Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

(2) Nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc: nên gửi tiết kiệm bằng VNĐ hay USD ?

Nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc
Tiếp tục trả lời bạn đọc về bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc, phần này nói về gửi tiết kiệm bằng VND hay USD có lợi hơn ?
Ngày 21.3.2013, khi đọc bài "Giữ tiền đồng lời gấp 3 lần USD”, bạn đọc MITTAIWAN đã viết nhận xét trong Blog này và gửi email trao đổi với tôi. Nhận thấy đây là một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm, hôm nay tranh thủ có ít thời gian rảnh rỗi giữa hai cuộc hẹn, tôi xin viết vài dòng trả lời bạn MITTAIWAN và đưa lên đây để các bạn đọc trẻ khác có thể tham khảo.
1. Ở Việt Nam, nên gửi tiết kiệm bằng VNĐ hay USD ?
1.1) Trong bài "Giữ tiền đồng lời gấp 3 lần USD”, tác giả Phạm Hà Nguyên viết: "...Giả dụ đầu năm 2012 người dân phải bỏ hơn 2,08 tỷ đồng để mua 100.000 USD mang gửi tiết kiệm ngoại tệ cá nhân trong ngân hàng sau một năm thu lãi được 2.000 USD (tương đương với gần 40 triệu đồng). Trường hợp quy đổi 100.000 USD đầu năm nay ra được khoảng hơn 2 tỷ đồng, gửi tiết kiệm với lãi suất tiền đồng lợi tức thu về sau 12 tháng vào khoảng trên 140 triệu đồng. Như vậy lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong một năm qua cao gấp 3,6 lần so với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Sự chênh lệch về lãi suất giữa VND/USD đã kích thích người nắm giữ ngoại tệ bán ra gửi tiết kiệm tiền đồng rất nhiều trong các ngân hàng..."
1.2) Bạn MITTAIWAN đã nhận xét như sau: "Cái ông tác giả bài viết này hình như chưa học kinh tế bao giờ??? Đọc cái câu kết luận hết sức cảm tính theo kiểu A + B = C. Thế lạm phát ông bỏ đi đâu ??? Lạm phát ở Mỹ và VN như thế nào ???".

1.3) Tôi đã viết vài dòng sau trả lời giúp tác giả bài báo: "Tác giả viết đúng đấy bạn MITTAIWAN ạ. Lạm phát ở VN hay ở Mỹ không có vai trò gì trong tính toán này; chỉ có tỷ giá mới có vai trò. Tất nhiên, khi có lạm phát thì cả hai khoản đầu tư này đều giảm giá trị".

Trong trường hợp tỷ giá không đổi, thì cùng một khoản tiền tương đương 100.000 USD, nếu gửi tiết kiệm bằng USD chỉ lãi 2.000 USD. Đầu kỳ là 100.000 USD = 2 tỷ; cuối kỳ có 102.000 USD, bán thu được 2,04 tỷ VNĐ (giả dụ tỷ giá vẫn là 20.000 VNĐ/USD).

Nếu chuyển 100.000 USD thành 2 tỷ đồng tiền Việt rồi gửi thì lãi tới 140 triệu đồng (lãi suất 7%). Đầu kỳ là 2 tỷ VNĐ = 100.000 USD; cuối kỳ có 2,14 tỷ VNĐ, nếu mua đô la sẽ được 107.000 USD.

Như vậy khi tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất làm cho việc gửi tiết kiệm bằng VNĐ có lợi hơn, cả bằng tiền Việt lẫn quy đổi ra USD.

Tuy nhiên, điều mọi người lo lắng nhất là tỷ giá không ổn định. Nếu trong năm, VNĐ bị phá giá tới 10%, ví dụ từ 20.000 VNĐ/USD xuống 22.000 VNĐ/USD thì trong trường hợp đầu, đầu kỳ là 100.000 USD = 2 tỷ đồng; cuối kỳ có 102.000 USD, bán thu được 2,244 tỷ VNĐ (vì tỷ giá cuối kỳ là 22.000 VNĐ/USD).

Trong trường hợp sau, đầu kỳ là 2 tỷ VNĐ = 100.000 USD; cuối kỳ có 2,14 tỷ VNĐ, thấp hơn 2.244 tỷ nêu trên. Nếu mua đô la sẽ được 2.140.000.000/22.000=97.300 USD, tức là tính theo tiền Việt thì có lãi nhưng tính theo đô la thì lỗ vốn".

2. Lạm phát ở VN và ở Mỹ ảnh hưởng tới lựa chọn gửi tiết kiệm bằng VNĐ hay USD như thế nào ?

2.1) Bạn MITTAIWAN viết:

Trường hợp tỷ giá giữa đồng VND/USD tăng với biên độ lớn (đồng VND mất giá nhanh và ở mức cao so với USD) dẫn đến việc gửi tiết kiệm bằng tiền USD rồi bán quy ra tiền VNĐ có lợi hơn, như ví dụ của chú là 2,244 tỷ VNĐ so với 2,140 tỷ VNĐ nếu gửi bằng tiền Việt.

Tuy nhiên lãi ở trên chỉ là lãi danh nghĩa, dưới đây cháu đưa lại bài viết sau của anh Phan Minh Ngọc để chỉ ra rằng lạm phát thực chất có ảnh hưởng đến mức độ sinh lời khi gửi tiền dù cho tỷ giá ít biến động hoặc cố định. Xem ở: http://vietbao.vn/Kinh-te/Nguyen-nhan-dich-thuc-cua-bien-dong-ty-gia-va-lai-suat/20595685/90/ , dẫn lại ở đây. Rất mong chú giải thích rõ vấn đề này

Trích bài viết của anh Phan Minh Ngọc: "Vấn đề thứ hai, hiện nay, gửi tiết kiệm bằng VND hay USD có lợi hơn? Câu trả lời cũng rất đơn giản và rõ ràng.

Lãi suất danh nghĩa cho các loại kỳ hạn tiền gửi của VND luôn được duy trì cao hơn của USD chừng 3-4,5% ở các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Dựa vào điều này, một số tác giả và kể cả các quan chức ngân hàng nhận định rằng gửi tiết kiệm bằng VND có lợi hơn vì lãi suất cao hơn.

Đây cũng là một quan niệm hết sức sai lầm. Ví dụ, năm 2005 đem gửi 1.590.000 VND vào ngân hàng thương mại với lãi suất là 7%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ được hưởng 111.300 VND tiền lãi vào năm 2006. Nếu đem 100 USD (tương đương 1.590.000 VND, với giả thiết tỷ giá là 15.900 VND/USD) gửi với lãi suất là 3%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ chỉ được hưởng 3 USD tiền lãi, tương đương với 48.000 VND năm 2006 (với giả thiết tỷ giá là 16.000), đúng là thấp hơn nhiều so với gửi bằng VND.

Tuy nhiên, cần chú ý là con số tiền lãi trên chỉ là lãi danh nghĩa, vì sau 1 năm, với lạm phát của Việt Nam là 8,23% và của Mỹ là 3,5%, thì số lãi thực thu được tính bằng VND chỉ còn 111.300 - 111.300*8,23% = 102.140 VND, và tính bằng USD là 3 - 3*3,5% = 2,89 USD. 

Tổng số vốn và lãi ròng thu được từ khoản tiết kiệm bằng VND sau một năm là: 1.590.00 - 1.590.000*8,23% + 102.140 = 1.561.583 VND.

Con số tương ứng cho khoản đầu tư bằng USD là: 100 - 100*3,5% + 2.89 = 99.37 USD, hay tương đương với 99.39*16.000 = 1.589.920 VND, và tức là lớn hơn con số thu được nếu gửi bằng VND (lưu ý rằng tôi sử dụng mức tỷ giá giả thiết trong năm 2006 chỉ là 16.000, là mức khá thấp so với thực tế, để tiện bề so sánh). Bạn đọc có thể dựa vào cách tính này để tự kiểm chứng các mức thu ròng trong các khoản tiền gửi tiết kiệm của mình.

Trên đây là những nguyên nhân mà theo tôi mang tính cơ sở để giải thích cho những biến động vừa qua trên thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tôi rất sẵn lòng tranh luận thêm với, và học hỏi từ, bạn đọc để làm sáng tỏ thêm những vấn đề này, tránh những hiểu lầm đáng tiếc gây hại cho quyết định đầu tư của công chúng".

(bài này TS Phan Minh Ngọc viết ngày 27.7.2006 nên đã dùng số liệu năm 2005 và 2006. Tiêu đề của bài viết là: "Nguyên nhân đích thực của biến động tỷ giá và lãi suất?")

2.2) Chủ Blog này xin trả lời bạn MITTAIWAN như sau:
a) Có thể tóm tắt lập luận của TS Ngọc qua bảng sau (không tính tới biến động tỷ giá vì vai trò của tỷ giá không có trong phân tích này, ở đây lấy 1 tỷ giá ổn định là 16.000 VNĐ/USD):
Gửi bằng VNĐ Gửi bằng USD
1 Số tiền gốc (VNĐ và USD) 1590000 100
Lãi suất trong kỳ (VNĐ và USD) 0.07 0.03
Lãi thu được (VNĐ và USD) 111300 3
Lãi cộng gốc (VNĐ và USD) 1701300 103
Tỷ giá cuối kỳ (VNĐ / USD) 16000
Lãi cộng gốc tính bằng VNĐ 1701300 1648000
2 Tỷ lệ lạm phát (lần lượt ở VN và Mỹ) 0.0823 0.035
Giá trị thực của số tiền cuối kỳ 1561283 99.40
Giá trị thực khi quy sang VNĐ 1561283 1590320

Theo TS Ngọc, trong trường hợp đầu, khi chưa tính đến yếu tố lạm phát tại Việt Nam và tại Mỹ, lãi và gốc gửi tiết kiệm bằng tiền Việt sẽ cao hơn so với lãi và gốc gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ (1.701.300 đồng so với 1.648.000 đồng). Tuy nhiên, trong trường hợp 2, nếu đưa yếu tố lạm phát tại hai nước vào, lãi và gốc gửi tiết kiệm bằng tiền Việt sẽ thấp hơn so với lãi và gốc gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ (1.561.283 đồng so với 1.590.320 đồng).

b) Đứng ở góc độ người Việt Nam, sinh sống, gửi tiết kiệm và dùng tiền đó mua hàng tiêu dùng trong thị trường Việt Nam, bạn sẽ có hai khả năng:

- Hoặc gửi tiết kiệm bằng VNĐ, cuối kỳ thu được gốc và lãi. Khi đem số tiền đó đi tiêu dùng, vì có hiện tượng lạm phát, tức là giá hàng tiêu dùng đã tăng lên, số hàng hóa bạn mua được sẽ giảm đi. Nói cách khác, giá trị thực của số tiền thu được cuối kỳ thấp hơn so với giá trị danh nghĩa.

- Hoặc gửi tiết kiệm bằng USD, cuối kỳ thu được gốc và lãi tính bằng tiền đô la. Rõ ràng bạn không thể dùng tiền đô la đó để mua hàng ở Mỹ và qua đó chịu tổn thất do đồng đô la mất giá so với hàng tiêu dùng ở Mỹ. Sống ở Việt Nam, bạn chỉ có cách đổi số tiền USD đó, ví dụ ở đây là 103 USD sang tiền Việt để mua hàng trên thị trường Việt Nam. Ngay cả khi bạn dùng 103 USD trả trực tiếp cho người bán hàng thì trong đầu bạn và người bán đều đã ngầm quy đổi 103  USD đó sang số tiền Việt tương đương với giá trị hàng hóa họ bán cho bạn tính theo tiền Việt. 

Như vậy, dù lạm phát ở Mỹ có là bao nhiêu, đồng USD có mất giá như thế nào trên thị trường Mỹ, thì ở VN, số tiền 103 USD của bạn vẫn luôn luôn tương đương với 1.648.000 VNĐ (tỷ giá 16.000 VNĐ/USD). Nó chỉ thay đổi nếu tỷ giá giữa VNĐ và USD thay đổi.
Ví dụ nếu lạm phát ở Mỹ lên tới 50%, 103 USD của bạn đưa sang Mỹ tiêu sẽ chỉ còn giá trị 51,5 USD. Nhưng nếu giữ lại tiêu trên thị trường Việt Nam, 103 USD của bạn vẫn luôn luôn tương đương với 1.648.000 VNĐ (tỷ giá không đổi) và có giá trị mua hàng chỉ kém chút ít so với 1.701.300 đồng nếu gửi tiết kiệm bằng VNĐ nêu trên.

Chính vì vậy, khi lạm phát ở Mỹ cao, hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ thì người Mỹ sẽ mang tiền ra nước ngoài tiêu, nói cách khác là tăng nhập khẩu vào (và kèm theo giảm xuất khẩu). Đây cũng chính là xuất phát điểm để sinh ra cái gọi là tỷ giá thực (tỷ giá thực là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh bởi yếu tố lạm phát giữa hai nước liên quan).

Từ đây chúng ta có thể rút ra kết luận: Nếu gửi tiết kiệm bằng USD, cuối kỳ thu được gốc và lãi tính bằng tiền đô la, thì giá trị danh nghĩa của nó tính theo tiền Việt luôn luôn bằng số đô la đó nhân với tỷ giá, bất chấp lạm phát ở Mỹ là bao nhiêu. Đồng thời giá trị thực của nó khi mua hàng hóa trên thị trường VN luôn luôn bằng giá trị danh nghĩa của nó tính theo tiền Việt (ví dụ ở đây là 1.648.000 VNĐ) trừ đi phần mất giá do lạm phát ở thị trường VN chứ không phải ở thị trường Mỹ.

Vì vậy, xét về thu nhập danh nghĩa, nếu bạn gửi tiết kiệm 1.590.000 VNĐ, cuối kỳ thu được gốc và lãi danh nghĩa tính bằng VNĐ là 1.701.300 VNĐ, sẽ cao hơn so với đổi sang USD rồi gửi tiết kiệm bằng USD (100 USD), cuối kỳ thu được gốc và lãi tính bằng tiền đô la (103 USD) rồi dùng để mua hàng tiêu dùng trên thị trường VN (với giá trị bằng 1.648.000 đồng).

Đồng thời, nếu xét theo thu nhập thực tế (tức là trừ đi phần mất giá do lạm phát), thì trong cả hai trường hợp, bạn cũng đều bị giảm thu nhập với tỷ lệ ngang nhau là tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam. Do đó, xét theo thu nhập thực tế, với chênh lệch lãi suất VNĐ và USD trên thị trường VN, bạn gửi tiết kiệm bằng VNĐ vẫn có lợi hơn.

c) Trong phân tích trên, tôi đã tách rời thị trường trong nước và thị trường Mỹ vì đây là hai thị trường hầu như độc lập nhau; người của thị trường này hầu không thể sang mua hàng tiêu dùng bên thị trường kia. Có chăng chỉ có trao đổi chút ít thông qua hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhưng giá cả của mọi hàng hóa trao đổi này đều phải quy đổi sang VNĐ thông qua tỷ giá và ảnh hưởng tới toàn bộ mặt bằng giá chung của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng đối với thu nhập từ gửi tiết kiệm bằng VNĐ hay riêng đối với thu nhập từ gửi tiết kiệm bằng USD.

Ở đây cũng cần lưu ý là VNĐ không phải là tiền chuyển đổi quốc tế được; do đó không thể thấy giá cả bên Mỹ, bên ta biến động theo hướng có lợi cho đồng tiền VN thì chúng ta sẽ ngay lập tức vác tiền đồng sang Mỹ đầu tư hay mua hàng được.


Mặt khác, cũng có thể coi USD là một loại hàng hóa lưu thông ở VN, có giá tính bằng tiền Việt chính là tỷ giá; nó cũng giống như điện, nước, xăng dầu... có giá cả do Nhà nước quản lý chặt. Do đó, đối với đô la cũng như điện, nước, xăng dầu..., mỗi biến động giá của chúng ở Mỹ cũng chẳng liên quan trực tiếp đến giá các mặt hàng này ở nước ta cả; chúng chỉ ảnh hưởng gián tiếp qua tác động tới thị trường thế giới, từ đó lan tỏa tới nền kinh tế và thị trường nội địa nước ta, ảnh hưởng như nhau đối với người có tiền bằng nội tệ cũng như ngoại tệ (nếu tỷ giá cố định). Trong khi đó, mỗi lần Nhà nước tăng giá USD (phá giá nội tệ) cũng tương tự như mỗi khi Nhà nước đột nhiên tăng giá điện, nước, xăng dầu... đều làm cả hệ thống kinh tế xã hội biến động mạnh.

Viết đến đây mình lại nhớ hồi chuẩn bị phương án cải cách giá lương tiền năm 1985, đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng nói đại ý: Mặc dù chúng ta có hoạt động ngoại thương, nhưng về cơ bản, thị trường nội địa độc lập với thị trường quốc tế. Các giao dịch ngoại thương chủ yếu tác động vào thị trường trong nước thông qua tỷ giá. Do vậy, dù phương án cải cách giá tới đây thế nào, vấn đề tỷ giá (và giá thóc - để đảm bảo an ninh lương thực) vẫn phải thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị.

d) Để kết luận, tôi lại dùng câu đã mở đầu của tôi:  "Tác giả viết đúng đấy bạn MITTAIWAN ạ. Lạm phát ở VN hay ở Mỹ không có vai trò gì trong tính toán này; chỉ có tỷ giá mới có vai trò. Tất nhiên, khi có lạm phát thì cả hai khoản đầu tư này đều giảm giá trị".





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét