Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Đôi điều về giáo dục ở Thụy Sĩ

Đôi điều về giáo dục ở Thụy Sĩ
(Bài này là một đoạn chủ Blog viết 
trong Blog Hiệu Minh, xem tại đây)
Chào bác Hiệu Minh và các bạn đọc Hang Cua. 
Những ngày gần đây, cùng với toàn thể dân Mỹ, người dân sống ở Việt Nam cũng như các nước châu Âu nơi tôi sống đang hết sức bàng hoàng và đau buồn trước cái chết của 26 trẻ thơ và cô giáo trong vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook. Thật vô cùng đau xót là chuyện này xảy ra tại một nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Nhân việc bác HM có đôi điều về trường tiểu học bên Mỹ, tôi xin góp đôi điều về giáo dục tiểu học ở Thụy Sĩ.
Chàng trai tiểu học Thụy Sĩ đang làm trò hề trước cửa lớp

Thụy Sĩ không có Bộ Giáo dục quốc gia; mỗi bang có một Giám đốc quản lý công về giáo dục. Nhiệm vụ của Giám đốc là xây dựng định hướng giáo dục công cho bang và cung cấp thong tin. Việc phối hợp hoạt động giữa các bang được thực hiện thông qua các Hội nghị các Giám đốc quản lý công về giáo dục các bang. Tài chính cho các hoạt động giáo dục công cũng do từng bang tự chịu trách nhiệm cân đối. Mỗi bang có một luật giáo dục riêng, trong đó phân cấp rộng rãi quyền cho các địa phương và trường học. 

Do vậy, các bang tự chọn riêng hệ thống giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho mình. Ví dụ tự chọn ngôn ngữ giảng dạy trong bang (Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức), để rồi các trường lại tự chọn ngôn ngữ giảng dạy cho trường mình; chọn tuổi bắt buộc đến trường hay thời gian học trong ngày (cu con nhà mình hồi học tiểu học bắt đầu học từ 8h và kết thúc lúc 16h15’). Mặc dù được phi tập trung hóa mạnh như vậy nhưng hệ thống giáo dục giữa các bang có xu hướng ngày càng giống nhau.


Học mẫu giáo ở Thụy Sĩ nhìn chung không bắt buộc, nhưng vẫn có khoảng 98% trẻ em đi học 2 năm trước khi bắt đầu vào tiểu học. Trẻ thường bắt đầu đi mẫu giáo lúc được 4 tuổi. Tuy nhiên ở một số bang như Genève nơi tôi sống hoặc Zurich, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, giáo dục mầm non năm cuối là bắt buộc. Giáo dục mầm non ở trường công hoàn toàn miễn phí trong khi ở trường tư thì rất đắt. 

Ở mẫu giáo, trẻ em học các môn nghệ thuật, làm thủ công, học nhạc, nhảy và các trò chơi giáo dục khác nhằm tang thêm kiến thức và hiểu biết về cuộc sống. Trong năm cuối mẫu giáo, trẻ bắt đầu học vài kiến thức cơ bản về đọc, viết và làm toán. Nói chung, đến dự lớp mới thấy phương pháp giáo dục mẫu giáo ở Thụy Sĩ rất sáng tạo, hấp dẫn trẻ em. Thực tế cho thấy mẫu giáo là kinh nghiệm đầu tiên của trẻ để tham gia hoà nhập cộng đồng địa phương. Nghiên cứu cho thấy trẻ em không đến trường, lớp mẫu giáo thường là một bất lợi so với các trẻ em khác khi chúng vào trường tiểu học.

Khác với mẫu giáo, giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với tất cả các trẻ em sống ở Thụy Sĩ, bắt đầu từ khi chúng đủ 6 tuổi. Tùy thuộc vào bang, giáo dục tiểu học có thể kéo dài từ bốn đến sáu năm, nhưng nhìn chung thời gian học tiểu học ở đa số các bang là năm năm. Riêng bang Genève nơi cậu út nhà mình học thì cần tới 6 năm.

Do đặc điểm một nước đa ngôn ngữ nên các trường tiểu học ở Thụy Sĩ nói chung không dạy chỉ bằng một trong 4 ngôn ngữ chính thức (tiếng Đức, Pháp, Ý và Romansh) mà dạy bằng nhiều thứ tiếng. Trẻ em thường được dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng. Đối với trẻ em người nước ngoài, bên cạnh việc học bằng 1 trong 4 ngôn ngữ chính thức, chúng còn được học 1 lớp ngoại ngữ ngoại khóa bằng cách bỏ một số giờ học bình thường để học ngoại ngữ.

Ông út nhà mình ngoài học bằng tiếng Pháp, mỗi tuần được nghỉ 2 buổi để sang học lớp tiếng Pháp cũng ngay trong trường. Vì Genève là thành phố quốc tế với hàng trăm thứ tiếng khác nhau nên nhà trường thường nhờ học sinh cũ giúp đỡ phiên dịch khi phải làm việc với học sinh mới. Ví dụ ông út nhà mình hay dịch Việt – Pháp cho các em mới từ trong nước sang và học lớp dưới cùng trường. Thằng này vui tính, hòa nhập cộng đồng rất nhanh, học dốt nhưng không sợ thầy cô, gặp ai cũng bá vai bá cổ, xin bánh kẹo hay đồ chơi của cô giáo này sang tặng cô giáo khác… Đến 2 năm cuối tiểu học, nó đã phải học thêm 1 ngoại ngữ bắt buộc nữa là tiếng Đức.

Ngoài học kiến thức, các môn thể thao, nhất là bơi lội hàng tuần, trẻ còn được trường tổ chức đi dã ngoại ít nhất là 2 lần trong năm, lần thứ 2 thường kéo dài 1 tuần, đi chơi xa. Năm trước năm cuối ông út nhà mình đi trượt tuyết 1 tuần cách nhà gần 200 km, mình đến thăm nó, thấy ăn ở trong 1 khách sạn thật tuyệt. Dọc đường vào khu trượt tuyết, thấy tuyết phủ trên mái nhà dày hơn 1 mét. Năm cuối thì ông ấy được đi thăm thành phố bên Pháp (Carantec) kết nghĩa với thành phố mình ở (Grand Saconnex), cách nhà gần 1000 km… Nhờ học đàn ở trường, ông ấy cũng biết đánh piano khá hay, mình mới đưa lên mạng video ông ấy biểu diễn ngày hôm qua 15 tháng 12 để chào Noel 2012 và năm mới 2013. 
Xem ở đây này: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/12/uc-trung-bieu-dien-piano.html (mục tiêu đưa lên là để ông bà và họ hàng trong nước dễ dàng vào xem con cháu bên này sống như thế nào vì kinh nghiệm cho thấy gửi và xem qua email quá phiền phức).

Sang đến cấp 2, tình hình phức tạp hơn. Trẻ sẽ được phân tách theo hướng chúng muốn hoặc nhà trường đề xuất căn cứ vào năng lực của chúng. Có hai hướng chính để chọn là theo đường học vấn để lên đại học, thành giáo sư tiến sĩ hay theo đường học nghề. Ông con nhà mình chết là vì chuyện này. Do tiếng Pháp kém và không chăm chú vào học nên ông ấy bị đề nghị (ép) vào đường học nghề. Mình chẳng chê gì việc học nghề cả; có điều nhìn nó bé nhỏ so với Tây như thế, sau này làm nghề chắc khổ nên đành cố gắng đầu tư cho ông con bằng cách chuyển nó sang học trường tư. Học trường tư thì thoải mái, trường luôn luôn coi đáp ứng nguyện vọng của khách hàng là tiêu chuẩn tồn tại chủ yếu của trường mà.

Có lẽ viết dài quá rồi. Điểm cuối chỉ xin nói thêm 1 điều: Các trường mẫu giáo và tiểu học ở Thụy Sĩ bao giờ cũng nằm trong một khuôn viên rất đẹp. Có hai loại địa điểm chính: Một là các tòa nhà cổ đẹp nhất thành phố luôn được để dành làm trường học. Hai là các trường đều liên thông với 1 công viên khá rộng để cứ đến giờ nghỉ giải lao là trẻ em có thể vui chơi thỏa thích ở đó.

Các trường ở Thụy Sĩ cũng mang phong cách giống bên Mỹ: Kiến trúc khá giống nhau; hoàn toàn không có cửa trường, chỉ có cửa vào các tòa nhà, thường là cửa kính 2 lớp (để chống lạnh vào mùa đông) nên kẻ xấu có thể phá kính và đột nhập các lớp học rất dễ dàng. Khác với bên Mỹ, bữa ăn trưa của trẻ ở đây khá đắt, hiện giờ ở trường công khoảng 10 đô la Mỹ 1 bữa trưa, trong khi ở trường tư khoảng 15 đô la Mỹ. Ông con nhà mình ăn trưa ở trường tư về toàn kêu đói nên mấy tháng nay cứ đòi bố mẹ cắt ăn ở trường để mang cơm nhà đi ăn. Nhà đành cắt bữa trưa cho nó, nhưng phải đến 1.1.2013 mới có hiệu lực, do đó giờ nó vẫn ăn ở trường, nhưng phải cho ông con tiền để nó mua đồ ăn thêm (trường công không bán đồ ăn thêm, chỉ ở trường tư mới có).

Chào các bác nhé. Chúc các bác có 1 tuần mới vui, làm việc hiệu quả, và dịu dần nỗi đau vì vụ thảm sát tại Sandy Hook tuần qua.


Học sinh tiểu học ở ảnh trên nay đã 14 tuổi, cao 1,74m, nặng 62kg.

Xem thêm ảnh ở đây: Đức Trung và viện Florimont

PS: Tôi viết thêm 1 đoạn còm dưới đây trong Blog Hiệu Minh:


toithichdoc says:
He he, đọc đến đoạn này của bác mà chết cười: "Đã là cán bộ (kể cả hiệu trưởng) chứng tỏ là người ”đã thực sự tài ba”, thì chỉ cần nhìn cấp dưới bằng nửa con mắt cần gì phải chào đón học sinh mỗi ngày...".
Ở trường thằng cu nhà tôi ở Thụy Sĩ, buổi sáng bọn trẻ đến trường, nhưng không được lên lớp ngay mà phải đứng chơi trước cửa tòa nhà (có mái hiên rất rộng). Khi cô giáo đến và sắp đến giờ học thì chúng nó mới xếp thành hàng. Cô giáo đứng trước cửa, lần lượt bắt tay từng đứa mỗi khi chúng đi qua, đồng thời hỏi han hay chúc một điều riêng tư gì đó phù hợp với chúng.
Buổi chiều cũng vậy, tan học, trong khi các cháu ra khỏi lớp, đến tủ đồ riêng và giá áo khoác để cất, lấy đồ và mặc áo… thì cô giáo xuống tầng, ra cửa chờ sẵn, khi lũ trẻ ào xuống là đã thấy cô giơ tay chào, lại chúc tối về ăn ngon ngủ yên (dĩ nhiên chẳng phải làm bài tập, trừ đứa kém quá như ông cu nhà mình thì có 1 chút để bố mẹ còn có việc làm với nó 1 lát sau khi ăn cơm tối).
Đoạn bác HM viết ““nhỡ cái lão trùm sò ngu thì sao…”, tôi không thích lắm. Thông thường trong một nước dân chủ, nhất là đang nói chuyện ở chính nước dân chủ hàng đầu là Mỹ, thì lão trùm sò giáo dục thường ít ngu nhất, trong khi đám trùm sò các ngành khác thường ngu hơn nhiều. Viết thế là sỉ nhục các nhà giáo, các nhà khoa học, vì thực tế trùm sò giáo dục ở đây đều xuất thân là các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm, đạo đức và đầy lương tâm và trách nhiệm với thế hệ trẻ. Nhận xét này cũng có thể dùng ở VN nhưng nhìn chung tôi vẫn cho rằng trình độ tham nhũng, lưu manh, ngu dốt của nhà giáo nói chung, trùm sò giáo dục nói riêng ở VN vẫn thua xa so với trong các ngành, lĩnh vực khác…
0
0

Đánh giá comment

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này cũng có thể dùng ở VN nhưng nhìn chung tôi vẫn cho rằng trình độ tham nhũng, lưu manh, ngu dốt của nhà giáo nói chung, trùm sò giáo dục nói riêng ở VN vẫn thua xa so với trong các ngành, lĩnh vực khác…: CÁM ƠN BÁC Lai Tran Mai có một nhận xét tương đối chính xác.

    Trả lờiXóa