Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Giới thiệu các thông tin về Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED)

 
Giới thiệu các thông tin về Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED)
 

Trong thời gian gần đây Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia đã nhận được thư của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn biết các thông tin về Hội và thể thức gia nhập Hội. Đáp ứng nguyện vọng trên, Hội phát triển kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia xin giới thiệu một số thông tin về Hội như sau:
1. Tôn chỉ, mục đích
(1) Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia ( sau đây gọi tắt là Hội) đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2008 theo quyết định số 1078/QĐ- BNV ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ về việc phê duyệt điều lệ Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Tên giao dịch quốc tế của Hội bằng tiếng Anh là “Viet Nam – Lao – Cambodia Association for Economic Cooperation Development”. Tên viết tắt của Hội là VILACAED. Trụ sở hiện nay của Hội tại số 65 Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội.
Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã, đang có đóng góp hoặc có nguyện vọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội Vụ, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trong hoạt động của Hội. Hội được mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Lào và Campuchia.

(2) Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ lẫn nhau phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư với Lào và Campuchia; Tập hợp ý kiến của Hội viên để tham gia ý kiến, tư vấn, thẩm định và phản biện xã hội đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách, pháp luật, cải cách hành chính…..liên quan đến hợp tác kinh tế và đầu tư, góp phần thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà Nước Việt Nam, phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Lào – Campuchia.
(3) Biểu tượng của Hội gồm 3 vòng tròn mầu đỏ, vàng, xanh lồng nhau, dưới có dòng chữ viết tắt bằng tiếng Anh của tên Hội được viết cách điệu ôm lấy ba vòng tròn, đồng thời có ngôi sao phía trên. Về mặt triết học, vòng tròn là hình ảnh mang ý nghĩa cân bằng, kết nối, liên tục phát triển và không có điểm kết thúc. Đặc biệt, các vòng tròn được xếp liên tục với nhau càng thể hiện quá trình không ngừng trưởng thành, lớn mạnh bất chấp mọi khó khăn, thách thức.
Ba vòng tròn tượng trưng cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó vòng mầu đỏ ( red) thắm thể hiện nước Việt Nam ( tiêu biểu là màu cờ đỏ thắm); vòng màu vàng ( yellow) thể hiện nước Lào ( tiêu biểu là đạo phật, chùa vàng); vòng màu xanh tươi ( green) thể hiện nước Campuchia ( tiêu biểu là lúa xanh tươi và đồng bằng phì nhiêu bao trùm cả nước). Ba màu đều tươi thể hiện sức mạnh, ý chí phát triển, đi lên của Hội.
Các vòng tròn lồng vào nhau thể hiện tình đoàn kết sắc son giữa ba nước dân tộc. Đây cũng là cách thể hiện hình thức các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia thường vũng tay qua trước mặt nhau rồi nắm tay nhau thể hiện tình đoàn kết.
Ba vòng tròn lồng vào nhau đồng thời cũng thể hiện sự gắn bó thống nhất về tôn chỉ, mục đích của Hội là “ Hòa bình, hữu nghị và hợp tác”; mục tiêu của Hội là “ Đoàn kết, phát triển, hiệu quả”; ba nguyên tắc của Hội là “ Tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí”; ba trụ cột chính trong nhiệm vụ của Hội: “ Tư vấn và phản biện xã hội ; trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phát triển; đào tạo và nghiên cứu phát triển”; ba đối tượng tham gia Hội là: “ Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”; địa bàn hoạt động của Hội là ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; ba lực lượng tổ chức thực hiện là ngành kế hoạch và đầu tư là chủ lực, các bộ ngành liên quan, các địa phương…..
Dòng chữ phía dưới là tên viết tắt bằng tiếng Anh của Hội ( VILACAED), trong đó màu xanh đậm ( blue) và kiểu chữ in đứng đều thể hiện sự vững chắc, khỏe mạnh của Hội. Riêng chữ V được viết cách điệu, mềm mại cần thiết để tạo điểm nhấn đồng thời cũng thể hiện triết lý có cương, có nhu. Càng lên cao, chữ V càng được mở rộng thể hiện sự lớn mạnh, bay lên. Trên đầu chữ V có ngôi sao đỏ thắm cũng thể hiện sự phát triển, bay lên hoành tráng.

2. Các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu
Hội phát triển kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia có các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau:
(1) Tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà Nước, tuân thủ pháp luật của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và các cam kết, thỏa thuận mà ba nước đã ký kết; phát huy trình độ chuyên môn, giữ vững phẩm chất nghề nghiệp, tăng cường các mối quan hệ hợp tác với Lào và Campuchia, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác nói chung, hiệu quả hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia nói riêng.
(2) Tham gia ý kiến, thẩm định và phản biện xã hội đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách, luật pháp và các chương trình, dự án hợp tác kinh tế và đầu tư của Việt Nam với Lào và Campuchia khi được yêu cầu. Tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án hợp tác với Lào và Campuchia khi được Chính phủ, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác yêu cầu, đề nghị.
(3) Tư vấn, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cá nhân là hội viên của Hội khi hoạt động kinh tế và đầu tư tại Lào và Campuchia; thu thập, tuyên truyền, cung cấp thông tin về luật pháp, phong tục tập quán và môi trường, cơ hội đầu tư tại Lào và Campuchia cho các tổ chức, doanh nghiệp, và nhà đầu tư Việt Nam; Tư vấn, hỗ trợ và cung cấp thông tin, tạo cơ hội đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư của Lào và Campuchia khi tiến hành hợp tác kinh tế và đầu tư với Việt Nam.
(4) Tập hợp ý kiến, khuyến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là hội viên liên quan đến hợp tác kinh tế và đầu tư với Lào và Campuchia để phản ánh tới các cơ quan chức năng của Nhà Nước. Tham gia thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các hội viên của Hội với các đối tác của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước khác phù hợp với pháp luật của ba nước và thông lệ quốc tế.
(5) Giới thiệu, đại diện và bảo trợ hội viên trong quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên.

3. Hội viên
(1) Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia có hai hình thức hội viên chính là Hội viên chính thức và Hội viên liên kết.
Hội viên chính thức gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam tán thành điều lệ Hội, có nguyện vọng tham gia Hội để đóng góp vào việc phát triển và hợp tác kinh tế, đầu tư với Lào và Campuchia, được hội xem xét, kết nạp làm hội viên chính thức.
Hội viên liên kết gồm hai đối tượng:
a) Các doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam chưa có đủ điều kiện gia nhập Hội, đã, đang hoặc có nguyện vọng tổ chức hoạt động kinh tế và đầu tư tại Lào và Campuchia, tán thành điều lệ Hội, được Hội xem xét công nhận là hội viên liên kết.
b) Các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp ( bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Kiều và Việt Kiều; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp  và cá nhân Lào và Campuchia) có 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh tế tại Việt Nam có đóng góp cho sự phát triển của Hội, tán thành điều lệ Hội, có nguyện vọng trở thành hội viên của Hội, được Hội xem xét công nhận là hội viên liên kết.
Ngoài ra, Hội còn có hội viên sáng lập gồm 5 hội viên có công sáng lập và có những đóng góp quan trọng cho việc thành lập Hội, được đại hội toàn thể hội viên lần thứ nhất của Hội tôn vinh; Hội viên danh dự gồm những tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam có nhiều thành tích đóng góp đặc biệt cho Hội, được Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên của Hội tôn vinh làm hội viên danh dự của Hội.
Hiện nay Hội có khoảng 600 hội viên chính thức, trong đó khoảng 400 hội viên là các cá nhân và hơn 200 hội viên là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đăng ký hội viên và tham gia rất tích cực vào các hoạt động của hội như Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn đầu tư Việt Phương, công ty hợp tác kinh tế quân khu IV, Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào, Công ty cổ phần XNK tổng hợp và đầu tư TP HCM, Tổng công ty cổ phần XNK xây dựng Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6, Tổng công ty đầu tư và phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Công ty vật tư công nghiệp quốc phòng, công ty cổ phần xây dựng điện và mỏ Vinashin, ngân hàng thương mai cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam….Nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, nghành, trung ương và lãnh đạo các địa phương cũng đăng ký tham gia Hội, trong đó có những đồng chí giữ trọng trách trong cơ cấu lãnh đạo Hội.
(2) Nghĩa vụ của hội viên
a) Chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà Nước, Điều lệ, nội quy, quy chế và các nghị quyết, quyết định của Hội. Bảo vệ bí mật quốc gia, chủ quyền và vị thế quốc tế của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền và phong tục tập quán của Lào và Campuchia.
b) Tích cực tham gia các hoạt động Hội và sinh hoạt Hội đều đặn; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng nhau xây dựng, phát triển Hội ngày càng vững mạnh. Giữ gìn và đề cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
c) Không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, khả năng về mọi mặt, đặc biệt là trình độ và khả năng mở rộng mối quan hệ và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư, góp phần giữ gìn, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
d) Thực hiện các báo cáo theo quy định của Hội. Tích cực cung cấp cho ban thường vụ Hội những thông tin có liên quan đến hoạt động của mình và lĩnh vực mình đang hoạt động để Hội có đủ thông tin báo cáo các cơ quan quản lý Nhà Nước có thẩm quyền, đồng thời phục vụ các hoạt động chung của Hội và cung cấp cho các hội viên khác khi có yêu cầu.
e) Tích cực tuyên truyền, quảng bá tôn chỉ, mục đích, điều lệ, hình ảnh và danh tiếng của Hội; Bảo vệ danh dự và lợi ích của Hội; Vận động hội viên hưởng ứng các hoạt động của Hội và tham gia tích cực vào việc phát triển hội viên mới cho Hội.
g) Đóng hội phí hàng năm đầy đủ, đúng hạn theo quy định; Hội viên chính thức và hội viên liên kết mới gia nhập Hội còn phải đóng hội phí gia nhập theo mức do Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định.
(3) Quyền lợi của hội viên
a) Được trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội; được ứng cử, đề cử và bầu cử vào các cấp lãnh đạo Hội.
b) Được tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác với các đối tác Việt Nam, Lào và Campuchia; Tùy theo năng lực, nguyện vọng, có thể được Hội mời tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, thẩm định, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trợ giúp pháp lý của Hội; được cung cấp các thông tin hợp pháp về pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia; Được kiến nghị, tư vấn, thẩm định và phản biện xã hội với các cơ quan Nhà Nước để ban hành, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan đến hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia khi được cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền yêu cầu.
c) Được Hội bảo trợ, tạo điều kiện thực hiện các chương trình, dự án, đề án hợp tác kinh tế và đầu tư tại Việt Nam, Lào và Campuchia; Tùy theo năng lực, nguyện vọng, có thể được Hội mời tham gia các chương trình, dự án, đề án mà Hội được cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền yêu cầu tham gia; Được tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kiến thức kinh tế và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác do Hội tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
d) Được Hội cung cấp thông tin về môi trường đầu tư và những thông tin khác liên quan đến kinh tế và đầu tư tại Lào và Campuchia, cũng như thông tin về năng lực của những đối tác là doanh nghiệp, nhà đầu tư Lào, Campuchia.
e) Được Hội hỗ trợ khi tham gia các hoạt động kinh tế và đầu tư tại Việt Nam, Lào, Campuchia; Được yêu cầu Hội trợ giúp pháp lý và can thiệp với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên khi các hoạt động kinh tế và đầu tư của hội viên bị xâm phạm; Được Hội giúp đỡ hòa giải khi có tranh chấp.
g) Được cấp thẻ hội viên theo quy định của pháp luật, được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức của Hội.
h) Được xin chấm dứt tư cách hội viên khi xét thấy không đủ điều kiện hoặc không thể hoặc không muốn tiếp tục tham gia Hội; được đề nghị tạm hoãn thi hành nghĩa vụ của hội viên trong thời gian không quá 01 năm vì lý do chính đáng.
i) Hội viên là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được quyền thay người đại diện và người liên hệ; những người mới này được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ hội viên, trừ các chức vụ do Hội giao cho người đại diện tiền nhiệm phải được cấp quản lý đã giao cho người đại diện tiền nhiệm ra quyết định chấp nhận.
k) Được đề nghị khen thưởng về thành tích phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư với Lào và Campuchia.
l) Hội viên liên kết, hội viên danh dự có các quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ các quyền đề cử, ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội và biểu quyết về các vấn đề của Hội

4. Gia nhập Hội
Thủ tục gia nhập Hội được quy định tại nghị quyết số …./HKTVLC – NQ ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Ban Thường Vụ Trung ương Hội về việc kết nạp, quản lý và chấm dứt tư cách hội viên, theo đó:
(1) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn sau để được kết nạp là hội viên chính thức:
a) Tán thành điều lệ Hội
b) Có nguyện vọng tham gia Hội để đóng góp vào việc phát triển và hợp tác kinh tế và đầu tư với Lào và Campuchia.
c) Có đơn xin trở thành hội viên chính thức của Hội và được ban thường vụ Trung ương Hội chấp nhận.
(2) Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn sau để trở thành hội viên liên kết:
a) Là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chưa hội tụ đủ điều kiện trở thành hội viên chính thức của Hội hoặc là doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ( bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Kiều và Việt Kiều, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân Lào, Campuchia) đang hoạt động kinh tế tại Việt Nam và có đóng góp cho sự phát triển của Hội.
b) Tán thành điều lệ Hội
c) Có nguyện vọng tham gia Hội để đóng góp cho sự nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
d) Có đơn xin trở thành hội viên liên kết của Hội và được Ban thường vụ Trung ương Hội chấp nhận.
(3) Thủ tục kết nạp Hội viên
a) Đối tượng có nhu cầu trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội phải làm đơn tự nguyện xin gia nhập Hội theo mẫu quy định, gửi cùng với các tài liệu liên quan về văn phòng Trung ương Hội ( gọi chung là văn phòng Hội)
b) Khi tiếp nhận hồ sơ xin trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội, văn phòng Hội phải làm giấy biên nhận giao cho đối tượng.
c) Nếu hồ sơ xin trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết đầ đủ và hợp lệ thì trong thời gian 45 ngày kể từ ngày chấp nhận hồ sơ, Chủ tịch hoặc Tổng thư ký Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia có trách nhiệm thay mặt ban thường vụ Trung ương Hội trả lời đối tượng về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đối tượng trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội.
d) Chủ tịch Hội hoặc Tổng thư ký Hội có quyền thay mặt Ban thường vụ Trung ương Hội yêu cầu đối tượng bổ sung, làm rõ các thông tin nêu trong hồ sơ xin trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của đối tượng.
e) Trường hợp không chấp thuận, Chủ tịch Hội thay mặt Ban thường vụ Trung ương Hội trả lời đối tượng bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.
(4) Lễ kết nạp hội viên
a) Tùy từng trường hợp, Trung ương Hội có thể tổ chức lễ kết nạp hoặc không tổ chức lễ kết nạp các hội viên mới, song các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trở thành hội viên của Hội kể từ khi Chủ tịch Hội ký quyết định chấp nhận đối tượng là hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội.
b) Tùy từng trường hợp, Trung ương Hội có thể tổ chức lễ kết nạp cho 1 hoặc một nhóm hội viên sau khi Chủ tịch Hội ký quyết định chấp thuận đối tượng là hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội.
c) Lễ kết nạp hội viên có thể được tổ chức tại trụ sở Trung ương Hội hoặc tại một địa điểm thích hợp trên lãnh thổ Việt Nam, Lào hoặc Campuchia.
d) Tại lễ kết nạp hội viên, các hội viên mới được trao giấy chứng nhận hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội và được trao thẻ hội viên. Hội viên tập thể phải có văn bản ủy quyền người đại diện đến dự và nhận giấy chứng nhận hội viên và thẻ hội viên.
e) Trường hợp không tổ chức lế kết nạp, giấy chứng nhận hội viên và thẻ hội viên được gửi đến đối tượng theo đường công văn.
g) Việc tổ chức lễ kết nạp hội viên mới phải diễn ra trang trọng, thể hiện vị thế của Hội và vị thế của quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Việc tổ chức lễ kết nạp nên gắn với lễ kết nạp nên gắn với các hoạt động kinh tế, đầu tư, giao lưu, làm từ thiện……của Hội. Khuyến khích tổ chức lễ kết nạp hội viên theo tập thể vào ngày truyền thống của Hội ( ngày 6 tháng 5 hàng năm)
(5) Quản lý hội viên sau khi kết nạp
a) Hội viên sau khi kết nạp sinh hoạt trực tiếp với Trung ương Hội hoặc cơ sở Hội tại các Bộ, ngành, địa phương. Văn phòng Hội có trách nhiệm thu thập, lưu trữ thông tin về hội viên.
b) Trung ương Hội hoặc cơ sở Hội tại các Bộ, ngành, địa phương nơi hội viên sinh hoạt có trách nhiệm họp bàn với hội viên, thống nhất xây dựng kế hoạch công tác chung, giao nhiệm vụ cho hội viên và giúp đỡ hội viên thực hiện nhiệm vụ hội viên.
c) Hàng năm, Trung ương Hội hoặc cơ sở Hội tại các Bộ, ngành, địa phương nơi hội viên sinh hoạt có trách nhiệm cùng hội viên đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hội viên để biểu dương hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng nững hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời góp ý, giúp đỡ những hội viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ hội viên.

5. Chấm dứt tư cách hội viên
(1) Hội viên bị chấm dứt tư cách hội viên trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vi phạm điều lệ và các quy định của Hội, làm tổn hại đến uy tín của Hội và tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Hội viên vi phạm những vấn đề trên sẽ bị chấm dứt tư cách hội viên khi được hơn 50% số ủy viên Ban Thường Vụ Hội tán thành.
b) Có đơn xin chấm dứt tư cách hội viên gửi tới Ban Thường Vụ Hội.
c) Hội viên là cá nhân đã chết, hoặc mất tích, hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
d) Hội viên là tổ chức, doanh nghiệp đã tự ngừng hoạt động quá 1 năm hoặc đã được giải thể, phá sản hoặc đã có cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động.
(2) Thủ tục chấm dứt tư cách hội viên:
a) Chủ tịch Hội ra quyết định chấm dứt tư cách hội viên khi hội viên không còn đủ tư cách hoặc xin chấm dứt.
b) Sau khi có quyết định chấm dứt tư cách hội viên, văn phòng Trung ương Hội có trách nhiệm thông báo công khai theo quy định trong quy chế hoạt động của Hội.
c) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chấm dứt tư cách hội viên, hội viên đã chấm dứt tư cách hội viên phải gửi trả văn phòng Hội giấy chứng nhận hội viên và thẻ hội viên. Nhiệm vụ và quyền của Hội viên chấm dứt kể từ khi có quyết định chấm dứt tư cách hội viên.
d) Sau khi hội viên trả lại giấy chứng nhận hội viên, thẻ hội viên, văn phòng Hội xóa tên hội viên đã chấm dứt tư cách hội viên trong danh sách hội viên của Hội và Hội không chịu trách nhiệm hoàn lại các nghĩa vụ mà hội viên đa đóng góp.
6. Hội phí
Hội phí gồm 2 loại: Phí gia nhập và hội phí hàng năm.
(1) Mức phí gia nhập áp dụng như sau:
a) Đối với cá nhân đăng ký gia nhập, mức phí gia nhập là 100.000 đồng/ người/ lần.
b) Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu đăng ký gia nhập Hội, mức phí gia nhập là 2.000.000 đồng/đơn vị/lần.
(2) Mức hội phí hàng năm áp dụng từ năm 2011 như sau:
a) Đối với hội viên là cá nhân, mức hội phí là 200.000 đồng.
b) Đối với hội viên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp: Nếu gia nhập Hội vào thời điểm 6 tháng đầu năm, mức hội phí là 3.000.000 đồng cho năm đó; Nếu gia nhập Hội vào 6 tháng cuối năm, mức Hội phí là 2.000.000 đồng cho năm đó. Các năm tiếp theo mức hội phí là 3.000.000 đồng/ năm.
Các đơn vị cần cân nhắc kỹ trước khi gia nhập Hội. Trường hợp sau khi đã gia nhập Hội, nếu trong vòng 15 ngày kể từ ngày gia nhập mà xin ra khỏi Hội thì Hội sẽ trả lại phí gia nhập và hội phí nêu trên, nếu sau 15 ngày Hội sẽ không trả lại.
(3) Ngoài đóng góp phí gia nhập và hội phí, Ban chấp hành Trung ương Hội kêu gọi, khuyến khích hội viên phát huy lòng hảo tâm, tự nguyện đóng góp cho các quỹ của Hội để giúp Hội có thêm kinh phí trang trải cho các hoạt động của Trung ương Hội.
7. Vận động tham gia Hội
Trên đây là một số thông tin khái quát về Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Trung ương Hội hy vọng sẽ phần nào giải đáp được nhiều ý kiến thắc mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu về Hội và có nguyện vọng gia nhập Hội, đồng thời rất mong và kính mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký làm hội viên của Hội dưới hai hình thức hội viên cá nhân và hội viên tập thể.
Ngoài ra, đề nghị giúp đỡ thông báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khác có điều kiện tham gia Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nan – Lào – Campuchia về những thông tin trên và mời họ đăng ký tham gia hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia.
Hồ sơ đăng ký hội viên xin gửi về địa chỉ: Văn phòng Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, phòng 707, tòa nhà Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, số 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 08043470, fax: (04) 08043470, Email: vilacaed@mpi.gov.vn, vilacaed@yahoo.com.vn ; web: www.vilacaed.org.vn
Tài khoản: Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam  - Lào – Campuchia, số tài khoản: 0011002686355  tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội.
Để Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia nhanh chóng trưởng thành, phát triển vững mạnh, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, Trung ương Hội rất mong sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia tích cực đăng ký tham gia Hội của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ba nước Việt nam, Lào, Campuchia.
Văn bản này có giá trị kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với nội dung văn bản này đều bãi bỏ.
                    Hội Phát triển hợp tác kinh tế VN - Lào - CPC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét