Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

(3) BÍ QUYẾT SỐNG LÂU TRĂM TUỔI

(3) BÍ QUYẾT SỐNG LÂU TRĂM TUỔI

NĐCS (?) chỉ có được bản đã sao qua nhiều lần, chữ nhoà, cỡ chữ lại nhỏ, khó đọc và có lần nào đó, hộp mực máy photocopy đã hết nên kéo một vệt mờ dài giữa các trang lẻ nữa chứ, bèn đánh máy cho to lên. Đối tượng đọc đa phần là người cao tuổi mà ! Không có nguyên tác và bản dịch gốc nên không thể tự ý sửa đổi mà chỉ dám điều chỉnh đôi chút, khi nào thấy văn ở bản dịch gốc không thật rõ ý mà đọc đi đọc lại, thấy có thể điều chỉnh được cho hoàn thiện để chuyển đạt cho rõ hơn, cho thuận với thói quen cũng như cách hiểu của mình thì mới sửa mà thôi.
Lại nữa, trong số những từ y học, tác giả và cả dịch giả đã sử dụng những từ Hán để phiên âm mà không có từ gốc nên NĐCS đã chỉ có thể quy đổi một số rất ít thuật ngữ về quy chuẩn tiếng Anh, tiếng La tinh hoặc tiếng Việt để người đọc dễ tham khảo. Tuy nhiên, không biết do đâu, vẫn còn có những đoạn không thoát câu thoát ý hay hẫng hụt ý thì NĐCS cũng đành chịu và đánh dấu ? bên cạnh)
Một số chỗ chưa rõ hoặc cá biệt, có phần không hoàn toàn chuẩn xác, NĐCS đã cân nhắc và đưa thêm vào phần ghi chú một số thông tin tin cậy, nhằm làm cho thông tin đa cực, đầy đủ hơn :

 (1) - Viện Y khoa Stanford - Mỹ.
(2) - Keo Gelatin. Các loại cao xương động vật cũng chính là chất uyển giao.
(3) - Trong sữa chua có các vi khuẩn phụ sinh, có lợi cho các vi khuẩn vốn có trong ruột kết và là thành phần quan trọng trong các tuyến phòng vệ miễn dịch của cơ thể. Khi uống kháng sinh, các vi khuẩn gây bệnh bị tiêu diệt nhưng đồng thời vi khuẩn có lợi cho việc  tiêu hoá thức ăn cũng bị tiêu diệt và lúc này nếu ăn sữa chua sẽ là càng có lợi, vì giúp cho tiêu hoá, tránh được tiêu chẩy.
(4) - Trà là một nguồn polyohenols (chất đa phân) dồi dào, có tác dụng kháng oxy-hoá, loại trừ được các gốc tự do (là những mầm mống dẫn đến bệnh hoạn và lão hoá). Với cùng một lượng như nhau thì ở chè, giàu chất kháng oxy hoá hơn ở hoa quả và rau tươi rất nhiều.
(5) -"Bản thảo cương mục" là sách thuốc của Lý Thời Trân (nhà y học cổ đại Trung Quốc) cẩm nang đông y của mọi thời.
(6) - Lý Hồng Chí, là người sáng lập ra Pháp Luân công (còn gọi là Pháp luân tu luyện đại pháp)
(7) Nhũ đường - đường có nguồn gốc từ sữa ; quả đường - đường có xuất xứ từ quả, đa số thường chứa glucoz và fructoz. Fructoz - C6H12C6 - một carbohydrat thích hợp nhất cho người lao động trí óc đứng tuổi và người già hoặc những người bị xơ vữa động mạch và các trường hợp rối loại chuyển hoá lipid và cholestrol.
(8) - Trong mướp đắng có các chất : Alpha và Beta - momorcharin, polypeptid-p và vicin, Charantin ... là những chất có tính chống u bướu và có thể ức chế tổng hợp protein, có tác dụng làm hạ đường huyết và cải thiện dung nạp glucose.
(9) - Trong cà chua chưa nấu chín, có các protopectin, không tan trong nước. Khi đun nóng, dưới tác dụng của nhiệt độ, chúng được phân giải thành pectin (quả trở nên mềm). Pectin có vai trò dinh dưỡng cho con người ở các lứa tuổi, lúc khoẻ mạnh cũng như khi già yếu. Chúng ức chế vi khuẩn gây thối rữa trong ruột và cải thiện các quá trình tiêu hoá. Đối với những người hoạt động lâu năm trong môi trường độc hại (như nhiễm chì chẳng hạn) pectin có thể giúp giải độc.
(10) - Tức là phá sang, lạc rang ướp húng lìu.
(11) - Có điều trùng lặp : các nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gaustique (thế kỷ 16 ; ở châu Âu), nếu kích thước chiều rộng so với chiều dài có tỷ lệ 6/10 = 0,60 thì hình dáng cửa xem ra là đẹp hơn cả và tỷ lệ này cũng được gọi là tỷ lệ hoàng kim.
(12) - Rong còn được gọi là tảo. Ở Việt Nam, từ năm 1985, Xí nghiệp dược phẩm TW24 đã kết hợp với một số cán bộ trường ĐHBK Hà Nội trồng rong xoắn ốc (tức là tảo Spirulina), lấy từ Hồ đầm lớn châu Phi, trên cơ sở nước khoáng kiềm của suối Vĩnh Hảo, đã sản xuất được Linavina (viên chứa 400 mg tảo Spirulina). Tảo có chứa lượng protein cao, gồm các loại axit amin cần cho cơ thể, nhiều loại vitamin A, B1, B2, B3, B6, B12, E và các ion quan trọng như Kali (cần cho tim), Kagnesium (cần cho thần kinh trung ương và cơ tim). Trung tâm dinh dưỡng trẻ em TP Hồ Chí Minh cũng đã nuôi tảo Spirulina trong môi trường nhân tạo và sản xuất bột tảo, sử dụng làm thức ăn bổ sung (Sonalac, bánh phồng đạm, bánh tai heo, mì ăn liền Lina, cháo ăn liền, cốm bổ Procalci D)
(13) - Từ 2002, giá trị lý tưởng của hémoglobine glyquée tương ứng với sự cân bằng glucoz huyết tốt nhất ở bệnh nhân đái tháo đường trên 60 tuổi là 7% chứ không phải 7,5% như trước đây nữa.
(14) - Thuốc dịt dạ dầy Gaviscon, sản xuất từ Alginat (là chế phẩm của rong biển), tác động như một gel (keo) rất hữu hiệu để phủ màng nhầy, bảo vệ niêm mạc dạ dầy - ruột, chống cảm giác đau.
(15) - Từ hàng chục năm nay, nhiều nghiên cứu về Fucoidane, một polysaccharid chiết xuất từ tảo nâu, họ hàng với rong xoắn ốc, có đặc tính kháng virus, chống ung thư, chống đông, chống huyết khối, kháng viêm.
(16) - Khi sử lý sự cố ở Tréc-nô-bưn (Ucraine) năm 1986, người ta sử dụng.
(17) - Trong sơn emulsin - nhũ tương các loại hiện nay (thường dùng để sơn, bả ma tít, trông giống như đậu phụ hoặc caseil được kết tủa từ sữa), đều có dùng ormaldehyde làm dung môi nên khi tiếp xúc, thấy bốc nên mùi chua chua. Khi đọc những trang này, bản thân NĐCS cũng nhớ ra rằng: Vị Giám đốc một xí nghiệp sản xuất sơn Emulsin ở phía Nam, là anh của người bạn, bị ung thư và đã qua đời năm 1999, sau mấy năm ăn lên làm ra, cũng là vì tiếp xúc với các hoá chất độc hại. Ngành gì đó, tiếp xúc thường xuyên với hoá chất, kể cả những loại dùng trong thực hay dược phẩm, cũng dễ bị lắm. Cho nên, người nhà của NĐCS, vào năm 1988, tuy đã đang học năm thứ nhất Hoá thực phẩm ĐHBK HN, vì không biết sớm nhưng khi biết, NĐCS cũng đã đề nghị bỏ, để năm sau thi vào trường ĐHKTQD HN và vẫn đỗ, đành chậm một năm. Những nhà gỗ ván sàn, cót ép ngâm tẩm các dẫn xuất từ formaldehyde hoặc dùng keo dán có nó trong thành phần dung môi - như khu nhà làm việc của Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hoá (gần Nhạc viện Hà Nội - Ô Chợ Dừa), chính do Nhật viện trợ nhưng cũng lại chính các chuyên gia Nhật không bao giờ đến gần hoặc chắc chắn sẽ bỏ họp, nếu biết hội nghị tổ chức trong các phòng đó hay gần đó. Hoá ra là thế.
(18) - Tảo còn có tác dụng như chất lọc. Đó là nhựa Résin được điều chế  từ tảo, có khả năng hấp thụ các kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường như : thuỷ ngân, chì, arsen, cadmium ... rất độc hại cho con người ngay cả với liều lượng nhỏ. Résin được dùng để khử ô nhiễm khi môi trường có các kim loại nặng. Chính Fucoidane được điều chế từ tảo Spirulina đã được đăng ký nhiều bản quyền, trong đó có bản quyền điều trị ung thư.
(19) - Giáo sư Hồng Chiêu Quang, chuyên gia về sức khoẻ, người Trung Quốc, cũng đã từng có lời khuyên đối với người cao tuổi tại Hội nghị đại biểu người cao tuổi, tổ chức tại Thượng Hải, với tựa đề "Sống 100 tuổi khoẻ mạnh không phải là một ước mơ", rằng con người ta cần phải thực hiện nghiêm túc, một cách thường xuyên :"3 nửa phút và 3 nửa giờ".
Ba nửa phút là: người cao tuổi không nên vội vàng hoặc có những động tác đột ngột, vì có thể làm chóng mặt mà bị ngã, làm tim ngừng đập. Khi tỉnh ngủ, không nên hấp tấp bước xuống giường ngay mà cần phải dành:
- Nửa phút nằm lại trên giường cho tỉnh hẳn ; Lúc này có thể vươn vai, xoa mặt, kéo tai, day má,vò đầu, bứt trán ... hoặc xoa bóp tay, chân, đầu gối, bụng, ngực, nắn cổ, vuốt tóc ..., kết hợp với thở sâu cho máu lưu thông.
- Nửa phút từ từ ngồi dậy ; Nếu thực hiện theo YOGA hoặc thực hiện động tác đang nằm nhổm dậy, được giới thiệu trong tập :"Suối nguồn tươi trẻ" thì càng tốt.
- Nửa phút bỏ 2 chân xuống đất rồi mới đứng dậy. Dành thì giờ như thế, đã không mất tiền nhưng lại có được thời gian chuyển tiếp nhịp độ cơ thể, duy trì được tính cách từ tốn, khoan thai, chín chắn và để tránh được hiện tượng bị thiếu máu ở não, để tim hoạt động bình thường, giảm thiểu các trường hợp ngã hoặc đột quỵ rất nguy hiểm, thường rất có thể xẩy ra.
Ba nửa giờ là :
- Nửa giờ vận động buổi sáng sau khi thức dậy, như tập thể dục (nhẹ), đi bộ vài ba kilômét ;
- Nửa giờ ngủ trưa, để bổ sung giờ ngủ đêm, vì người cao tuổi vốn thức sớm. Có ngủ trưa thì được nghỉ ngơi thư giãn, buổi chiều làm việc tốt hơn ;
- Nửa giờ đi bộ buổi tối, trước khi đi ngủ, thì sẽ ngủ ngon hơn.
(20) - Khi con người đã có tuổi, bất kỳ một việc gì, nếu làm quá sức cũng đều nguy hiểm vì dễ gây đột quỵ. Có điều là có những việc không thể ngờ nhưng khi lâm nạn thì đã kịp về cõi tiên. Đó là những hiện tượng sau đây, thường kèm theo những cái rùng mình, cần phải đặc biệt chú ý và nhớ rằng không được thúc ép hoặc giục hay vội vàng, cằn nhằn ... như :
- Ăn cố, nuốt cố cho hết một cái gì đó, dễ bị nghẹn.
- Uống nhanh, uống nhiều, uống ừng ực nước, dễ bị sặc. Vừa ăn hoặc uống, vừa nghĩ hay mải xem, mải nói chuyện ... dễ bị sặc hay cắn phải lưỡi.
- Ăn phải cái gì đó có đặc điểm khác thường: mềm quá, dính quá (ví dụ bánh nếp), cứng quá, rắn quá (ví dụ xương, mía, củ ấu), to quá (bánh chưng to), nóng quá (bát phở, cốc nước vại). Khi ăn bún hay mì mà sợi quá dài, thì cũng nên cắt đoạn ra cho ngắn chỉ còn chừng 5-10 phân để tránh cố nuốt, cố hút cho hết sợi, dễ bị sặc.
- Cố làm một cái gì đấy, ví dụ: với hoa quả trên cao, treo một dây màn, phơi hay gỡ quần áo ở tầm giới hạn, đứng chênh vênh trên ghế quá cao nên lập cập ... dễ ngã.
- Đi tiểu ở chỗ lạnh, hoặc đang nằm ấm trở dậy đi tiểu, mất nhiệt theo nước tiểu, rùng mình. Rất dễ gặp trường hợp này nếu nhà vệ sinh không khép trong nhà mà phải qua hành lang, qua ngõ, muốn đi phải ra khỏi phòng, bị lạnh. Hiện tượng này không hẳn chỉ xẩy ra về mùa đông mà còn có thể xẩy ra về mùa hè mà chính NĐCS cũng đôi khi đã cảm nhận thấy.
- Đi tiểu, đi đại tiện mà rặn vội, vừa mất sức, vừa mất nhiệt quá nhanh, dễ rùng mình. Nếu táo bón, dễ gặp hiện tượng này.
- Mùa đông, rửa bằng khăn lạnh, tắm bằng nước lạnh, để nước lạnh bắn lên người, làm cơ thể mất nhiệt, rùng mình.
- Sơ kỳ, bất ý chậm vào vật thể nào đó quá nóng, vội rụt tay hoặc chân lại theo phản xạ, gây hốt hoảng, giật mình. Ví dụ: mở vòi nước nóng nhưng vô ý vặn sang vị trí nóng nhiều.
- Nghe chuông gọi cửa, chuông điện thoại quá to, giật mình, quá vội vàng để sao cho nhanh kịp nhấc máy lên thưa.
- Uống nước lạnh, cơ thể mất nhiệt vì phải hâm nóng khối lượng nước đã uống; Uống cốc nước nóng quá, cơ thể cũng phản ứng lại để điều tiết thân nhiệt.
- Trót lỡ làm một việc gì đó (rơi, đổ vỡ ... ), ngại con cháu biết lại cằn nhằn, trách móc nên giật mình sợ hãi, vội vàng thu dọn.
Tóm lại, cứ mỗi khi thấy hắt hơi hay ớn lạnh, rùng mình ... thì chắc chắn đó là có gì khác thường, cần xem xét ngay.
(21) - Trọng Cảnh, thầy thuốc nổi tiếng của nền y học truyền thống Trung Quốc đã viết : "Phế chủ bì mao; Can chủ tâm thức" nghĩa là : Phổi chủ yếu biểu hiện ở bên ngoài ; Gan phản ánh chủ thể về tâm thức. Vì vậy, Đông y cho rằng: suy nghĩ, buồn bực, u uất, u buồn, cáu giận, bực tức, day dứt, giận hờn, cáu bẳn, bực bội ... thì rất hại gan, dễ sinh ung thư.
(22) - Trong chương trình "Discovery - Khám phá" trên truyền hình VTV.2 (khoảng cuối năm Tân Tỵ, trước Tết Nhâm Ngọ, tức là vào khoảng tháng 2-2002), về chủ đề bảo vệ thiên nhiên, NĐCS đã thấy hình ảnh những người Eskimo mặc áo lông thú săn hải cẩu trên Bắc cực. Khi họ dùng móc câu, lôi được chú hải cẩu con từ dưới nước lên khỏi mặt băng và kéo lết nó đi một đoạn rồi xả thịt một cách man rợ ngay trên nền băng trắng xoá, loang lổ những vũng máu đỏ lòm, thì hải cẩu mẹ đã quằn quại rồi phủ phục cách đấy khoảng vài chục mét, đau xót chứng kiến toàn bộ diễn biến cảnh đau thương bằm gan cứa ruột mà bất lực, vì không cứu nổi con rồi ngửa mặt mà rống lên trời xanh tiếng tru thảm thiết, vô vọng, bi ai.
Lúc ống kính lia cận cảnh mặt hải cẩu mẹ, NĐCS đã thấy đôi mắt buồn thảm khôn cùng, không khác gì mắt người, cùng những dòng lệ trào tuôn, lăn dọc sống mũi đang phì phì tức giận thổi dạt mấy sợi râu quanh miệng ... mà sao thấy chạnh lòng, ngậm ngùi thương cảm, xót xa cho một sinh linh đã bị gạt bỏ. NĐCS thương lắm cả 2 mẹ con con hải cẩu, đến rớm nước mắt và từ đó, biết thêm rằng: loài vật cũng thật nồng nàn tình máu mủ.
NĐCS giới thiệu thêm tư liệu để các vị có thể tham khảo :  
PHÓNG HUYẾT CỨU MỆNH  
Mùa hè năm 2001, ông Hoàng Châu Kỳ, Tổng thư ký Hội Tem Việt Nam và nguyên là sếp của NĐCS đã gửi cho một số tư liệu quý, trong đó có bài báo "Phóng huyết cứu mệnh - cách chữa hiệu quả khi bị trúng gió" của Đại tá Đoàn Sự, đăng trên báo QĐND. Bài báo hướng dẫn cách cứu chữa cho người bị trúng gió (còn gọi là trúng phong hay trúng "gió độc")
Mùa hè năm 1968, vào một chiều thứ bẩy, khi từ nơi sơ tán của cơ quan về nhà, qua phố Nhổn (Hoài Đức - Hà Tây), NĐCS đã tận mắt chứng kiến một thầy lang cứu sống một cháu bé 5 tuổi bị chết đuối, do rơi xuống ao trong làng bằng những gai cành bưởi.
Liên hệ 2 sự kiện cách nhau 23 năm, NĐCS thấy rằng : Cách mà thầy lang đã giảng giải cho mọi người, trong đó có mình lúc xúm xít đứng nghe cách đây 26 năm cũng gần như hoàn toàn giống thế. Thầy lang còn nói: cách ấy (ngoài cấp cứu người chết đuối) còn có thể cấp cứu rất hiệu quả trong những trường hợp do đột ngột mà cận kề cái chết (như: trúng gió, kỵ mã phong, sét đánh nhưng không chết mà chỉ bị ngất, điện giật, vấp ngã đột ngột, người tự tử bằng cách treo cổ vừa được giải thoát khỏi dây thòng lọng, ngất vì sợ hãi, phổi đã ngừng thở, tim đã ngừng đập)
Điều đó có nghĩa là: ngoài khả năng cứu người trúng gió như hướng dẫn trong bài báo, Phương pháp "phóng huyết cứu mạng" còn có thể cấp cứu có hiệu quả nhiều trường hợp khác nữa. Xin trích lại nguyên văn bài báo của Đại tá Đoàn Sự :
"Người bị trúng phong thường ngất ngay tại chỗ. Khi đó, không nên di chuyển nạn nhân (dù cho là ở nhà tắm, nhà xí, hội trường hay ngoài đường) mà phải để nằm hay ngồi nguyên tại chỗ, giữ vững cho khỏi ngã và ủ ấm. Dùng kim tam lăng, kim tiêm, thậm chí có thể dùng kim khâu, kim băng ... đốt qua lửa để khử trùng rồi châm vào 10 đầu ngón tay, cách móng tay khoảng 0,5 cm và nặn một giọt máu ra. Nếu thấy miệng nạn nhân méo xệch thì day, kéo hai tai cho đến đỏ lên rồi cũng châm vào chỗ 2 bên dái tai, mỗi bên 2 lần và nặn cho máu ra, mỗi bên một giọt. Chỉ cần như thế, vài phút sau, người hôn mê sẽ tỉnh, miệng trở lại bình thường. Chỉ đến lúc này mới được vực họ dậy, cho họ uống chén nước chè nóng rồi mới đưa đến bệnh viện tìm căn nguyên.
Ngược lại, nếu thấy họ ngã, ngất mà cuống quýt đưa đi bệnh viện hoặc bế, vác mạnh thì càng nguy hiểm gấp bội vì máu sẽ tràn vào não. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng lớn. Nó đã giúp bao người thoát khỏi cái chết chực sẵn hay thoát khỏi di chứng, tàn tật suốt đời ...”
NĐCS thưa thốt thêm xung quanh những lời thầy lang đã dặn để thêm thắt cho bài báo :
1 - Nếu bệnh nhân ngã chỗ gió lùa cần tìm cách quây cho kín gió.
2 - Kim càng nhọn (khi châm, càng buốt, càng nhói) thì càng tốt
3 - Nếu không có kim, có thể dùng gai bưởi, gai chanh, bồ quân, hoa giấy.
4 - Nếu không có lửa hay cồn để sát trùng, có thể mút bằng miệng, để sát trùng bằng nước bọt.
5 - Để xác định vị trí châm cho chính xác, hãy tưởng tượng rằng : khi chụm 5 đầu ngón tay lại rồi dỗ dỗ 5 đầu ngón tay cho vuông góc với mặt bàn (tựa như so đũa. ở đây là so 5 đầu ngón tay). Nếu đầu các ngón tay chạm mặt bàn ở đâu thì chính những chỗ đó là các vị trí cần châm kim cho từng ngón. Làm như vậy cho cả 2 bàn tay.
6 - Ngoài việc châm và nặn máu cho 10 đầu ngón tay và 2 dái tai, nên châm thêm các huyệt sau: nhân trung, hội âm và bách hội.
7 - Huyệt bách hội có thể tìm đơn giản bằng cách đứng thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước chứ không cúi, không ngửa đầu, như khi đo chiều cao khám sức khoẻ. Tưởng tượng rằng lấy một tấm bảng học sinh lên đỉnh đầu, sao cho mặt bảng song song với mặt đất. Chỗ nào bảng tiếp xúc với đầu thì đó chính là huyệt bách hội.
8 - Toàn bộ tinh thần và nội dung của phương pháp "phóng huyết cứu mạng" trên đây phải được thường trực trong mỗi thành viên trong nhà, bởi vì khi lâm sự sẽ không thể chờ ai biết thì mới làm hoặc sẽ không thể ngăn cản kịp ai đó sẽ sẵn sàng khiêng, vác, nạn nhân và cũng không thể giải thích hay thuyết phục, nếu mọi người không hẳn đều đã biết cả và thống nhất sẵn với nhau từ trước rằng phải sơ cứu tại chỗ, chứ tuyệt đối không mang nạn nhân đi đâu khi chưa phóng huyết có hiệu quả, như đã hướng dẫn. Chính bản thân NĐCS đã phạm sai lầm là không phổ biến sẵn cho mọi người trong nhà, vì cứ đinh ninh rằng khi lâm sự thì chính mình sẽ thực hiện, nên đến tận bây giờ cũng vẫn ân hận không nguôi, vì đã không cứu được bố mình bị tai biến mạch máu não như lời thầy lang. Vậy đấy, mới viết thêm ít dòng cho phần chú của tư liệu này, những mong chư vị lưu ý đặc biệt cho, qua kinh nghiệm của chính NĐCS ./.  
Hà Nội, Giờ Thân ngày Giáp Tý, 23-Chín-Quý Mùi (18-10-2003)    
Bài thuốc quý: Cải lão hoàn đồng  
Cách đây ít lâu, UNESCO cử một đoàn chuyên gia khảo sát Tây Tạng (Trung Quốc) đã phát hiện được một phương thuốc quý khắc trên mảnh gốm cách ta đã 6-7 ngàn năm, được bảo giữ trong một ngôi chùa cổ kính. Bằng những phương pháp khoa học, các chuyên gia đã chuyển dịch được bản cổ văn đó sang ngôn ngữ hiện đại, rồi phổ biến rộng rãi.
Đầu  năm 1991, báo Tuần lễ (Liên Xô) đăng lại nội dung phương thuốc đó. Bài thuốc đã được nhiều người áp dụng và rất hiệu nghiệm, giúp ta thải bớt các chất vôi, chất mỡ ra khỏi cơ thể, giúp các cơ mạch khỏi sơ cứng (Một nguyên nhân gây nhiều thứ bệnh như : huyết áp, ung nhọt, bại liệt ... ) Đồng thời giúp tăng thị lực, tăng quá trình trao đổi chất, tăng khả năng phục hồi tình dục.
* Bài thuốc đó như sau :
Lấy 350 gr tỏi, rửa sạch, bóc vỏ, xắt lát thành từng miếng nhỏ, cho vào bình, dùng thìa gỗ nghiễn kỹ, thật nhuyễn, rồi lấy ra 200gr (chú ý lấy ở phần dưới vì có nhiều nhựa, ít xác hơn), rồi đem ngâm với 200gr cồn 90o trong lọ thuỷ tinh. Lọ đó được nút kín, để nơi râm mát, thoáng gió và chờ đủ 10 ngày sau mới lấy ra, lọc qua một tấm vải dầy lấy nước cốt, bỏ xác tỏi. Dung dịch thu được lại phải để ủ 03 ngày nữa rồi mới đem sử dụng.
 * Cách sử dụng :
Trước bữa ăn từ 15-20 phút, uống với 1/4 cốc sữa lạnh theo liều lượng sau đây :
- Ngày thứ nhất : Sáng : 02 giọt ; Trưa : 02 giọt  ; Tối : 03 giọt.
- Ngày thứ hai : Sáng : 04 giọt ; Trưa : 04 giọt ; Tối : 06 giọt
- Ngày thứ ba   : Sáng : 07 giọt ; Trưa : 08 giọt ; Tối : 09 giọt
- Ngày thứ tư  : Sáng : 10 giọt ; Trưa : 11 giọt ; Tối : 12 giọt
- Ngày thứ năm  : Sáng : 13 giọt ; Trưa : 14 giọt ; Tối : 15 giọt
- Ngày thứ sáu : Sáng : 15 giọt ; Trưa : 14 giọt ; Tối : 13 giọt
- Ngày thứ bẩy   : Sáng : 12 giọt ; Trưa : 11 giọt ; Tối : 10 giọt.
- Ngày thứ tám  : Sáng : 09 giọt ; Trưa : 08 giọt ; Tối : 07 giọt
- Ngày thứ chín  : Sáng : 06 giọt ; Trưa : 05 giọt ; Tối : 04 giọt
- Ngày thứ mười: Sáng : 03 giọt ; Trưa : 02 giọt ; Tối : 01 giọt
- Ngày thứ mười một : Sáng : 25 giọt ; Trưa : 25 giọt ; Tối : 25 giọt

Sau đợt dùng đầu tiên này phải nghỉ không dưới 06 năm mới bắt đầu dùng đợt 02 cũng theo cách này !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét