Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

(1) Quốc kỳ Việt Nam : Những cung đường lịch sử

Quốc kỳ Việt Nam : Những cung đường lịch sử

Sự ra đời và lưu hành của những lá quốc kỳ Việt Nam đã có nhiều bài viết cũng như nhiều cách lập luận, tuy nhiên, bức tranh tổng thể về lịch sử quốc kỳ Việt Nam thì chưa bao giờ có. Cần lưu ý rằng, lịch sử quốc kỳ là gồm thâu tất cả những lá cờ được sử dụng làm biểu trưng cho quốc gia – bất kể thể chế chính trị nào. Lịch sử là cái đã – đang – sẽ diễn ra chứ không  diễn ra theo-ý-muốn-của-ý-thức-hệ, cho nên, bài viết này cố gắng lược thuật lại dòng sử về quốc kỳ Việt Nam bằng cái nhìn khách quan, không nghiêng lệch theo ý niệm chính trị. Rất có thể, đây đó còn thừa hoặc thiếu, mong được bạn đọc góp ý và phản biện !

 
Bản đồ và quốc kỳ Việt Nam đương đại xuất hiện
 trong clip Việt Nam – hình hài một chữ S.
Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Âu châu (thường gọi là phương Tây), các nước Á Đông nói chung – Việt Nam nói riêng – không có khái niệm về lá cờ biểu trưng cho quốc gia, hoặc nếu có thì không được công nhận chính thức. Những lá cờ thường được sử dụng vào mục đích văn hóa (hội hè, tang gia bối rối…) hoặc quân sự, ngoài ra cũng có cờ biểu trưng cho hoàng gia – mà trực tiếp là biểu hiện sự cao quý của vua chúa – nhưng bị hạn chế sử dụng trong dân gian. Thí dụ, quốc kỳ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La (sau đổi là Thái Lan)… ban đầu được sử dụng làm chiến kỳ (lá cờ biểu trưng cho quân đội), lá quốc kỳ Đại Hàn Đế quốc (quốc hiệu cuối cùng của Triều Tiên trước khi bị Nhật Bản đô hộ) vốn dĩ là cờ hiệu của phái đoàn ngoại giao. Tại Việt Nam, mãi đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa có quốc kỳ, cờ biểu trưng cao nhất chỉ là cờ hoàng gia (hoàng kỳ).


1. Liên bang Đông Dương (1887 – 1953)
Được thành lập vào ngày 17 tháng 10 năm 1887 nhưng mãi đến năm 1923, Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) mới có quốc kỳ chính thức (trước đó chỉ sử dụng quốc kỳ Cộng hòa Pháp), lá cờ này được sử dụng đến khoảng năm 1945 – khi Đế quốc thực dân Pháp bị phát xít Nhật gạt khỏi Đông Dương. Đây là lá quốc kỳ đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam ; tỉ lệ 2/3 với nền vàng và quốc kỳ Pháp ở góc trái phía trên cùng – cờ tam tài thể hiện Nhà nước bảo hộ và màu vàng thể hiện giống người da vàng. Liên bang Đông Dương thực tế không phải quốc gia mà chỉ là liên minh các tiểu vương quốc và lãnh thổ ủy trị của Đế quốc thực dân Pháp tại Đông Á, cho nên có khi được gọi là xứ Đông Pháp. Lãnh thổ tương ứng Việt Nam ngày nay được chia làm ba kỳ : Bắc Kỳ (lãnh thổ ủy trị), Trung Kỳ (Đại Nam Đế quốc), Nam Kỳ (lãnh thổ ủy trị).

2. Việt Nam Đế quốc (1945)
Đầu năm 1945, chiến sự Thái Bình Dương biến chuyển bất lợi cho quân đội Nhật Bản. Với ý muốn xây dựng khu vực Đông Á thành hậu phương vững chắc của mình, Đế quốc Nhật Bản đột ngột thay đổi chính sách : từ bỏ minh ước “cùng nhau cai trị” để tiến tới thâu tóm hoàn toàn Đông Dương. Ngày mồng 9 tháng 3 cùng năm, hoàng quân Nhật Bản đảo chính thành công, gạt Đế quốc thực dân Pháp (chính phủ Vichy) khỏi Đông Dương và chỉ hai ngày sau (11 tháng 3) thì trao quyền độc lập về danh nghĩa cho Việt Nam. Bản chiếu chỉ đề ngày 27 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 11 tháng 3 Dương lịch) do Hoàng đế Bảo Đại đọc tại điện Kiến Trung, có chữ ký của 6 vị Thượng thư triều Nguyễn và sự chứng kiến của đại diện Nhật hoàng (Đại sứ, Tổng lãnh sự, Lãnh sự), có ý nghĩa tiên khởi cho nền độc lập của nước Việt Nam hiện đại. Quốc hiệu Việt Nam lúc đó là Việt Nam Đế quốc, thủ đô đặt tại Huế. Từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4, quốc kỳ nước Việt Nam (bấy giờ chỉ bao gồm Bắc Kỳ và Trung Kỳ) là cờ long tinh. Lá cờ long tinh (龍星帝旗) vốn là cờ hiệu của hoàng gia Nguyễn, sử dụng từ 1920 bởi các Hoàng đế Khải Định, Bảo Đại. Tỉ lệ cờ 1/2 với ba dải ngang : dải đỏ chen giữa hai dải vàng, chiều rộng nền đỏ chiếm 1/2 chiều rộng cờ.

Ngày 17 tháng 4, được sự ủy nhiệm của Hoàng đế Bảo Đại, chính khách Trần Trọng Kim (Tổng bí thư Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng) đứng ra lập tân chính phủ và được bầu làm Nội các Tổng trưởng (Thủ tướng). Quốc hiệu giữ nguyên, nhưng quốc kỳ thay đổi và thủ đô đặt tại Hà Nội. Lá quốc kỳ Việt Nam Đế quốc là cờ quẻ Ly, tỉ lệ 2/3 với nền vàng và quẻ Ly đỏ ở chính giữa, được sử dụng đến ngày 23 tháng 8 cùng năm. Ý nghĩa của lá cờ dựa trên thuyết ngũ hành : Nền Vàng thuộc hành Thổ, cũng tượng trưng cho sự cân bằng Âm-Dương, thể hiện ước vọng thái bình thịnh trị cho nước Nam. Quẻ Ly (離) thuộc hành Hỏa, có nghĩa là lệ dã (sáng chói), biểu trưng cho nhiệt năng (mặt trời, lửa, ảnh sáng) – cũng tức là nền văn minh ; phần màu vàng chen giữa ba vạch đỏ giống chữ công (工) có nghĩa là việc làm, lao động ; màu đỏ thuộc hành Hỏa, và cũng biểu trưng cho phương Nam. Cho nên, tổng thể lá cờ vừa hàm nghĩa tụng ca sự thịnh vượng, tự chủ của nước Việt Nam vừa tôn vinh đức siêng năng cần mẫn của người Việt Nam trong lao động sản xuất. Lãnh thổ Việt Nam Đế quốc lúc này đã gồm thâu cả Nam Kỳ.

3. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 – 1947, 1954 – 1955)
Sau cuộc chính biến 19 tháng 8 và tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 (có ý nghĩa như sự công bố thành lập) năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, có ý nghĩa là chính thể dân chủ cộng hòa đầu tiên tại Việt Nam và là sự kế thừa Việt Nam Đế quốc về chính trị cũng như lãnh thổ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực tế có thời kỳ gián đoạn khá dài (1947 – 1954) do sự bùng nổ cuộc Chiến tranh Đông Dương, chính phủ phải giải tán và trở thành Mặt trận Việt Minh, hoạt động chủ yếu tại chiến khu Việt Bắc. Lá quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cờ sao mai (hay còn gọi là cờ đỏ sao vàng), xuất hiện lần đầu trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), ý nghĩa của nó được lý giải trong một bài thơ của Nguyễn Hữu Tiến (tác giả) :
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu với cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì đất nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ-công-nông-thương-binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.
Tỉ lệ cờ 2/3 gồm ngôi sao vàng năm cánh chính giữa nền đỏ. Ngôi sao mai (còn gọi là sao Hôm – xuất hiện khi mặt trời mới nhú) thể hiện niềm tin vào tương lai rạng rỡ của đất nước.

4. Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955) và Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975)
Theo thỏa thuận Yalta (đầu tháng 2 năm 1945), bên cạnh việc quy định khu vực đóng quân sau khi Trục phát xít tan rã, ba cường quốc Liên Xô – Hoa Kỳ – Anh cũng nhất quán rằng, các khu vực trước Đệ nhị Thế chiến là thuộc địa thì trả về cho chính quốc cũ. Bởi vậy, ngay sau khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng (14 tháng 8 năm 1945), quân đội Pháp nhập vào lực lượng Anh quốc để tiến vào Đông Dương – một mặt là giải giới quân đội Nhật, mặt khác là dọn đường cho sự quay trở lại của Đế quốc thực dân Pháp. Về nguyên tắc, việc này tuân thủ đúng Hiệp ước Yalta. Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 (1946) – được ký giữa Jean Sainteny (đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp) và Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh (những đại diện của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) – quy định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do (tự trị) trong Liên bang Đông Dương (thực tế chỉ tồn tại trên danh nghĩa) và trực thuộc Liên hiệp Pháp. Sự kiện này cũng có ý nghĩa như dấu mốc hình thành khối Liên hiệp Pháp (1946 – 1958). Tuy nhiên, ngày 2 tháng 6 cùng năm, Cao ủy Đông Dương (tương đương với Toàn quyền) Georges Thierry d’Argenlieu đã đơn phương thành lập tại khu vực ngày nay là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ một thực thể có tên là Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (République autonome de Cochinchine), do đó làm mất giá trị bản Hiệp định, nhưng cũng có thể xem đây là một trong những căn nguyên dẫn đến cuộc Chiến tranh Đông Dương (nổ ra vào ngày 19 tháng 12 năm 1946). Dầu vậy, do thực lực quá yếu nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự giải tán vào khoảng đầu năm 1947 và trở lại hình hài Mặt trận Việt Minh, rút toàn bộ ban lãnh đạo lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 17 tháng 2 năm 1947 tại Nam Kinh (Trung Hoa Dân quốc), các tổ chức chính trị đối lập với Việt Minh và một số hội đoàn tôn giáo đã họp hội nghị thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp – tổ chức này là tiền đề của chính phủ Quốc gia Việt Nam.
Quốc gia Việt Nam ra đời ngày 14 tháng 6 năm 1949 theo thỏa thuận giữa đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp và cựu hoàng Bảo Đại (thoái vị ngày 30 tháng 8 năm 1945) – Hiệp ước Vịnh Hạ Long (7 tháng 12 năm 1947). Đây là chính thể quân chủ lập hiến, đứng đầu trên danh nghĩa là Quốc trưởng Bảo Đại, điều hành quốc gia là Thủ tướng và Nội các ; về kết cấu thì Quốc gia Việt Nam mô phỏng cách tổ chức của những nước đại nghị chế như Đức, Ý, Israel, Ấn Độ… Quốc gia Việt Nam kế thừa vai trò chính trị cũng như lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa tự trị Nam Kỳ – tức là thuộc khối Liên hiệp Pháp. Thủ đô đặt tại Sài Gòn. Quốc kỳ là lá cờ vàng ba sọc đỏ, tỉ lệ 2/3 với năm sọc ngang (hai sọc vàng chen giữa ba sọc đỏ) chính giữa nền vàng. Cờ vàng ba sọc đỏ sao phỏng cờ quẻ Càn của triều Nguyễn (1890 – 1920) nhưng màu đỏ sậm hơn. Tương tự cờ quẻ Ly, cờ vàng ba sọc đỏ tuân thủ nguyên tắc ngũ hành bát quái, chỉ khác một chút là quẻ Càn (乾) thuộc hành Thổ, có nghĩa là kiện dã (khỏe mạnh), tượng trưng cho tứ đức (nguyên-hanh-lợi-trinh, có tứ đức thì tạo nên nghiệp lớn), ý nghĩa của quẻ Càn là biểu trưng cho thiên mệnh, địa vị chính thống. Đó cũng là nguyên cớ vì sao những người suy tôn lá cờ này thường tự coi mình là “chính nghĩa quốc gia”. Ba sọc đỏ cũng hàm nghĩa ba giọt máu Bắc-Trung-Nam không thể chia lìa của đất mẹ Việt Nam.
Sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc với thắng thế thuộc về Mặt trận Việt Minh (7 tháng 5 năm 1954) và Hội nghị Genève (26 tháng 4 đến 8 tháng 5 năm 1954) tổ chức, Cộng hòa Pháp chấm dứt vai trò chính trị tại Đông Dương và quân đội Pháp phải triệt thoái khỏi miền Bắc Việt Nam (giới hạn là vĩ tuyến 17), chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khôi phục (10 tháng 10 năm 1954). Lúc này, lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nửa phía Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thủ đô Hà Nội), nửa phía Nam là Quốc gia Việt Nam (đô thành Sài Gòn). Nhưng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1955 (còn được gọi là trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam), Quốc trưởng Bảo Đại thất cử và Thủ tướng Ngô Đình Diệm thắng áp đảo. Ngày 26 tháng 10 năm 1955, ngài Ngô Đình Diệm nhậm chức Quốc trưởng (sau đó được gọi là Tổng thống) và đổi quốc hiệu là Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa kế thừa Quốc gia Việt Nam về lãnh thổ (đường biên tuân theo Hiệp định Genève) và vai trò chính trị. Ngày 26 tháng 10 năm 1956, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa được công bố, lá cờ vàng ba sọc đỏ được giữ nguyên làm quốc kỳ. Vai trò quốc kỳ của cờ vàng ba sọc đỏ tồn tại đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì chấm dứt – khi chính thể Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam được thay thế bởi Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

5. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955 – 1976) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay)
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khôi phục, nhưng cực Nam dừng lại ở vĩ tuyến 17 (tuân theo Hiệp định Genève). Sắc lệnh 249/SL (ngày 30 tháng 11 năm 1955) được ký bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấn định việc sửa đổi hình dạng ngôi sao để phù hợp với ngôi sao biểu trưng thường thấy trên quốc kỳ các nước Xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng về căn bản được giữ nguyên. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp khóa đầu tiên đã chọn lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chính thể nhất thống trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có ý nghĩa kế thừa hai thực thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

*************

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

Lá cờ long tinh của triều Nguyễn đứng bên cạnh quốc kỳ
Liên bang Đông Dương (hình in trên vỏ hộp thuốc lá).

Tem Đông Dương phát hành năm 1945 với cờ long tinh và hàng chữ 11.3.45
 (thời điểm Hoàng đế Bảo Đại công bố nền độc lập của Việt Nam Đế quốc).

Cờ sao mai theo bước chân Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội – 
10 tháng 10 năm 1954 (ghi lại trong bộ phim tài liệu Việt Nam của Roman Karmen).

Lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước sân Phủ Toàn quyền
 Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) – 1953.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong một chuyến thăm
 Cao nguyên Trung phần của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay giữa biển trời Trường Sa.

Xem tin nguồn: http://ttxva.org/quoc-ky-viet-nam/#ixzz2SIuRqkll
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét