nhiều “quý ông” Việt không ngừng đi săn lùng các loại sản vật mà công dụng chưa hề được chứng thực này. Cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao khi chứng kiến sự rộ lên của phong trào săn trứng ung, trứng thối, các loài động vật quý hiếm như: hổ, vọoc chà vá hay các loại thực phẩm động vật thông dụng như trâu, hươu, ngựa, dê cho tới rượu ngâm cây thuốc phiện để tăng cường khả năng quan hệ tình dục của các đấng mày râu.
Dường như chưa đủ thỏa mãn, thời gian qua, nhiều “quý ông” Việt lại rỉ tai nhau về chuột bao tử – một món ăn “độc”, mà rất dễ kiếm ở miền quê. Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng, các “quý ông” còn tin rằng, món mới này từng được Từ Hy Thái Hậu và cả vua Càn Long bên Trung Quốc xưa “ngự dụng”, nên tác dụng còn hơn cả mấy món “kinh dị” trước đây như bào thai rắn hay bào thai hổ…
Lần theo những lời rỉ tai này, PV GĐ&XH Cuối tuần đã tìm về thôn Tam Á (xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh), nơi được đồn có sẵn “nguồn hàng” cung cấp cho các quý ông. Trong vai người muốn mua chuột bao tử, chúng tôi tìm đến chợ đầu thôn Tam Á hỏi thăm.
Mới 8h sáng, nhưng khi nghe phóng viên đề đạt yêu cầu, mấy tiểu thương chuyên kinh doanh thịt chuột đã nhao nhao trả lời: “Giờ này mới tới thì làm gì còn. Mùa này chuột hiếm lắm, nên sáng sớm thì đến chuột thịt cũng hết hàng, nói gì chuột bao tử”. Những người này còn cho biết thêm, mùa chuột đồng rộ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Thời điểm đó, dọc hai bên đường của thôn Tam Á, thịt chuột đã được làm sạch, ướp sẵn bày bán la liệt.
“Thượng đế” có nhu cầu chỉ cần bỏ ra chừng 70.000 đến 100.000 đồng là có thể mua cả kí lô về tự chế biến. “Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn chuột đồng nở rộ, thì những giao dịch với mặt hàng “độc” là chuột bao tử cũng không bao giờ thực hiện ngoài chợ. Muốn tìm thứ đặc sản này, các chú phải đến tận nhà người gom hàng. Ở Tam Á này, cũng chỉ có vài nhà cung cấp được thứ hàng hiếm ấy”, một người dân ở thôn Tam Á cho chúng tôi biết.
Theo lời chỉ dẫn của chị Bích, phóng viên tìm đến nhà anh T., một trong những đầu mối “gom hàng” đặc sản chuột bao tử có tiếng trong thôn Tam Á. Vừa vào đến cổng, chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi trong nhà anh có hàng chục chiếc lồng chồng chất lên nhau. Bên trong đó, những con chuột “bầu” bị nhốt chung lồng, tiếng kêu “chít chít” vang lên không ngớt. Biết chúng tôi có nhu cầu mua chuột bao tử, anh T. vồn vã giới thiệu: “Món này xưa kia chỉ vua chúa mới được dùng chứ chẳng đến lượt dân thường. Các chú biết tìm đến đây là rất “sành” đấy. Ăn một bữa cái món chuột bao tử này, thì đảm bảo “chuyện ấy” mấy bà vợ sẽ không chê vào đâu được”.

 

Làm thịt những con chuột đang mang thai

Vừa thao thao giới thiệu, anh T. vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan một lượt, đồng thời chọn hàng. Anh cho biết: “Mỗi con chuột bầu này tôi bán làm hai lần. Các chú có nhu cầu ăn chuột bao tử, tôi sẽ mổ lấy cho dùng tại chỗ luôn. Còn thịt chuột mẹ, nếu muốn mua các chú trả thêm tiền như chuột thịt bán ngoài chợ, tôi sẽ làm sạch, ướp lá chanh cho mang về. Trường hợp không có nhu cầu, tôi mang thịt chuột ra chợ bán, không sao cả”.
Nghe lời quảng cáo “rùng mình”, chúng tôi cố nén cảm giác ớn lạnh, bảo chỉ muốn mua chuột bao tử cải thiện sinh lý. Không chậm trễ, anh T. bắc bếp chuẩn bị hai nồi nước sôi, trong đó một nồi là nước trắng (sau dùng làm thịt chuột – PV) và nồi còn lại được nêm thêm xả, ớt, gia vị. Trong thời gian chờ nước sôi, anh T. mở lồng, dùng tay không bắt ba con chuột “bầu”.
Mấy tiếng “bịch” khô khốc vang lên, ba con chuột xấu số đã bị đập chết và ném vào cái chậu được chuẩn bị sẵn. Sau chừng vài phút cạo lông sạch sẽ, anh T. lia dao rạch một đường “ngọt lịm” từ cổ xuống hậu môn, lôi ra đám chuột bào thai còn đỏ hỏn, chưa mở mắt lúc nha, lúc nhúc.
Trong khi chúng tôi đứng bên cạnh tái xám mặt vì kinh hãi, thì anh T. đã nhanh tay cầm đám chuột bao tử giơ lên, bảo: “Ăn thứ đặc sản này rất vệ sinh vì chẳng cần cạo lông hay mổ xẻ gì”. Nói đoạn, ông chủ nhanh nhẹn dùng dao cắt mớ bùng nhùng còn dính lại trên bào thai chuột, đồng thời ném thẳng vào trong nồi nước đã nêm sẵn gia vị đang sôi lên ùng ục. Chưa đầy một phút chao qua chao lại, những bào tử chuột vẫn còn đỏ tươi được vớt lên, chúng tôi kinh hãi nhìn anh T. “thị phạm”, bỏ luôn một con vào miệng nhai ngấu nghiến.
Lấy tay gạt đi dòng máu đỏ tươi còn rỉ ra, đọng lại nơi khóe miệng, anh T. mời mọc: “Các chú thử đi, hương vị tuyệt vời”. Dù đã thấy thật kinh khủng, nhưng vì trót vào vai người mua hàng, chúng tôi chẳng còn cách nào hơn là phải “liều mình” thử món “đặc sản” kinh dị này. Hương vị của nó thì hoàn toàn chẳng giống như ông chủ “vựa” chuột miêu tả, vừa qua miệng là nồng nặc mùi tanh, khiến người ăn xộc lên cảm giác buồn nôn, ghê ghê nơi miệng.

Chuột “bầu” từ cống rãnh chui lên
Rời nhà anh T., vẫn trong vai thực khách cần tìm mua chuột bao tử, chúng tôi tìm đến nhà chị H., chủ một “vựa” chuột “bầu” khác ở thôn Tam Á. Tiếc là khi chúng tôi đến nơi, chị H. lại vừa xuất hết sạch hàng cho một nhóm khách từ Hà Nội. Nghe chúng tôi nài mua số lượng lớn, chị H. bèn níu kéo, rồi lục tục xuống bếp, hì hụi làm một đĩa thịt chuột hấp lá chanh thơm lừng.

 

Làm thịt những con chuột đang mang thai

Bên bàn nhậu, khi câu chuyện đã thân tình, chị H. bảo: “Mùa này hiếm chuột, nên chuột thịt bình thường ngoài đồng còn chẳng đủ dùng nói gì đến chuột “bầu” sạch. Khách về đòi lấy hàng ngay, tôi cũng phải đặt hàng thợ săn chuột ở cống, rãnh về thôi. Loại chuột đó ủ đầy bệnh tật, dân đây chỉ bán chứ chẳng ai dám dùng. Nếu các chú lấy nhiều, thì chịu khó chờ đợi tôi cho người nhà gom hàng sạch săn ngoài đồng, sạch sẽ mà đảm bảo. Thịt chuột các chú dùng đây cũng chính là chuột ông nhà tôi đi săn về cho nhà dùng riêng đấy”.
Chúng tôi hỏi thêm chị H., liệu các “vựa” chuột “bầu” khác ở thôn Tam Á có sẵn hàng sạch không (?), thì bà chủ này khẳng định như đinh đóng cột rằng: Mùa hiếm chuột này, đào đâu ra lắm thế mà cung cấp. Chị H. còn nói thêm: “Dạo gần đây, nhu cầu về chuột bao tử của khách ngày càng lớn. Không chỉ cánh đàn ông mà nhiều bà vợ, nghe tin chuột bao tử tốt cũng về Tam Á săn lùng, đặt mua cho kỳ được để mua cho chồng mình. Thế nên, “vựa” chuột “bầu” nào hầu như cũng trong tình trạng cháy hàng. Thế thì làm gì có thời gian mà để ý nguồn gốc, xuất xứ”.
Nghĩ đến lời cảnh báo của chị H., chúng tôi rùng mình xin cáo lui, hẹn ngày khác sẽ quay lại đặt tiền lấy hàng nhưng trong thâm tâm đã tự nhủ “sẽ một đi không trở lại”. Còn những “quý ông” khác đã tìm đến những “vựa” chuột “bầu” như thế này với niềm tin mù quáng tin rằng sẽ giúp tăng cường sinh lực, liệu họ có còn dám “nuốt” món “đặc sản” kinh dị khi biết nguồn gốc thực. Và đáng lo hơn, những khách hàng đó rất có thể đã tự rước nguy cơ bệnh tật vào chính cơ thể mình.
Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng – Hà Nội) cảnh báo: “Thực chất, chuột bao tử cũng giống như nhiều động vật bao tử khác, do đang trong thời kỳ phát triển, chúng mang trong mình nhiều chất bổ dưỡng. Tuy nhiên, chúng cũng là vật mang trong mình rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, người tiêu dùng không biết nguồn gốc chuột, ăn phải sẽ mắc các bệnh như dịch hạch, sốt vàng và nhiều căn bệnh khác. Hiện chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến việc ăn chuột bao tử bị mắc bệnh, song quan điểm của tôi là không nên dùng món ăn kinh dị này”.
Cảnh báo ấy không biết có làm dịu đi “phong trào” săn lùng thứ đặc sản kinh dị này (?). Mong rằng, cũng giống như trào lưu ăn trứng ung, bào thai rắn, bào thai hổ…, món chuột bao tử cũng chỉ là “thú ăn chơi” bệnh hoạn nhất thời của một phận nhỏ những người thừa tiền, thiếu hiểu biết. Bằng không, những nguy cơ bệnh tật lây lan từ món “đặc sản” này sẽ thực sự trở thành cơn đau đầu của các cơ quan chức năng.

Chuột có thể lây truyền đến 35 loại bệnh nguy hiểm cho người
“Các loài chuột có thể làm lây lan 35 bệnh khác nhau. Có những bệnh lây trực tiếp sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt của chúng như sốt xuất huyết với hội chứng thận, dịch hạch, bệnh vàng da xuất huyết do Leptospira, sốt xuất huyết với hội chứng thận do Hantavirus. Ngoài ra, có những bệnh lây từ chuột sang người thông qua trung gian là bọ chét hoặc ve như bệnh dịch hạch, sốt xuất huyết Omsk, sốt núi đá, viêm não ngựa miền Tây…
Một số bệnh lây sang người qua vết cắn như bệnh dại, sốt do chuột cắn. Bên cạnh đó, chuột là nguồn lây bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella thông qua việc chúng thải phân mang những chủng Salmonella gây bệnh làm ô nhiễm thức ăn, nước uống của người.
Đáng nói hơn, các bệnh do chuột lây truyền hầu hết đều chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy, để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng”, BS. Hồng Nga – Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo.
(BXH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét